Tiểu Sử Cô Ba Bến Tre

Tiểu Sử Cô Ba Bến Tre


    Tên thật: Cô Ba Bến Tre
    Ngày sinh: 1914
    Thể loại: Việt Nam, Cải Lương
    Quốc Gia: Việt Nam
    Những năm cuối thể kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, âm nhạc cổ ở Nam Bộ phát triển mạnh ở miền Đông và cả miền Tây. Ở Bến Tre, nhạc (cổ) tài tử phát triển sôi nổi vào cuối thập niên thứ hai của thế kỷ này. Hồi ấy, những ai am hiểu nhạc cổ đều xem nhạc lễ như cái nền của nhạc truyền thống. Cũng như các loại hình văn nghệ dân gian khác, nhạc lễ của Bến Tre có gốc gác từ vốn âm nhạc do cha ông ta mang theo từ vùng đất cũ, và rất có thể cùng thời với loại hình sân khấu hát bội. Dần dần các loại nhạc này được các thế hệ sau phát triển qua quá trình lao động mang nhịp sống sôi nổi nơi vùng đất mới, nhưng cho đến nay, vẫn giữ nguyên cốt lõi của nền âm nhạc cổ truyền.
    Tiếp xúc với khá nhiều thầy dạy nhạc cổ của Bến Tre nay tuổi đời khoảng 70 trở lên, chúng tôi được biệt ở đây không hề có phân biệt giữa “nhã nhạc" với "tục nhạc", mà vua chúa ngày xưa có một thời cố gán cho nền âm nhạc dân tộc, hòng vạch một ranh giới giữa nhạc dành cho cung đình với nhạc phổ cập rộng rãi trong quần chúng. Khi âm nhạc cổ truyền vào Bến Tre cũng như bất cứ nơi nào khác ở phần đất phía Nam của Tổ quốc, thì nền âm nhạc đó đã đi thẳng vào nhân dân, không phân biệt ai là giàu sang hay là "bàn dân thiên hạ". Xin dẫn ra vài bằng chứng. Trước đây, mỗi lần sang làng An Hội cúng đình (đình lớn nhất của tỉnh thời xưa về mặt hoạt động lễ hội) thì từ “quan tỉnh trưởng” đến người nông dân ngoại thành đều có quyền đến dự và thưởng thức nhạc lễ như nhau. Hơn nữa, đại đa số nhạc công có tiếng trong tỉnh đều thuộc giai tầng lao động, chứ không có ai là phú nông hay địa chủ. Và mỗi lần dàn nhạc lễ có dịp phục vụ một đám tang – nhà giàu cũng như nhà nghèo – cách diễn tấu nhạc lễ vẫn hoàn toàn giống nhau.
    Theo nhận xét của các thầy dạy nhạc ở Bến Tre, giữa nhạc cổ đang thịnh hành ở Nam Bộ (kể cả nhạc tài tử) với loại nhạc này đang phổ biến ở Huế, có một số bài bản giống nhau, nhưng âm sắc không hoàn toàn giống nhau. Những ai đã học nhạc cổ một cách căn cơ đều thuộc câu thiệu: Nhất lý, nhì ngâm, tam nam, tứ oán, ngũ điểm, lục xuất, thất chính, bát ngự, cửu nhĩ, thập thủ liên hoàn. Cách xếp đặt theo thứ tự đó rõ ràng đề cao hò, lý. Phải chăng vì điệu lý, giọng hò mang chất nhạc dân gian sâu đậm?
    Nếu đặc điểm của hò là dựa trên cấu trúc thơ lục bát, hoặc lục bát biến thể, người ta xây dựng một nội dung trữ tình, thì những bài lý luôn đi gần cuộc sống của đại đa số quần chúng nông dân. Lý qua cầu, lý Bông trang, lý Bình vôi, lý Đất giồng, lý Cái Mơn... rõ ràng mang những cái tên giản dị với nội dung dân gian dễ hiểu, song vẫn giàu chất nhạc. Ông Bảy Đơ (Bảy Kiệu, người xã Phú Hưng - thị xã Bến Tre), một người hiểu biết âm nhạc cổ ở Bến Tre cho rằng nếu hò do quần chúng lao động sáng tác lời và điệu, thì lý còn mang rõ nét ảnh hưởng các điệu lý miền Trung được nông dân Nam Bộ phát triển sau này. Vì thế mà chúng ta có một kho tàng to lớn về hò, lý.
    Trong giới nhạc ở Bến Tre, tới nay người ta còn nhắc:
    Bến Tre có bốn đồng đen
    Sa kèn, hậu trống, Độ cò, mõ Công
    Bốn nhạc công đầu tài nghệ này được giới nhạc cổ trong tỉnh tôn làm bậc thầy. Từ nhạc lễ chính thống đẻ ra nhạc lễ tài tử, và từ nhạc lễ tài tử sinh ra nhạc tài tử. Càng về sau, phong trào nhạc tài tử phát triển càng mạnh không những ở tỉnh lỵ, quận lỵ, mà còn ở nhiều làng xóm. Vào thời kỳ này, người ta thường thấy ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong các hiệu cắt tóc, thường treo vài cây đàn, nhất là đàn kìm, để khách trong khi chờ đợi đến lượt mình, có thể dạo vài bản nhạc nếu muốn.
    Ngày nay, nhạc cổ tài tử đã tách rời cái gốc gác xưa của nó. Ở đây có một vấn đề cần nói rõ. Không ít người ngộ nhận nhạc cổ là nhạc cải lương, hoặc nhạc tài tử là nhạc cải lương. Nhạc dân tộc ta, nói chung loại nhạc nào cũng đều bắt nguồn từ nhạc cổ. Khi phong trào nhạc tài tử ra đời thì có hai loại: nhạc lễ tài tử và nhạc tài tử (tiền thân của nhạc cải lương). Nhạc lễ tài tử chuyên phục vụ các đám tang với những đàn tranh, kìm, cò, gáo, sếnh và tiêu. Còn nhạc tài tử thì ngoài những nhạc khí vừa kể còn có tỳ bà, tam, đoản, bầu (độc huyền), sáo... Mãi đến đầu những năm 40, trong số nhạc khí dân tộc có thêm cây ghi-ta phím lõm, rồi ghi-ta Hawène và cây violon. Ba cây đàn này đều được Việt Nam hóa từ cách so dây cho đến kỹ thuật diễn tấu.
    Các dàn nhạc tài tử không đàn cho đám tang, trừ trường hợp hết sức đặc biệt, mà chỉ phục vụ những đám vui như ăn tân gia, khao nhân dịp thăng quan, tiến chức, đám cưới nhà giàu, hoặc đám giỗ to. Ban đầu, nhạc tài tử chơi trong nhà, trong phòng với một hai nhạc sĩ hòa tấu hoặc một người đàn cho một người ca. Do đó khi nhạc tài tử phát triển mạnh trong giới có học thức và công chức, thì được gọi là nhạc thính phòng, mặc dù về sau, nơi diễn tấu có thể là ngoài sân, nhất là ở nông thôn trong những đêm trăng sáng.
    Những bài bản mà dàn nhạc tài tử chơi luôn luôn theo một nguyên tắc: bắt đầu bằng một bài Bắc, thường là Lưu Thủy – Phú Lục, Tây Thi - Cổ bản rồi mới chuyển sang bài Nam và vài bài "lớn". Bài bản nhạc tài tử thì rất nhiều, nói gọn lại, có ba Nam, bốn Oán, sáu Bắc, bảy bài "lớn" cùng nhiều bài "nhỏ".
    Nhạc tài tử đáp ứng thị hiếu của quần chúng nên phát triển rất nhanh, lôi cuốn cả công chức và thợ thủ công. Những người cao tuổi còn nhớ Sài Gòn đầu những năm 20 có vài hiệu ăn lớn (lúc đó gọi là "nhà hàng") như Bồng Lai Cảnh (đường Bonerd, Lê Lợi bây giờ), Đức Thành Hưng (ngang chợ Bà Chiểu), Ban Liên Hiệp (gần cầu Băng Ky, đường đến Thủ Đức) có thuê dàn nhạc tài tử phục vụ. Đêm nào có nhạc, thì đêm đó đông khách. Bến Tre không có “nhà hàng" lớn, song dàn nhạc tài tử được mời đến giúp vui những bữa tiệc, xem như một cái “mốt” sang trọng lúc bấy giờ.
    Cách học nhạc ở Bến Tre ngày xưa cũng giống như học chữ Nho. Gia đình rước thầy về nhà dạy. Người học ít nhất phải mất 3 năm ròng mới vững nhịp các bài bản. Các gia đình rước thầy ở tỉnh khác về dạy con mình. Ông Lê Văn Tâm, quê ở Cần Đước (Long An) cùng người con trai là Lê Văn Thêm, đã từng dạy nhạc ở Bến Tre. Trong số học trò của ông Tâm có ông Lưu Hữu Nhiêu (như đã nói ở trên), là người giỏi nhất về đàn cò và đàn kìm.
    Về phần thính giả (kể cả khán giả xem tuồng), nếu như phong tục phương Tây có thói quen ném tiền từ trên cửa số xuống tặng những người hát rong, thì ở Việt Nam, đồng bào ta có thói quen khi thưởng thức tiết mục biểu diễn đặc sắc thường rời ghế, bước lại gần sân khấu, thưởng tiền cho những diễn viên đã làm mình xúc động. Nhiều bà, nhiều chị thưởng diễn viên một hoặc hai cắc bạc, các biệt co người thưởng đến 5 cắc. Mỗi đêm đàn ca như thế, có khi số tiền thưởng nhiều hơn tiền thù lao của chủ rạp cho diễn viên. Về bài bản, đại đa số thính giả thuở ấy hâm mộ điệu lý ba giọng, gồm ba bài: Lý ngựa ô theo điệu Bắc, Lý con sáo theo điệu Nam và lý Chuồn chuồn. Chi tiết đó một lần nữa chứng tỏ đồng bào rất biết thưởng thức hò và lý trong kho tàng âm nhạc cổ dân tộc. Bến Tre lại là một trong những vùng đất giàu lý và hò.
    Những người viết lời ca giỏi của Bến Tre, xưa có các ông Giáo Thành, Sáu Đỏ (Đoàn Văn Đỏ), sau này có Thanh Sử, Trần Nam Dân là những người có hiểu biết căn bản về nhạc cổ truyền và sáng tác bài ca cổ. Những người dạy nhạc tài tử ở Bến Tre đều ngưỡng mộ ông Lê Văn Tiến và ông trần Phong Sắc, quê Tân An (Long An ngày nay) mà họ tôn làm bậc thầy của thầy. Quyển Cầm ca tận điệu gồm phần nhạc do ông Lê Văn Tiếng soạn (in một bên) phần lời do ông Trần Phong Sắc soạn (in một bên). Nhiều thầy nhạc 70, 80 tuổi ở tỉnh Bến Tre cho rằng đây là quyển sách đầy đủ bài bản nhạc tài tử nhất hồi ấy. Hơn thế, Cầm ca tân điệu là một quyển sách hướng dẫn nâng cao nhạc tài tử mẫu mực nhất, mặc dù hai soạn giả không có tham vọng đó.
    Khi bài ca vọng cổ ra đời vào khoảng đầu thập kỷ 30, phong trào đàn ca tài tử càng phát triển sâu rộng ở nông thôn Bến Tre, và cũng trong thời kỳ này xuất hiện nhiều người đàn hay, hát giỏi. Nhiều người mộ điệu, không biết đàn ca, nhưng lại sốt sắng tổ chức. Đêm trăng sáng, anh chủ nhà trải vài chiếc đệm trên sân. Những người chơi nhạc đầu trên, xóm dưới lần lượt mang đàn đến. Người đàn ca thì ít, người thưởng thức thì nhiều gấp ba, bốn lần. Họ chơi đến một, hai giờ khuya, ăn cháo gà rồi giải tán.
    Cảnh đàn ca này cũng diễn ra ở nhiều nơi trong khắp Lục tỉnh, sau những ngày mùa vụ xong xuôi, trời ráo nắng, trăng thanh, gió mát. Tỉnh nhà có cô Ba Bến Tre nổi tiếng qua các đĩa hát nhạc cổ tài tử và trên làn sóng Đài phát thanh Sài Gòn (Radio Sài Gòn). Cô Ba Bến Tre đã dành ngót 50 năm cuộc đời mình cho nhạc tài tử. Khi Pháp chiếm Nam Bộ lần thứ hai, cô bỏ nghề, trở về quê cũ, sống bằng nghề làm vườn. Phần mộ cô Ba Bến Tre hiện ở quê nhà, xã Phú Nhuận (nay là ngoại ô thị xã). Em Cô Ba Bến Tre là Tư Phú Nhuận cũng là một nữ ca nhạc tài tử. Trong những người ca có tiếng ở Bến Tre còn có cô Ba Điểu, vợ ông Văn Cảnh, người lập gánh cải lương đầu tiên ở Bến Tre, ông tư Ngưu, cô Bảy Nhiều, cô Sáu Mão, quê xã Mỹ Thạnh, Giồng trôm, cô Ba Huỳnh Mai, người Ba Tri.
    Xứ dừa Bến Tre thuở ấy đã sản sinh một giọng ca ngọt ngào truyền cảm, không cao không thấp, không ngân vang không khàn khàn. Khách mộ điệu ví giọng ca của cô Ba Bến Tre như: “Tiếng hát trà rót vào chén bạc”.
    Khởi đầu sự nghiệp ở nhà hàng ca nhạc Đức Thành Hưng, cô đã cộng tác với Nhà hàng ca nhạc Lý Văn Lang, Ca quán Kim Chung cùng các hãng dĩa Pathe’, Ke’ka, Asia,...Nhạc sĩ 6 Tửng là người đệm đờn Sến độc chiếc mỗi khi cô ca ở các nơi.
    Với những bài vọng cổ ca độc chiếc như: Tình cao thượng, Khóc bạn, Trách ai lỗi hẹn, Thân thôi có chồng, Sau khi đoạn tuyệt, Lỡ làng duyên phận...và những tuồng Mộng Hoa Vương (cùng với Ba Trà Vinh, Tư Bé, Tám Thưa, Ba Giáo, Ba Vân)...đa được giới sành điệu và kể cả những người trong giới lúc bây giờ đánh giá là “một trong hai” (cùng với cô Tư Bé) giọng ca “xa-lông” sáng giá nhất trong làng dĩa nhựa.
    Xin trích lại 3 câu vọng cổ “Tình cao thượng” như sau:
    1/- Bầu tâm sự chút tình hoài vọng, bán dạ tam cang bán...
    2/- Ký nhựt Trung Thu bát ngoại, ngoài vừng trăng bạc trông như ngọn đèn xanh chứng tỏ cho lòng ta bút thả từng câu, chạnh nổi lòng mình làm bạn cùng bến sông Ngâu.
    3/- Minh quân lương tể tao phùng dị, Tài tử gian nhân Tế độ nan. Xưa kia Chức Nữ Ngưu Lang, Sâm thương lưỡng lệ chờ đợi cho lũ quạ sói đầu, giọt nước giỡn trăng tại mé cầu...
    Những người đàn giỏi ở thị xã có ông Ký Huê (đàn kìm), ông Giáo Sanh (đàn cò), ở huyện Thạnh Phú, tại Giồng Luông có Hai Thông (đàn cò), ở Giồng Trôm có Văn Lư (đàn kìm và cò), Ba Sâm (đàn kìm), Ba Ký và Sáu Lộc (hai anh em đều đàn kìm) , ở Mỏ Cày có hương chánh Trêm (đàn tranh), ở huyện Chợ Lách có Ba Sô (đàn tranh). Riêng cò Chấp quê Bến Miễu, Giồng trôm, nổi tiếng khắp Nam Kỳ với cây cò gáo điêu luyện trong bộ đĩa cải lương San Hậu. Những nhạc sĩ kế tục sự nghiệp các bậc đàn anh trong tỉnh có các ông Út Giỏi (tranh), Sáu Phan (kìm, cò), Ba Điểu (tức ông Ba Móng) (độc huyền, tranh, kìm), Tư Nhung (cò, violon), Ba Hoa (kìm, cò), Ba Kim (đàn cò)...
    Mặt hạn chế của phong trào nhạc (cổ) tài tử Bến Tre nằm ở khâu đào tạo thiếu hệ thống cơ bản về lý luận và thực hành. Hạn chế này chỉ có thể khắc phục được, nếu ngành văn hóa tỉnh nghĩ được phương cách đưa phong trào nhạc cổ, kể cả nhạc tài tử và nhạc cải lương trong tỉnh vào đúng vị trí của nó một cách có nề nếp. Trong thực tế, ở khắp thôn xóm Bến Tre, người chơi nhạc và biết thưởng thức nhạc nói chung tương đối nhiều, tuy không rầm rộ, sôi nổi như phong trào nhạc mới.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được