Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương


Cải lương Nam bộ là “con đẻ” của ĐCTT Nam bộ, nó không khi nào được coi là một thực thể độc lập với ĐCTT. ĐCTT được xem là gốc rễ, còn cải lương được ví như cái ngọn của một cây. Giữa hai loại hình lại có những điểm khác biệt cần được phân định để tránh sự lẫn lộn, nhập nhằng…
Sở dĩ có sự khác biệt giữa hai bộ môn trước hết là do khac biệt về phong cách trình tấu, ĐCTT phải thay đổi cách chơi để thích ứng với một không gian mới như chơi trên sân khấu để cho nhiều người nghe ca và coi hát, nhiều loại hình nghệ thuật tạp kỹ cùng diễn, đối mặt với khán thính giả, phần đông không phải là bạn tri âm.
ĐCTT Nam bộ có tính thính phòng, đờn ca trong một không gian vừa đủ để cho người chơi và người nghe, dù ban ngày hay ban đêm, cùng nhau thưởng thức tiếng đờn và lời ca mà không cần phải có máy móc tăng âm, dùng tai để nghe là chính, đôi khi phải nhắm mắt lại, dùng trái tim để cảm nhận nghệ thuật đờn ca. Chơi ĐCTT là chơi bài bản và phải chơi trọn bài, trọn bản, thời lượng trình tấu càng nhiều càng dễ có ngẫu hứng sáng tạo cho tiếng đờn lời ca, các bạn tri âm nghe mới cảm thấy thích thú và không bao giờ nhàm chán.

Cải lương Nam bộ có tính sân khấu, tức là phải có không gian của một sân khấu với phông màn, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng, diễn viên hóa trang, phục trang đẹp đẽ, mỹ lệ để cho bắt mắt khán thính giả. Khán giả vừa nghe ca, lại vừa coi hát các tuồng tích với sự diễn xuất hành động nội tâm lẫn ngoại hình (huơ tay múa chân).
Dàn nhạc cổ, tức dàn nhạc của ĐCTT, trước sau gì cũng giữ vai trò chủ chốt, vẫn là linh hồn của cải lương, vẫn giữ cái nghệ thuật tâm tấu, ngẫu hứng sáng tạo để đệm đờn, dù là loại tuồng lịch sử, xã hội… Cải lương khi viết bài ca theo các hơi điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán thì bài ca ấy chỉ sử dụng trích đoạn, trích lớp của các bài bản ĐCTT, những chỗ “gõ mô” thì lại “đờn chầu” để cho đường dây hành động của kịch bản được xuyên suốt và sân khấu không bị chết. Thậm chí, dàn nhạc còn phải đờn những bài lý dân ca cùng các bài bản nhỏ, gọi là “cổ nhạc canh tân” trong các tình huống của vở diễn, thường tình huống kịch không kéo dài nên các nhạc sĩ đờn cho cải lương không bao giờ có dịp để đờn trọn bài, trọn bản của ĐCTT Nam bộ được.
Qua các yếu tố khác biệt và giống nhau giữa ĐCTT và cải lương trên đây, ta thấy yếu tố nào có số lượng vượt trội hơn yếu tố kia thì ta cho sự chỉnh tấu tiết mục đó là chơi theo phong cách tài tử, hoặc cải lương, hoặc ca ra bộ. Như vậy, một bản ĐCTT, diễn viên lên sân khấu, phục trang, hóa trang, trình tấu, diễn xuất ngoại hình, ta cho đó là tiết mục ca cổ cải lương. Và ngược lại, một chương trình biểu diễn nếu được chơi trong một không gian thính phòng, không phục trang, hóa trang, không diễn xuất ngoại hình thì ta cho đó là tiết mục chơi theo phong cách ĐCTT. Còn chơi bài bản ĐCTT, không gian thính phòng, người ca có diễn xuất ngoại hình gọi là ca ra bộ.
Lối trình diễn đờn ca cổ nhạc của cả hai phong cách tài tử và sân khấu cải lương có quan hệ mật thiết, gần gũi nhau nên trong một chương trình biểu diễn của một ban ca nhạc tài tử có thể bao gồm những tiết mục mang phong cách tài tử và những tiết mục mang phong cách cải lương. Chính vì vậy mà nhiều người (thường không thuộc giới nghiên cứu) gọi là “đờn ca tài tử cải lương” hoặc “đờn ca tài tử - cải lương”. Ngay cả giới truyền thông đại chúng cũng thường sử dụng thuật ngữ này. Theo chúng tôi thì trên cơ sở phân tích, phân biệt giữa ĐCTT và cải lương trên đây, đồng thời căn cứ thực tế ngày nay, tại các không gian sinh hoạt, trình diễn đờn ca cổ nhạc, cho dù theo phong cách thuần túy tài tử hay phong cách sân khấu cải lương, hoặc cả hai phong cách đều có thể gọi là “đờn ca tài tử” với tư cách là một loại hình nghệ thuật độc lập, chỉ có đờn ca chứ không diễn xuất; khác với loại hình nghệ thuật “sân khấu cải lương” là loại hình sân khấu mang tính tổng hợp bao gồm cả ca hát và kịch nghệ.
Nghệ nhân dân gian NGUYỄN TẤN NHÌ

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Ngọc Đợi

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Xuân Yến