Vì sao teen quay lưng với cải lương?

Còn nhớ cách đây vài năm, trong các chương trình gameshow thi thoảng lại thấy một câu hỏi kiểu “Đâu là tên một loại hình nghệ thuật dân gian mà người dân Nam Bộ rất ưa thích?”...

...và khỏi phải nói ai cũng biết đáp án chính là cải lương. Vậy thì do đâu những “Người dân Nam Bộ” thế hệ mới lại dần xa lánh nó?

Hình ảnh


Vài năm trở lại đây, sân khấu cải lương đang ngày càng thưa thớt khán giả, và các show biểu diễn cải lương trọn tuồng cũng ít dần đi, thay vào đó là các chương trình ca nhạc, thời trang và đủ các thứ khác. Đó phải chăng là cải lương đã không còn phù hợp với thời đại? Do các nghệ sĩ thời nay không còn chất lượng như xưa? Hay là do bản thân các bạn cố tình không chịu tiếp nhận chúng?

Người ta thường cho rằng lý do không thích bộ môn này là vì xem nó cảm thấy chán, buồn ngủ, nói như thế không phải là không có căn cứ, vì cải lương chủ yếu khai thác vào những tình huống éo le, bi đát, không phải ai cũng dễ dàng nghe và cảm nhận. Nhưng theo mình, thực chất đó chỉ là cái cớ, vấn đề chính là tự các bạn không muốn thấu hiểu thôi.

Thứ nhất, bạn đã bao giờ nghe một người bạn cùng lớp (hoặc cùng trường) biểu diễn một câu vọng cổ chưa? Bạn có vỗ tay tán thưởng không? Có chăm chú lắng nghe không? Chắc chắn là có, điều đó cũng có nghĩa là các bạn đâu quay lưng với nó, ít nhiều các bạn cũng có một sự yêu thích riêng mà.

Thứ hai, tôi đã từng gửi cho một số người bạn vốn không thích cải lương xem những clip hồ quảng hay, và họ cũng tấm tắc khen ngợi, vì đâu phải chỉ có lâm ly, cải lương còn có vô số những đoạn ra trận vô cùng hùng tráng, hay những đoạn sum vầy vui tươi, có cả những vở mang tính hài hước, gây cười, vậy thì tại sao phải từ bỏ?

Thứ ba, chỉ một đoạn “vọng cổ” rất ngắn mà “thảm họa” Teen vọng cổ lại làm mưa làm gió trên các diễn đàn âm nhạc suốt một thời gian dài, thật sự mà nói thì giai điệu và lời của ca khúc không có gì đặc biệt, nhưng các bạn lại chú ý đặc biệt đến phần cuối bài hát. Nói như thế thì phải đâu bản thân chúng ta không yêu mến loại hình này

Cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng những bạn trẻ ngày nay yêu mến cải lương thường bị xem là “lập dị”, “khác người”, nhưng tôi thấy điều đó chẳng là gì cả, tôi tự hào vì mình là fan cuồng của cải lương, mọi người có nói gì thì một vài lần cũng chán, đâu có ai nói được đến suốt đời, và rồi mọi người vẫn thế, không ai xem tôi là “lập dị”, “khác người”, tôi vẫn sống, vẫn vui vẻ, bạn bè vẫn ở bên tôi

Nếu bạn nói rằng giới nghệ sĩ ngày nay không bằng lớp người đi trước, có lẽ không sai, và chuyên môn cũng đồng tình với quan điểm ấy, tuy nhiên, mỗi người đều có cái hay riêng, và ta đều tìm được ở họ một lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề, luôn tìm cách vực dậy bộ môn nghệ thuật lâu đời của dân tộc

So với nhiều thể loại khác như hát bội, chầu văn, ca trù... thì “tuổi đời” của cải lương ít hơn hẳn: Năm 1920, Bác Sáu Lầu sáng tác ra bản Dạ cổ hoài lang 2 nhịp, rồi sau này các nghệ sĩ chuyển thể thành 4 nhịp, 8 nhịp, từ đó mà thành những bài vọng cổ đầu tiên, chỉ chưa đầy 100 năm mà bộ môn ấy lại biến mất, liệu có đáng hay không?

Tôi xin tạm kết lại bằng một ý kiến bản thân, dù ngày nay chúng ta hội nhập với thế giới, nhưng vẫn luôn giữ gìn những nét đẹp, tinh hoa lâu đời, ấy thế mà thực tế đó chỉ là trên lý thuyết, còn nguyên nhân lại bắt đầu từ chính chúng ta — những con người trẻ của đất nước hôm nay.

KENRAN Shikato - Theo Mực Tím

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương