Dự án Sân khấu học đường - Chỉ là “muối bỏ bể”?

Trong mười năm qua, dự án đã tiến hành giảng dạy về chèo, tuồng, bài chòi, dân ca, cải lương ở 90 trường phổ thông trung học

Dự án “Sân khấu học đường” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thực hiện đã khép lại giai đoạn 2. Chặng đường 10 năm kiên trì thực hiện mục tiêu “một mũi tên trúng hai đích”, đó là đào tạo khán giả và nghệ sĩ cho sân khấu truyền thống. Nhưng vẫn còn đó câu hỏi lớn: Sức sống của sân khấu học đường sẽ ra sao sau khi dự án kết thúc?

Hình ảnh
Học sinh trường THCS thị trấn Lai Vung, Đồng Tháp biểu diễn trích đoạn cải lương Bông sen trắng


Khơi gợi tình yêu với nghệ thuật truyền thống

Dự án “Sân khấu học đường” được khởi động từ năm 1999, từ ý tưởng của NSND Phạm Thị Thành với sự hỗ trợ của Quỹ Ford, đã tạo nên một số chuyển biến trong nhận thức về nghệ thuật sân khấu dân tộc ở một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông. Trong mười năm qua, dự án đã tiến hành giảng dạy về chèo, tuồng, bài chòi, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị Thiên, cải lương và dân ca Nam Bộ ở 90 trường phổ thông trung học tại 29 tỉnh, thành ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam (mỗi khu vực là 30 trường). Hàng ngàn học sinh được tiếp cận, học, thực hành biểu diễn các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống.

GS. Hoàng Chương, Giám đốc "Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc" khẳng định: Dự án “Sân khấu học đường” thực sự là giải pháp cứu trợ cho sân khấu truyền thống dân tộc đang khủng hoảng, mất khán giả nghiêm trọng. Dự án đã góp phần khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ, đào tạo một lớp diễn viên nghệ thuật truyền thống nghiệp dư, phát hiện các nhân tài để đào tạo thành diễn viên chuyên nghiệp kế cận...

Theo nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, một cái “được” rất lớn của dự án là: giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục lòng tự tôn dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước, giáo dục cái hay, cái đẹp thông qua các hình tượng nghệ thuật, thông qua các trích đoạn mà các em đã học. Điều này tác động rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách của các em.

Mới chỉ là tín hiệu khả quan

Mặc dù vui mừng về hiệu quả to lớn của chặng đường 10 năm của “Sân khấu học đường”, nhưng GS.Hoàng Chương cũng ngậm ngùi khi cho rằng, những gì mà dự án làm được trong một chục năm qua mới chỉ là “muối bỏ bể”.

Các nghệ nhân nhờ có dự án sân khấu học đường đã dạy cho các cháu rất nhiệt tình, nhưng khi dự án kết thúc, họ lại phải ngồi nhà, phí hoài chất xám.

Ngày 12/8 này, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức tổng kết dự án “Sân khấu học đường” giai đoạn 2007-2010, với sự tham dự của các trường học đã tham gia dự án. Trước đó, tối 11/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, gần 70 học sinh của Đồng Tháp, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng sẽ biểu diễn báo cáo trích đoạn cải lương, dân ca, tuồng, ca kịch ví dặm và chèo. Riêng Đà Nẵng sẽ diễn trích đoạn “Kim Lân biệt mẹ” trích trong vở tuồng cổ “Sơn Hậu”.
Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương thì băn khoăn, nếu chúng ta không thực sự quan tâm tới một thế hệ khán giả, một thế hệ làm nghề kế cận, thì nghệ thuật truyền thống của chúng ta chỉ là “cổ vật” lưu trong kho của bảo tàng, được lưu giữ trong các đơn vị nghệ thuật mà thôi; chứ không được sống trong đời sống của nhân dân, không đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

“Sân khấu học đường giống như một dòng nước mát nhỏ nhoi dẫn đến cánh đồng khô hạn”- nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương nói một cách hình tượng. Theo ông, điều quan trọng là sức sống của sân khấu học đường như thế nào sau khi triển khai dự án xong, có tác động như thế nào đối với thế hệ trẻ? Và điều quan trọng hơn là đọng lại trong các em học sinh được bao lâu?

Theo ông Nguyễn Đăng Chương, trong thời gian tới cần có cách làm mới để triển khai dự án này thực sự có hiệu quả. Đó là có sự chọn lọc từ dự án sân khấu học đường để phát hiện những em có năng khiếu, có khát vọng đi theo con đường nghệ thuật, với sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước để cho các em thường xuyên biểu diễn phục vụ chính bạn học của mình, kể cả các bạn những trường lân cận. Phải chọn lọc những tiết mục, làn điệu đã trở thành tinh hoa trong các loại hình sân khấu tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch; coi dự án sân khấu học đường là nền tảng để triển khai Đề án đưa việc giáo dục sân khấu truyền thống vào chương trình phổ thông. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề cho các em.

Bộ VH-TT&DL đang làm việc với Bộ GD-ĐT xây dựng đề án đưa việc giáo dục sân khấu truyền thống vào chương trình chính khóa. Hiện nay, đề án này đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Mai Hồng (Báo TNVN)

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương