Cải lương có bị cải lùi?

Mức lương bèo bọt, sân khấu ảm đạm, để mưu sinh và giữ lửa nghề, các nghệ sĩ cải lương vùng sông nước Cửu Long hiện nay phải hoạt động bằng hình thức đờn ca tài tử. Việc đờn ca tài tử hóa cải lương cho thấy cải lương đang đi những bước thụt lùi trong cơn khủng hoảng.

Theo các tài liệu khảo cứu, đờn ca tài tử là hình thức sơ khai của cải lương, xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỉ XX ở Nam bộ. Khi mùa gặt ngơi tay, những người nông dân lại quây quần bên nhau ngẫu hứng ca hát. Các nhóm đờn ca tài tử thành lập, nhưng chỉ để sinh hoạt văn nghệ, phục vụ các đám tiệc, tang tế, lễ Tết… với quy mô gia đình, làng xã chứ không biểu diễn trên sân khấu. Về sau, đờn ca tài tử phát triển lên hình thức Ca ra bộ. Năm 1920, cải lương ra đời như sự tiếp biến tất yếu của Ca ra bộ.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê, cải lương có nghĩa là "sửa đổi để trở nên tốt hơn". Cải lương có sân khấu, có vở, tuồng tích, nhân vật, dàn nhạc… hẳn hoi. Thập niên 60 của thế kỉ XX, cải lương không chỉ là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền sông nước Cửu Long mà còn phát triển rộng khắp cả nước. Tính cả ba miền có đến hàng trăm đoàn cải lương, riêng ở Sài Gòn hồi đó đã có trên 20 đoàn. Các nghệ sĩ thời kỳ này được công chúng vinh danh, cuộc sống khá sung túc.

Sau đổi mới, với sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí hấp dẫn khác, cải lương không còn là ưu tiên hàng đầu trong sự lựa chọn của công chúng. Cùng với sự xâm nhập của Internet, cải lương rơi vào cơn khủng khoảng trầm trọng kéo dài. Các rạp cải lương dần bị dẹp bỏ, thua lỗ khiến hàng loạt đoàn cải lương phải giải thể, hàng ngàn diễn viên phải chuyển nghề.

NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội chia sẻ: Hiện nay, lương của diễn viên thử việc chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, diễn viên chính thức khoảng 2 triệu đồng/tháng. Với mức lương bèo bọt như vậy, nghệ sĩ cải lương có cuộc sống rất chật vật. Trong khi nghệ sĩ cải lương các thành phố lớn như Tp HCM và Hà Nội phải kiếm thêm bằng cách chạy show đám cưới, tiệc tùng hay làm thêm nghề tay trái như mở cửa hàng, tiệm hớt tóc, mở lớp dạy nhạc… thì các nghệ sĩ ở vùng sông nước miền Tây tham gia hoạt động đờn ca tài tử. Hình thức này khá đơn giản, hoặc là cá nhân đến diễn cho các tụ điểm đờn ca tài tử, hoặc đi thành từng nhóm, về các vùng miệt vườn sông nước biểu diễn theo kiểu trên bến dưới thuyền.

Nghệ sĩ Kim Hoa, Đoàn Cải lương Ánh Hồng, tỉnh Trà Vinh cho biết: Để mưu sinh thêm, hai vợ chồng thường tham gia các tụ điểm đờn ca tài tử, đi diễn ở sông nước miệt vườn. Khách thưởng thức tự do, không phải bỏ tiền mua vé. Khách nào có lòng thì tặng hoa có kẹp những đồng tiền mệnh giá 5.000 hoặc 10.000 đồng cho nghệ sĩ. Nhóm khác thì đặt những chiếc giỏ bằng tre xinh xắn gần chỗ biểu diễn, khách muốn ủng hộ thì bỏ tiền vào đó. "Thật lòng nghệ sĩ chúng tôi cũng không sung sướng gì khi đi biểu diễn đờn ca tài tử trong lúc sân khấu cải lương của mình ngày càng sa sút, bị khán giả quay lưng như hiện nay. Nghệ sĩ ai chẳng muốn tập trung, đầu tư sâu cho chuyên môn nhưng lo miếng cơm manh áo chưa xong thì tâm trí, sức lực đâu để phát triển tài năng. Nếu như mỗi đêm diễn cải lương (vốn khá thưa thớt) diễn viên chỉ nhận được hơn 100 ngàn tiền thù lao thì mỗi buổi đờn ca tài tử, chúng tôi có thu nhập khoảng 200-300 ngàn. Nếu ban đờn ca tài tử được mời phục vụ ở đám cưới, đám tiệc và các tour du lịch thì thù lao còn khá hơn. Âu cũng là vì kế mưu sinh" - Nghệ sĩ Kim Hoa chia sẻ.

Hình ảnh
Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê (người ngồi giữa, đeo kính) cùng ban đờn ca tài tử trên sông nước Tiền Giang (ảnh chỉ có tính chất minh hoạ). Ảnh: Duy Anh.


Từng bôn ba về các tỉnh miền Tây tìm hiểu nghệ thuật cải lương, nhà biên kịch Phạm Văn Quý kể rằng, ông rất ấn tượng khi chứng kiến các anh chị em nghệ sĩ biểu diễn ở sông nước miệt vườn. Trên những chiếc thuyền, dưới cây trái xum xuê bên bờ sông, một nhóm nghệ sĩ dăm ba người, không cần quần là áo lượt, phấn son loẹt lòe, chỉ với cây đờn kìm, đờn sến, đờn nhị và tiếng ca là có thể thu hút đông đảo bà con miền sông nước. Nhiều nghệ sĩ cải lương tâm sự, tham gia đờn ca tài tử, họ thỏa niềm đam mê với nghề. Dù đem tiếng ca để nhận từng đồng bạc lẻ nhưng họ vẫn cảm thấy được khán giả quý mến, trân trọng. Bởi nhắc đến những đêm diễn cải lương, các nghệ sĩ không khỏi tủi phận khi vở mới mở màn được 15 phút thì… khán giả đã lục tục ra về dù có mua vé hẳn hoi. Không gian của đờn ca tài tử gần gũi, giữa khán giả và nghệ sĩ dường như không khoảng cách. Hơn nữa, các nghệ sĩ chỉ cần tập trung trau chuốt giọng ca với các bản vọng cổ chứ không phải tốn thời gian, sức lực để tập vở rất công phu như cải lương.

Chứng kiến cảnh các nghệ sĩ biểu diễn cải lương lưu động, Nhà giáo nhân dân Hà Quang Văn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp HCM, nguyên Trưởng khoa Cải lương không khỏi chạnh lòng: "Các nghệ sĩ đi theo đoàn phải di chuyển trong nhiều ngày liền, son phấn tự trang bị, ăn uống thiếu thốn, chỗ ở tạm bợ. Nhiều khi hóa trang xong nhưng gặp mưa gió hoặc khán giả quá ít đành phải hủy diễn. Đã vậy đoàn phải chịu rất nhiều thứ thuế. Còn với đờn ca tài tử, các nghệ sĩ có thể diễn xong rồi về nhà. Hoặc nếu theo xuồng ghe đi diễn thì ăn ở cũng thoải mái hơn".

Nghệ sĩ Kim Hoa cho biết: Không chỉ vợ chồng chị mà nhiều nghệ sĩ Đoàn Cải lương Ánh Hồng và ở các tỉnh miền Tây khác cũng tham gia hoạt động đờn ca tài tử ở các điểm du lịch, nhà hàng khách sạn, các điểm văn hóa giải trí, trên bến dưới thuyền… Hiện nay, hoạt động này đang ngày càng xôm tụ và phát triển mạnh mẽ ở vùng sông nước Cửu Long bởi sự giản tiện và không mất nhiều công sức như khi bôn ba đi diễn cải lương theo đoàn. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính từ Bình Thuận trở vào Nam, đã có hơn 2.000 ban đờn ca tài tử. Mà đó chỉ là con số bề nổi vì rất nhiều ban đờn ca tài tử tự phát nhỏ lẻ chưa được thống kê.

Tuy nhiên, theo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ, cải lương quay về hoạt động theo kiểu đờn ca tài tử là hiện tượng đáng lo hơn đáng mừng. Đây chỉ là giải pháp tình thế vì cuộc sống mưu sinh của nghệ sĩ chứ không phải là lối thoát của sân khấu cải lương, thậm chí càng khiến cho sân khấu cải lương rơi vào nguy cơ bị khai tử. Nó đang đi ngược lại với quy luật vận động phát triển, chứng tỏ bước thoái lui của cải lương trong cơn khủng hoảng. Đờn ca tài tử mang tính tự phát, ngẫu hứng. Do đó, nếu các nghệ sĩ cải lương tham gia thường xuyên có thể làm mai một tài năng, mất đi tính chuyên nghiệp vốn có của cải lương.

Đờn ca tài tử dù phát triển đến mấy cũng không thể làm sống lại cải lương nếu như cải lương không có rạp biểu diễn, kinh phí eo hẹp, lương bổng cho diễn viên thấp kém. Từng nghiên cứu và học tập tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…, Nhà giáo nhân dân Hà Quang Văn không khỏi kinh ngạc trước sự đầu tư "mạnh tay" của họ cho nghệ thuật truyền thống. Sân khấu được thiết kế rất hiện đại với máy móc, trang thiết bị tiên tiến tạo hiệu ứng như cảnh thật, chẳng hạn như lâu đài tráng lệ, khu rừng rậm rạp, cảnh tuyết rơi, hoa nở… Chỉ với hình thức sống động và thú vị ấy đã đủ để khán giả không chần chừ mua vé (dù rất đắt) vào xem. Bản thân ông và những nghệ sĩ tâm huyết với nghề vẫn mong mỏi có một sân khấu cải lương riêng biệt, hiện đại để họ có thể cống hiến những vở diễn hay cho công chúng hằng đêm. Thế nhưng trong khi ở nước ngoài sử dụng sân khấu dạng xoay, 3 tầng, dạng nâng… để chuyển cảnh trong nháy mắt thì ở nước ta, vở bị cắt liên tục, sân khấu tối om khoảng 10 phút để chờ chuyển cảnh. Cảnh trí và đạo cụ của ta vẫn mang tính ước lệ, tượng trưng, ví dụ như đặt một cái bàn, một cái tivi, mấy tấm giấy giả làm tường thì khán giả tự hiểu là diễn viên đang ở trong nhà. Điều này chứng tỏ sân khấu cải lương nước ta rất nghèo nàn, lạc hậu theo kiểu thủ công, chả khác sân khấu thời xưa là mấy. Thời kì trước mở cửa, một vở cải lương của đoàn tỉnh được đầu tư khoảng 40 - 50 triệu, vở cải lương có quy mô thì trên 100 triệu đồng. Bây giờ, khi vật giá đang leo thang nhưng mức đầu tư cho cải lương cũng không có gì thay đổi.

Với mức lương như hiện nay, nghệ sĩ cải lương không sống nổi với nghề thì mong gì đến chuyện thu hút nhân tài. Thế hệ kế cận èo uột trong khi thế hệ nghệ sĩ lão làng ngày càng rơi rụng. Kịch bản cải lương khan hiếm. Do đó các đoàn cứ vở cũ mà diễn đi diễn lại. Trong cơn khủng hoảng, để tự cứu mình, cải lương đang rẽ theo hai hướng: cách tân và tài tử hóa. Tuy nhiên khi việc cách tân còn yếu ớt, bị cho là kịch nói hóa, làm mất bản sắc cải lương thì xu hướng tài tử hóa cải lương ngày một lấn át. Bước "cải lùi" của cải lương chỉ có thể cứu vãn khi loại hình nghệ thuật truyền thống này được nhà nước quan tâm đầu tư một cách đồng bộ và kịp thời về cơ sở vật chất, về nguồn nhân lực cũng như đời sống của nghệ sĩ cải lương, bởi họ cực chẳng đã mới phải chịu cảnh lênh đênh cầm ca trên bến dưới thuyền

Nguyễn Trang - Theo www.vnca.cand.com.vn

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương