'Đêm hoa lệ' - show về Sài Gòn xưa tôn vinh cải lương, Bolero

'Đêm hoa lệ' - show về Sài Gòn xưa tôn vinh cải lương, Bolero

Show nghệ thuật giới thiệu các nét văn hóa thịnh hành của Sài Gòn nhiều thập niên trước.

Buổi tổng duyệt chương trình Đêm hoa lệ diễn ra tại Nhà hát Chợ Lớn, TP HCM tối 29/11. Đây là dự án tạp kỹ do nhà thiết kế Sĩ Hoàng, biên kịch Trác Thúy Miêu, đạo diễn Vũ Trần thực hiện. Chương trình quy tụ hơn 50 diễn viên trẻ.
Tiết mục hát bội gợi nhớ
Tiết mục hát bội gợi nhớ văn hóa xem tuồng ở Sài Gòn đầu thế kỷ 20.
Show diễn bắt đầu bằng cảnh một nhóm bạn trẻ cầm smartphone, gây náo loạn ở khán đài khi tìm chỗ ngồi. Sau câu thoại "Thời buổi gì kỳ cục vậy nè" của một thanh niên, ánh đèn sân khấu vụt tắt. Trong vai người dẫn chuyện, MC Trác Thúy Miêu bắt đầu kể về thời quá khứ của Sài Gòn, khi những bộ môn nghệ thuật truyền thống được nâng niu, trân quý.
Sau tiếng đàn nguyệt, đàn kìm của các nghệ nhân chơi đờn ca tài tử, không gian sân khấu Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20 mở ra trước mắt khán giả. Qua trích đoạn hát bội tuồng San Hậu, chương trình gợi lại không khí nô nức của sự kiện khánh thành chợ Mới (chợ Bến Thành) cuối tháng 3/1914. Trên sân khấu, chín nghệ nhân hát tuồng cổ diễn tác phẩm kinh điển. Hai bên cánh gà, hàng chục diễn viên vào vai các quan Tây, quan ta, thương gia người Hoa, phụ nữ quyền quý... ngồi xuýt xoa thưởng lãm tiết mục. Họ diện trang phục xa hoa, lộng lẫy như áo gấm, áo dài lãnh Mỹ A... - tiêu biểu cho tầng lớp người đô thị thượng lưu thời bấy giờ.
* NSND Bạch Tuyết diễn trích đoạn "Thái hậu Dương Vân Nga"
 
Sau màn hát bội, khán giả tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của bộ môn cải lương. Vào thập niên 1950 - 1960, người dân Sài Gòn bắt đầu ưu chuộng lối ca diễn dựa trên những bản vọng cổ mùi mẫn, thuộc nhiều thể loại như cổ trang kiếm hiệp, tâm lý xã hội... Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết tái hiện không gian tiêu biểu của cải lương thời hoàng kim với tác phẩm Thái hậu Dương Vân NgaTrong trích đoạn 20 phút, giọng ca 72 tuổi thể hiện nỗi đau xót của một bà hoàng trước vận mệnh đất nước. Khán giả thuở ấy là những quý ông, quý bà diện veston, áo dài nô nức bước vào các rạp hát lấp lánh ánh đèn màu.
Trong phần tôn vinh thể loại Bolero, show diễn dựng lên không gian gần gũi, bình dân nơi quán xá vỉa hè. Một người hát rong với cây đàn guitar, một chàng trai kiếm sống bằng nghề bán băng đĩa nhạc, một nhóm thanh niên ăn nhậu, trò chuyện vui vẻ sau một ngày làm việc... Trên nền bối cảnh đó, những ca khúc Bolero như Thói đời - Ai cho tôi tình yêu (Trúc Phương sáng tác), Mưa đêm tỉnh nhỏ (Hà Phương)... được vang lên. Qua mẩu đối thoại của các nhân vật, khán giả hình dung về một Sài Gòn "đủ rộng để dung nạp mấy cái thứ mới mẻ, nhưng cũng đủ sâu để gìn giữ những thứ cũ kỹ mà không bao giờ được phép mất đi".
Không gian hàng quán, lề đường ở Sài Gòn trong tiết mục về Bolero.
Không gian hàng quán, lề đường ở Sài Gòn trong tiết mục về Bolero.
Thú thưởng thức văn nghệ của người Sài Gòn ở những phòng trà, vũ trường thập niên 1970 cũng được khắc họa trong show diễn. Qua giọng hát của các ca sĩ như Tố My, Ái Phương, Tú Linh, những đôi nam nữ khiêu vũ, chìm đắm trong giai điệu của các nhạc phẩm Ánh trăng nói hộ lòng tôi (nhạc Hoa), Hãy ngước mặt nhìn đời (Lê Hựu Hà)... Gu ăn mặc đa dạng của người dân đô thị thời ấy được phản ánh qua các trang phục sang trọng của diễn viên như Âu phục, váy đầm, áo dài xường xám...
Ở sảnh nhà hát, ban tổ chức bố trí các nghệ sĩ hát bội ngồi hóa trang để khán giả hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật truyền thống. Một tạo cảnh vườn hoa cúc vàng cũng được dựng lên để khách chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn viên. Êkíp cũng sử dụng nhiều mùi hương gợi nhớ Sài Gòn xưa như mùi thuốc bắc, nhang, hoa sứ... để tạo ấn tượng khứu giác với khán giả.
dem-hoa-le-show-ve-sai-gon-xua-ton-vinh-cai-luong-bolero-2
Tiết mục tái hiện các vũ trường Sài Gòn thập niên 1970.
Sĩ Hoàng - giám đốc nghệ thuật - mong muốn chương trình đưa khán giả về không gian văn hóa xưa cũ của mảnh đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Biên kịch Trác Thúy Miêu bộc bạch tham vọng của êkíp là sau khi xem, mỗi khán giả sẽ có một câu chuyện để kể về vùng đất mình đang sống. "Với chúng tôi, đó là cách đóng góp vào công tác bảo tàng văn hoá một cách gần gũi nhất", chị chia sẻ.
Chương trình Đêm hoa lệ sẽ được công diễn tối 30/11. Show dự kiến diễn ra tối thứ sáu và thứ bảy hàng tuần trong tháng 12 tại Nhà hát Chợ Lớn, quận 5, TP HCM, giá vé từ 300.000 đến 500.000 đồng. Trong thời gian tới, nhà hát dự kiến tổ chức các hoạt động tôn vinh hát bội, hồ quảng, cải lương, kịch nói, trình diễn áo dài...
Tam Kỳ

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Ngọc Đợi

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Xuân Yến

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương