Dự án Sân khấu học đường: Vẫn chỉ là “ném đá ao bèo”?

Hội nghị Tổng kết dự án “Sân khấu học đường” giai đoạn 2007 – 2010 do Bộ VHTTDL tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 12.8.2011 tại Hà Nội.

Được triển khai từ năm 2001 đến nay, dự án thật sự đã tạo nên những chuyển biến trong nhận thức về nghệ thuật sân khấu dân tộc ở một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, ở giai đoạn kết thúc dự án, chính bản thân những người thực hiện cũng đã có nhiều trăn trở… Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng tác động của dự án mới chỉ dừng ở “ném đá ao bèo”?

Xem con diễn tuồng, phụ huynh khóc…

Những câu chuyện ghi lại được từ những người đi thực hiện dự án Sân khấu học đường (SKHĐ) ở từng địa phương hẳn sẽ làm không ít người cảm động trước cái tình của các diễn viên nhí, phụ huynh có con em mình biểu diễn và cả người xem.

Đêm báo cáo dự án SKHĐ của tỉnh Thanh Hóa dự tính sẽ diễn ra tại Hội trường nhà văn hóa, nhưng chưa tới giờ biểu diễn khán giả đã tới đông nghịt, Ban tổ chức đã phải đưa sân khấu ra quảng trường để biểu diễn mới phục vụ được nhu cầu của đông đảo khán giả.

Tại đêm diễn báo cáo giai đoạn 1 của dự án tại Nhà hát Lớn không ít khán giả đã phải cười chảy nước mắt khi xem em bé 14 tuổi của Hà Tây diễn vai Xã trưởng ve mẹ Đốp thật đạt và hài hước. Khi mới thực hiện dự án ở Đông Anh (Hà Nội), nhiều thầy cô giáo và phụ huynh e ngại sợ học trò sẽ không có thời gian và cả sự say mê để tham gia học và diễn tuồng.

Ấy vậy mà, các em đã học rất say mê khiến phụ huynh và thầy cô giáo vô cùng ngạc nhiên. Nhìn con mình diễn tuồng trên sân khấu, có phụ huynh đã không cầm được nước mắt vì vui… Đó là lý do nghệ thuật đã khiến cho các em quên đi những trò chơi vô bổ và gây nhiều tác hại như nghiền games…

Nhưng có lẽ các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở địa phương thực hiện dự án lại được lợi nhất. Nhờ có dự án SKHĐ mà Đoàn cải lương Nam Định mới được khởi sắc, sự xuất hiện và tham gia của các em học sinh trẻ đã giúp cho đoàn lấy lại được tiếng vang và các em đã trở thành những hạt nhân mới, tích cực của đơn vị.

Anh Đinh Minh Mẫn – Trưởng đoàn Đoàn Văn công Đồng Tháp cho biết khi thực hiện dự án, rất nhiều em còn chưa hề có khái niệm cải lương là như thế nào nhưng khi được tập, được ca thì khán giả lại vô cùng kinh ngạc trước sự bất ngờ khi được nghe những giọng ca rất trẻ tuy còn non nớt nhưng đã lấp lánh tài năng với những bản nhạc khó như Dạ cổ hoài lang.

Đội ngũ học sinh trẻ này đã được Đoàn Văn công Đồng Tháp tận dụng, bổ sung vào tham gia trợ diễn để làm tăng sức hấp dẫn, thanh xuân cho đơn vị. Cho tới thời điểm này, đơn vị thực hiện dự án vẫn tiếp tục nhận được những báo cáo tổng kết dự án và thư cám ơn của các vị hiệu trưởng của các trường THCS với những lời lẽ thừa nhận sức hấp dẫn của dự án đã khơi dậy tình yêu nghệ thuật dân tộc không chỉ cho lớp trẻ mà cho cả những người người lớn tuổi như các thầy cô giáo và các vị phụ huynh.

Vì sao mới chỉ là "muối bỏ bể"?


Dự án SKHĐ đã cung cấp cho các em học sinh những kiến thức và khái niệm cơ bản về sân khấu dân tộc, quá trình hình thành, tác động của sân khấu với lịch sử và xã hội. Giúp các em học được cách ca hát và diễn xuất của từng bộ môn đặc sắc tại địa phương của mình.

Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành cho biết: “Ngay cả việc tập báo cáo để tham gia biểu diễn vào đợt Hội nghị này, các đơn vị nghệ thuật và học sinh ở các trường cũng đã phải tốn rất nhiều công sức để tập lại các tiết mục. Chưa kể rằng một số em học sinh sau vài ba năm đã lớn, sự rơi rụng kiến thức đã học cũng là điều khó tránh khỏi”.

10 năm qua dự án SKHĐ đã được thực hiện ở 90 trường phổ thông trung học tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Một số trường thực hiện dự án, sau khi biểu diễn báo cáo kết quả đã thành lập CLB Nghệ thuật dân tộc và được Ban chỉ đạo dự án trang bị nhạc cụ, trang thiết bị âm thanh, phục trang… Mỗi một địa phương lấy 3 trường THCS làm thí điểm thực hiện dự án.

Địa phương nào mạnh về bộ môn nghệ thuật dân tộc nào như tuồng, chèo, cải lương, dân ca… thì lấy chính bộ môn đó, lực lượng nghệ sĩ của địa phương để đào tạo, hướng dẫn cho học sinh tham gia dự án. Đáng tiếc là những CLB Nghệ thuật dân tộc sau những giây phút tưng bừng khai trương thì rồi hầu hết đều dừng hoạt động vì không có kinh phí. Hơn thế, số lượng 90 trường so với con số hàng chục nghìn trường phổ thông trên cả nước thì chỉ là "muối bỏ bể".

Được biết, Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành lấy ý kiến cho dự án đưa sân khấu truyền thống vào chương trình giảng dạy chính khóa. Nếu dự án này được chấp nhận thì đây sẽ là một bước ngoặt hoàn toàn mới để kích thích sự phát triển cho sân khấu dân tộc.

Sân khấu học đường ví như một dòng nước mát nhỏ nhoi đến cánh đồng đang khô cạn. Thành quả tập luyện và báo cáo của các em được các trường và thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh hưởng ứng. Nhưng sau khi dự án rút thì lập tức bị xếp kho. Theo tôi dự án sân khấu học đường mới chỉ đang "ném đá vào ao bèo"… bởi lẽ chúng ta chưa có kinh phí và phương thức triển khai từ những kết quả đã đạt được. Những kiến thức học tập của các em về sân khấu dân tộc theo năm tháng sẽ chẳng còn đọng lại trong các em nữa. (Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn)

Hiền Lương - Theo www.baovanhoa.vn

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương