Tiểu Sử Cô Tư Sạng
Tiểu Sử Cô Tư Sạng
Cô Tư Sạng tên thật là Đoàn Thị Sạng, sanh năm 1911 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, mất ngày 04 tháng 3 năm 1955 tại Sài Gòn. Cô Tư Sạng là một danh ca cổ nhạc. cô gia nhập gánh hát Tái Đồng Ban 1925, cùng hát với các nghệ sĩ Năm Châu, Tư Chơi, Tư Út, Tư Thạch, Từ Anh, các cô Phùng Há, Ba Hui, Kim Thoa, Ba Liên… Trên sân khấu Trần Đắc, nữ nghệ sĩ Tư Sạng là đào nhì, sau cô Phùng Há nhưng trên địa hạt dĩa nhựa thì cô được các ông chủ hãng dĩa và giới thính giả ái mộ tặng cho danh hiệu là đệ nhất danh ca nữ. Trong những thập niên 1930, 1940, vì phương tiện giao thông thiếu kém, các đoàn hát bội và cải lương ít đến hát được các quận, huyện xa trục lộ giao thông nên ở các vùng đó, khi có tiệc vui, những dịp gả cưới, người ta dùng máy hát dĩa, hát những tuồng bộ, những bài ca vọng cổ để giúp vui quan khách. Do đó tuy chưa biết mặt nhưng họ đã biết danh những giọng ca vàng và rất mến mộ những nghệ sĩ danh ca như cô Tư Sạng, cô Hai Đá, nghệ sĩ Hồng Châu, Thanh Tao, Tư Út, Năm Châu, Bảy Nhiêu… Cô Tư Sạng được giới khán giả sân khấu và thính giả dĩa nhựa Saigon – lục tỉnh ái mộ qua các bộ dĩa tuồng Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Trang Tử Cổ Bồn Ca, Hạnh Ngươn cống Hồ, Lưu Yến Ngọc Cứu Cha do thầy Năm Tú sản xuất, hãng dĩa Pathé – Phono thu thanh. Còn nhớ, vô đầu dĩa hát, bao giờ cũng có một câu quảng cáo như sau :« Đây, bạn hát cải lương thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, hát cho hãng Pathé – phono nghe chơi, tuồng….» Từ năm 1935, cô Tư Sạng thu thanh cho hãng dĩa Asia do ông Ngô Văn Mạnh làm chủ, nhờ kỹ thuật thu thanh và in dĩa sản xuất ngay tại Saigon nên cô Tư Sạng càng nhanh chóng nổi danh hơn nhờ dĩa hát ra mau, nhiều tuồng tích hay, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của thính giả từ Nam chí Bắc. Giọng ca của cô Tư Sạng rất trong trẻo, dịu dàng, nghe não nùng ai oán nên khi cô ca những bài ca tâm sự của những người phụ nữ sầu tình, lỡ làng duyên phận hoặc thân gái trong nghịch cảnh khổ đau thì thính giả rất thích thú, ái mộ, dĩa hát nào có giọng ca của danh ca Tư Sạng là bán rất chạy, có khi phải nhiều lần tái bản dĩa hát đó. Các bộ dĩa Hoa Rơi Cửa Phật, tức Lan và Điệp, Đêm khuya trông chồng, Mẹ dạy con, Xử án Bàng Quí Phi, Tô Ánh Nguyệt, Tràm Trịnh Ân, Đào Tam Xuân Phục Hận là những bộ dĩa hát được giới thính giả lục tỉnh, Saigon và cả các miền Trung, Hà Nội đều say mê tán thưởng. Nhắc đến tuồng Xử án Bàng Quí Phi, khán giả ái mộ cải lương thường nhắc đến hai nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ và Bảy Nhiêu trong hai vai Bàng Quí Phi và Tống Nhơn Tôn vì quả thật là khi cô Năm Phỉ thủ vai Bàng Quí Phi trên sân khấu thì khó có ai hát hay hơn hay là hát bằng cô. Qua vai Bàng Quí Phi, chẳng những cô Năm Phỉ chinh phục được lòng yêu mến của khán giả mọi miền đất nước mà cô Năm Phỉ còn chinh phục được khán giả Pháp và Tây Âu nhân khi cô đi biểu diễn cải lương trong cuộc đấu xảo thuộc địa của Pháp tổ chức tại kinh đô Paris. Khán giả ngoại quốc không hiểu được tiếng VIệt Nam nhưng qua diễn xuất và giọng ca, lời nói áo não bi lụy khiến cho họ hiểu được tâm trạng và hoàn cảnh đáng thương của nhân vật Bàng Quí Phi, vì muốn giúp cha ruột mà phạm tội với vua, phải chịu họa sát thân. Tuy nhiên cô Năm Phỉ phải thông qua giọng ca, diễn xuất, có y trang, tranh cảnh và có bạn đồng diễn trước mắt khán giả, khán giả chính mắt thấy tai nghe nên mới bị xúc động mà khóc theo nhân vật. Trong trường hợp của nữ danh ca Tư Sạng thì thính giả nghe dĩa hát, không thấy được diễn viên, không bị mê hoặc vì y trang tranh cảnh cùng với nhân vật hiển hiện trước mắt, nhưng thông qua giọng ca thảm não, bi thiết với kỹ thuật luyến láy trong giọng ca, Bàng Quí Phi – Tư Sạng năn nỉ ỉ ôi xin tội cho cha và phải bị ghép tội tử hình trước mặt người chồng yêu quý là Tống Nhơn Tôn, hoàn cảnh đáng thương đó qua giọng ca thảm não của cô Tư Sạng đã khiến cho mấy thế hệ thính giả từ Nam chí Bắc khi nghe dĩa hát, đã xúc động mà khóc. Đó là một điều mà không phải danh ca nào cũng làm được. Bộ dĩa Xử án Bàng Quí Phi, 20 dĩa do danh ca Tư Sạng ca năm 1936 mở đầu cho những thắng lợi vẻ vang của hãng dĩa Asia, tiếp theo đó là sự thành công của những bộ dĩa Hoa Rơi Cửa Phật, Tô Ánh Nguyệt làm cho hào quang tên tuổi của nữ danh ca Tư Sạng ngày càng thêm sáng chói. Ông Ngô Văn Mạnh, chủ hãng dĩa Asia ký contrat độc quyền thu thanh giọng ca của cô Tư Sạng và đã giàu to nhờ tung ra thị trường nhiều bộ dĩa hát với giọng ca vàng của nữ đệ nhất danh ca Tư Sạng như các bộ dĩa hát tuồng Trảm Trịnh Ân, Đào Tam Xuân báo phu cừu,… Những năm tháng tên tuổi của nam đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn nổi tiếng qua bộ dĩa Tôn Tẩn giả điên thì nữ đệ nhứt danh ca Tư Sạng cũng nổi danh qua diã hát Đêm khuya trông chồng. Bộ dĩa nầy được nhạc sĩ Bảy Hàm đờn guitare độc chiếc. Cô Tư Sạng cũng nổi danh qua bài vọng cổ Mẹ Dạy Con. Trong thời đó, người dân mình còn tôn trọng đạo đức phong kiến trong việc giữ gìn lễ giáo trong gia đình, trtong việc cư xử ăn ở với xã hội, những câu vọng cổ Mẹ Dạy Con đáp đúng tâm tư nguyện vọng của người dân thời bấy giờ, lại được giọng hát tuyệt vời của cô Tư Sạng ca nên dĩa hát Mẹ dạy con đã có một thời là khuôn vàng thước ngọc để dạy các cô con gái trước khi về nhà chồng. Về gia đình thì khi hát trên sân khấu Tái Đồng Ban (1928)cô Tư Sạng thành hôn với nghệ sĩ Năm Châu và có được 5 người con: Trưởng nam là Nguyễn Thành Văn, chủ rạp hát bóng Tây Đô tỉnh Cần THơ trước năm 1975. Nguyễn Ngọc Bê đã đi tu. Nguyễn Trúc Thanh theo kháng chiến, tập kết miền Bắc, nay đã về hưu và chẳng có qua lại hay liên hệ gì đến giới nghệ sĩ cải lương. Nguyễn Thanh Hương, tức nữ nghệ sĩ danh ca Thanh Hương, nổi tiếng qua bài vọng cổ Cô Bán Đèn Hoa Giấy, vợ của danh hề Văn Chung. Con trai út là anh Nguyễn Thanh Trúc tự Antoinne, nhơn viên đoàn hát Việt Kịch Năm Châu và đoàn cải lương Saigon 1, chồng của nữ diễn viên Kiều Trúc Phượng đoàn cải lương Saigon 1. Sau khi ký contrat thu thanh độc quyền cho hãng diã Asia, cô Tư Sạng không còn theo các gánh hát cải lương và chia tay với chồng cô là nghệ sĩ Năm Châu. Cô trở thành vợ thứ của ông Ngô Văn Mạnh. Sau khi cô Tư Sạng qua đời ngày 4 tháng 3 năm 1955, thầy năm Mạnh đã dành một phần đất nơi nghĩa tranh Bình Tân làm nơi an nghĩ cuối cùng cho cô Tư Sạng. Phần đất nơi nghĩa trang Bình Tân nầy trước 1975 là thuộc quyền của chủ hãng dĩa Asia do thầy năm Mạnh tức Ngô Văn Mạnh làm chủ. Sau 1975, các rạp hát, hãng dĩa, các đoàn hát, nhà in, v.v... những gì thuộc về lãnh vực thông tin tuyên truyền, giáo dục đều bị nhà nước tịch thu, vì vậy hãng dĩa Asia và đất đai của chủ hãng cũ đều thuộc quyền của nhà nước. Nay nhà nước ra lịnh giải tỏa nghĩa trang Bình Tân thì người trong gia đình thầy Năm Mạnh hoặc cô Tư Sạng phải đứng ra lo bốc mộ và cải táng. Theo tôi được biết thì cô Thanh Hương và em Nguyễn Thanh Trúc tức Antoinne đã mất. Em Nguyễn Ngọc Bê đi tu, từ sau năm 1954 thì gia đình của anh Năm Châu cũng không nghe ai nhắc đến là còn sống hay đã thác. Em Nguyễn Thành Văn chủ rạp hát bóng Tây Đô và nhà in Tây Đô ở Cần Thơ thì cũng không ai biết tin tức ở đâu. Sau 1975, Thành Văn là một nhà tư sản, rạp hát và nhà in thuộc về quyền của nhà nước, vậy nếu em Nguyễn Thành Văn không vượt biên hay xuất ngoại thì chắc là đi học tập cải tạo ở trại cải tạo nào đó. Sau năm 1975, tôi có gặp và làm việc với anh Năm Châu và anh Tám Kiết, nhưng không nghe hai anh nhắc về Nguyễn Thành Văn. |
Nhận xét
Đăng nhận xét