Bao giờ “báu vật nhân văn sống” được đãi ngộ ?

Nếu không nhanh chân thì có khi họ không còn sống để nhận sự tôn vinh, đãi ngộ

Ca nương Phạm Thị Huệ và nghệ nhân Trần Khánh Cẩm vừa được vinh danh trong đêm chung kết và trao giải Liên hoan Dân ca Việt Nam 2011, khu vực Bắc Trung Bộ, tối 3-4 vì tài ca diễn của họ.

Từ nhiều năm nay, Liên hoan Dân ca toàn quốc, do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, đã nỗ lực không ngừng để tìm kiếm, không chỉ phát hiện và phổ biến các làn điệu dân ca nguyên thể, mang tính đặc trưng vùng miền mà còn đưa lên sân khấu như một hình thức tôn vinh các nghệ nhân mọi miền đất nước, những người đang được xem là “báu vật nhân văn sống” của nền văn hóa nghệ thuật dân gian. Nhưng đó là việc làm của cơ quan truyền thông.

Chờ đợi trong mỏi mòn

Thực tế nhiều năm qua, không ít nghệ nhân, những người lưu giữ vốn liếng di sản và truyền dạy ngón nghề nghệ thuật dân gian, đã lần lượt ra đi mà chẳng bao giờ được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước vì đã có công góp phần bảo tồn những giá trị nhân văn của nền văn hóa nghệ thuật dân gian. Sự mất mát này cùng với việc thiếu chính sách đãi ngộ đã khiến không ít di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ mai một.

Hình ảnh
Nghệ nhân Hà Thị Cầu tuổi ngoài 90 vẫn lên sân khấu



Theo Hội Văn nghệ Dân gian (VNDG) Việt Nam, 108 loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã mất đi vĩnh viễn.

Từ năm 2002 tới nay, Hội VNDG đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho hơn 150 người, đó là một con số quá ít ỏi. Và dù có được Hội VNDG công nhận thì việc phong tặng danh hiệu này mới chỉ mang ý nghĩa tôn vinh chứ chưa có chính sách đãi ngộ. Hội này không có quyền hạn và trách nhiệm về việc giải quyết chính sách ưu đãi nghệ nhân.


300 hồ sơ nằm chờ thông tư


Bên cạnh huy hiệu, bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNND sẽ được tặng kèm theo tiền thưởng bằng 12,5 lần mức lương tối thiểu chung (hiện là 750.000 đồng/tháng), đối với danh hiệu NNƯT là 9 lần mức lương tối thiểu chung. Ngoài ra, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu sẽ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật, như được hỗ trợ mua bảo hiểm, chế độ thăm nom, hưởng quyền lợi tham gia hội đồng liên quan nghề nghiệp…

Theo quy định mới, quy trình thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND và NNƯT sẽ được thực hiện ở cấp tỉnh và cấp Nhà nước. Hạn nộp hồ sơ tới hội đồng cấp tỉnh là trước ngày 31-12 trước năm xét tặng và tới Hội đồng Nhà nước trước ngày 31-3 của năm xét tặng. Việc xét tặng được tiến hành 2 năm/lần vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9.

Đến nay, Cục Di sản Văn hóa đã nhận được hơn 300 hồ sơ nghệ nhân được các tỉnh, TP trong cả nước đề nghị xét tặng 2 danh hiệu nói trên. Bên cạnh đó, Cục Di sản Văn hóa cũng sẽ xem xét để chọn lựa thêm nghệ nhân trong hơn 150 nghệ nhân dân gian mà Hội VNDG đã phong tặng.

Gần hai năm sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa được thông qua, thông tư hướng dẫn về thực hiện các chính sách đãi ngộ cho Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) vẫn đang nằm ở dạng dự thảo và chưa biết đến khi nào mới được ban hành, thực hiện.

Vấn đề rất cấp bách

Theo dự thảo này, người được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT phải là những người nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình di sản văn hóa, gồm: tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; ngữ văn dân gian; tập quán xã hội; nghệ thuật trình diễn dân gian; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian.

Ngoài ra, họ phải được quần chúng mến mộ, kính trọng, được cộng đồng thừa nhận, tôn vinh vì tài năng xuất sắc. Hơn thế, họ phải có thời gian thực hành từ 25 năm trở lên đối với danh hiệu NNND; 20 năm trở lên đối với NNƯT và có học trò là người thừa kế và truyền dạy di sản.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, cho rằng sự mai một của di sản văn hóa phi vật thể rất nhanh chóng nếu không có sự truyền dạy. Việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân văn hóa phi vật thể trở thành vấn đề rất cấp bách từ rất lâu và nếu không nhanh chân thì có khi họ không còn sống để nhận sự tôn vinh, đãi ngộ này. Chính vì thế, theo bà Minh Lý, việc phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT bên cạnh ý nghĩa đãi ngộ đối với các nghệ nhân, còn hướng đến mục đích khuyến khích trao truyền di sản cho những người trẻ.

Bà Nguyễn Kim Dung, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, người trực tiếp tham gia ban soạn thảo quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT, thừa nhận những khó khăn cũng như thiệt thòi của các nghệ nhân bấy lâu nay không phải là không nhìn thấy nhưng khi bắt tay thực hiện, các cấp đều gặp phải nhiều vướng mắc do thiếu các văn bản pháp quy. Hơn nữa, việc xét tặng danh hiệu không đơn giản, bởi đây là vấn đề con người chứ không phải hiện vật. Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, xác định ai hơn ai là điều rất khó. Chính vì khó nên sau nhiều thời gian, quy định này vẫn nằm ở dạng dự thảo.

Bà Nguyễn Kim Dung cho biết hiện nay thông tư vẫn đang chờ được phê duyệt và nếu sớm được thông qua thì Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ triển khai xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân vào đúng dịp 2-9 năm nay.

Bài và ảnh: Hoàng Lan Anh - Theo NLĐO

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương