Tiểu Sử Thanh Sang

Tiểu Sử Thanh Sang


    NSƯT Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại làng chài ven biển thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Gia đình anh rất nghèo, cha mẹ anh cả đời đi ở đậu nhà hàng xóm. Cực khổ là thế nhưng cậu bé Thanh Sang ngày ấy rất yêu thích cải lương. Năm 1956, duyên sân khấu đến với anh vào một buổi chiều hè, khi đôi nghệ sĩ cải lương Ngọc Trường – Ngọc Đáng về hát gần nhà, nghe anh ca vọng cổ và cho anh theo nghề hát. Vào đoàn, anh được các anh chị đi trước chỉ bảo rất tận tình về các làn điệu cải lương, nghệ thuật biểu diễn, vũ đạo, được tiếp xúc với ánh đèn sân khấu, cái tên Thanh Sang ra đời từ đó.
    Mới đầu anh chỉ nghĩ “đi hát vui chơi cho biết” nhưng không ngờ nó đã trở thành cái “nợ” của cuộc đời anh. Sau khi gánh Ngọc Trường – Ngọc Đáng tan rã, anh trở về quê nhưng rồi vì cái “máu” sân khấu, anh lại quyết định rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Anh về nhiều đoàn hát và thường được giao… vai lính chạy cờ, cho đến năm 1960, may mắn đã mỉm cười khi anh về đoàn hát Đại bang Hoa Mùa Xuân, sau đó đổi bảng hiệu là Dạ Lý Hương. Với sự cố gắng và nổ lực của bản thân cùng sự giúp đỡ tận tình của anh chị em nghệ sĩ trong đoàn, Thanh Sang – chàng diễn viên trẻ chuyên đóng lính chạy cờ, quen gọi “dạ”, kêu “thưa” ngày nào đã trở thành một kép chánh đóng cặp với các cô đào hát tài danh: Thanh Nga, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Thanh Hương, Thanh Kim Huệ… Anh được bầu Xuân ký hợp đồng 150.000 đồng/năm. Cầm số tiền lớn trong tay, anh chạy về Phước Hải mua ngay căn nhà ngói cho mẹ. Mẹ anh khóc thật nhiều, cuộc đời cơ cực của bà đã nhờ vào đứa con trai mê vọng cổ mà làm nên chuyện.
    NHỮNG VAI DIỄN ĐỂ ĐỜI
    Năm 1964, với vai diễn Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long, anh đã đoạt HCV Giải thưởng Thanh Tâm cùng với nghệ sĩ Lệ Thủy – một giải thưởng mà rất nhiều nghệ sĩ cải lương đương thời muốn vươn tới. Báo chí lúc đó cũng hết lời ca ngợi Thanh Sang, cho rằng anh mang đôi hia bảy dặm, ngụ ý anh đã có một bước tiến dài, tiến nhanh trên con đường nghệ thuật. Nhưng với Thanh Sang, nó như một cái mốc đánh dấu sự trưởng thành của người nghệ sĩ để họ bước vào đời, vào “cuộc chiến” mới khẳng định vị trí của mình trên sàn diễn và trong lòng khán giả.
    Và Thanh Sang đã “chiến đấu” không nghỉ ngơi, anh liên tiếp gặt hái được nhiều thành công trong các vai diễn mới như: Lữ Khánh Nhạc (Trường tương tư), L‎ý Quảng (Hoa Mộc Lan), Đảnh (Tần Nương Thất), Long Hồ (Tuyệt tình ca), Thành (Đời cô Lựu), Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh), Thầy Khanh (Mưa rừng), Kim Trọng (Kim Vân Kiều)… Nhắc lại những vai diễn ấy, ngoài Tạ Tốn, anh đặc biệt nhớ đến vai Thầy Khanh trong vở Mưa rừng của soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng. Đây là vai anh ưng ý nhất, nó gần gũi với bản tính của anh – một chàng lãng tử, ngang ngạnh, bất cần đời và không chịu khuất phục ai. Tiếp đến là vai Trần Minh trong vở Bên cầu dệt lụa – vai diễn mà anh được khán giả cả nước và kiều bào rất yêu mến. Anh bật mí: “Sau khi Thanh Nga mất đi rồi, tôi được nhiều đoàn tỉnh mời về hát tăng cường, dù đi đến hang cùng ngõ hẻm nào khán giả cũng yêu cầu tôi hát vai Trần Minh, và cho tới bây giờ cũng vậy”.
    HỌA VÔ ĐƠN CHÍ
    Đến với sân khấu cải lương, Thanh Sang đã cống hiến cả quãng đời thanh xuân và gắn bó với biết bao kỷ niệm. Anh thường bảo nếu cải lương chết thì anh sẽ không sống nổi. Cứ tưởng anh sẽ làm kiếp con tằm nhả tơ trả nợ cho đời, nhưng đến năm 1990, anh đột ngột rời sàn diễn để lại sự ngơ ngẩn tiếc nuối cho biết bao khán giả cải lương.
    Thật ra lúc ấy anh bị bệnh nặng, bác sĩ không cho phép anh diễn nữa, anh buồn và khóc suốt. Đêm nào nằm ngủ cũng nằm mơ, thấy mình đang đứng trên sân khấu. Anh vốn là người cứng rắn, nhưng với sân khấu cải lương, anh mãi là người con trẻ của tổ nghiệp. Khi bệnh tình vừa thuyên giảm, anh đang dự tính đi hát trỏ lại thì một tai nạn giao thông ập đến, anh bị gãy mất mấy cái xương sườn, nằm viện cả năm trời tưởng chừng không sống nổi. Nhưng anh đã tai qua nạn khỏi nhưng sức khỏe rất yếu, mẹ anh và cả bà xã rất ngại để anh lên sân khấu. Vậy là anh đành mai danh ẩn tích, lui về “ở ẩn” với thú điền viên, đến rạp hát anh lại không khỏi đau lòng trước tình trạng rạp xuống cấp, khán giả lèo tèo… Diễn viên đi hát Đại nhạc hội, quay video cải lương, ai cũng tìm đường sống cho mình. Nhưng theo anh, người nghệ sĩ thì phải đứng trên sân khấu thực thụ thì diễn mới có hồn. Source: maxreading

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được