NSƯT Minh Thành: 'Sân khấu cải lương bất lực trước đời sống hiện đại'

NSƯT Minh Thành: 'Sân khấu cải lương bất lực trước đời sống hiện đại'

"Hoàng tử cải lương đất Bắc" nhớ thời hoàng kim - một ngày diễn ba suất, giờ giải lao ăn vội bữa cơm để kịp lên sân khấu.

Nghệ sĩ Minh Thành là một trong số ít diễn viên cải lương miền Bắc nổi tiếng. Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, Minh Thành sóng đôi Thanh Thanh Hiền trở thành cặp nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam tạo dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng qua những tác phẩm như Đôi dòng sữa mẹ, Biển tình cay đắng, Khi thành phố lên đèn, Chuyện tình hai kẻ thù... Khán giả mê nghệ thuật dân tộc đặt cho ông danh hiệu "Hoàng tử cải lương đất Bắc".
Về hưu chừng bốn năm, điều khiến nghệ sĩ đau đáu là phần đông khán giả đương thời ít quan tâm đến loại nghệ thuật ca kịch dân tộc, trong đó có cải lương. Bộ môn truyền thống ấy ngày một vắng người xem và loay hoay tìm đường khởi sắc.
- Sau khi về hưu, cuộc sống hiện tại của ông như thế nào?
- Bốn năm nay, tuy không còn tham gia diễn xuất, tôi vẫn theo dõi tình hình phát triển của nhà hát và thường xuyên cùng đồng nghiệp giao lưu văn nghệ. Hàng ngày, ngoài công việc đưa đón cháu nội đi học, tôi có thú vui chăm sóc cây cảnh và nuôi chim. Đấy là cách để tuổi già bớt nhàm chán và tinh thần được thư thái. Con trai út sắp lấy vợ nữa nên gia đình tôi phấn khởi chào đón thành viên mới.
Nghệ sĩ Ưu tú Minh Thành hơn 40 năm gắn bó với sân khấu cải lương.
Nghệ sĩ Ưu tú Minh Thành hơn 40 năm gắn bó với sân khấu cải lương.
- Hơn 40 năm gắn bó với sân khấu cải lương, ông nhìn nhận ra sao về sự phát triển của loại hình nghệ truyền thống này hiện nay?
- Thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương đã qua nhưng cách không xa thời nay là bao. Hiện nay, sân khấu cải lương Bắc thiếu sức hút và không nhận được nhiều sự đón nhận, quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, sân khấu truyền thống vắng khách là điều không thể tránh trong đời sống hiện đại, không thể trách khán giả. Người xem bây giờ có nhiều loại hình giải trí để lựa chọn. Sân khấu cải lương bất lực nên không theo kịp.
Đời sống của nghệ sĩ khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng mai một của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Trải qua những năm tháng thoái trào của sân khấu cải lương, tôi chứng kiến nhiều nghệ sĩ trẻ của Nhà hát phải bươn chải làm thêm để "lấy ngắn nuôi dài". Lương không đủ chi trả sinh hoạt phí, diễn viên chuyển sang hát nhạc nhẹ, làm MC đám cưới. Chính điều này dẫn đến tình trạng không ít nghệ sĩ xao lãng nghề tổ, chất giọng bị pha tạp.
- Những kỷ niệm nào đáng nhớ trong ông về thời hoàng kim của sân khấu cải lương?
- Thời hoàng kim của sân khấu cải lương là những năm 80 đến nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Tại Hà Nội, rạp Hồng Hà - địa điểm hoạt động chính của Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam) - liên tục sáng đèn. Thời ấy không có sự bùng nổ các loại hình giải trí mới lạ như hiện nay. Khán giả thưởng thức cải lương qua đài cassette và tập trung tại các tụ điểm sinh hoạt văn nghệ.
Tôi nhớ có những ngày đoàn phải tăng ca diễn ba suất một vở. Giờ giải lao, giữ nguyên lớp hóa trang trên mặt, diễn viên ăn lót dạ rồi vội vàng di chuyển từ rạp Hồng Hà sang Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô rồi Nhà hát Lớn Hà Nội để phục vụ khán giả. Tối về, ai nấy đều mệt lả. Nhiều hôm, tôi không thể ăn được, chỉ húp cháo tẩm bổ. Vở Khi thành phố lên đèn diễn tại Hải Phòng mười đêm liên tục, Đôi dòng sữa mẹ diễn một ngày ba suất, giấy đăng ký nhận vé xem Biển tình cay đắng - chuyển thể từ tiểu thuyết Mùa tôm (Ấn Độ) - xếp hàng chồng nên Nhà hát chỉ duyệt mỗi khán giả nhận từ hai đến ba vé. Sau đêm diễn ở Nhà hát Nhân dân Sơn Tây, đoàn phải dùng bao tải để đựng tiền thưởng từ khán giả - loạt tờ 200 đồng.
Những chuyến lưu diễn liên tỉnh, đoàn phải dựng sân khấu ngoài trời mới thỏa mãn nhu cầu của người dân địa phương. Giữa những năm 1980, chúng tôi diễn ở Nhà hát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Đêm ấy ước chừng một vạn khán giả. Khi đoàn diễn trên Yên Bái, trẻ con địa phương đến từ ba giờ chiều, trải chiếu xếp chỗ ngồi. Người dân kéo đến xem ngày một đông đến nỗi xô đổ cửa nhà văn hóa. Mỗi khi dời điểm diễn, dàn diễn viên chưa khi nào về tay không bởi chúng tôi được người dân biếu gà, tặng buồng cau, nải chuối làm quà.
Cặp nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền (trái) - Minh Thành trong Chuyện tình hai kẻ thù năm 1994.
Cặp nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền (trái) - Minh Thành trong "Chuyện tình hai kẻ thù" năm 1994.
- Ông và NSƯT Thanh Thanh Hiền từng sóng đôi trong nhiều vở diễn và là cặp nghệ sĩ nổi tiếng một thời của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Ông nhớ kỷ niệm gì về bạn diễn của mình?
- Tôi gặp Thanh Thanh Hiền lần đầu vào năm 1980 khi diễn ở rạp Quyết Tiến (Thái Nguyên). Khi đó, Hiền chưa theo học tại Nhà hát Cải lương Trung ương. Sau này, Hiền thi đỗ và sinh hoạt chuyên môn tại đoàn một của Nhà hát.
Lần đầu chúng tôi song ca trong nhạc phẩm Cô gái tưới đậu ở tình thế bất đắc dĩ. Ngày đó, Thanh Thanh Hiền chừng 15 tuổi, thuộc lớp diễn viên trẻ. Trong lần biểu diễn tại Hữu Lũng (Lạng Sơn), diễn viên đóng cặp cùng tôi nghỉ đột xuất. Theo sự điều động, tôi sang đoàn một để hòa giọng cùng Thanh Thanh Hiền trong tiết mục văn nghệ. Diễn với Hiền quả thực tôi rất lo vì cả hai chưa hát chung bao giờ. Hai chú cháu ngồi trên xe ôtô tranh thủ tập thoại một lần rồi lên sân khấu diễn luôn.

Đến giờ, tôi vẫn còn cảm giác rợn người vì bất ngờ trước khả năng ứng biến, ăn khớp trong từng động tác của Thanh Thanh Hiền. Từ đấy, chúng tôi bắt cặp trong các vở Đôi dòng sữa mẹ, Biển tình cay đắng, Chuyện tình hai kẻ thù... Chúng tôi diễn ăn ý đến mức khán giả gọi điện đến Đài tiếng nói Việt Nam hỏi tôi và Thanh Thanh Hiền có phải vợ chồng ngoài đời. Về sau, tôi phải đính chính chúng tôi là bạn ca, đời thường xưng hô chú cháu.
Tôi hay đùa với bà xã rằng cuộc đời tôi có hai người vợ. Thanh Thanh Hiền không chỉ là vợ trên sân khấu mà còn là bạn ăn ý cả trong lối sống. Trong sự nghiệp, tôi đã đóng cặp với rất nhiều nữ nghệ sĩ nhưng chưa ai đủ khả năng thay thế được Thanh Thanh Hiền.
- Ông nghĩ gì về sự phát triển của sân khấu cải lương trong tương lai?
- Sân khấu cải lương khó trở lại thời kỳ đỉnh cao nhưng tôi tin nó sẽ không bao giờ mất đi. Như bao đồng nghiệp, tôi hy vọng nhà nước có chính sách chăm lo đời sống nghệ sĩ, đặc biệt là diễn viên ngành ca kịch dân tộc. Tôi nghĩ: "Có bột mới gột nên hồ", đời sống diễn viên chưa đảm bảo thì sao họ có thể chuyên tâm với nghề. Bên cạnh đó, đội ngũ sáng tác cũng cần phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu nhằm tạo ra những tác phẩm hay, phục vụ thị hiếu khán giả đương đại.
Trọng Trường

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được