Thế nào là "phim truyện cải lương"?

Việc tái dàn dựng các vở cải lương (CL) hay, ăn khách một thời vốn không phải là cách làm mới, nhưng với thông tin dựng Mùa thu lá bay - một vở CL gắn liền với liên danh Bạch Tuyết - Minh Phụng bằng hình thức phim truyện CL với cặp đôi Vũ Luân - Ngọc Trinh thì khá… lạ!

Lạ vì nghệ sĩ (NS) trẻ Ngọc Trinh dù có giọng ca ngọt ngào nhưng cô gái đến từ Long An này lại sở hữu một sắc vóc thích hợp những vai thôn nữ hoặc đào mụ hơn là đào thương. Và rõ ràng, ngay từ phần một, Mùa thu lá bay đã bộc lộ quá nhiều hạn chế, nếu không muốn nói là một vở CL đậm chất… diêm dúa.

Một chàng thư sinh Vân Lâu (Vũ Luân) với lớp phấn nền dày bệt và loang lổ vì mồ hôi. Những đoạn cao trào của cảm xúc, chả biết đâu là nước mắt đâu là… mồ hôi. Một cô gái “sương khói mong manh” Hàn Ni (Ngọc Trinh) với đôi mắt xanh xanh, hồng hồng, riêng phần mí trên được phối màu đồng pha kim tuyến bóng bẩy khiến những khi “chớp lóe” cứ như mắt... Tề Thiên Đại Thánh! Phục trang thì hôm trước mặc đồ này, hôm sau tiếp tục mặc lại. Trong một buổi chiều tà, Vân Lâu cùng Hàn Ni đi dạo ngoài khu vườn hoa, lúc trở về đã thấy anh mặc một bộ đồ khác! Đó là chưa nói phần âm thanh, vì phần ca đã được thu sẵn nên âm thanh rất tròn, có độ vang nhưng chuyển qua phần nói, do thu trực tiếp tại phim trường nên lại mộc, thô đến… trần trụi. Khán giả cứ phải liên tục chỉnh… lỗ tai để nghe ca không quá to, nghe nói không quá nhỏ!

Lại nói về thể loại “phim truyện CL”, có lẽ đây là một “phát minh” của nhà đài! Việc xác định một thể loại cần dựa trên những yếu tố đặc thù kèm theo, từ kịch bản, âm nhạc, thiết kế đến nghệ thuật diễn xuất, dàn dựng... Với Mùa thu lá bay, kịch bản không khác một kịch bản của sân khấu CL sàn diễn hoặc sân khấu CL theo hình thức video. Ánh sáng, góc quay… cũng như tạo hình và diễn xuất của diễn viên càng không dính gì đến “phim truyện” mà lồ lộ chất sân khấu - video; vậy thì hà cớ gì phải gắn cái mác “phim truyện CL?”. Chẳng lẽ vì phần thoại thu thanh trực tiếp tại phim trường, phần ca thu trong phòng thu, riêng phần ghi hình thì thực hiện tại phim trường + không gian ngoại cảnh, mà đã đủ “vốn” để hình thành một thể loại mới? Nhiều NS tham gia “phim truyện CL” đã phát biểu, cách làm mới này giúp tâm lý diễn xuất của họ được… thật hơn. Xin thưa, VTV đã từng “khai sinh” cái gọi là Nhà hát truyền hình, nghĩa là một vở diễn trình diễn trên sân khấu được ống kính truyền hình trực tiếp truyền sóng. Cảm xúc, tâm lý biểu diễn, hóa trang… đều được bộc lộ trực diện; còn việc thu ca một nơi, thu nói một nẻo thì chả biết các NS tài giỏi đến mức nào mà nối liền được hai sự gãy khúc nói trên.

Một kịch bản CL truyền thống có chất lượng cộng với một ống kính truyền hình biết phát huy ngôn ngữ đặc thù của nó cũng đủ sức làm nên một vở CL truyền hình. Và đơn giản, xin hãy gọi đó là CL truyền hình. Thế thôi!

Nguyễn Thu Cúc ( Q.7, TP.HCM) - Theo PNO

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương