Bốn sao sáng có được phong NSND?

Đó là các nghệ sĩ sân khấu thượng thặng: Kim Cương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết. Họ thừa tài năng, thành tích nhưng lại thiếu những tấm huy chương hội diễn nên phải xin đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Sáu nghệ sĩ được TPHCM đề nghị Nhà nước đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần này ngoài nghệ sĩ Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu), NSƯT Hồng Vân, có 4 gương mặt nổi tiếng của làng sân khấu từ nhiều thập niên qua mà khi nói đến bất kỳ ai cũng đều biết, đó là các nghệ sĩ: Kim Cương, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu. Vì sao phải đặc cách? Và liệu họ có được xét đặc cách cho lần phong tặng này?

Được công chúng công nhận, mến mộ

Giải thích vì sao phải xin đặc cách, ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Xét đề nghị cấp TP, nói: “Theo thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn xét duyệt danh hiệu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, 6 nghệ sĩ này thiếu huy chương. Nhưng tôi khẳng định họ thừa thành tích. Họ đều có tài năng đặc biệt xuất sắc, có uy tín trong giới và được công chúng công nhận, mến mộ.

Hình ảnh
Nghệ sĩ Bạch Tuyết


Dù hiện nay họ đều đã ở ngưỡng tuổi 60 – 70 nhưng vẫn bền bỉ với nghề, vẫn là tấm gương sáng cho thế hệ diễn viên trẻ, đồng thời vẫn tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của sân khấu nước nhà. Sức tác động của họ đối với công chúng rất lớn và cho đến thời điểm này, sự nỗ lực không ngừng của họ đã tiếp sức cho thế hệ trẻ sáng tạo trên con đường hoạt động nghệ thuật, mang lại cho sân khấu ca kịch dân tộc những thành tựu mới”.

Hình ảnh
Nghệ sĩ Kim Cương


Ông Nguyễn Thành Rum cũng cho biết việc đề nghị đặc cách phong tặng danh hiệu NSND cho các nghệ sĩ này có được sự đồng thuận rất cao, chiếm 100% số phiếu bầu của giới chuyên môn, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, Hội Sân khấu TPHCM.

Phân tích về mặt chuyên môn, tác giả Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam – Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nhận xét: “Lực diễn đa dạng, tạo hiệu ứng tốt qua mỗi vai diễn và có nhiều vai diễn để đời, 4 nghệ sĩ: Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy được xem là 4 ngôi sao sân khấu thượng thặng trong diễn xuất, có số đông quần chúng hâm mộ. NSƯT Kim Cương dù sau này ít tham gia biểu diễn nhưng chị đã được công chúng yêu mến qua những nỗ lực cống hiến trong các hoạt động từ thiện. Cá nhân chị đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì.

Hình ảnh
Nghệ sĩ Lệ Thủy


NSƯT Bạch Tuyết nhiều năm liền tham gia hội đồng giám khảo các hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, tham gia giảng dạy, truyền nghề và thể nghiệm những sáng tác mới từ các vở: Diễn kịch một mình, Hoàng hậu 2 vua đến Độc thoại đêm, Lý Chiêu Hoàng và gần đây đã nỗ lực chuyển thể tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành Ngục trung nhật ký diễn ca bằng nghệ thuật ca cải lương.

Có những giá trị lớn hơn huy chương


NSND - đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhận xét: “Đứng ở góc độ một đạo diễn, tôi thừa nhận 5/6 nghệ sĩ mà hội đồng TP đặc cách giới thiệu với hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND lần này là quá muộn đối với họ. Đúng lý, họ đã được đặc cách xét tặng danh hiệu cao quý này từ những đợt trước vì tài năng, sự cống hiến và uy tín của họ đối với công chúng.

Với 4 nữ nghệ sĩ mà tôi rất ngưỡng mộ: Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu và Lệ Thủy, họ là 4 ngôi sao sáng chói của bầu trời nghệ thuật phương Nam. Sức hút của họ đối với khán giả vẫn còn rất lớn và quan trọng là 3 trong số họ, vẫn còn tham gia biểu diễn, tiếp tục cống hiến cho nền nghệ thuật của nước nhà”.

Hình ảnh
Nghệ sĩ Ngọc Giàu


NSƯT Lệ Thủy trong nhiều năm qua không chỉ là ngôi sao của sân khấu cải lương tham gia biểu diễn từ thành đến tỉnh mà còn cùng NSƯT Minh Vương thành lập Sân khấu Vàng, nơi làm sống lại các vở diễn cải lương kinh điển, lấy doanh thu làm từ thiện. Từ hoạt động này, họ đã xây dựng hơn 30 căn nhà tình thương cho đồng bào nghèo, giúp đỡ, chăm lo cho nghệ sĩ già yếu neo đơn.

