Tiểu Sử Ngọc Huyền

Tiểu Sử Ngọc Huyền


    Ngọc Huyền (sinh năm 1970) là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng người Việt. Cô đặc trưng bởi hai lúm đồng tiền trên má và mái tóc đen dài. Ngọc Huyền từng đoạt nhiều giải thưởng lớn trong nước, nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và được đánh giá là người đã "đưa cải lương bứt phá khỏi các khuôn mẫu cũ... để tiếp cận...nhịp sống của thời đại ". Cô có giọng hát ngọt ngào, thể hiện qua sự mến mộ của khán giả. Suốt một thời gian dài, Ngọc Huyền đã thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền hình trong những chương trình cải lương và các sân khấu lớn trong cả nước.
    Cô tên thật là Vũ Hà Ngọc Huyền sinh năm 1970 tại Sài Gòn. Gia đình cô di cư vào Nam năm 1954. Cha cô là một kiến trúc sư gốc Hà Nội, mẹ nguyên quán ở Hà Tây. Ngọc Huyền sinh ra tại Sài Gòn. Gia đình không ai theo nghề nghệ thuật nhưng Ngọc Huyền lại đam mê với nghề này. Được sự ủng hộ và truyền cảm hứng từ mẹ, cô bước vào sân khấu từ năm 14 tuổi bằng sự nghiệp ca hát cải lương.
    Năm 1985, Ngọc Huyền hát trên sân khấu Thanh Nga vở tuồng đầu tiên là Những đêm trăn trở.
    Từ 1985 đến năm 1989, Ngọc Huyền được học cách hát tuồng Tàu qua các vở tuồng kinh điển. Sau khi gia nhập đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, cô được các nghệ sĩ đào tạo hát Hồ Quảng, rồi tiếp tục được các nghệ sĩ có tiếng khác trong lĩnh vực đào tạo. Cô diễn thành công nhiều loại tuồng, từ tuồng cổ, Hồ Quảng đến các vở ca kịch xã hội hiện đại.
    Năm 1992, từ lĩnh vực cải lương, cô tham gia sang lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh.
    Ngọc Huyền từng là diễn viên xuất hiện nhiều nhất trong các chương trình băng đĩa trong nước và được khán giả ái mộ gọi cô là "Nữ hoàng chi bảo vidéo", là nghệ sĩ trẻ nhất miền Nam trong lĩnh vực cải lương được Nhà nước trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú vào năm 2001. Tháng 12 năm 2002, cô còn tổ chức liveshow "Mãi mãi ước mơ" tại Nhà hát Hoà Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 đêm liền, thu hút hơn 5.000 khán giả tham dự. Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét:
    “ Qua chương trình này, cải lương đã bứt phá ra ngoài những khuôn mẫu cũ để tiếp cận với giới trẻ bằng hơi thở, nhịp sống của thời đại nhưng vẫn giữ được chất mộc mạc, truyền cảm, trữ tình của sân khấu truyền thống. ”
    Sau một thời gian bay show qua Mỹ bằng con đường du lịch và ngụ tại nhà ca sĩ Thanh Tuyền, năm 2002, Ngọc Huyền quyết định tiến tới hôn nhân với Don Nguyễn - con trai Thanh Tuyền, một sĩ quan trong Không quân Hoa Kỳ. Cô kết hôn và sang Mỹ định cư. Sau đó cô chuyển sang lĩnh vực ca tân nhạc, tân cổ giao duyên và phát hành DVD những trích đoạn Hồ Quảng Tứ đại Mỹ Nhân, giành được sự yêu mến của khán thính giả hải ngoại. Tháng 8 năm 2010, cô tổ chức liveshow mang tên "Giữ Mãi Tình Yêu" kỉ niệm 25 năm ca hát tại Dallas với hai suất diễn trong cùng một ngày, do Trung tâm Asia thu hình và phát hành thành DVD.
    Từ 2003, Ngọc Huyền trở thành ca sĩ độc quyền cho Trung tâm Asia. Cùng thời gian này, cô vẫn tiếp tục tham gia các chương trình văn nghệ tại Việt Nam.
    Tháng 7 năm 2005, trong chương trình Asia 46 - Hành trình 30 năm (bị chính quyền Việt Nam xem là "một chương trình phản động được dàn dựng quy mô và hoành tráng"), Ngọc Huyền đã trình bày ca khúc "Quê hương bỏ lại" với biểu hiện bị báo Việt Nam miêu tả là "khóc bi ai",trong bộ áo dài họa hình chữ S trước những mô hình trại tạm cư. Một số bài báo của Việt Nam lên tiếng chỉ trích sự xuất hiện của cô trong chương trình này. Bà Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh còn cho rằng "Chỉ cần một chương trình này thôi, Ngọc Huyền không còn xứng đáng với danh hiệu NSƯT" và còn tuyên bố "ủng hộ ý kiến không cho Ngọc Huyền về nước nữa".
    Tháng 4 năm 2007, Trung tâm Asia phát hành bộ đĩa DVD thứ 54 mang tên Bước chân Việt Nam, với mở đầu bằng màn quảng cáo phim Vượt sóng sản xuất ở hải ngoại, được giới thiệu là "bộ phim đầu tiên về tù cải tạo và thuyền nhân". Chương trình có sự tham gia của Ngọc Huyền cùng một vài nghệ sĩ trong nước có tên tuổi như Bảo Yến và Kim Tiểu Long. Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam đã ban hành chỉ đạo thu hồi bộ đĩa này (vốn chỉ lưu hành lậu dưới dạng đĩa giả tại Việt Nam) vì cho rằng nội dung mang tính chất "phản động" và "có nhiều bài hát có minh họa hình ảnh và lời bình đả kích chế độ". Tuy nhiên, sau lệnh cấm, có đánh giá rằng việc báo chí lên tiếng hay việc chỉ đạo thu hồi bộ đĩa từ phía nhà cầm quyền chỉ có tác dụng làm tăng gấp đôi giá đĩa lậu và đĩa vẫn tiếp tục được bán rộng rãi trên thị trường chợ đen; các cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết được.
    Năm 2008, trong chương trình Asia 58 - Lá thư từ chiến trường, trước phông màn lửa cháy và pháo nổ, Ngọc Huyền xuất hiện trên chiếc xe jeep trong trang phục áo dài cách điệu, trình bày ca khúc "Thương về vùng hỏa tuyến" với phần ca từ mà báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh diễn đạt là kể về "vùng hỏa tuyến lửa máu, xóm thôn hoang tàn đổ nát". Việc xuất hiện trên video này khiến cho Ngọc Huyền lại bị nhiều báo tại Việt Nam chỉ trích, trong đó tờ báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cô đã "rên rỉ nức nở các bài hát xuyên tạc đất nước...", "không đúng sự thực về quê nhà". Về việc này, Ngọc Huyền nói:
    “ ... em cảm giác rất buồn. Khi người nghệ sĩ hay ca sĩ cầm một ca khúc để hát hoặc nhận một vai để diễn, họ chỉ biết đặt mình vào nhân vật đó chứ họ không nghĩ mình đứng bên lề chính trị này hay lề chính trị kia. Những người viết báo đó đã không thương cho những người làm nghệ thuật. ”
    Sau sự kiện này, việc tước bỏ danh hiệu và việc cấm biểu diễn của cô cũng được chính quyền xét lại nhưng chưa được chính thức xử lý vì cô đã định cư ở nước ngoài.
    Tháng 1 năm 2010, phần về Ngọc Huyền cũng không được phía Việt Nam đưa vào cuộc triển lãm chuyên đề "Nữ nghệ sĩ cải lương miền Nam" tổ chức tại nước này.
    Về việc định cư ở nước ngoài, Ngọc Huyền cho biết cô "không hối hận khi quyết định ra đi" và "nếu thật sự mình yêu nghề, yêu sân khấu thì nơi đâu mình cũng vẫn có thể bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật mình yêu mến và đeo đuổi."
    Trong cuộc phỏng vấn vào đầu năm 2005, nhân nói về chuyện hôn nhân xa xứ của cô, cô bày tỏ:
    “ Nhìn lại mọi chuyện, em thấy tất cả như Định Mệnh bày sẵn. Em không biện bạch cho mình mà đây chỉ là những bộc bạch..., nếu khán giả thương, hiểu cho Huyền thì đó là Hạnh Phúc lớn dành cho nghệ sĩ. Khi còn là một cô bé, em đã có nhiều suy nghĩ về thần tượng của mình - những nghệ sĩ tài danh. Họ luôn là người sống chân thật, vì thế, họ mới truyền tải tới khán giả những nhân vật trên sàn diễn, mà khán giả có thể khóc, cười với nhân vật đó. Cũng có người cho rằng diễn xuất là sân khấu... Nhưng cuộc đời là sân khấu, sân khấu chính là cuộc đời.. Source: wikipedia

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương