Phép vua thua lệ làng?


Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh: Phép vua thua lệ làng?

Từ hơn 30 thí sinh trúng tuyển, đến thời điểm này, lớp đạo diễn K15 Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM hiện chỉ còn bốn sinh viên đủ điều kiện thi tốt nghiệp và năm sinh viên xin bảo lưu điểm. Điều bất thường ở đây là không ít sinh viên đã bị buộc thôi học chỉ bằng quyết định “miệng” của các giảng viên. Đáng nói hơn, việc buộc thôi học này được xem là chuyện “bình thường” ở Khoa Sân khấu suốt một thời gian dài.

Hình ảnh


Luật bất thành văn, ngay từ học kỳ đầu tiên, các tân sinh viên (SV) Khoa Sân khấu đã được giảng viên và những người phụ trách khoa thông báo: “Những SV bị điểm 4 chuyên môn sẽ bị buộc thôi học”, kèm theo lời giải thích: “Không có năng khiếu mà theo nghệ thuật chỉ khiến các em tốn công, tốn tiền cha mẹ. Thà nghỉ học để lựa chọn một ngành nghề khác phù hợp hơn”. Quan điểm này đã gây bức xúc cho cả SV bị buộc thôi học lẫn SV đủ điểm vượt qua các kỳ thi. Để trở thành SV của trường, các em phải trải qua kỳ thi tuyển sinh gay go thì vì sao chỉ qua một hai đợt thi học kỳ, các em đã bị buộc thôi học vì cho là không có năng khiếu, thậm chí không có cả cơ hội thi lại lần hai?

V.Đ. - quê ở một tỉnh phía Bắc, trở thành tân SV lớp đạo diễn (ĐD) K15 với ước mơ có được tấm bằng về quê làm việc, nhưng mới hết năm thứ nhất, V.Đ. đã bị đuổi học vì vướng “quy định” trên. “Đến giờ, tôi vẫn không dám cho gia đình biết mình đã bị buộc thôi học. Tôi không biết có thể giấu bố mẹ được đến khi nào…”.

Cùng lớp với V.Đ., T.A. - tốt nghiệp ĐD điện ảnh ở Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, và tiếp tục theo học ĐD sân khấu để bổ sung kiến thức nghề nghiệp. Sau một học kỳ, T.A. cũng bị cho thôi học vì chỉ được điểm 4 chuyên môn. T.A. ấm ức: “Học kỳ đầu tiên chỉ học kỹ thuật biểu diễn, tôi có học làm diễn viên (DV) đâu mà lấy điểm kỹ thuật biểu diễn để làm căn cứ đánh giá năng lực của tôi?”.

Hình ảnh
Được có mặt trong lễ tốt nghiệp là ước mơ ngoài tầm với của không ít SV Khoa Sân khấu Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM

Hai trường hợp bị buộc thôi học của N.T. và T.T. ở lớp CĐ DV K15 từng khiến cả Khoa Sân khấu xôn xao. Là á khoa kỳ thi tuyển sinh năm 2009 nhưng kết thúc học kỳ đầu tiên với điểm 4, đồng nghĩa với việc “đứt gánh giữa đường”, không chỉ khiến T.T. sốc mà còn gây bức xúc cho một số bạn học. N.T. (thủ khoa kỳ thi tuyển sinh năm 2009) đã phản đối quyết định của giảng viên ngay tại lớp. Kết quả: T.T. vẫn bị buộc thôi học còn N.T. quyết định nghỉ học vì không chấp nhận sự vô lý đó. T.T. tâm sự: “Em rất mê nghề DV. Trúng tuyển với số điểm cao, cứ tưởng mình đã chạm tay được vào ước mơ, không ngờ… Dù gia đình động viên đi thi lại nhưng em không còn đủ tự tin”...

Những SV cùng cảnh ngộ với V.Đ., T.A., T.T. đã hy vọng, chờ ý kiến chính thức từ Ban giám hiệu (BGH) nhà trường, nhưng thời gian trôi qua, mọi chuyện vẫn tiếp diễn…

Đem những bức xúc của các SV đặt “lên bàn” của ông Lê Minh Đức (Trưởng phòng Đào tạo) và ông Huỳnh Lê Tuân (Hiệu phó), cả hai ông đều thừa nhận, việc buộc SV thôi học vì điểm 4 chuyên môn là điều từng được Trưởng khoa Sân khấu - NSƯT Thành Hội đưa ra trong cuộc họp hội đồng. Nhưng đó chỉ là quy định riêng của Khoa và cũng có một số ý kiến không đồng tình. Nhà trường chưa hề ra một quyết định đuổi học nào với lý do này. Hội đồng kỷ luật của trường chỉ xét buộc thôi học đối với các SV có điểm trung bình các môn dưới 3,5.

Hình ảnh
Sự nghiệt ngã của "lệ làng" đã tước đoạt không ít cơ hội làm nghề diễn của SV -
(Ảnh từ trang web của Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM)


Những SV bị buộc thôi học cho biết, quy định điểm 4 chuyên môn sẽ phải nghỉ học được nhắc “miệng” nhiều lần từ đầu năm học đến trước khi công bố điểm thi. Khi bị điểm 4, SV đương nhiên tự hiểu là mình đã không còn được phép bước chân vào lớp. Khi tổng kết năm học, SV sẽ bị cho thôi học một cách “hợp pháp” vì vắng mặt cả học kỳ, không hề có điểm của bất kỳ môn học nào.

Đặt vấn đề về “việc SV bị buộc thôi học vì bị điểm 4 mà không hề có cơ hội được thi lại là sai quy định" và việc nhiều SV cho rằng: “Khoa Sân khấu giống một vương quốc thu nhỏ, có quyền quyết định tất cả, bất chấp quy định chung của trường”, ông Huỳnh Lê Tuân thừa nhận: “Cách làm đó là sai. Chỉ trong một học kỳ nhưng có đến 30% SV thôi học là một hiện tượng bất thường mà nếu như có sự quan tâm đúng mức, BGH phải tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời chấn chỉnh. Đây là bài học kinh nghiệm cho chúng tôi. Trước đây, đã có lúc mỗi một khoa được xem như một “trường con” nên SV có cảm giác mỗi khoa giống một vương quốc, trường chỉ biết những sự việc nào được khoa báo cáo lên. Đó cũng là một bất cập trong công tác quản lý và đào tạo mà chúng tôi đã nhận ra và phải thay đổi”.

Một kiểu làm việc vô nguyên tắc, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của SV như vậy, đã kéo dài nhiều năm, BGH cũng đã biết nhưng vẫn tồn tại. Thật khó hiểu! Vấn đề không chỉ ở Khoa Sân khấu mà chính là ở sự tắc trách, vô trách nhiệm của BGH trường. Ai sẽ xử lý sự tắc trách đó?

THẢO VÂN

NSƯT Thành Hội: “Đuổi là nhân đạo!”

Hình ảnh

Tìm đến NSƯT Thành Hội, ông thừa nhận việc đã có nhiều sinh viên (SV) bị đuổi học. Ông bảo: “Đuổi là còn nhân đạo đó!”. NSƯT Thành Hội trần tình, ông chẳng vui gì khi phải quyết định đuổi một SV - những học trò do chính ông dạy dỗ, nhưng đó là “cách tốt nhất”, theo ông, đối với tương lai của học trò. “Có đứa mình đuổi nó, nó khóc như cha chết, nhưng bây giờ nó yếu quá thì biết làm sao” - Thành Hội nói.

* Nhưng thưa ông, SV không đạt kết quả tốt trong một kỳ thi thì họ rớt; rớt thì thi lại; vẫn rớt thì học lại chứ đâu có quy định nào cho phép đuổi học trò như vậy?

- Không phải quy định nào cũng đúng đâu. Bạn phải hiểu đây là một ngành đặc thù, không giống như giáo dục phổ thông. Theo yêu cầu, SV năm thứ nhất là phải đạt đến mức độ này; năm thứ hai phải đạt đến mức này. Đạt tức là năm điểm đấy. Mà năm điểm, ra nghề cùng lắm cũng chỉ đóng vai quần chúng thôi. Bây giờ năm điểm họ cũng không đạt thì mình phải đuổi chứ. Để đến được một kỳ thi, SV phải thực hiện cả chục tiểu phẩm. Ở mỗi tiểu phẩm, chúng tôi đều tận tình hướng dẫn, chăm chút cho từng li từng tí, đến gần kỳ thi, trong số những tiểu phẩm ấy, SV sẽ được chọn cái ưng ý nhất rồi chúng tôi lại chăm chút để ra thi. Đó là cả một quá trình dài chúng tôi dõi theo học trò để biết năng lực thực sự của từng người chứ không phải hễ rớt một cái là đuổi. Nói vậy cũng oan cho chúng tôi lắm. Học trò mình dạy bao lâu, đuổi họ mình xót xa lắm chứ!

* Không phải ai đi học diễn viên cũng ra diễn kịch; không phải ai học đạo diễn cũng ra làm nghề. Có khi họ học chỉ để cho biết, cho vui hoặc để làm việc khác.

- Ngay cả học để làm việc khác thì cũng phải đạt những yêu cầu cơ bản. Còn nếu bảo là học cho biết, cho vui thì ra ngoài lò.

* Nhưng họ muốn được đào tạo bài bản…

- Cái đó không được. Ở trường, giáo viên có những quyền hạn nhất định. Một giáo viên có quyền không nhận một học trò. Nói thật, đuổi SV không phải là trường đuổi mà là tôi đuổi. Chúng tôi có một hội đồng từ ba đến năm người. Khi hội đồng đã quyết định thì trường cũng phải chịu thôi. Đuổi để họ theo học cái khác, tìm một việc khác tốt hơn. Hồi còn đi dạy, tôi còn đánh học trò nữa kìa - đét đít đàng hoàng. Không phải đánh cho đau mà là đánh cho nhớ. Mà trước khi đánh là có dạy - dạy rồi mới đánh. Giờ nghỉ trưa, SV nam nữ nằm gác chân gác tay, kêu dậy, đánh. SV hai roi, lớp trưởng ba roi. Cha mẹ họ gửi con vào trường, giao cho mình, coi như mình thay mặt cha mẹ họ dạy dỗ họ; mình dạy không nên thì cha mẹ họ sẽ nghĩ sao?

* Trở lại chuyện học trò dở. Nếu họ dở, sao mình còn nhận để rồi đuổi họ?

- Chuyện này liên quan đến chỉ tiêu nhà nước. Nhiều khi mình thấy khóa này chỉ có chục đứa khá, nếu dạy dỗ, học hành đàng hoàng thì có thể vác gươm giáo đi chiến đấu, nhưng chỉ tiêu lại nhiều hơn. Chẳng hạn khóa này phải có 10 đạo diễn, 10 diễn viên thì mình phải nhận thôi. Tất nhiên mình vẫn có quyền bảo là: “Không, năm nay tôi chỉ nhận 10 người thôi”. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là năm sau chỉ tiêu sẽ chỉ còn 10. Nếu năm sau có nhiều người giỏi hơn, xứng đáng được nhận thì thiệt thòi cho họ. Đó là chưa kể số SV ít quá thì nguy cơ là phải dẹp ngành. Trường đâu có chịu như vậy.

* Chắc là SV oán ông lắm?

- Oán chứ! Nhưng rồi từ từ họ cũng hiểu ra. Hôm rồi, có SV cũ đến Hoàng Thái Thanh xem kịch, tôi hỏi: "Còn oán thầy nữa không?", em ấy bảo, hết rồi. Hỏi: "Giờ làm gì?", em bảo, đã đi học gì đó, ra làm việc rồi và sống được. Biết vậy mình cũng mừng.

THÀNH NHÂN (thực hiện)

Việc buộc thôi học là quy định của khoa

Hình ảnh
Giảng viên - ĐD Nguyễn Hồng Dung


Việc buộc thôi học những SV từ 4 điểm chuyên môn trở xuống là quy định của khoa. Tôi chỉ là giảng viên bộ môn và là một trong những thành viên của hội đồng chấm thi. Tôi chấm điểm SV theo đúng khả năng của các em, còn quyết định cuối cùng thuộc về khoa và nhà trường.

T.V. (ghi) - Theo PNO

Phép vua thua lệ làng?

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương