Những nghệ sĩ cải lương tiêu biểu đất Tiền Giang

Những nghệ sĩ cải lương tiêu biểu đất Tiền Giang
 
Đất Tiền Giang xưa và nay, cũng như các tỉnh thành Nam bộ là một trong những trang sử vàng về truyền thống đấu tranh giữ nước và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kì lịch sử dân tộc. Trong lịch sử cận và hiện đại của dân tộc, đất Tiền Giang đã trở thành một trong những địa danh có nhiều “địa linh nhân kiệt” trên nhiều lĩnh vực. Riêng lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đặc thù Nam bộ, Tiền Giang đã từ lâu được cả nước gọi là cái nôi của nghệ thuật Cải lương Nam bộ. Và từ cái nôi này, đã có biết bao nghệ nhân, nghệ sĩ kế thừa hấp thụ dòng huyết thống đó, tiếp tục phát huy truyền thống, góp phần phát triển và tô đậm những dấu son của loại hình nghệ thuật Cải lương theo từng thời kì lịch sử dân tộc. Đó là nội dung của tham luận này trong buổi Tọa đàm: “Tiền Giang với nghệ thuật Sân khấu Cải lương”. Tham luận sẽ trình bày những nét tiêu biểu của những nghệ sĩ Cải lương tiêu biểu được sinh ra, hoặc sinh sống từ quê hương Tiền Giang; Tham luận với tiêu đề: “Những nghệ sĩ Cải lương tiêu biểu từ đất Tiền Giang”, nhằm tôn vinh những cống hiến của các nghệ sĩ (NS) đã góp phần tạo nên những thành tựu chung cho nghệ thuật Cải lương dân tộc.
 
1. Những nghệ nhân, nghệ sĩ, bầu gánh tiền phong
Theo nhiều sử liệu và một số công trình nghiên cứu của nhiều tác giả, loại hình nghệ thuật Cải lương chính thức ra đời vào đêm 15/03/1918, tại Mỹ Tho – Tiền Giang, do thầy Năm Tú (Châu Văn Tú) là người sáng lập; trong đó còn có những nghệ sĩ tiền phong đồng hành với thầy Năm Tú là soạn giả Trương Duy Toản, tuy ông không phải sinh ra ở Tiền Giang nhưng có một thời gian sống và thành danh từ Tiền Giang, được xem là soạn giả viết kịch bản Cải lương đầu tiên của Nam bộ và cả nước nói chung, tác phẩm nổi tiếng của ông là “Kim Vân Kiều” và “Lục Vân Tiên”. Những nghệ nhân, nghệ sĩ khác như: cô Tư Sự người sáng lập gánh hát Đồng Bào Nam, ông Hai Cu lập gánh Nam Đồng Ban, cô Trần Ngọc Viện lập gánh Nữ Đồng Ban, thầy Năm Mạnh (Nguyễn Công Mạnh) là thầy tuồng có kịch bản “Lê Lợi khởi nghĩa”, soạn giả Nguyễn Tri Khương có kịch bản “Giọt máu chung tình”… Đó là những nghệ sĩ tiền phong của Cải lương, được xem là những vị “công thần” gầy dựng buổi bình minh của Cải lương Nam bộ.
 
2. Những nghệ sĩ Cải lương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND)
Trước khi giới thiệu tóm lược nét tiêu của những nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, tham luận này còn không quên đề cập đến ba nghệ sĩ Cải lương tài danh thuộc bậc tiền bối, đó là NS Từ Anh, NS Hai giỏi và NS Năm Phỉ. NS Từ Anh và Hai Giỏi qua đời rất sớm, riêng nghệ sĩ Năm Phỉ qua đời khoảng năm 1954, nhưng qua nhiều báo chí trước năm 1975 đã ca ngợi bà và tôn tặng bà là “thiên tài” của nghệ thuật Cải lương. Nổi bật nhất của NS Năm Phỉ là vai Dương Qúy Phi, năm 1931 bà sang Paris biểu diễn và báo chí bên đó cũng hết lời ca ngợi. (thời đó chưa phong danh hiệu)
 
Nhà nước đã phong tặng danh hiệu NSND cho 7 nghệ sĩ xuất thân từ đất Tiền Giang là: cố NSND Ba Du, cố NSND Nguyễn Thành Châu, cố NSND Phùng Há, cố NSND Bảy Nam, cố NSND Dương Ngọc Thạch, đương thời NSND Kim Cương, và NSND Trần Ngọc Giàu. Mỗi vị có những tài hoa nghệ thuật riêng và sự cống hiến khác nhau, nhưng có một mục tiêu giống nhau là cống hiến tài năng cho nghiệp Tổ và đều sinh ra từ cái nôi Cải lương – Tiền Giang.
 
Cố NSND Ba Du, ông cùng thời với cố NSND Nguyễn Thành Châu, ông có biệt tài ca diễn hài châm biếm, đả kích thẳng bọn quan lại, địa chủ ở địa phương nên bị họ rất thù ghét và cố đặt cho ông cái tên là “Ba Du Côn”. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội NSSKVN khoá đầu tiên, với tư cách là cố vấn nghệ thuật Cải lương và Đại biểu Quốc hội khoá III.
 
Sau ngày Giải phóng (1975), ông cùng một số nghệ sĩ Đoàn Cải lương Nam bộ trở về Nam thành lập Nhà hát Trần Hữu Trang và tiếp tục đào tạo lực lượng diễn viên trẻ cho Nhà hát. Vài năm sau đó, ông trở ra Hà Nội và tạ thế vào khoảng giữa năm 1980.
 
Cố NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), ông là một nghệ sĩ toàn năng, mà người đời thường cho là “Tứ quý”: Soạn giả hay, Đạo diễn giỏi, Diễn viên xuất sắc và ông Bầu quản lí tài ba.
 
Ông để lại cho Cải lương khoảng 50 kịch bản, trong đó có kịch bản “Bình Tây Đại Nguyên Soái”, còn tên là “Ngọn cờ đầu” nói về người anh hùng Trương Định chống Pháp, tử thủ đất Gò Công. Vở đoạt Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc – 1985. Ông còn đề ra phương châm “Thật và đẹp” cho Cải lương, và quan điểm này đến nay vẫn còn giá trị.
 
Cố NSND Phùng Há, bà là một nữ nghệ sĩ Cải lương tài sắc và hát đào chánh năm 14 tuổi; những vai diễn để đời của bà có thể kể đến: bà đóng giả kép võ như Lữ Bố trong “Phụng Nghi Đình”, Mạnh Lệ Quân (vở cùng tên), Kiều trong “Kim Vân Kiều”, An Lộc Sơn trong “Dương Qúy Phi – An Lộc Sơn”, Nguyệt trong “Tô Ánh Nguyệt”, Lựu trong Đời Cô Lựu”… NSND Phùng Há còn cùng với NSND Nguyễn Thành Châu và soạn giả Trần Hữu Trang thành lập Hội Ái hữu Nghệ sĩ Tương tế (1948), nay là Ban Ái hữu Nghệ sĩ – Hội SKTP. HCM (133 Cô Bắc, Q 1).
 
Sau năm 1975, bà có công đào tạo nhiều lớp Diễn viên Cải lương cho Nhà hát Trần Hữu Trang – TP. HCM, và là người sáng lập Khu Dưỡng lão nghệ sĩ, chùa và nghĩa Nghệ sĩ TP. HCM.
 
Cố NSND Bảy Nam, sở trường của bà là hát đào võ hoặc giả kép, những vai diễn nổi bật của bà thời đó như: Đào Tam Xuân trong “Trảm Trịnh Ân”. Lý Nhu trong “Phụng Nghi Đình”, Triệu Tử trong “Triệu Tử đoạt ấu chúa”, Quan Công trong “Tam Quốc”… Đặc biệt, NSND Bảy Nam còn để lại cho đời một hồi kí “Trôi theo dòng đời” ghi lại những dấu ấn của cuộc đời theo Cải lương của bà và đồng nghiệp, được Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng Giải thưởng tác phẩm sân khấu năm 1993. 
 
Ngoài lĩnh vực Cải lương, NSND Bảy Nam còn là diễn viên điện ảnh và kịch nói, bà đóng nhiều phim và kịch nói, nổi bật của bà là những vai mẹ, bà ngoại; đặc biệt nổi tiếng là những vai bà lão điên.
 
Cố NSND Dương Ngọc Thạch gần 20 năm trên sân khấu Cải lương Sài Gòn trước năm 1975, ông đã để lại 2 vai nổi tiếng là Quan Công trong vở “Quan Công hóa ngũ quan”, Tề Thiên trong “Tây Du Ký”.
 
Năm 1954, ông được tập kết ra Bắc, là kép độc chánh của Đoàn Cải lương Nam bộ trên đất Bắc. Tại đây, ông có nhiều vai diễn, nhưng nổi bật nhất là vai: Tám Luông trong vở “Máu thắm đồng Nọc Nạn”, Khuất Nguyên trong vở cùng tên, Hạc Tiên  trong “Dệt gấm”, ông Nông dân trong “Lòng dân”, Đổng Trác trong “Phụng Nghi Đình”…
 
Sau Giải phóng (1975), NSND Dương Ngọc Thạch về Nam và tham gia giảng dạy ở Trường NTSK II (TPHCM) cho đến khi về hưu. Ông qua đời năm 2013, tại quận 5 – TP.HCM.
 
NSND Kim Cương, còn có mỹ danh do báo chí kịch trường tôn tặng là “kỳ nữ” để chỉ người nữ nghệ sĩ kỳ tài. Bà là ái nữ của cố NSND Bảy Nam, bà có tài và nổi tiếng trên cả ba lĩnh vực nghệ thuật: Cải lương, điện ảnh và kịch nói. Khi 6 tuổi NSND Kim Cương đã ca diễn nhiều vở, đến tuổi trưởng thành bà hát đào chánh Cải lương thay những vai của NS Năm Phỉ qua các vở: Trảm Trịnh Ân, Phụng Nghi Đình, Triệu Tử đoạt ấu chúa, Túy hoa nữ vương.v.v… Ở lĩnh vực điện ảnh và kịch nói, NSND Kim Cương có nhiều vai nổi tiếng, đặc biệt vai trò của bà ở lĩnh vực kịch nói, đã tạo tên tuổi rực rỡ của bảng hiệu “Đoàn kịch nói Kim Cương” một thời vàng son sau 1975.
 
NSND Trần Ngọc Giàu, ông là một đạo diễn sân khấu trưởng thành sau năm (1975). Ông dã dàn dựng cả ba loại hình: Cải lương, kịch nói, kịch hát dân ca; những vở Cải lương một thời nổi tiếng do NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng như: Những đứa con oan nhiệt, Những vì sao không tên, Tình không biên giới, Bóng biển, Lời thề trước miếu, Huyền thoại một tình yêu, Rồng Phượng…; dàn dựng cho tỉnh nhà – Tiền Giang hai vở: Đừng quên kỷ niệm và Sóng cuộn tình đời; trong đó nhiều vở đoạt Huy chương vàng.
 
3. Những nghệ sĩ Cải lương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú
Đó là 8 nghệ sĩ: Thanh Hùng, Ngọc Hoa, Minh Phụng, Văn Giỏi, Trúc Linh, Thanh Nhanh, Hoa Hạ, Văn Môn, mỗi nghệ sĩ đều có sở trường riêng, và sự cống hiến nhất định. Vì thời lượng cho mỗi tham luận có hạn, tham luận này khó mà giới thiệu hết những cống hiến của các nghệ sĩ, mong quý vị thông cảm. Tham luận chỉ giới thiệu ngắn gọn.
 
NSƯT Thanh Hùng – Ngọc Hoa, đôi nghệ sĩ này nổi bật với mỹ danh là “Đôi sơn ca” của Đài phát thanh Giải phóng trong thời kì dân tộc ta chống Mỹ cứu nước. Cùng thời với đôi NSƯT Thanh Hùng – Ngọc Hoa còn có NSƯT Trúc Linh và NSƯT Thanh Nhanh một thời nổi tiếng trên Đài phát thanh Giải Phóng, là những giọng ca độc đáo góp phần đáng kể làm cho “Tiếng hát át tiếng bom”.
 
NSƯT Minh Phụng là một kép mùi và đẹp, ông được công luận tôn tặng là “Hoàng tử của SKCL”. Từ 1960 – 1970, ông cùng NSND Lệ Thủy nổi danh trên Sân khấu Kim Chung – Sài Gòn, được mệnh danh là “Cặp bão biển đang dâng cao”. Những vai diễn để đời của ông như: Aó Vũ Cơ Hàn trong “Tâm sự loài chim biển, Âu Thiên Vũ trong “Xin một lần yêu nhau”, Mộ Dung Thạch trong “Kiếp nào có yêu nhau”… ông qua đời năm 2008.
 
NSƯT – danh cầm Văn Giỏi, ông là một danh cầm Guitar phím lõm, có ngón đờn tài hoa của Cải lương. Ông đã sáng tác hai thể điệu: Phi vân điệp khúc và Đoạn khúc lam giang nổi tiếng và được phổ biến trong Cải lương từ mấy chục năm qua.
 
NSƯT – đạo diễn Hoa Hạ, bà là một trong những đạo diễn sân khấu nổi tiếng và trưởng thành sau năm 1975. Bà có nhiều cống hiến cho Cải lương trong thời kì hiện đại; đặc biệt là đạo diễn vở Cải lương hoành tráng, phong cách dàn dựng mới lạ, hiện đại, đó là vở “Chiếc áo thiên nga” trong những năm gần đây.
 
NSƯT Văn Môn - nhạc sĩ Văn Môn, sở trường cũng như sở đoản của anh ở hai loại nhạc cụ: Guitar phím lõm đờn Kìms. Hiện nay, NSƯT Văn Môn là giảng viên của Trường ĐHSK&ĐA TP. HCM. Anh có nhiều cống hiến trong việc đào tạo thế hệ kế thừa của Cải lương.
 
4. Những nghệ sĩ tài năng tiêu biểu nhưng không có danh hiệu do đặc thù chuyên môn
Soạn giả Trần Hữu Trang, ông viết kịch bản Cải lương từ năm 1930 đến 1952, có khoảng 30 vở, trong đó có hai vở nổi tiếng cho đến hôm nay công chúng cả nước biết đến là vở “Đời cô Lựu” và “Tô Ánh Nguyệt”. Ông hoạt động Cách mạnh từ thời kì kháng chiến chống Pháp, thời kì chống Mỹ ông hoạt động nội thành Sài Gòn, lãnh đạo phong trào nghệ sĩ đấu tranh chính trị, biểu tình, xuống đường…; ông còn cùng với NSND Nguyễn Thành Châu và NSND Phùng Há thành lập Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế (1948), nay là Ban Ái hữu Nghệ sĩ – Hội SKTP. HCM. Vì yêu cầu công tác của Đảng, năm 1960 ông vào chiến khu giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Soạn giả Trần Hữu Trang hy sinh vào năm 1966, tại chiến trường Tây Ninh.
 
Cố soạn giả Tám Cao, ông vừa tạ thế cuối năm 2013, tại Chùa Nghệ sĩ TP. HCM, là soạn giả trước năm 1975. Vở nổi tiếng nhất của ông là “Người nhạn trắng”.
 
Cố soạn giả Yên Ba, quê quán tỉnh Bình Thuận; nhưng ông sống và qua đời ở quê vợ, tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây Tiền Giang. Thời kì vàng son của Cải lương Sài Gòn, soạn giả Yên Ba viết gần 20 kịch bản, trong đó 2 kịch bản nổi tiếng một thời là “Cho trọn cuộc tình” và “Tiếng hạc trong trăng” – ông viết chung với Loan Thảo. Sau năm 1975, soạn giả Yên Ba viết chung với soạn giả Châu Thanh cho sân khấu Tiền Giang hai vở: “Tiên sa gành ráng” và “Đừng quên kỉ niệm”.
 
Soạn giả Châu Thanh tên thật là Võ Châu Thanh, quê quán Bến Tre nhưng sống và làm việc tại Tiền Giang. Ông nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa thể thao du lịch tỉnh Tiền Giang. Ông có nhiều bài Vọng cổ nổi tiếng như: Tiếng chân em bước qua cầu, Người con gái quê hương, Một góc quê em, Tát nước đêm trăng, Lời riêng cho em…Kịch bản cải lương, ông có 2 vỡ nổi tiếng hợp soạn vớ Yên Ba là “ Tiên Sa Gành Ráng” và “ Đừng quên kỷ niệm” , hợp soạn với Huỳnh Anh vở “Bão trong ngày nắng”.
 
Soạn giả Hồng Quân, năm 1965 ông bắt đầu sáng tác Vọng cổ, sau năm 1975, ông viết khoảng 10 kịch bản Cải lương dựng cho một số đại ban Cải lương, nổi bật là vở “Đường gươm dũng tướng” và “Chuyện tình xứ Thái”. Soạn giả Hồng Quân là giám đốc Nhà hát bội TP. HCM đã nghỉ hưu.
 
Soạn giả Huỳnh Anh, tên thật là Nguyễn Huỳnh Anh, sinh năm 1953 tại xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, hiện là Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang. Soan giả Huỳnh Anh viết kịch bản sân khấu đến nay có khỏng 50 vở dài và chập. Trong đó, những vở nổi tiếng dựng cho nhiều sân khấu như: Bảo rừng tre, Cung đàn nước mắt, Trăng soi dòng Bảo Định, Bão trong ngày nắng, Cờ nghĩa giồng Sơn Quy, Nổi đau sợi tơ đồng…
 
Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung chị là ái nữ của cố NSND Nguyễn Thành Châu. Về sân khấu, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung đã dàn dựng một số vở, trong đó vở kịch nói nổi tiếng là “Chìa khóa cung trăng”; về Cải lương có các vở: Vợ và tình, Hoa cuối mùa, Men rượu hương tình  và Kiều Nguyệt Nga… Hiện nay, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung là Phó chủ tịch Hội SK TP.HCM.
 
Vì thời gian có hạn, còn khá nhiều nghệ sĩ tiêu biểu khác mà tham luận chưa thể giới thiệu hết, như những gương mặt điển hình: Đức Huệ ngón đờn Guitar phím lõm ở Gò Công Đông, Thanh Nhàn violon ở huyện Châu Thành, Hồng Tươi đờn Kìm ở Cái Bè, Mạnh Cường đờn Sến và Bầu ở TP. Mỹ Tho, Ca sĩ Nguyệt Châu, Trần Chính, đạo diễn Tấn Lộc, diễn viên Nhơn Hậu ở Đoàn NTTH Tiền Giang đã từng đoạt giải thưởng toàn quốc và còn nhiều gương mặt triển vọng khác. Tham luận này còn được xem như một lời tâm sự với thế hệ nghệ sĩ kế thừa về niềm tự hào Tiền Giang là cái nôi của Cải lương Nam bộ, đã sản sinh ra những thế hệ nghệ sĩ tài hoa vừa nêu trên. Từ đó, thế hệ sau hãy tiếp bước học tập noi theo giữ gìn và phát triển Cải lương để quê hương này luôn tự hào và xứng đáng với tên gọi là cái nôi Cải lương Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.
 
Thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Gíap Ngọ - 2014
Thạc sĩ Đỗ Quốc Dũng (Đỗ Dũng)
Báo Sân khấu TP Hồ Chí Minh

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương