Tiểu Sử Bạch Long

Tiểu Sử Bạch Long


    Tên thật: Bạch Long
    Ngày sinh: 1959
    Thể loại: Việt Nam, Cải Lương
    Quốc Gia: Việt Nam
    "Bây giờ, tuy tôi và Thành Lộc đã đứng chung một sân khấu, sự nghiệp của hai anh em cũng đã đi qua gần nửa đời người nhưng vẫn có khán giả bất ngờ khi biết chúng tôi là anh em ruột. Có lẽ cái lận đận của tôi nó cứ lộ ra ngoài, chẳng được cốt cách như những người thân khác", nghệ sĩ Bạch Long kể về đời mình.
    Tử vi của tôi cho thấy tôi là người không có "ngôi gia", nghĩa là kiếp sống trên đời sẽ không có lấy một cái nóc nhà riêng cho mình. Điều đó cũng gián tiếp nói rằng, tôi không có một gia đình đúng nghĩa. Cha mẹ tôi không có số nuôi con trai. Sau khi người anh trai đầu tiên mất sớm, sinh ra tôi lại bệnh tật triền miên, nên từ khi còn đỏ hỏn, tôi đã được đưa vào đình làm con nuôi cho người cô ruột của cha. Đến năm 15 tuổi, cha mẹ ruột đón tôi về, nhưng cuộc sống đơn độc với người mẹ nuôi già đã thấm vào người tôi tự lúc nào. Không đành đoạn xa mẹ, người có công nuôi mình thành người, tôi từ chối. Dù trong 15 năm đó, anh chị em tôi đều qua lại thân thiết, nhưng tôi vẫn không muốn về.
    Tôi rất thích câu nói của người xưa: "Lùi một bước trời cao bể rộng". Có lẽ cuộc sống đơn giản trong một gia đình chỉ có hai người và sự tĩnh lặng của ngôi nhà - thật ra là cái đình - đã thực sự ăn vào người nên tôi giữ cho mình một chữ "nhẫn". Đến giờ, khi ở nhà thuê tôi vẫn không lấy làm buồn hay tủi thân khi thấy chị em mình ở nhà cao cửa rộng. Thành Lộc từng muốn tôi về sống chung nhưng tôi lắc đầu. Tính tôi vậy, không muốn phiền hà người khác dù đó là người thân của mình.
    Bốn mươi năm gắn bó với cái đình, tôi đã trải qua biết bao nước mắt và nụ cười gần như của cả một đời người. Ngày mẹ tôi mất, xác còn nằm đó mà tôi phải ra sân khấu chọc cười khán giả. Thôi thì dù có ngồi cạnh mẹ suốt đêm, mẹ cũng chẳng sống dậy được mà khán giả lại đang đợi mình. Không biết tối hôm ấy, giữa muôn trùng tiếng vỗ tay dưới kia, có lời khen ngợi nào dành cho mẹ - người đã mãi mãi không còn chờ tôi được nữa.
    Những năm 2000-2001, nhóm Đồng Ấu Bạch Long tan đàn xẻ nghé, bao nhiêu công sức, tiền của tôi đắp vào cho nhóm coi như đổ sông đổ biển. Tôi tháo cái đồng hồ - thứ duy nhất cứu mạng tôi lúc bấy giờ - đưa cho thằng học trò: "Thiên, mày đi cầm giùm thày". Thằng nhỏ chạy về, dúi vào tay tôi 300 nghìn: "Thày ơi, người ta không chịu cầm. Thày cầm tiền này xài đỡ, khi nào có, cho lại con cũng được". Tôi nhìn cái đồng hồ mà chảy nước mắt.
    Ngày đó tôi còn chạy chiếc 78 cùn không thể tả, mỗi lần dừng lại đổ xăng, người ta cứ bu lại coi. Không phải coi chiếc xe mà coi: "Sao cái ông Bạch Long này lạ quá. Nghệ sĩ nổi tiếng mà chạy xe mắc cười ghê?". Tôi chỉ tủm tỉm: "Xe kia bị hư, đi đỡ chiếc này", còn không thì: "Hôm qua cá độ đá banh thua hết rồi".
    Người thày đầu tiên, người đã chỉ cho tôi những ngón nghề sân khấu là NSND Thanh Tòng. Nhưng sự nghiệp của tôi chỉ đi lên từ những vai đóng thế. Có khi một đêm, tôi thế đến 3 vai, từ con nít, hề nịnh đến anh hùng Trần Quốc Toản. Bản thân tôi cũng thích được thể hiện nhiều loại vai, không thích suốt đời chỉ đóng một nhân vật. Sau này, dạy học trò, tôi luôn bắt chúng đóng đủ thứ để bản thân người nghệ sĩ không bị đóng khung và chai lỳ khả năng thể hiện.
    Tôi từng có những vai diễn để đời, vậy mà khi sân khấu cải lương tuột dốc, tôi chỉ biết quỳ trước bàn thờ tổ mà khấn, tổ hãy rước hồn đi để tôi còn tìm ra con đường cho mình. Tôi đến với sân khấu kịch cũng từ một vai đóng thế trong vở Ba chàng lính ngự lâm. "Bảy phần vai diễn, ba phần của mình", bí quyết đó đã giúp tôi trụ lại đến giờ.
    Những ngày khốn khổ không có tiền ăn, sân khấu cải lương thì xuống dốc, tôi nhẵn túi, túng quá đi xem thày. Ông thày bói khuyên tôi bỏ cái đình thì mới làm ăn được. Rồi bỗng nhiên Thành Lộc nói muốn đổi cho tôi chiếc xe khác, tôi mừng quá, bán chiếc 78 được mấy triệu đồng, tôi tạ từ cái đình đi tìm cho mình một ngôi nhà mới.
    Gần nửa cuộc đời yêu và đi theo nghệ thuật, tôi thấy mình vẫn còn lang thang đâu đó, chưa làm được gì nổi bật để cảm thấy mình là một ngôi sao. Cái gì tự mình nói ra cũng có phần chủ quan, thiên lệch, nếu đi khoe với mọi người chẳng khác nào vẽ bùa cho mình. Vì thế báo chí có quan tâm thì tìm đến chứ ít khi nào tôi tự tìm đến họ.
    Bây giờ, tôi vẫn chưa có một cái nhà nên hồn. Ở nhà thuê cũng lo sốt vó khi nghe chủ sắp đuổi khỏi nhà, cũng lận đận đi tìm chốn an cư khắp hang cùng ngõ hẻm. Nhưng được cái khán giả rất thương, ở đâu cũng được mọi người quan tâm, thăm hỏi. Có mấy anh công an khu vực kiểm tra, phát hiện ra tôi, giật mình: "Sao ông ở đây?". Tôi hỏi ngược: "Bộ tôi ở đây không được hả?". Họ thắc mắc sao nghệ sĩ như tôi mà bèo bọt quá. Nghệ sĩ chứ đâu phải doanh nhân mà đi xe này, ở nhà kia. Có người nổi tiếng mà có giàu đâu, còn có kẻ chẳng tiếng tăm gì thì lại giàu nứt đố đổ vách. Đó là tại cái thời, tại cái tạng người. Tạng của tôi kiếp này chắc chỉ có thế...

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được