Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân


    Nghệ sĩ (NS) Trường Xuân tên thật là Hồ Trường Xuân, sinh năm 1929 tại huyện Trà Ôn (Cần Thơ). Sinh thời, ông ít tâm sự về gia thế. Người hiểu biết về gia đình ông cũng chỉ biết ông có 6 anh em. Ông là người duy nhất trong gia đình theo nghiệp hát. Ông từng có vợ và không có con, nhưng vợ chồng ông có hai con nuôi, một trai một gái...
    Vợ ông sống bằng nghề nông ở huyện Trà Ôn... Đời đi hát rày đây mai đó, nên vợ chồng không sống gần nhau. Sau này khi hát ở SaiGon 1, ông có đưa người vợ này lên sống chung ở trụ sở đoàn này. Vợ chồng ông sống khá đạm bạc. Về cuối đời ông vẫn gắn bó với sân khấu, thủy chung cả với những nỗi buồn sân khấu thưa thớt như tuổi về chiều đơn độc...
    ĐẾN VỚI SÂN KHẤU BẰNG NGHỀ... NHẮC TUỒNG
    Mê nghề hát từ nhỏ. Khi còn đi học, ông đã được người anh ruột dạy cho một số bài bản để nghêu ngao. Đến năm 1943 vừa thi đậu bằng C.E.P.C.I, đúng dịp đoàn Tiến Hóa (bầu Trúc Viên) về hát ở Trà Ôn (Có các NS tài danh Chín Châu, Ngọc Thạch, Út Trà Ôn,...), Trường Xuân lân la đến đoàn hát. Nhờ có mối họ hàng bà con xa với NS Út Trà Ôn, nên ông được giới thiệu vào đoàn. Sau khi kiểm tra học lực của cậu nhỏ Trường Xuân lúc đó, ông bầu Trúc Viên có vẻ hài lòng giao cho nhiệm vụ... nhắc tuồng và "ra vai" cho nghệ sĩ hát. Tuy chưa được ra sân khấu hát, nhưng với bản tính kiên nhẫn, ham học, Trường Xuân không hề nản chí mà còn làm việc rất nghiêm túc, hơn nữa, ông còn học thuộc các vai, ca rành các bài bản mà đoàn trình diễn hàng đêm.
    Bước chân của chàng trai trẻ luôn háo hức tìm cơ hội bước lên sân khấu, nhận được vai diễn của mình đã đưa Trường Xuân đi qua rất nhiều đoàn hát: Đoàn Chấn Hưng (năm 1944), tiếp cận với các NS Bảy Cao, Năm Nghĩa, Thanh Tao, Ánh Nguyệt,... ông được làm... quân sĩ! Về đoàn Tân Hí, gặp được các NS Tư Hélène (Bà ngoại của Thanh Hằng, Thanh Ngân), Ba Tẹt, Kim Ngân, Hai Tỵ,... nhưng vẫn chưa được giao vai gì. Năm 1945 khi qua đoàn Tân Xuân, ông mới được giao vai diễn đầu tiên Lý Du Hòa (Vở "Chiếc lá vàng") hát chung với Tư Hélène, Như Long, hề Quốc Trượng,.. Sau đó, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, đoàn ngưng hoạt động. Theo tiếng gọi của non sông, ông gia nhập Thanh niên Tiền phong quận Long Mỹ (Cần Thơ). 1946, đoàn Tân Xuân tái lập, ông lại theo tiếng gọi của cải lương mà tìm về đoàn hát và tiếp tục học nghề theo cái cách của riêng mình. Bước chân giang hồ lãng tử lại đi qua các đoàn hát của Hề Lập, diễn nhiều vở tuồng hương xa màu sắc, rồi ông lại qua đoàn Hậu Tấn (bầu Năm Nghĩa), ông học được cách vào những vai diễn xã hội... Cứ thế, như con ong cái kiến tha mồi về tổ, Trường Xuân đi nhiều, quan sát và thu về cho mình những vốn nghề, vốn sống mà không phải ai muốn cũng có được...
    Ngày xưa, muốn nổi danh trên sân khấu cải lương trước tiên ca phải mùi. Chính vì "thất" về giọng ca nên ông không ngừng rèn tập diễn xuất, khổ luyện từ bàn tay, đôi mắt đến tiếng nói, giọng cười... Làm kép độc, ông cũng phải "làm quen" với nhiều tình huống "tủi thân", nhất là khi ông đang làm chủ sân khấu, chỉ cần kép mùi cất giọng ca thì cả thiên hạ như không còn thấy có... kép độc trên đời! Tuy nhiên, ngay trong chính sự "bạc bẽo" ấy, đôi lúc người nghệ sĩ chân chính vẫn tìm thấy một niềm vui nhẹ nhàng, có ý nghĩa. Bởi, sự ác nghiệt, tàn độc của nhân vật mình thủ diễn đã góp phần cho những vai diễn khác đẹp hơn.
    Trong nhận định cá nhân, Trường Xuân cho rằng đến năm 1959 ông mới thật sự "trưởng thành trong nghề, có một số kiến thức và kinh nghiệm sân khấu. Tôi vào nghề không có hơi ca, giọng khàn như... ngỗng đực, nên tôi chỉ biết cố gắng tập trung cho diễn xuất để tạo vị thế cho mình" - Lời tâm sự của NSƯT Trường Xuân cho thấy dẫu bước vào nghề nhiều đam mê (nếu không thì đã chẳng bỏ học mà theo nghề như thế) nhưng ông cũng rất sáng suốt nhận định khả năng của mình, ông không nhiều ảo vọng nên những "thiệt thòi" của nghề kép độc ông cũng nếm trải với một lòng bình thản, bao dung.
    Đúng như ông tự nhận xét về mình, bắt đầu từ đầu thập niên 1960, NS Trường Xuân trong các vai độc đã được nhiều người xem chú ý thích thú. Đầu tiên là vai Hoàng đế Diệp Chấn Phong (Vở "Thuyền ra cửa biển") trên SK Kim Chưởng, nét diễn độc có chiều sâu, luôn làm người ta cảm thấy rờn rợn khi nhân vật xuất hiện là một ấn tượng khó quên đối với khán giả khi nói về kép độc Trường Xuân. Tuy nhiên, tạo bất ngờ lớn thì phải kể tới vai Đại đế Mông Kha (vở "Hai chiều ly biệt") khi ông xuất hiện trên SK với... cái đầu trọc lóc! Ông đã tạo ra một xì-căng-đan dữ dội đối với báo chí và khán giả. Song, gây sự chú ý về ngoại hình không phải là chủ ý của ông, mà chính những vai diễn được các tác giả chăm chút mới là nguồn cảm hứng giúp ông tìm thấy sự phong phú muôn mặt của cái độc...
    Từ sau giải phóng, ông chỉ cộng tác thủy chung với Đoàn cải lương SaiGon 1. Người ta nhớ về ông gần như trọn vẹn gương mặt, vẻ hiểm ác, nếu như chỉ nghe nhắc về các vai diễn: Mục sư (vở Mối tình qua tết Liboong), Khâm sai Tích Trung (vở "Bình Tây Đại Nguyên soái"), Đại úy (vở "Người ven đô"), Thiếu Tá (vở "Cho trọn cuộc tình"), Cai tổng (vở "Hoa đất đỏ")... "Lợi thế" của ông là giọng nói khàn đục, luôn cố tình áp đảo tinh thần đối phương với đôi mắt to lồ lộ như nhìn thấu tim gan kẻ khác. Dù đã sống qua hầu hết các dạng vai độc (độc lẳng có cợt đùa, độc nịnh pha hài chút ít, độc ngầm, sâu hiểm, độc bạo tàn, dâm đãng...) nhưng NS Trường Xuân thích thể hiện dạng vai độc ác khó lường, ngoài miệng ngọt ngào mà giết người trong phút chốc. Ông cho rằng một con người bề ngoài có vẻ dễ dãi, xuề xòa, nhưng khi ra tay thì hạ thủ không thương tiếc là dạng vai khó, bởi, để thấu hiểu tận cùng hoàn cảnh, nguyên nhân và bản chất của cái ác, cũng như thể hiện nó một cách cô đọng, thuyết phục là cả một quá trình nhận thức, sáng tạo... Bây giờ nhắc đến ông, nhiều người vẫn gọi ông là "vua độc" bởi ấn tượng đặc biệt về nhân dáng và lối diễn xuất lôi cuốn của ông.
    Sẽ là "bất công" nếu nhắc về NSƯT Trường Xuân mà quên những thành công bất ngờ của ông trong các vai không thuộc sở trường, như ông già nông dân (vở "Miền đất ngọt ngào"). Đó là một bất ngờ rất xúc động, bởi sự trong sáng chân thành trong diễn xuất. Một vai khác-thầy bói Ngao (vở "Ngao sò ốc hến") cũng là một vai diễn độc đáo, đầy dấu ấn sáng tạo. Những vai tính cách đó đã làm bật sáng hơn tài năng của người nghệ sĩ luôn lao động nghiêm túc với nghề.
    ... Năm 1998, NSƯT Trường Xuân từ giã cõi đời, vì bệnh suyễn, thọ 71 tuổi. Mong ước cuối đời ông dường như chẳng có gì lớn lao hơn việc giúp cho người vợ-còn lại một mình-được sống yên bình an hưởng tuổi già... Dẫu ông đã đi thật xa rồi, nhưng cho tới nay, khoảng trống ông để lại vẫn chưa có người thay thế... Source: maxreading

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được