NSƯT Ngọc Giàu từ cải lương, kịch đến hài, vẫn là một ngôi sao sáng, là tấm gương cho thế hệ đàn em. Chị luôn dìu dắt, nâng đỡ, hết lòng với đàn em. NSƯT Bạch Tuyết thực hiện công việc truyền nghề, nghiên cứu về sự phát triển và thể nghiệm các công trình cải lương. Chị đã có biết bao học trò giỏi, trong số đó nhiều người đã được phong tặng danh hiệu NSƯT.

Riêng với “Kỳ nữ Kim Cương”, dù đã tạm ngưng biểu diễn nhưng chị có thành tích đáng nể trong hoạt động công tác xã hội, thực hiện các chương trình biểu diễn gây quỹ từ thiện, đưa sân khấu hướng đến cộng đồng, góp phần với xã hội chăm lo cho đời sống người nghèo mà chị với vai trò Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ em mồ côi TPHCM, ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM.

Những thành tích cũng như đóng góp của họ đối với sân khấu và xã hội như trên thì không một huy chương nào có thể sánh bằng.

Huy chương là một tiêu chuẩn

Thực hiện Thông tư số 06 - 2010 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng Xét duyệt danh hiệu NSND, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) TPHCM (hiện nay gọi là Hội đồng TP) đã tổ chức cuộc họp vào ngày 2-4 để xem xét hồ sơ của 88 nghệ sĩ đề nghị được xét tặng danh hiệu NSND (18 người), NSƯT (70 người).

Qua đó, Hội đồng TP đã có văn bản gửi Hội đồng Xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT cấp Nhà nước đề nghị xét đặc cách phong tặng danh hiệu NSND cho 6 nghệ sĩ TPHCM: NSƯT Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu), NSƯT Kim Cương, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Hồng Vân và một nghệ sĩ được đặc cách phong tặng NSƯT: Vũ Luân.

Theo Thông tư số 06 – 2010, đối với nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND, một trong những điều kiện để được xét tặng là có nhiều giải thưởng nghệ thuật loại vàng và bạc, trong đó có ít nhất 2 giải vàng cấp quốc gia hoặc quốc tế, tính từ thời điểm sau khi được phong danh hiệu NSƯT.


Dấu ấn đậm nét ở những nghệ sĩ này là họ đều có những danh xưng mà công chúng ban tặng vì tài năng và sự cống hiến của họ. NSƯT Bạch Tuyết là “Cải lương chi bảo”; NSƯT Ngọc Giàu là “Giọng ca lụa trải nhung căng”; NSƯT Lệ Thủy là “Tiếng chuông vàng thánh thót”, NSƯT Kim Cương là “Kỳ nữ Kim Cương”.

THANH HIỆP - Theo NLĐO


Ngậm ngùi “chuyện“ 4 nghệ sĩ “đặc cách“ được xét NSND


Thời gian gần đây, thông tin 4 nghệ sĩ cải lương được đặc cách xét phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) đã gây xôn xao không chỉ trong giới nghệ sĩ. Tuy vậy, đối với nhiều người thì đó hoàn toàn không phải là một thông tin quá khác thường, khi mà đối với 4 nghệ sĩ thuộc hàng gạo cội đã có nhiều công lao với nghệ thuật cải lương mà đến khi phong tặng, vẫn còn phải dùng đến từ “xin” và “đặc cách”.

Hình ảnh
Nghệ sĩ Bạch Tuyết và Bảo Quốc


Cải lương thiệt thòi?

Đó là ý kiến không phải của các nghệ sĩ cải lương mà còn của rất nhiều nghệ sĩ ngoài nghề bởi thực tế cho thấy, hầu hết các nghệ sĩ cải lương chỉ được phong tặng danh hiệu (NSƯT, NSND) khi tuổi tác của họ đã xế bóng, khả năng cống hiến không còn nhiều, đó là những trường hợp của NSND Phùng Há, NSND- soạn giả Viễn Châu.

Thậm chí có nhiều nghệ sĩ tuổi đã già mà “đường đến với danh hiệu” vẫn xa mịt mù dù đã làm hồ sơ để rồi phải... chờ xét lần sau. Đơn cử như trường hợp của nghệ sĩ Hồng Nga. Đợt này bà vẫn chưa chạm tay vào được danh hiệu, dù đã lớn tuổi và lứa nghệ sĩ học trò của bà nhiều người đã trở thành NSƯT. Nhiều nghệ sĩ trong nghề còn đùa, đôi khi danh hiệu NSƯT, NSND đến với nghệ sĩ thì họ cũng... chẳng còn mấy sức để vui, cứ coi như... trúng số an ủi cuối mùa.

Vậy vì sao 4 nghệ sĩ lớn của nghệ thuật cải lương nước nhà là Bạch Tuyết, Kim Cương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy đến nay vẫn phải “đặc cách” thì mới trở thành NSND?. Lý do là do họ... thiếu huy chương tại các hội diễn! Điều kiện này nằm trong quy chế về xét phong các danh hiệu nghệ sĩ, nhưng vốn đã gây khá nhiều tranh cãi từ những đợt xét giải trước.

Theo ý kiến của rất nhiều nghệ sĩ trong nghề, việc dựa vào huy chương hội diễn là không hợp lý vì điều này còn nặng tính “hên - xui”, khi mà có những nghệ sĩ được phong nhiều danh hiệu nhưng ít được công chúng biết đến vì thời gian dành hầu hết để... tham gia các hội diễn.

Nghệ sĩ cải lương Minh Trí, công tác tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM bày tỏ ý kiến của người trong nghề: “Đối với những nghệ sĩ cải lương hậu bối như chúng tôi, Bạch Tuyết, Kim Cương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy là những bậc gạo cội trong nghề. Việc phong tặng danh hiệu NSND là quá trễ! Đáng ra việc này phải được thực hiện từ cả chục năm trước chứ không chờ đến hiện nay, mà lại còn phong tặng cho họ kiểu “đặc cách”.

Về huy chương, theo tôi đây chỉ có thể gọi là yếu tố bổ sung, chứ không thể lấy làm tiêu chí để xét danh hiệu, vì như vậy sẽ không công bằng. Những nghệ sĩ lớn, đem nghệ thuật cải lương đến với sâu rộng nhân dân, được dân thương, đem cải lương Việt Nam ra thế giới mà biểu diễn, không đủ thời gian tham gia hội diễn trong nước, đem cải lương truyền bá cho lớp lớp thế hệ sau thì làm sao có đủ thời gian mà thi thố nhằm giật số lượng huy chương như tiêu chuẩn?.

Có một điều nữa là tuy không nói ra, nhưng nhiều người cũng thấy huy chương tại hội diễn có tính “cơ cấu”: Cứ đào, kép chánh thì huy chương vàng, đào kép phụ thì huy chương bạc hoặc không có. Như vậy, các nghệ sĩ chuyên vai phụ gặp khó khăn lớn trong việc được phong tặng? Bởi thế, theo tôi, danh hiệu là điều đáng quý, nhưng làm sao để khách quan, để yếu tố “lòng dân” là tiêu chí cao hơn huy chương thì mới đúng ý nghĩa của danh hiệu.

Trên thực tế, có nhiều nghệ sĩ được danh hiệu này, nọ nhưng công chúng đâu có mấy người biết đến?. Còn với các nghệ sĩ như Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Kim Cương, Ngọc Giàu, dẫu anh có đem danh hiệu trao tặng cho họ mà họ chưa được khán giả yêu quý, chưa hết lòng với khán giả, với nghề, thì có khi họ cũng không chịu!”.

Danh hiệu cao quý nhất là sự yêu quý của nhân dân

Là một trong những “tiền bối” của nghệ thuật cải lương, đến với nghề trước khi chuyển hướng sang sân khấu hài, Nghệ sĩ Bảo Quốc cũng chia sẻ những ý kiến tương đồng với Nghệ sĩ Minh Trí. Theo Bảo Quốc, một thực tế của cải lương là rất nhiều nghệ sĩ lớn tuổi không thuộc vào một đoàn hội, tổ chức nào. Những nghệ sĩ này cả đời chỉ biết hát, diễn, cống hiến và truyền nghề, không quan tâm đến việc tham dự hội diễn, và cũng không có cơ hội tham gia vì họ hoạt động tự do. Ngoài ra, với nhiều nghệ sĩ cống hiến nhiều năm, khi lớn tuổi, nếu thuộc vào một đoàn nào thì cũng khó mà được đảm nhận vai chính, lớn để có huy chương khi tham gia hội diễn, như vậy thì việc được phong danh hiệu với họ có lẽ sẽ... không có, cho dù hình ảnh họ rất đẹp đẽ, thân thuộc trong lòng công chúng.

Đợt này, Nghệ sĩ Bảo Quốc không làm đơn đề nghị được phong danh hiệu NSND vì theo ông, việc phong danh hiệu cao quý từ phía Nhà nước là một vinh dự chứ không phải xin - cho. “Nghệ sĩ trẻ sau một thời gian hoạt động nghệ thuật, muốn được phong NSƯT là đúng. Nhưng từ NSƯT đến NSND, nhất là với rất nhiều nghệ sĩ đã nhiều năm tận tâm với nghề, công chúng, giới nghệ sĩ biết đến nhiều, thì nên chăng họ phải làm đơn, đi xin xác minh, thủ tục... để được phong tặng? Liệu lòng tự trọng của nghệ sĩ có cho phép họ làm điều đó? Chính vì thế mà với tôi, danh hiệu chỉ là một nửa phần thưởng, nửa còn lại là dành cho... vị trí của mình trong lòng công chúng”.

Hoạt động trong một lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù và đặc biệt, thật khó trách nghệ sĩ khi họ đặt tự trọng nghề nghiệp của mình lên trên cả danh hiệu, phần thưởng. Khá nhiều nghệ sĩ đã có hành động như Nghệ sĩ Bảo Quốc. Ở kịch nói, Nghệ sĩ Thành Lộc, Hồng Vân cũng từng khéo léo “từ chối” việc làm đơn xin phong tặng danh hiệu cho mình, tạm dừng lại ở danh hiệu NSƯT mặc dù với công chúng, họ là những nghệ sĩ đúng nghĩa, tài năng, đầy tận tâm.

Danh hiệu là một phần thưởng tinh thần rất quan trọng, là một cột mốc, một thước đo cho cuộc đời nghệ thuật của nghệ sĩ, khi mà sự cống hiến của họ được công nhận ở phương diện quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, phải làm sao để nghệ sĩ nhận danh hiệu mà vui, mà thoải mái, làm động lực cho họ càng thêm yêu nghề, cống hiến với nghề, điều này phải nói đến cái tâm và cách làm của nhà quản lý.

Xin lấy lời của Nghệ sĩ Bạch Tuyết để kết thúc bài viết: “Giờ đây tôi không muốn nói đến chuyện danh hiệu. Còn rất nhiều người thầm lặng, cống hiến cho nghề, và khi làm họ đâu nghĩ gì đến chuyện sẽ được phong tặng danh hiệu gì? Mình cũng chỉ biết là nghiệp của cha ông, là duyên với nghề thì mình phấn đấu hết mình, làm hết mình. Đời vậy là vui lắm rồi...”.

Ngọc Mai - Theo PLVNO 



Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ và giải thưởng: Có thành tích đặc biệt xuất sắc mới xét đặc cách


Đề cập đến vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua, ông Nguyễn Hải Anh (Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ VHTTDL) đã thu hút diễn đàn hội nghị khi thông tin những nội dung xung quanh việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ và giải thưởng; đáng chú ý là việc xử lý đơn thư khiếu nại của các nghệ sĩ liên quan đến lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Hải Anh khẳng định, danh hiệu và giải thưởng là sự ghi nhận chính xác, khách quan; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp, cống hiến của các văn nghệ sĩ đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Việc xét tặng có những nguyên tắc không thể bỏ qua như Hội đồng cấp trên chỉ xét duyệt đối với những hồ sơ đã được hội đồng cấp dưới thẩm định; việc xét chọn được tiến hành khoa học, theo đúng quy trình đã được quy định chặt chẽ và đương nhiên, các hồ sơ chỉ được xét chọn khi đáp ứng đầy đủ các bước theo quy định.

Không xét những trường hợp không đúng quy trình, không đủ số phiếu của hội đồng cấp cơ sở, không đủ thời gian công tác cũng như những tác phẩm, công trình không đủ thời gian công bố theo quy định... Những trường hợp được xem xét đặc cách phải là những trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc.

Về việc xử lý những đơn thư khiếu nại, vấn đề được dư luận khá quan tâm trong thời gian qua, ông Nguyễn Hải Anh khẳng định, theo nguyên tắc đã được quy định rõ trong Thông tư Hướng dẫn về xét tặng, những đơn thư khiếu nại phát sinh từ Hội đồng cấp nào thì Hội đồng cấp đó có trách nhiệm giải quyết. Căn cứ theo nguyên tắc này đối với trường hợp một số đơn thư của các nghệ sĩ khiếu nại, Hội đồng cấp cơ sở phải có trách nhiệm giải quyết triệt để, thấu đáo.

Ông Nguyễn Hải Anh khẳng định, đối với việc xét tặng, vinh danh các nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nền văn học nghệ thuật của dân tộc, mọi bước đi đều cần rất thận trọng, khách quan, dựa trên cơ sở những thông tin đầy đủ, chính xác. Việc xét tặng luôn được tiến hành theo quy định, qua nhiều cấp. Các Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thiểu số phải phục tùng đa số, phải tuân thủ quy chế làm việc của Hội đồng và các quy định của pháp luật. Hồ sơ xét tặng của từng nghệ sĩ được gửi đến thành viên các Hội đồng trước khi họp nhiều ngày để có thời gian xem xét, nghiên cứu.

P.A (lược ghi) - Theo VHO

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương