Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Ngân Tuấn


    Tên thật: Đoàn Văn Đầy
    Ngày sinh: 1968
    Thể loại: Việt Nam, Cải Lương
    Quốc Gia: Việt Nam
    Nghệ sĩ Ngân Tuấn tên thật là Đoàn Văn Đầy, sanh năm 1968, nhà ở đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, con của ông Đoàn Văn Ngàn, làm nghề thợ mộc và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên.
    Trong gia đình, Ngân Tuấn có tất cả 15 anh chị em, Ngân Tuấn có 5 chị, 4 người anh, 3 em trai và 2 em gái, tất cả đều sinh sống bằng ngành nghề khác, chỉ riêng có Ngân Tuấn là theo nghề hát.
    Từ trung phong phá lưới
    Ngân Tuấn học văn hóa ở trường Phan Sào Nam gần rạp Long Vân, ngã bảy, đến lớp 8 thì em nghĩ học, gia nhập đội Bóng Đá Năng Khiếu Tao Đàn. Ở đội bóng này, Ngân Tuấn đá ở vị trí trung phong và được tặng danh hiệu « vua phá lưới ».
    Trong một buổi tập dượt đá bóng, Ngân Tuấn bị chấn thương nơi đầu gối, phải nằm một chỗ dưỡng thương trong 6 tháng. Trong thời gian này, Ngân Tuấn giải buồn bằng cách nghe ca cổ nhạc ở đài phát thanh, anh đâm ra mê cổ nhạc như anh đã mê bóng đá. Khi lành vết thương, Ngân Tuấn đi học ca cổ với nhạc sĩ Út Trọn và em ghi tên học khoá ngoài giờ của trường nghệ thuật sân khấu 2 đường Cống Quỳnh.
    Bầu Quới tức hề Thanh Giang, bầu đoàn hát Sông Bé 2 là anh bà con cô cậu với Ngân Tuấn, tình cờ ca trong đám đờn ca cổ nhạc ca chầu cho một đám tang ở đường Sư Vạn Hạnh, Bầu Quới phát hiện giọng ca hay của Ngân Tuấn nên anh thuyết phục cha mẹ Ngân Tuấn, nguyên là cô dượng của anh để xin cho Ngân Tuấn theo đoàn hát Sông Bé 2 để học hát.
    Được sự chấp thuận của cha mẹ, năm 1985, Đoàn Văn Đầy theo đoàn Sông Bé 2 của Bầu Quới, nghệ sĩ Hoàng Dưỡng và hề Tẩu Tẩu đặt cho em nghệ danh là Ngân Tuấn.
    Đàn Sông Bé 2 của Bầu Quới có các nghệ sĩ Minh Kỳ, Huỳnh Thái Dũng, Tuyết Anh, Thanh Cúc, Hoàng Dưỡng, Tài Bửu Long, Bé Hoàng Vân, Kim Phượng, Bảo Vinh và hề Tẩu Tẩu… Ngân Tuấn tập làm quân sĩ trong bốn vở tuồng của đoàn, tuồng Lửa Hồng Đông Đô, Lâm Sanh Xuân Nương, Mái Tóc Người Vô Trẻ, Tình Sử A Nàng.
    Sau đó Ngân Tuấn được cho đóng vai kép ba, vai Lưu Cẩm Bình trong tuồng Lâm Sanh Xuân Nương. NHờ có giọng ca vọng cổ mùi, Ngân Tuấn được nâng lên vai kép nhì, đóng vai Út Kiểng tuồng Tình Sử A Nàng, vai Lê Tùng tuồng Lửa Hồng Đông Đô và vai Vương Quan tuồng Mái Tóc Người vợ trẻ.
    Năm 1988, đoàn Sông Bé 2 tăng cường thêm các diễn viên tài danh Linh Tâm, Cẩm Thu, Ánh Tuyết nên trở thành một đoàn hát mạnh về doanh thu. Ngân Tuấn cũng tiến bộ nhanh trong nghệ thuật ca diễn nên em có những vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem qua các tuồng Nỗi Oan Người Mẹ, Tình Yêu và Nước Mắt, Thúy KIều
    Đến năm 1989, Bầu Quới có hai đoàn cải lương, đoàn sông Bé 2 A và đoàn Sông Bé 2 B, Ngân Tuấn được đưa về hát kép chánh trong đoàn Sông Bé 2 B với các nghệ sĩ Thanh Liễu My, Thanh Cúc, Vương Cảnh, Mỹ Phụng, Phú Xuân, Bo Bo Hoàng, Tuấn Anh, hề Vũ Đức. Ngân Tuấn đã diễn qua các tuồng Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn, Máu Nhuộm Sân Chùa, Công Chúa Kén Rể, Báu KIếm Diệt Thù.
    Đến năm 1990, Ngân Tuấn về cộng tác với đoàn Huỳnh Long, em được nghệ sĩ Đức Lợi, Bạch Mai vả Hữu Huệ rèn luyện cho nghệ thuật hát hồ quảng. Ngân Tuấn thành công trong vai Vua tuồng Mạnh Lệ Quân, vai Vũ Văn Nhậm, tuồng Mặt Trời Đêm Thế Kỷ. Hát vai này, Ngân Tuấn đoạt được huy chương bạc Hội diễn sân khấu cải lương btoàn quốc năm 1990.
    Đến nghệ sĩ tài danh
    Từ năm 1990 đến năm 1994, 5 năm cộng tác với đoàn hát Huỳnh Long, Ngân Tuấn từng thế các vai tuồng của các nghệ sĩ tài danh. Ngân Tuấn thế vai vua Nguyễn Huệ của Đức Lợi trong tuồng Mặt Trời Đêm Thế Kỷ, hát chánh với nữ diễn viên Hồng Nhung. Ngân Tuấn thế vai Hoàng Tử Thanh Long của Minh Vương, hát với Thanh Thanh Tâm trong tuồng Ngọc Kỳ Lân.
    Do nhu cầu của đoàn hát Huỳnh Long, nghệ sĩ Ngân Tuấn cũng có dịp hát thế vai của các nghệ sĩ Minh Phụng, Châu Thanh khi các diễn viên này rời đoàn Huỳnh Long. Do đó, Ngân Tuấn được dịp hát cặp với các đào chánh Ngọc Huyền, Hồng Nhung, Thoại Mỹ, Thanh Thanh Tâm, Tài Linh…
    Nghệ sĩ Ngân Tuấn có một gương mặt hiền, thích hợp vào các vai đôn hậu, dễ gây cảm tình với khán giả. Khi hát các tuồng cải lương hồ quảng hoặc tuồng dã sử Việt Nam, Ngân Tuấn thể hiện những động tác vũ đạo thật đẹp, nhuần nhuyễn, chứng tỏ Ngân Tuấn đã bỏ nhiều công sức khổ luyện, tiếp thu được nghệ thuật hát cải lương tuồng cổ của các nghệ sĩ tài danh về loại tuồng nầy như Đức Lợi, Bạch Mai, Hữu Huệ.
    Khi đóng một vai tuồng xã hội, Ngân Tuấn đã rất thành công trong vai một kép lẵng đa tình trong tuồng Cô Đào Hát. Ngân Tuấn thể hiện một kẻ đa tình đầy nam tính, nụ cười vừa quyến rũ vừa hồn nhiên. Nhờ có nhân dáng đẹp trai, nước da trắng, nét mặt thanh tú nhất là cặp mắt đa tình, Ngân Tuấn nếu được hát nhiều vở xã hội, nhất định sẽ có những vai hát để đời nhờ cái nhân dáng đẹp trai và lối diễn sâu lắng xoáy vào tính cách của nhân vật.
    Nghệ sĩ Ngân Tuấn. Hình của Soạn giả Nguyễn Phương. Ngân Tuấn trong vai Vua Long Xưởng, một ông vua háo sắc, anh đã thể hiện một vì vua hào hoa, đa tình, chớ không thể hiện một ông vua trụy lạc trác táng, chính cái tính cách đam mê và cuồng vọng vì quyền lực mà vua Long Xưởng càng ngày càng lún sâu vào tội ác. Cách diễn như Ngân Tuấn đem hơi thở mới, một nhân dạng mới, có sức thuyệt phục của nhân vật Long Xưởng trong vở Tô HIến Thành Xử Án.
    Ngân Tuấn vào vai lão cũng rất hay,anh thành công trong vai lão tướng Vũ Văn Nhậm tuồng Mặt Trời Đêm Thế Kỷ hoặc vai Ngũ Tử Tư trong tuồng Giang Sơn và Mỹ Nhân.
    Rời đoàn Huỳnh Long, Ngân Tuấn gia nhập đoàn hát Sông Bé - Hữu Long từ ngày đoàn nầy mới thành lập.Ngân Tuấn hát với các nghệ sĩ Kim Thoa, Khánh Linh, Vân Hà, Chí Linh, Hồng Nhung, Bữu Truyện, Thanh Thế, Hữu Huệ, hề Hiếu Cảnh. Ngân Tuấn thủ vai Tống Liên Thanh trong tuồng Tình Hận Thâm Cung, vai Lưu Trường Vũ tuồng Tam Phùng Nguyên, và vai vua trong tuồng Xử Bá Đao Từ Hải Thọ.
    Ngân Tuấn đã hát rất nhiều vai trong các tuồng cải lương thu vidéo, có thể kể Ngân Tuấn có mặt trong các tuồng vidéo được khán giả ưa thích như tuồng Âm Dương Trận, Ngọc Kỳ Lân, Vụ Án Huỳnh Thổ Trang, Tình Sử A Nàng, Lâm Xung, Tứ Tử Đăng Khoa, Dương Gia Tướng, Sự Tích Núi Sam, Anh Hùng Náo, Giủ Áo Bựi Đời, Tình Hận Thâm Cung, Vương Quyền Bạo Chúa, Đêm Hồng lâu, Tiết Nhơn Qúy, Triệu Khuôn Dẫn, Liên Chi Quận Chúa, …
    Trong thời gian hát tại các đoàn hát cải lương, Ngân Tuấn vẫn tham gia các đội đá bóng của Hội Nghệ Sĩ với vị trí Trung Phong, áo số 10. Anh đã đá khoản 20 trận và vừa qua Ngân Tuấn đoạt giải Vua Phá Lưới với 4 trận đấu, Ngân Tuấn đã ghi được 13 bàn thắng. Đó là một thành tích hiếm có trong làng cầu thủ nhất là người đá trung phong lại là một nghệ sĩ sân khấu.
    Ngân Tuấn được anh em trong giới khen là một nghệ sĩ tận tâm học nghề hát, chịu nhiều nỗi long đong thiếu thốn khi nghệ thuật cải lương sa sút, Ngân Tuấn vẫn không bỏ nghề. Anh toàn tâm toàn ý đóng góp công sức mong vực dậy đoàn hát, góp phần nâng cao nghệ thuật sân khấu cải lương nhưng sức người có hạn. Anh như đứng trong một buổi chợ chiều, nhớ lại những buổi chợ đông người mua bán tấp nập mà tiếc cho một thời hoàng kim đã đi qua.
    Rất tiếc là Ngân Tuấn thiếu cái may mắn để có thể trở thành một ngôi sao sáng hơn nữa trên bầu trời nghệ thuật cải lương. Source: zing

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được