Thiếu kịch bản sân khấu: Báo động thật hay giả?

Kịch bản là khâu đầu tiên của một tác phẩm sân khấu, điều ai cũng dễ thống nhất. Thế nhưng chuyện thiếu kịch bản hay lại là vấn đề cần bàn bởi thế nào là kịch bản hay trong con mắt các nhà sử dụng kịch bản? Nói vậy để thử tìm hiểu vai trò tác giả và số phận kịch bản trong đời sống sân khấu (SK) hiện nay.

Có sao trăm lỗi tại “thầy”


Liên hoan SK hài toàn quốc tháng 9/2011 tại Quảng Ninh với 5 ông Bá Kiến, 3 cô Thị Nở, 2 anh phu xe và một loạt tích cũ như Nghêu sò ốc hến, Việc làng thì đúng là SK đang thiếu kịch bản thật. Cái thiếu đến nỗi phải rớt nước mắt trong một liên hoan hài mà khán giả buộc phải xem những đêm diễn cùng một tích trò và diễn viên dù có cố đến mấy cũng không tránh khỏi cảm giác bẽ bàng của kẻ “nhai lại”.

Ông Chủ tịch Hội Sân khấu đứng trước chuyện “đụng hàng” chỉ còn biết than thở “Phải thật nhanh phát động, mở trại sáng tác không thì gay!”. Là người trong cuộc (BTC), tôi tự hỏi: Có thật SK thiếu kịch bản đến như vậy không khi mà kịch hiện đại đâu thiếu những lớp đoạn hài và chúng ta cũng từng có những vở diễn hài kịch đàng hoàng được công chúng yêu thích như Quẫn (Lộng Chương), Bệnh sĩ, Ông không phải bố tôi (Lưu Quang Vũ), Hão (Lê Quý Hiền).

Ngay trong trại sáng tác kịch bản SK tại Nhà sáng tác Đại Lải (19/9 – 3/10), nhìn kịch bản các đồng nghiệp đang viết, câu hỏi trên lại một lần nữa bật lên trong đầu: Có thật SK đang thiếu kịch bản hay không?

Năm nào chúng ta cũng mở vài ba trại sáng tác. Mỗi đợt 15 tác giả là 15 kịch bản mới ra lò. Thế nhưng đa phần các kịch bản thường nằm trong sự lãng quên hoặc trong kho của cơ quan quản lý, tổ chức trại hoặc lơ thơ xuất hiện trên truyền hình, một số rất ít được dựng bằng tiền túi tác giả. Cũng có một số kịch bản được nhận giải thưởng hàng năm của Hội Nghệ sĩ SK nhưng số kịch bản lên sàn diễn không nhiều, thậm chí có kịch bản được giải cao như Bác không phải là vua của tác giả Lê Quý Hiền, Hội SK tài trợ 150 triệu, Ban VHVN Đài Truyền hình Việt Nam tài trợ 150 triệu nhưng cho đến nay vẫn chưa có đơn vị nào nhận dựng.

Hình ảnh
Liên hoan SK hài phải 5 lần cùng Thị Hến gài bẫy vạch mặt bọn quan lại dâm ô.


Thiếu kịch bản hay là câu chuyện thật - giả?

Phải nói rằng thời nào cũng có người viết kịch bản có tài với số lượng nhiều ít khác nhau. Hiện chúng ta có khoảng ngót 200 tác giả trên cả nước và cũng không thiếu tác giả sung sức, nhiệt huyết có đủ tầm phát hiện những vấn đề cuộc sống và chuyển tải nó vào tác phẩm. Vậy sao vẫn thiếu kịch bản hay?

Công bằng mà nói, Nhà nước rất quan tâm tới lĩnh vực sáng tác. Hội Nghệ sĩ SK mấy năm nay đã gồng lên hết sức để tổ chức sáng tác và động viên, khuyến khích các tác giả bằng mọi cách: đầu tư, tổ chức đi thực tế, tài trợ cho đơn vị dựng kịch bản được giải. Thế nhưng vấn đề quan trọng lại nằm ở các đơn vị SK là nơi quyết định sử dụng kịch bản, có biến nó thành vở diễn hay không.

Sử dụng kịch bản cũng như dùng người tài, “dụng nhân như dụng mộc” cần có con mắt tinh đời để phát hiện kịch bản, thể hiện và nâng cao kịch bản. Nhiều đơn vị đang có cách nghĩ cầu toàn, chọn kịch bản ít gai góc, ít tranh luận cho “lành”, cho yên thân. Lại có đơn vị sợ vở đổ nên trăm sự nhờ đạo diễn Trung ương tìm hộ kịch bản, có sao thì trăm lỗi tại “thầy”. Một số đạo diễn hiện nay lại chọn kịch bản theo gu mình kiểu dễ làm khó bỏ, biến kịch bản thành phương tiện phục vụ mình chứ ít vật vã tìm chìa khóa mở kịch bản, thể hiện kịch bản. Ấy là chưa kể chuyện đơn vị SK và tác giả quen thuộc, nể nang (thậm chí có “lại quả”) nên chọn để dàn dựng mà quên những tác phẩm có giá trị nhưng khó làm, khó dựng, khó “ăn”.

Khi đơn vị chọn kịch bản để dàn dựng lại lười biếng, không chịu tìm tòi, năng lực thẩm định tác phẩm có hạn thì chuyện “thiếu kịch bản hay” trong khi các trại sáng tác ra lò hàng loạt kịch bản mới là điều dễ hiểu. Nói nôm na về chuyện “thiếu kịch bản hay” hiện nay là vàng thau lẫn lộn, khó phân biệt và đơn vị SK xem thường tác giả, sợ đạo diễn như sợ cọp.

Hình ảnh
Một cảnh trong vở kịch Ông không phải bố tôi.


Một bộ phận làng sân khấu đang quay lưng với chính mình?

Có thể nói trong ba lực lượng chính của SK hiện nay là tác giả, đạo diễn, diễn viên thì diễn viên là lực lượng hùng hậu nhất có thể đáp ứng mọi kịch bản, mọi ý đồ đạo diễn. Các tác giả cũng hùng hậu không kém nhưng đang thiếu đội ngũ kế cận. Nhìn vào đội ngũ tác giả hôm nay thấy giật mình vì các vị trẻ nhất cũng đều ngoài 50, trong khi lớp trẻ không có. Đã đến lúc cần có chiến lược xây dựng đội ngũ tác giả trẻ.

Chúng ta cần tác giả kế cận không có nghĩa cứ đầu tư tiền bạc là có thể có. Điều cần đầu tiên là thái độ trân trọng đối với các tác giả và các cây bút có khả năng viết kịch. Lực lượng trẻ hơn là các sinh viên đang học hoặc đã tốt nghiệp lớp biên kịch SK tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, lớp lý luận sáng tác của Đại học Văn hóa, Đại học VHNT Quân đội hoặc các tác giả viết kịch phong trào cần được tâp hợp, lựa chọn, sàng lọc để chuẩn bị cho những thế hệ tác giả nối tiếp.

Không có tác giả SK chung chung mà mỗi tác giả có một sở trường sở đoản riêng, khả năng và mối quan tâm những vấn đề cuộc sống cần tiếp cận riêng. Đơn vị SK cần hiểu gu sáng tác của từng tác giả để đơn vị cần vở diễn loại nào thì tìm đến tác giả đó. Ví dụ ông A giỏi viết hài kịch, bà B quen viết bi kịch và khi có liên hoan hài chẳng hạn thì tìm đúng địa chỉ, tránh việc bắt bà B phải viết kịch bản hài. SK chúng ta đang thiếu sự hiểu biết này nên mỗi khi hội diễn, các đoàn SK thường khăn gói quả mướp tìm đến các tác giả để rồi “có một đống kịch bản nhưng không thấy kịch bản hay”. Hóa ra cuộc tìm kiếm kịch bản hay cứ như trò may rủi để rồi lại trăm sự nhờ đạo diễn Trung ương! Nếu như có sự hiểu nhau, các đơn vị có thể đặt hàng tác giả để chủ động có kịch phù hợp với đơn vị mình.

Chúng ta nói SK thiếu kịch bản hay nhưng xin nói thẳng là đang thiếu đạo diễn. Cả miền Bắc bấy nay chỉ thấy “Giang - Hùng - Huyền”. Bác Xuân Huyền ốm, nay chỉ còn bác Doãn Hoàng Giang và Lê Hùng. Chèo có thêm Bùi Đắc Sừ. Trong khi hàng năm các đạo diễn ra trường không ít. Các đoàn cử người đi học về cũng không sử dụng ngoài việc mời đạo diễn có tiếng về cho chắc ăn. Đạo diễn dù là thiên tài nhưng làm một lúc cả chục vở thì cũng chỉ được 1 - 2 vở thành công, còn thì như chúng ta đã thấy qua các kỳ liên hoan hội diễn! Ngoài các đạo diễn có tiếng, có đạo diễn nào xuất hiện (dù có học đạo diễn hay không) thì cũng là người có quyền chức trong đoàn và khi về hưu, hết chức thì đạo diễn đó cũng lặn luôn cùng với chức vụ của mình. Nói thế để thấy các đoàn đang không tin ở lớp đạo diễn trẻ và khi không tin, không giao việc thì làm sao có đội ngũ đạo diễn giỏi?

Sự khủng hoảng SK hiện nay là do thiếu kịch bản hay? Thế nào là kịch bản hay khi không ít lãnh đạo các đơn vị SK là nơi sử dụng kịch bản lại thiếu tầm hiểu biết, đánh giá và khả năng tiếp cận kịch bản, chưa kể cái tâm với SK, với tác giả. Khán giả quay lưng lại SK là vì thị hiếu khán giả thấp hay chính một bộ phận trong làng SK đang quay lưng với SK?

NSƯT Bằng Thái - Theo suckhoedoisong.vn

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương