Phá cách và phá phách nghệ thuật cổ

Pha hip-hop vào cải lương, kết hợp kịch tuồng với múa ballet, để cho nhân vật lịch sử hát nhạc pop..., nhiều nghệ sĩ đang cố gắng dùng những yếu tố ngoại, hiện đại để làm mới các loại hình nghệ thuật cổ truyền.
Tuy nhiên, theo một số nhà chuyên môn, hầu hết cách tân đó đến nay mới là thử nghiệm, chưa có đời sống thực.

Những tác phẩm “lai tạo”


Nhiều loại hình nghệ thuật cổ ngày càng trôi dần ra phía ngoài lề cuộc sống hiện đại. Điều đó buộc những người có tâm huyết phải sử dụng những phương pháp, thủ pháp mới khi sáng tạo tác phẩm. Trên con đường tìm tòi, cách tân đó, mỗi người có cách “vùng vẫy” riêng.

Hình ảnh
Tuồng lai kịch mặt nạ Pháp trong vở Vòng cát. Ảnh: Ngọc Nhiên

Cách đây vài năm, hai vở kịch Vòng cát, Antigone Việt Nam của Nhà hát Tuồng Trung ương gây ấn tượng khá mạnh với công chúng bởi dự kết hợp lạ mắt giữa tuồng và kịch mặt nạ Pháp. Tiếp đó là cuộc giao duyên piano - tuồng trong chương trình Lửa thiêng, một cuộc chơi phá cách của nhạc sĩ trẻ Đặng Tuệ Nguyên và nghệ sĩ piano Phó An My, với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng, diễn ra cuối năm 2008.

Chương trình này được đánh giá là có nhiều sáng tạo, vừa tôn vinh tuồng cổ vừa tạo được sự hài hòa giữa ngôn ngữ âm nhạc truyền thống với nhạc thính phòng đương đại.

Năm 2009, hàng loạt tác phẩm pha trộn các yếu tố đương đại ra đời. Đáng chú ý là vở kịch Tình sử ngàn năm của sân khấu Idecaf gây sốc với hình ảnh vị anh hùng Lý Thường Kiệt hát nhạc pop. Gần đây nhất là Chiến thắng mùa hoa đào, vở kịch ca ngợi người anh hùng áo vải Quang Trung, pha trộn giữa tuồng và múa ballet, do ThS Nguyễn Tuyết Minh làm tổng đạo diễn kiêm biên đạo, cũng khá lạ mắt.

“Tác thành” cho những loại hình nghệ thuật “tréo cẳng ngỗng” nhau về chất như thế rất vất vả. Theo nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên, việc làm cho tiếng piano hoà quyện với kèn bóp, trống chiến và nhị không hề đơn giản. Biên đạo trẻ Tuyết Minh thì cho rằng, việc dung hoà kịch và múa, nhất là múa ballet, rất khó.

Kịch quan tâm nhiều đến tuyến nội dung, mâu thuẫn, xung đột giữa các nhân vật, còn múa thiên về mô tả cảm xúc. Vở cải lương Ọoc...rơ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thoạt đầu có cả điệu nhảy moonwalk của vua nhạc pop Michael Jackson, nhưng sau Hội đồng giám khảo yêu cầu cắt bỏ vì thấy không phù hợp.

Hình ảnh
Vở Chiến thắng hoa anh đào kết hợp tuồng với múa ballet để tái hiện hình tượng vua Quang Trung.


Không nên “ép” nhân vật lịch sử


Theo ông Nguyễn Đăng Chương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), đến thời điểm này, phần lớn những sáng tạo nói trên vẫn chỉ là thử nghiệm, tìm tòi, chưa mang lại tác dụng cho đời sống, chưa được chấp nhận rộng rãi.

Đã có ba cuộc liên hoan sân khấu thử nghiệm tổ chức tại Việt Nam, đều được đánh giá là thành công, nhưng hiếm vở nào đứng vững trong lòng công chúng. Trong số đó, có những tác phẩm mang tính phá phách, cách tân quá đà, thậm chí xem ra không giống ai.

Về vở kịch múa Chiến thắng mùa hoa đào, ông Chương cho rằng, nếu nhìn từ góc độ nghề nghiệp thì chưa phải là tác phẩm kịch múa, bởi khi nói đến kịch múa chí ít phải có kịch và có múa. Trong khi đó, vở diễn này phần kịch hầu như không có, phần múa hơi mờ nhạt, chưa truyền tải hết nội dung câu chuyện. “Tuy nhiên, đây cũng là một sự phá cách, và điều đáng khen là tác giả dám nghĩ, dám làm”, ông Chương nhận xét.

Ông Hoàng Khiềm, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, cũng thừa nhận những tác phẩm nhà hát đã “cải cách” dù đạt được thành công nhất định nhưng vẫn chỉ là thử nghiệm.

Nghệ sĩ trẻ Tuyết Minh cho rằng khi dựng bất kỳ vở diễn nào, đạo diễn cũng phải hướng tới một đối tượng nhất định. Trong Chiến thắng mùa hoa đào, đối tượng hướng đến là đông đảo bạn trẻ, giúp họ cảm nhận cái đẹp của múa một cách đơn giản, gần gũi. Chị cho biết sẽ tiếp tục nâng cấp vở kịch múa này sao cho vừa khẩu vị của công chúng cũng như giới chuyên môn.

Theo ông Chương, điều quan trọng là phương pháp sáng tạo phù hợp với câu chuyện tác giả định nói và được khán giả chấp nhận. Không nên quá đà khi kết hợp truyền thống với hiện đại, chẳng hạn “ép” hình tượng lịch sử nói những lời của ngày hôm nay như “mày lơ mơ tao tẩn cho mày một trận”.

Ngọc Nhiên - Theo Datviet

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương