Tiểu Sử Bảy Cao

Tiểu Sử Bảy Cao


    Bảy Cao tên thật là Lê Văn Cao - người sáng lập đoànHậu Tấn Bảy Cao và đoàn Hoa Sen, là một nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời với Lư Hòa Nghĩa. Ông sinh năm Mậu Thìn (1916) tại làng Vĩnh Lợi, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu. Cha ông là một thợ mã nổi tiếng thời đó, có đông khách hàng, nên được nhiều người theo học. Một số học trò của Nhạc Khị cũng là những nghệ nhân thợ mã nổi danh lúc bấy giờ như: Bảy Kiên, Sáu Lầu, Chín Cang, Ký Tấn, Tư Thoàng, Chín Quy... đều là học trò của cha ông.
    Bảy Cao là một cậu bé chỉ nghe ai đó ca một lần là ca lại được ngay. Ông nổi tiếng là “thần đồng”, năm lên bảy tuổi đã biết ca các bản vắn: Hành vân, Bình bán, Khổng Minh tọa lầu... kể cả bản dài như Tứ đại oán cũng ca được. Nhưng nghề nào cũng vậy, “không thầy đố mầy làm nên”, dù “cậu Bảy thần đồng” biết ca nhiều bản, nhưng chỉ nghêu ngao chơi thôi, chứ chưa ca với đờn được. Một đêm, trong khi mọi người trong nhà ông đang tập trung làm cho xong những “căn nhà bằng giấy” (đồ mã) để sáng mai kịp giao cho khách hàng thì Bảy Cao đột ngột cất tiếng ca bài Tứ đại oán. Rất may, lúc đó có mặt ông Cao Văn Lầu (Sáu Lầu). Nghe giọng ca của Bảy Cao vang lên giữa đêm trường vô cùng thanh thoát, ông Sáu Lầu xoay người lại nói :“Thầy Chín ơi, thầy nói với anh Bảy Kiên dạy nhịp cho thằng Cao đi, giọng ca của nó hay lắm, chắc là sau này nó sẽ thành danh”.
    Từ đó, lúc nào rảnh thì Bảy Kiên dạy cho “Tiểu thần đồng”. Bảy Cao học đâu biết đó nên Bảy Kiên rất hài lòng. Sau đó, Bảy Cao học đàn với Cai Đệ và Sáu Lầu. Sau này, Bảy Cao thường tâm sự với bạn bè và những người đồng nghiệp: “Tôi rất mang ơn ông Sáu Lầu. Chính câu nói của ông với cha tôi mấy mươi năm trước đã mở đầu cho cuộc đời nghệ sĩ của tôi”.
    Năm 1941, do sự giới thiệu của Lư Hòa Nghĩa (Năm Nghĩa), Bảy Cao cùng với người bạn thân là Chín Qui (học trò của cha ông) đầu quân vào đoàn Phước Cương. Sau đó, ông về đoàn Hề Lập. Đến năm 1944, Bảy Cao được ông bầu Phạm Minh Tấn mời về cộng tác cho đoàn Hậu Tấn. Đoàn này hoạt động đến cuối năm 1945 thì giải thể (không rõ vì nguyên nhân gì). Ông Phạm Minh Tấn chia đoàn ra làm hai, giao cho Bảy Cao và Năm Nghĩa mỗi người một nửa. Đó là năm ra đời của hai đoàn Hậu Tấn Bảy Cao và Hậu Tấn Năm Nghĩa.
    Đoàn Hậu Tấn Bảy Cao khai trương với vở Cô gái Quảng Trị đã được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Dần dần theo sở thích của người xem, ông đã phát huy triệt để những vở kiếm hiệp, những vở mới thuộc loại hương xa của soạn giả Mộng Vân. Các vở Lưỡng Long đại hiệp, Hồng châu hiệp nữ và Đề Thám ... của Mộng Vân đã làm cho Bảy Cao nổi tiếng.
    Bảy Cao luôn xem Mộng Vân là thầy nên sau này đa số các kịch bản do ông sáng tác đều ảnh hưởng tác phẩm của Mộng Vân. Nhưng Bảy Cao cũng luôn tìm cái mới trong nghệ thuật để phục vụ khán giả. Bằng khả năng sáng tạo của mình, ông đã đem phim ảnh của phương Tây hòa nhập vào các kịch bản của ông để tạo ra một sắc thái thật mới mẻ, có sức thu hút người xem rất mạnh. Lúc bấy giờ người ta gọi thể loại này là “cải lương - điện ảnh”. Trong một số vở tuồng của đoàn Hậu Tấn Bảy Cao có cảnh mây bay nước chảy, cảnh máy bay ném bom, cảnh đánh nhau bằng súng đạn... được chiếu trên phông màn. Đó là một “hiện tượng” tân kỳ, rất hấp dẫn, được khán giả nhiệt liệt hưởng ứng. Nhưng “hiện tượng” này chỉ có một mình Bảy Cao độc quyền vì chẳng có đoàn kế tục. Và “hiện tượng” này kéo dài không được bao nhiêu năm... Cũng giống như Năm Nghĩa, Bảy Cao vừa là diễn viên vừa điều hành đoàn hát nên không có thì giờ biên soạn kịch bản, vì vậy số lượng kịch bản của ông không nhiều, như: Đàn chim sắt, Mộng hòa bình, Nợ núi sông, Đêm lạnh trong tù, Tình trên đảo tuyết, Sanh dưỡng đạo đồng, Người mẹ Việt Nam.
    Đoàn Hậu Tấn Bảy Cao sau đó đổi tên là Hoa Sen, một thời gian mang tên Hồng Long, nhưng chỉ hai năm sau đổi lại là Hoa Sen. Đến năm 1970, đoàn Hoa Sen ngưng hoạt động, Bảy Cao sang làm trợ lý cho đoàn Út Bạch Lan và một số đoàn khác. Sau năm 1975, ông làm soạn giả kiêm đạo diễn cho đoàn Lúa Vàng (Bạc Liêu).
    Bảy Cao không những là một diễn viên giỏi, một tác giả hay, một ngưỡi lãnh đạo đoàn hát khéo léo, ông còn có những đóng góp rất quí báu trong các buổi hội thảo khoa học có liên quan đến cổ nhạc và cải lương. Trong cuộc Hội thảo Cao Văn Lầu nhân 70 năm ra đời bản Vọng cổ, ngày 25 tháng 4 năm 1989 do UBND tỉnh Minh Hải tổ chức tại thị xã Bạc Liêu, Bảy Cao đã cung cấp một chi tiết rất quan trọng đã xảy ra vào năm 1920. Đó là thời điểm và chi tiết khởi đầu về việc canh tân, thay đổi câu chữ trong bài Dạ cổ hoài lang. Bảy Cao đã phát biểu: “Cuối câu năm theo nguyên bản của ông Cao Văn Lầu là hai chữ tin chàng đã được ông Ký Tấn sửa lại là tin bạn. Đó chính là cái mốc mở đầu cho sự biến hóa thay đổi lời ca đã làm cho bản Dạ cổ hoài lang thay hình đổi dạng như ngày hôm nay”. Tiếp theo trong bài tham luận tại Hội thảo về Hiện tượng Mộng Vân do Trung tâm Nghiên cứu cải lương thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29 tháng 3 năm 1991 tại thành phố Hồ Chí Minh, Bảy Cao đã xác định Mộng Vân đã sáng tác trên 30 bản vắn để gác đầu vô Vọng cổ, như: Quý phi túy tửu, Sơn Đông hướng mã, Kiều nương, Bá hoa, Giang Tô điểu ngữ, Phong nguyệt, Tấn phong, Tân xái phỉ và Sương chiều ... Ông khẳng định đây là một sáng tạo rất độc đáo của Mộng Vân làm tăng thêm giá trị của bản Vọng cổ. Năm 1996, Bảy Cao đã qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh, được thân nhân an táng tại chùa Nghệ Sĩ tại Gò Vấp (TPHCM).

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được