Tiểu sử nhạc sĩ VĂN GIỎI


Image result for tiểu sử văn giỏi
Trước năm 1975, tiếng đờn Văn Giỏi đã vang xa khắp lục tỉnh, thế nhưng nhiều người mến mộ tiếng đờn của anh không hề biết rằng anh là một nghệ sĩ khiếm thị. Không được nhìn đời bằng đôi mắt nhưng anh vẫn sống và làm nghề bằng thái độ lạc quan, trong sáng.

Trong các danh cầm cải lương Nam bộ, Văn Giỏi đã tạo cho mình một phong cách riêng từ tư chất lẫn nghệ thuật diễn tấu nên đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng giới đồng điệu và mộ điệu.

Sinh năm 1947 tại xã Long Trung, Cai Lậy, Tiền Giang, từ nhỏ Văn Giỏi đã được các nghệ nhân Tư Vĩ, Sáu Oanh cùng hai người cậu ruột hết lòng truyền nghề. Từ năm 1961 đến năm 1963, anh tham gia hoạt động văn nghệ trong vùng giải phóng, sau đó anh lên Sài Gòn thọ giáo bậc tiền bối như Văn Vĩ, Năm Cơ, Tư Thiên, Bảy Bá. Tham gia các ban ca kịch Thành Công, Trầm Hoa miền Nam, Hương Thanh Bình, tên tuổi của anh rộ nở khắp nơi và anh được hai hãng băng đĩa lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ là Việt Nam và Continanal mời ký hợp đồng dài hạn cho đến ngày giải phóng.

Sau giải phóng, nghệ sĩ Văn Giỏi trở thành cộng tác viên thường trực của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM trong khoảng 15 năm. Đây là giai đoạn vàng son nhất trong nghiệp cầm ca của người nghệ sĩ tài hoa này. Ngón đờn của anh lúc mượt mà trẻ trung, lúc thì lả lướt, phóng khoáng, giàu sáng tạo. Văn Giỏi tạo dấu ấn sâu sắc cho người nghe bởi tiếng đờn mang nhiều màu sắc mới, nhiều kiểu luyến láy, biến hóa khôn lường và đặc biệt là lối đờn chặn các dây trên tạo tiếng basse trầm ấm, lôi cuốn. Và phong cách này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhạc công cải lương trẻ lúc bấy giờ.

Cũng trong thời gian này, dựa trên nền nhạc thang âm ngũ cung của cải lương, nghệ sĩ Văn Giỏi đã sáng tác hai giai điệu mới là Phi Vân điệp khúc và Đoản khúc lam giang. Kết hợp với âm hưởng của ca nhạc Huế và dân ca Nam bộ, hai giai điệu trữ tình này lúc man mác du dương, lúc dịu êm sâu lắng nên nhanh chóng tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong lĩnh vực cải lương. Sau đó, cùng NSƯT Thanh Hải, anh cải biên lớp dạo đầu của giai điệu Vọng kim lang, dân ca Liên khu 5, làm nên một phong cách mới. Từ đó đến nay, hầu hết các tác giả viết vọng cổ và kịch bản cải lương đều chú ý đến 3 giai điệu này. Tiếng lành đồn xa, hàng ngàn người từ khắp nơi đến với nhạc sĩ Văn Giỏi để học đờn ca. Trong số đó, nhiều người đã công thành danh toại, mang nghệ thuật cải lương diễn tấu ở nhiều nước trên thế giới.

Ở độ tuổi lục tuần, ngón đờn của nghệ sĩ Văn Giỏi càng đĩnh đạc hơn, nét bay bổng giảm dần mà thay vào đó là phong cách vỗ êm, nét nhấn nhá sâu sắc hơn, lắng dịu hơn. Hiện nay, làm nghề tự do với mức cát xê cao nhất nước trong giới cầm đờn cải lương nhưng mỗi lần có việc làm từ thiện, ông lại hăng hái tham gia và vận động học trò cùng góp mặt vô điều kiện. Ông tâm sự: “Mình khiếm thị không làm được những công việc như nhiều người khác thì góp phần bằng tiếng nhạc, bằng tấm lòng cho quê nhà”.

NSƯT Văn Giỏi không chỉ được giới mộ điệu kính trọng, yêu mến bởi ngón đờn tài hoa mà sự phấn đấu của cuộc đời ông còn là bài học lạc quan cho những người khuyết tật.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được