Đâu lời giải cho một "bài toán" khó?

Từ khâu đào tạo, xếp bảng lương đến chế độ nghỉ hưu sớm... của giới văn nghệ sĩ hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc. Thế nhưng, gỡ rối, đổi mới chính sách đối với văn nghệ sĩ như thế nào và bắt đầu từ đâu thực sự là một bài toán khó với nhà quản lý văn hóa.

"Rối" từ đầu vào

Nói cho cùng, muốn phát triển bất cứ lĩnh vực nào cũng phải xuất phát từ nền tảng đào tạo nhân lực và những chính sách đi kèm. Những năm qua, lĩnh vực đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật đã được quan tâm, đầu tư tốt hơn. Nhiều cơ sở đào tạo đã được nâng cấp, xây mới cùng với trang thiết bị phục vụ đào tạo, thực hành, biểu diễn ngày càng hiện đại. Cơ chế xã hội hóa dần phát huy vai trò, tạo điều kiện cho nhiều chuyên gia, giảng viên nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, huấn luyện. Ở chiều ngược lại, các học viên, giảng viên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của chúng ta cũng rộng cửa xuất ngoại để học tập, nghiên cứu, giảng dạy… Dù vậy, cơ chế đào tạo nhân lực ngành Văn hóa nghệ thuật vẫn còn nhiều bất cập, cần đổi mới.

Ông Đào Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) khẳng định: "Cần đổi mới cơ chế đào tạo một cách đồng bộ và xây dựng khung chính sách đặc thù cho các cơ sở đào tạo của Bộ". Trước hết là thời điểm tuyển sinh của các ngành nghề văn hóa nghệ thuật. Bởi hiện nay, đa số các cơ sở đào tạo của các lĩnh vực này đều tuyển sinh muộn hơn so với các trường Đại học và Cao đẳng chuyên nghiệp khác. Sự lệch pha thời gian tuyển sinh đó dẫn tới tình trạng, nhiều bạn trẻ thử thi hoặc chọn các trường đào tạo VHNT như một cơ hội thứ hai chứ không hẳn vì sở thích và khả năng.

Trong khi đó, văn hóa nghệ thuật là một hoạt động mang nhiều đặc thù. Bên cạnh năng khiếu còn phải được đào tạo, khổ luyện và chút ít may mắn của tài năng, thăng hoa nghệ thuật. Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VHTT&DL nhìn nhận: "Đối với điện ảnh không học không thể làm nghề này". Từ góc nhìn của lĩnh vực điện ảnh, nhà biên kịch này đưa ra một con số đáng để chiêm nghiệm. Mang tính chất đặc thù nên ở một số nước, chi phí đào tạo dành cho một sinh viên nghệ thuật cao hơn hẳn chi phí đào tạo dành cho một sinh viên các ngành nghề khác. Như ở Học viện Điện ảnh Bắc Kinh - Trung Quốc, chi phí đào tạo dành cho một sinh viên nghệ thuật khoảng 6 nghìn USD/ 1 năm trong khi với sinh viên ngành nghề khác chỉ khoảng 3 nghìn USD/ 1 năm. Ở Nga, kinh phí đài thọ cho sinh viên nghệ thuật lên tới 13 nghìn rúp trong khi ngành nghề khác chỉ khoảng 4 nghìn rúp… Vì lẽ ấy, sinh viên ngành Điện ảnh Việt Nam hiện chỉ xem đĩa VCD, DVD là chính chứ không mấy khi được xem phim nhựa.

Đã vậy, "cánh cổng" du học đối với các sinh viên nghệ thuật luôn vướng mắc ở vấn đề trình độ ngoại ngữ của họ. Không chỉ có năng khiếu, sinh viên nghệ thuật xuất ngoại học với bạn bè quốc tế nhất định phải đạt trình độ chuyên môn, ngành nghề nhất định. Thế nhưng, trình độ chuyên môn vượt trội thì phải liên tục trau dồi, khổ luyện, dễ gì ngoại ngữ tốt. Trong khi nhiều người khác du học chỉ vì có ngoại ngữ tốt nhưng trình độ chuyên môn lại thường thường bậc trung. "Rào cản" ngôn ngữ ấy khiến cho nhiều năm qua, rất ít sinh viên Việt Nam được đi đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Đấy là chưa nói, nhiều sinh viên nghệ thuật du học về không theo nghề mà chuyển sang hoạt động lĩnh vực khác, rất lãng phí.

Theo kiến nghị của Bộ VHTT&DL, để khắc phục tình trạng này cần phải ban hành quy định mới về tiêu chí tuyển chọn học sinh, sinh viên các ngành Văn hóa nghệ thuật đi đào tạo nước ngoài chứ không thể cào bằng sinh viên lĩnh vực này cũng như sinh viên các nghành nghề đào tạo khác.

Hình ảnh
Nghệ sĩ múa vào nghề sớm nhưng tuổi nghề ngắn (ảnh chỉ có tính chất minh họa).


Đến nghịch lý xếp bậc ngạch lương

Do đặc điểm đào tạo biểu diễn và tính đặc thù về năng khiếu nghệ thuật nên đối tượng nghệ sĩ được phép tuyển dụng vào ngạch viên chức thuộc ngành văn hóa nghệ thuật với tuổi đời đủ 15 tuổi và thực hiện hợp đồng làm việc đặc biệt theo quy định tại Nghị định 116 ban hành ngày 10/10/2003 của Chính phủ. Cái khắc nghiệt của ngành nghề này là thanh sắc rất quan trọng, thậm chí quyết định đến tuổi nghề hoạt động sáng tạo, biểu diễn. Như lĩnh vực múa, vào nghề rất sớm nhưng chỉ khoảng 10 - 15 năm sau khi thanh sắc đã qua bên kia sườn dốc cuộc đời, rất khó biểu diễn trên sân khấu, trước công chúng. Nói như NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch thường trực Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: "Nghiệp diễn viên đôi lúc lấy chính thân thể, gương mặt của mình làm "đạo cụ" biểu diễn, phục vụ công chúng". Éo le thay, chính sách tiền lương lại gặp nhiều rào cản không dễ khắc phục với các nghệ sĩ.

Chẳng hạn, do chỉ có hệ đào tạo Cao đẳng và Trung cấp nên ngay khi ra trường, các nghệ sĩ lĩnh vực múa và xiếc luôn lọt vào diện lương thấp không chỉ với các ngành nghề khác trong xã hội nói chung mà còn "tủi thân" với bảng ngạch lương của nhiều ngành nghề trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Vẫn biết là ngành nghề này mang nhiều tính đặc thù, nhưng hiện nay bảng lương của văn nghệ sĩ nói chung vẫn được thiết kế theo bảng lương viên chức các ngành nghề khác.

Theo phân tích của một nghệ sĩ có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, với thang bảng lương lên tới 26 bậc thì một nghệ sĩ muốn leo lên đến đỉnh bậc lương này phải cống hiến, hoạt động tới 70 năm. Việc thi nâng ngạch lương đối với nghệ sĩ cũng là một bài toán khó khăn hơn hẳn thi nâng bậc thợ của các ngành nghề khác. Đơn cử như với một nghệ sĩ nhạc giao hưởng, để có buổi thi đúng thực với nghề, mang đẳng cấp một cuộc thi nâng bậc lương có khi phải huy động tới cả một dàn nhạc hàng trăm người. Đó là một tồn tại đã nhiều năm nay mà không dễ khắc phục, giải quyết. Vì thế, theo thống kê của Bộ VHTT&DL, hiện nay chỉ có hai nghệ sĩ được hưởng bậc lương ngang với chuyên viên cao cấp. Đó thực sự là một con số đáng buồn của cả giới văn nghệ sĩ.

Đấy là chưa nói, chế độ phụ cấp hiện nay cũng chưa kích thích sáng tạo, đủ nuôi sống nghệ sĩ. Khung nhuận bút quy định lạc hậu nhiều năm nay nên đa số nghệ sĩ nhà ta "chân trong chân ngoài" làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Bản thân các giảng viên văn hóa nghệ thuật một buổi giảng chẳng thấm vào đâu so với một tác phẩm được đưa đi dàn dựng, sáng tạo hay biểu diễn ở trên các sân khấu, hội diễn… Hướng giải quyết khúc mắc này, theo đề xuất của nhiều nghệ sĩ là phải sửa khung chấm nhuận bút, tiền công cho các nghệ sĩ. Bên cạnh đó, với những nghệ sĩ đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi trong và ngoài nước cũng nên được xét đặc cách lên lương trước thời hạn. Thậm chí với những cống hiến đặc biệt, cần phải đặc cách nâng ngạch lương cho nghệ sĩ…

Khó khăn cả nguyện vọng về hưu sớm


Thực tế, với một số lĩnh vực, đến độ tuổi nào đó khó có thể phát triển, cống hiến hay duy trì sức lao động sáng tạo, biểu diễn. Đơn cử như nhiều môn mang tính đặc thù như xiếc đế trụ, uốn dẻo, múa ballet… nam qua 45 tuổi, nữ đến tuổi "tứ thập tri bất hoặc" khó trụ lại với nghề. Nhiều lĩnh vực khác, cả thanh sắc lẫn độ bền, dẻo dai thực sự là một rào cản với nghệ sĩ khi tuổi đã cao. Thế hệ nghệ sĩ "hết thời" ấy không phải là ít trong các nhà hát, đơn vị nghệ thuật nhưng ngay cả nguyện vọng được nghỉ hưu sớm đối với họ cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Bởi lẽ, theo quy định của Luật Lao động, nam phải đủ 55 tuổi, 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và nữ phải 50 tuổi, 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mới đủ tuổi về hưu. Hơn thế, muốn nghỉ hưu sớm thì người lao động phải đạt "tiêu chuẩn" giảm 61% khả năng lao động trở lên. Riêng tiêu chuẩn này, nghệ sĩ nhà ta khó lòng đạt được. Vì thanh sắc phai nhạt, giọng hát có thể không đạt trình độ như xưa… nhưng nhìn chung sức khỏe của nhiều nghệ sĩ đến tuổi này vẫn còn… cường tráng. Thế là nghệ sĩ nhà ta đành vẫn cứ phải chờ, dẫn tới tình trạng nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật một mặt thiếu nhân lực biểu diễn nhưng mặt khác lại không có đủ biên chế để tuyển diễn viên, nghệ sĩ trẻ. Cơ hội biểu diễn của các nghệ sĩ trẻ vì thế cũng ít đi, kèm theo đó là những rủi ro, tủi phận khi chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn hoặc hợp đồng vụ việc ngay sau khi ra trường…

Lao động biểu diễn nghệ thuật từ lâu đã được xếp vào diện lao động nghệ thuật nặng nhọc, độc hại… Các nhà quản lý cũng đã nhiều lần "nâng lên đặt xuống" tìm cách sửa chửa, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với đặc thù của nghệ sĩ. Thực tế, năm 2008, Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện chủ trương giảm biên khá hiệu quả khi tạo điều kiện cho 47 nghệ sĩ về nghỉ hưu sớm.

Được biết, có nghệ sĩ cũng đã được "dắt lưng" 77 triệu đồng khi về hưu. Đấy thực sự là một hướng đi cần nhân rộng để tháo gỡ những khó khăn trước mắt. Theo ông Hồ Trí Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ VHTT&DL, Bộ VHTT&DL đã đệ trình xin ý kiến Chính phủ nhiều chính sách cấp bách đối với văn nghệ sĩ. Dự kiến năm 2012, sẽ có nhiều chính sách, chủ trương cụ thể được sửa đổi, điều chỉnh và ban hành. Mong sao những chính sách mới này sẽ đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của các văn nghệ sĩ và thực sự đi vào cuộc sống…

Theo CAND

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương