Tiểu Sử Cô Năm Cần Thơ
Tiểu Sử Cô Năm Cần Thơ
Cố nữ danh ca Năm Cần Thơ tên thật là Trương Thị Trắc, sanh năm 1917 tại Cần Thơ, Cô vào nghiệp cầm ca khi còn rất trẻ. Người thưởng thức cổ nhạc chỉ biết danh ca Năm Cần Thơ theo tên ghi trên các tròng đĩa hát và không ai biết tên thật của Cô. Danh ca nổi tiếng Trước năm 1945, cô Năm Cần Thơ nổi tiếng danh ca trong quán ca nhạc Đức Thành Hưng bên hông chợ Bến Thành Saigon với một lối ca điêu luyện, mang phong cách tài tử phong lưu, làn hơi cao vút và khoẻ khoắn. Trong các thập niên 30, 40, 50, Đài phát thanh Pháp Á, Đài phát thanh Saigon, những chiều thứ tư và thứ bảy hàng tuần đều có phát chương trình cải lương với các giọng hát tuyệt vời của cô Năm Cần Thơ, cô Tư Sạng, cô Tư Bé, cô Ba Trà Vinh, cô Ba Vĩnh Long, cô Ba Bến Tre, nam ca sĩ Năm Nghĩa, Tám Thưa, Năm Phồi, Tám Bằng, Ba Giáo… Riêng giọng ca của cô Năm Cần Thơ, thính giả rất ưa thích qua các bài vọng cổ do cô Năm Cần Thơ ca độc chiếc : Thoại Ba Công Chúa, Đắc Kỹ thọ hình và các bộ dĩa tuồng Mổ Tim Tỷ Can, Tô Ánh Nguyệt, Tam Ban Đổng Quí Phi, Mộng Hoa Vương… Tuồng Tam Ban Đổng Quí Phi có đoạn dùng văn chữ Nho, có đoạn lời văn mộc mạc, bình dân, lối ca của nghệ sĩ Năm Cần Thơ chân phương, rõ lời, phù họp với cảm quan thưởng thức của thính giả trong những thập niên 30, 40. Hồi đó, ở các tỉnh lẽ và trong thôn quê, người ta hay hát dĩa các bài ca vọng cổ hoặc tuồng hát cải lương để quan khách mua vui trong các dịp có lễ cưới gả, giổ quảy hay cuộc tiệc trong làng xóm. Hát dĩa tuồng cải lương thay thế cho những cuộc đờn ca tài tử, vì vậy dân trong làng xã rất thích và xem trọng những nghệ sĩ có giọng hát hay. Tên của danh ca cổ nhạc như Năm Cần Thơ, Tư Sạng, Hai Đá, Ba Trà Vinh, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Tám Thưa… thường được ghi nhớ và nhắc nhở mỗi khi dân làng nhờ người ra thành phố mua diã hát . Cô Năm Cần Thơ còn được mệnh danh là Chim Họa Mi vì Cô ca rất hay 20 câu vọng cổ nhan đề Chim Họa Mi của soạn giả Viễn Châu viết cho Cô khi Cô ca trong quán Lệ Liểu trong giải trí trường Thị Nghè Saigon vào đầu thập niên 50. Cô Năm Cần Thơ làm chủ quán rượu có ca nhạc, để bảng hiệu : Quán Họa Mi trong khu giải trí trường Đại Thế Giới ở Chợ Lớn. Dàn cổ nhạc có nhạc sĩ Sáu Tửng, Ba Khuê, Hai Thơm, Mưởi Lương( chồng của cô Năm Cần Thơ). Nhạc sĩ Mười Lương tên thật là Trần Hữu Lương, người thầy đã dạy cho Henri Trần Quang ca vọng cổ và các bài bản cổ nhạc. Chính ông Trần Hữu Lương đã đặt nghệ danh Hữu Phước cho người học trò Henri Trần Quang. Hữu Phước học lối ca luyến láy trữ tình của cô Năm Cần Thơ, anh trở thành một danh ca được ưa thích nhứt trong làng dĩa nhựa và trên sân khấu trong các thập niên 50, 60, 70, 80… Gia đình nghệ sĩ Cô Năm Cần Thơ chỉ ca trong quán cổ nhạc hoặc thu thanh trong dĩa hát chớ Cô không có hát trên sân khấu cải lương. Cô Năm Cần Thơ có hai người em gái là diễn viên tài danh : cô Kim Chừng và cô Kim Nên, một thời sáng chói trên sân khấu các gánh hát cải lương Tân Thiếu Niên, Kim Khánh, Tiếng Chuông… Cô Kim Nên là vợ của danh ca kiêm soạn giả Chiêu Anh trên Đài phát thanh Saigon và là thân mẫu của nam danh ca tân nhạc Thái Châu. Con gái lớn của cô Năm Cần Thơ là nữ nghệ sĩ Kim Chi, vợ của nghệ sĩ kiêm soạn giả Đào Việt Anh. Nữ nghệ sĩ Kim Chi có một thời cộng tác với đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga. Kim Chi thừa hưởng chất giọng đồng phong phú của cô Năm Cần Thơ. Kim Chi ca hay, sắc diện đẹp nhưng Kim Chi không thể sáng chói được khi cô diễn xuất bên cạnh những diễn viên ngọc ngà như Thanh Nga, Ngọc Nuôi, Thu Ba… Cô Năm Cần Thơ còn có hai cô gái cũng là nghệ sĩ cải lương tài danh : đó là nữ nghệ sĩ Kim Hà và Mộng Thu, một thời vang danh trên sân khấu Kim Hoàng – Như Mai, Kim Chung… Con của cô Kim Hà là nữ diễn viên trẻ Hà My trong đoàn cải lương Hương Tràm, vừa qua xuất hiện sáng chói với nam diễn viên Hoàng Nhất trong chương trình Làn Điệu Phương Nam hát tại nhà hát thành phố ngày 4 tháng 12 năm 2006. Trong chương trình này, mẫu thân của Hà My là nữ nghệ sĩ Kim Hà ca ba câu vọng cổ thật là mùi. Phong cách ca, làn hơi của Kim Hà vẫn còn ngọt ngào êm dịu như xưa. Trong năm 1997, khi cô Năm Cần Thơ được 80 tuổi, chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc kỳ 5 tổ chức trong nhà Thủy Tạ Đầm Sen, cô Năm Cần Thơ được mời ca bài Kim Vân Kiều điệu Phú Lục. Dù đã tám mươi tuổi, giọng ca của cô Năm Cần Thơ vẫn khoẻ khoắn, nghệ thuật ca đúng làn điệu bài Phú Lục mà các nghệ sĩ cổ nhạc trẻ sau nầy khó có người ca đúng bài bản như cô Năm Cần Thơ. Cuối đời khó khăn Tuy đã già nua theo thời gian nhưng cô Năm Cần Thơ đã đi vào lịch sử đờn ca cổ nhạc miền Nam trên 60 năm, làn hơi trong vút và khoẻ khoắn của cô Năm vẫn còn nguyên vẹn khi mà ở tuổi đời 80, cô cất giọng ca bài Phú Lục, nói về cuộc đời của nàng Kiều, giọng ca tha thiết đó vẫn còn giữ được cái sắc thần đầy nghệ thuật. Sân khấu cải lương xuống dốc, nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, các nghệ sĩ già yếu neo đơn càng chịu cảnh thê thảm hơn. Vào đầu năm 2000, cô Năm 83 tuổi, che một mái lá trong vườn Tao Đàn để ngủ tạm qua đêm, tối tối cô đi ca cổ nhạc trong quán của nhạc sĩ Văn Giỏi để kiếm cơm qua ngày. Hội Nghệ sĩ ái hữu, trang web cải lương hàng tháng vận động tiền giúp đỡ Cô, tuy chỉ vài trăm ngàn nhưng cô Năm cũng đỡ phần thiếu thốn. Người ta muốn rước Cô về ở nhà thương Dưỡng Lão Nghệ sĩ nhưng theo Cô nói thì Cô muốn sống tự do. Cách đây hai năm cô Năm té. Phải nằm liệt một chổ, phải về sống với đứa con út, cho đến ngày 24 tháng giêng vừa qua, cô Năm mới ra đi vĩnh viễn. Source: maxreading |
Nhận xét
Đăng nhận xét