Làm mới cải lương đến mức nào?

Chương trình Ngân mãi chuông vàng lần tám với vở Khi rừng mới sang thu (TG Quy Sắc, ĐD Kim Phương) lại một lần nữa báo động về cách làm mới cải lương (CL) hiện nay.


Hình ảnh
Sân khấu rối như mớ bòng bong vì lạm dụng múa minh họa


Đầu tư cho màn hình led với kinh phí cả trăm triệu đồng dường như đang được xem là “mốt” thời thượng, thể hiện “đẳng cấp” của các chương trình CL. Xuất hiện giữa sân khấu (SK) để đệm thêm cho phần trang trí, màn hình led dần “lấn sân”, thay thế gần như toàn bộ cảnh trí. Tiếc thay, cách “hiện đại hóa” này đã gây ảnh hưởng xấu cho cảm xúc của khán giả.

Sự thay thế của màn hình led khiến SK trống trải, nghệ sĩ lọt thỏm giữa các hình ảnh động. Vì vậy, hình ảnh rừng núi, cây cối, thác ghềnh… ở các vở diễn cứ na ná nhau theo một công thức. Hễ nghe tiếng vó ngựa sẽ thấy hình ảnh thảo nguyên và những bước chân ngựa phi… Tuồng cổ, tuồng xã hội gần như chẳng mấy khác biệt về trang trí, khiến SK trở nên đơn điệu và nhàm chán. Thêm nữa, thứ ánh sáng trắng, chói lóa từ màn hình đã ảnh hưởng không nhỏ đến diễn xuất của diễn viên (DV) và cảm xúc của người xem.

Không khó để nhận ra ngày càng có nhiều vở CL thiếu hẳn chất tự sự, trữ tình - yếu tố vốn được xem là “đặc trưng” của nghệ thuật CL. Sự cắt xén, chỉnh sửa vô tội vạ của ê kíp thực hiện khi dựng vở là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Nhiều ý kiến đã phản ứng gay gắt việc cắt xén nội dung vở diễn để phù hợp với thời lượng phát sóng của chương trình, như trường hợp của Ngân mãi chuông vàng.

Để rút ngắn vở diễn trên hai giờ còn 90 phút theo quy định của nhà đài, nhiều đoạn giao đãi, mảng miếng, lời ca bị cắt bớt khiến vở diễn không còn mạch lạc; DV không còn đất diễn, không giữ được mạch cảm xúc để hóa thân vào vai diễn. Không thể xem đây là cách làm giúp CL có tiết tấu nhanh hơn, bắt kịp nhịp sống của thời đại để hấp dẫn hơn. Lý giải việc phải cắt ngắn là để phù hợp với thời lượng phát sóng theo quy định của nhà đài e càng không ổn, bởi trên sóng truyền hình không thiếu những chương trình truyền hình kéo dài đến hơn hai giờ đồng hồ.

Truyền hình là vậy, các vở diễn trên SK cũng có không ít cách tân làm người xem buồn lòng. Ra mắt vào tháng 3/2012, vở Chuyện tình Lương Chúc (TG, ĐD Trương Văn Trí) khiến nhiều người bối rối với lời giới thiệu: kịch - cải lương. Càng xem càng thấy thắc mắc hơn bởi suốt gần ba giờ đồng hồ người xem khó xác định được đây là vở kịch hay CL.

Tương tự, vở Cưới vợ năm Rồng (TG, ĐD Nguyên Đạt) cũng không giống những gì khán giả vẫn hình dung về một vở CL. Nhiều cảnh diễn khá dài, DV chỉ thoại lời mà không có một câu ca nào. Ở nhiều lớp diễn, hai phong cách biểu diễn kịch và CL của các DV cùng “song hành”, khiến tổng thể vở diễn thiếu tính nhất quán, lúc như chặp CL hài, lúc như tiết mục tấu hài hơn là một vở CL liền lạc.

Tại vòng chung kết Giải thưởng Trần Hữu Trang vừa qua, một số cách làm mới CL cũng làm khán giả và những người làm nghề ái ngại. SK rối như mớ bòng bong vì lạm dụng múa minh họa. Múa minh họa quá nhiều ở những tiết mục ca cổ và phần thi trích đoạn của thí sinh (TS). Trích đoạn Bão rừng tre của TS Nguyễn Thanh Toàn (Nhà hát Trần Hữu Trang) là đỉnh điểm của sự khó chịu. Khoan nói đến sự “chỏi nhịp” giữa tả thực và cách điệu giữa các đạo cụ ở cùng một cảnh diễn, nhóm DV tượng trưng cho rừng tre liên tục nhảy múa ngay cả ở đoạn diễn cao trào của DV làm khán giả không biết nên xem tre… múa hay xem TS biểu diễn!

Làm mới CL là chuyện không mới bởi từ khi ra đời đến nay, CL vẫn không ngừng thay đổi để thích nghi. Nhưng thay đổi như thế nào và làm mới ở mức độ nào vẫn là điều đang cần được nghiêm túc nhìn lại. Ai cũng có quyền thử nghiệm làm mới CL nhưng không có nghĩa mọi cách làm mới đều có thể đẩy hết lên SK để làm tình làm tội khán giả. Quá trình thử nghiệm cái mới cần nghiêm túc lắng nghe ý kiến từ nhiều phía. Làm mới theo kiểu: “Thích thì làm bởi tôi có phương tiện, có kỹ thuật, có tài chính”, là điều không thể chấp nhận. Soạn giả Kha Tuấn từng bức xúc: “Nếu không có sự am hiểu thấu đáo về những tinh túy của nghệ thuật CL hoặc chưa thật lòng trân trọng và yêu quý CL thì dù có tài năng và thiện ý đến đâu cũng không nên quá nhiệt tình trong việc cố tình “làm mới” CL”.

Thảo Vân - Theo PNO

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương