Nghĩ về hướng phát triển “đờn ca tài tử Nam bộ”

"Đờn ca tài tử Nam bộ" là một sinh hoạt âm nhạc mang tính truyền thống, là món ăn tinh thần không thể thiếu của vùng đất Nam bộ, vì vậy rất cần sự quan tâm duy trì và phát triển.

Đờn ca tài tử là một hoạt động âm nhạc mang tính đặc thù của vùng đất Nam bộ. Đó vừa là hoạt động của những người tài năng, bài bản, nhưng đồng thời cũng là hoạt động của những người “nghiệp dư”, không lấy đó làm kế sinh nhai.

Ý nghĩa chữ “tài tử” ở đây là “người có tài” như câu thơ trong truyện Kiều “dập dìu tài tử giai nhân”. Ông Nhạc Khị - người chơi nhạc tài tử nổi tiếng ở xứ Bạc Liêu vào những năm đầu thế kỷ XX đã nói: “Chơi đờn ca tài tử là coi như ra trận, hễ ca sai lời, sai nhịp, sai giọng, đàn sai nhạc, sai nhịp là coi như không phải đờn ca tài tử”.

Đờn ca tài tử hình thành từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Nam bộ. Thoạt tiên, âm nhạc tài tử xuất phát từ nhã nhạc cung đình Huế, rồi các nhạc sĩ, nhạc quan của Triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương tiến về phương Nam. Trên đường đi họ dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, từ đó tiếng đờn, giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng. Nhưng khi vào đến miền Nam thì tiếng đờn miền Trung đã thay đổi rất nhiều, thậm chí một số bài bản tuy mang cùng tên mà nét nhạc đã khác xa.

Những người chơi đờn ca tài tử thường là chỉ để giải trí, để gửi gấm tâm sự riêng, hay cùng với bạn đồng điệu đờn, ca cho người mộ điệu thưởng thức. Vì vậy, họ thường luyện rất công phu, tập từng chữ nhấn, chữ chuyền, phải rao sao cho mùi, sắp chữ lời ca sao cho đẹp và luôn tạo cho mình một phong cách riêng.

Về bài bản đờn ca tài tử thì có rất nhiều, nhưng cơ bản vẫn là bài 20 bản tổ. Đó là: sáu bài Bắc gồm: Tây thi, Cổ bản, Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn, ba bài Nam gồm: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo (đảo ngũ cung), bốn bài oán gồm Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng; bảy bài nhạc lễ (bài lớn) gồm Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khác, Vạn giá.

Trong quá trình chơi đờn ca tài tử ở Nam bộ, ông cha ta luôn có sự sáng tạo mới, ngoài 20 bài tổ, theo thống kê của ông Nguyễn Văn Thinh (tức giáo Thinh) năm 1945, nhạc tài tử Nam bộ có tổng cộng 72 bài, bao gồm 36 bài bắc, 7 bài lễ, 3 bài nam, 6 bài oán, 8 bài ngự, 2 bài nhỉ và 10 bài thập thủ liên hườn.

Đến giữa tháng 8- 1919, nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) đã công bố bản nhạc lòng bất hủ của mình - bản Dạ cổ hoài lang, từ đó góp phần làm phong phú thêm các điệu thức của nhạc tài tử Nam bộ. Và cũng chính từ bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, trải qua thời gian năm tháng đã có sự phát triển, sáng tạo đáng kể, từ bản Dạ cổ hoài lang nhịp 2, dần dần nâng lên nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32; từ bài “Dạ cổ hoài lang” 20 câu, dần dần rút xuống còn 6 câu, rồi 4 câu, đúng như lời tâm nguyện của nhạc sĩ Cao Văn Lầu vào năm 1963: “Từ bài dạ cổ hoài lang nhịp 2, nhịp 4 trở thành nhịp 32 là công sửa đổi của quý vị nhạc sư, nhạc sĩ, soạn giả để trở thành đứa con tinh thần chung của quý vị. Tôi xin giao đứa con ấy cho quý vị, thương yêu nó mà giữ dùm nó, đừng biến nó thành đứa con hoang mất căn gốc, nhịp điệu và lời ca. Như thế dầu tôi có chết cũng ngậm cười nơi chín suối. Tôi tin đứa con riêng của tôi, đứa con chung của quý vị sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc với tất cả tấm lòng yêu chuộng bản hoài lang hay bản vọng cổ…!”.

Ở Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay) do sớm tiếp cận với cái nôi của nhạc tài tử Nam bộ, nên sớm hình thành các nhóm đờn ca tài tử, đặc biệt là vào khoảng năm 1935 đã sản sinh ra một trường phái diễn tấu bài vọng cổ theo một phong cách độc nhất, vô nhị, đó là “Dây đờn Rạch Giá”, từng làm say mê giới đờn ca tài tử khắp vùng Tây Nam bộ một thời. Người sáng tạo ra dây đờn Rạch Giá là một công chức thời bấy giờ tên là Ba Lạc, bởi ông thấy rằng các nhạc cụ cổ truyền không đủ sức diễn đạt hết sự tinh tế của bài vọng cổ, nên đã cố công tìm kiếm nhạc cụ khác thay thế.

Có thể khẳng định rằng, đờn ca tài tử là một sinh hoạt âm nhạc mang tính truyền thống, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các lễ hội, đám tiệc, thậm chí ở cả một số đám tang. Ở Rạch Giá - Kiên Giang từ lâu đã có phong trào đờn ca tài tử, và có lúc phát triển rất thịnh hành. Ở nhiều huyện, nhiều xã, ấp có các đội, nhóm đờn ca tài tử. Ở các hội thi, hội diễn thường thấy bóng dáng của đờn ca tài tử xuất hiện xen lẫn với phong trào văn nghệ quần chúng. Cho dù phim ảnh và các môn nghệ thuật khác có phát triển mạnh đến đâu thì đờn ca tài tử vẫn sống, vẫn tồn tại và vẫn là sự yêu thích của nhiều người.

Sau một thời gian lắng dịu, gần đây phong trào đờn ca tài tử ở Kiên Giang bắt đầu có những tín hiệu đáng mừng. Nhiều nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử được củng cố, hoạt động trở lại. Ở Rạch Giá có nhóm của anh Nguyễn Hoàng Vũ, Nguyễn Hoàng Thắng, nhóm của anh Võ Trường Đấu, nhóm ở An Hòa, Rạch Sỏi, Vĩnh Hiệp….Ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Giồng Riềng, Hòn Đất, Kiên Lương, Kiên Hải…..đều có câu lạc bộ hoặc nhóm đờn ca tài tử.

Mới đây, anh Nguyễn Hoàng Vũ, một người rất am hiểu và say mê loại hình đờn ca tài tử cùng một số bạn bè “chí cốt” đã cho ra đời câu lạc bộ đờn ca tài tử “Phù Sa - Kiên Giang”, tại số 30 đường Tôn Đức Thắng (Khu lấn biển) phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá. Có thể nói đây là một câu lạc bộ chất lượng cao, đúng tính chất mô hình đờn ca tài tử. Câu lạc bộ có chức năng, nhiệm vụ, tập hợp, quy tụ anh chị em yêu thích đờn ca tài tử; biểu diễn, giao lưu, phục vụ và trao đổi về chuyên môn; đồng thời là nơi đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy đờn và ca tài tử cải lương….

Ai cũng biết rằng, mỗi vùng miền có những nét văn hóa đặc sắc riêng, đó là tài sản quý giá của cả một quá trình vun đắp, chăm bồi, phát triển, giữ gìn của biết bao thế hệ. Cũng như ở miền Bắc có Chiếu chèo, có ca trù, Bắc Ninh có dân ca quan họ, vùng Tây Bắc có hát then, múa xòe, múa sạp, ở Tây Nguyên có cồng chiêng, ở Liên khu 5 (cũ) có bài chòi, ở Huế có nhã nhạc cung đình, thì Nam bộ có cải lương, có đờn ca tài tử.

Hình ảnh
Trình diễn đờn ca tài tử. ( Ảnh: Nguồn: Internet )


Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương (lần thứ 5, khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộ đã được ban hành. Gần đây, Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng đề nghị Tổ chức Văn hóa giáo dục khoa học của LHQ (UNESCO) công nhận nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam là di sản văn hóa thế giới như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, đặc biệt là đang đề nghị công nhận “đờn ca tài tử Nam bộ” là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Việc bảo tồn và phát triển “đờn ca tài tử” ở Kiên Giang, chúng tôi nghĩ rằng đó là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, trong đó ngành văn hóa thông tin là nòng cốt. Muốn giữ gìn và phát triển tốt, trước hết, ngành văn hóa cùng với Hội văn học nghệ thuật và các ngành có liên quan cần tiến hành sưu tầm có hệ thống các bài bản tài tử đã từng lưu truyền và sử dụng trên đất Rạch Giá xưa và Kiên Giang ngày nay. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy bộ môn đờn ca tài tử và phục hồi dây đàn Rạch Giá. Việc này vừa tiến hành ở trường nghiệp vụ văn hóa của tỉnh, vừa tiến hành ở các trung tâm văn hóa huyện, thị, vừa tiến hành ở các câu lạc bộ, các đội nhóm đờn ca tài tử, thậm chí đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông.

Trong việc dạy, đào tạo, bồi dưỡng phải biết huy động, sử dụng những người am hiểu, và giỏi về đờn, ca tài tử để truyền dạy nhất là những người giỏi về đờn, vì chỉ có người đờn giỏi mới có người ca giỏi và ca bài bản. Trong thực tế ở đâu có “thầy đờn” thì ở đó có “lò” luyện ca. Đồng thời, phải thường xuyên tổ chức các hội thi, liên hoan để đánh giá, uốn nắn và chỉ đạo phong trào. Đài Phát thanh Truyền hình cần có chuyên mục đờn ca tài tử để quảng bá, giới thiệu về bộ môn này.

Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cần phát động các đợt sáng tác lời mới cho bài bản tài tử, cải lương, thông qua đó để góp phần tuyên truyền nhiệm vụ chính trị và ca ngợi quê hương đất nước. Việc duy trì và phát triển đờn ca tài tử vừa phải mang tính xã hội hóa nhưng đồng thời phải có sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, nhất là đầu tư cho việc bảo tồn, phục hồi và truyền dạy; có chính sách đãi ngộ những người có công trong lĩnh vực này. Có như vậy, bộ môn đờn ca tài tử và dây đờn Rạch Giá sẽ có sức sống lâu bền, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.


THIỆN CẨN - Theo www.nhandan.org.vn

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương