Nghệ thuật truyền thống - Mai này ai kế tục?

Trong thời buổi hội nhập, việc giữ gìn và phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống luôn là yêu cầu cấp thiết, bởi đó là bản sắc văn hóa, là tâm hồn dân tộc. Thế nhưng thực tế hiện nay, những người trẻ đang ngày càng ít theo học “vốn liếng” quý giá của tiền nhân để lại…
Thực trạng đáng báo động Hiện nay, không chỉ ít bạn trẻ đến các lò luyện cổ nhạc để học ca, học đàn mà ngay cả ở những trường có đào tạo nghệ thuật truyền thống, số lượng sinh viên cũng đang ngày càng giảm dần. Theo thông tin mới nhất từ Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, mùa tuyển sinh năm nay, khoa kịch hát dân tộc có chỉ tiêu tuyển 20 sinh viên cải lương, nhưng cuối cùng chỉ tuyển được 11, sau khi chọn lựa từ 27 thí sinh trên khắp mọi miền dự thi. Điều đáng báo động nữa là, không có bất kỳ thí sinh nào dự thi vào học đàn dân tộc! Tiến sĩ Phan Thị Bích Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM cho biết, đây là lần đầu tiên bộ môn đàn dân tộc không có thí sinh dự thi. Tiến sĩ Phan Bích Hà cho biết thêm, mặc dù trước mùa tuyển sinh, nhà trường đã có thông báo rộng rãi đến các tỉnh thành và theo quy định hiện nay, các thí sinh thi vào khoa kịch hát dân tộc được giảm đến 75% học phí. Nếu với số lượng sinh viên thế này thì năm nay nhà trường sẽ rơi vào tình cảnh nhiều thầy dạy một trò, bởi khoa kịch hát dân tộc hiện có 15 thầy cô giáo! Còn ở Nhạc viện TPHCM, mùa tuyển sinh năm nay có 13 thí sinh thi vào hệ đại học âm nhạc dân tộc, trúng tuyển 12 thí sinh; hệ trung cấp có 11 thí sinh dự thi, tuyển 10; trung cấp chuyên ngành âm nhạc dân tộc chỉ có 2 thí sinh dự thi và tuyển 1. Với số lượng thí sinh dự thi ít và trúng tuyển gần hết như vậy, liệu chất lượng tuyển sinh có giảm sút? NSƯT Phạm Ngọc Doanh, Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM chia sẻ: Hầu hết các thí sinh dự thi vào khoa âm nhạc dân tộc của nhạc viện đều có niềm đam mê mãnh liệt. Trước khi dự thi vào, các thí sinh đều đã được học về các nhạc cụ truyền thống nên chất lượng tuyển sinh không hề giảm so với các năm trước. Cần một cú hích Trước thực tế ngày một hiếm dần những người trẻ đam mê học nghệ thuật truyền thống, Tiến sĩ Phan Thị Bích Hà nhìn nhận: “Hiện nay, nhiều bạn trẻ chạy theo sức hút của phim truyền hình nên dự thi vào khoa diễn viên khá đông, mặc dù nhiều em có giọng ca rất tốt, được chúng tôi khuyên nhủ nhưng vẫn không chịu thi vào khoa kịch hát dân tộc. Bên cạnh đó, điều kiện tuyển sinh cũng là một rào cản. Có những thí sinh có giọng ca tốt nhưng học chưa hết lớp 12 thì không được tuyển…”. Nói về nghịch lý giữa học vấn - giọng ca, tác giả Lê Duy Hạnh cho rằng, việc tuyển sinh đầu vào hiện nay cần phải có những thay đổi, đặc biệt là đối với những thí sinh thi vào kịch hát dân tộc - cải lương. Ông nói: “Với những thí sinh này, điều quan trọng nhất là sắc vóc, giọng ca tốt, còn về trình độ học vấn nếu có thấp thì dần dần học bổ sung. Chứ cứ dựa vào trình độ học vấn thì vô tình chúng ta lại đánh mất cơ hội của những người thật sự triển vọng. Thử nhìn lại lịch sử cải lương, có nhiều nghệ sĩ thành danh, giọng ca làm say đắm biết bao người nhưng học vấn có cao đâu?”. Theo NSƯT Phạm Ngọc Doanh, Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM, trong tương lai, nếu muốn âm nhạc dân tộc có nhiều người theo học, chúng ta cần phải tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho những bạn trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống. Cái khó nhất hiện nay của nhạc viện là sau khi bàn giao lại hai khu nhà làm ký túc xá cho thành phố, trường chỉ còn vỏn vẹn một khu nhà ở đường Lý Tự Trọng với hai phòng có thể chứa được 16 sinh viên. Với điều kiện như thế, trường không thể nào tổ chức đi các tỉnh tuyển sinh, chọn lựa những em có năng khiếu thật sự đến học, bởi chỗ đâu để các em ở? Cách đây mấy năm, khi có thể giải quyết cho cả trăm em ở ký túc xá, trường tổ chức hội đồng tuyển sinh về các tỉnh, tuyển chọn được rất nhiều sinh viên giỏi, còn giờ thì… đành chịu! Để giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất, NSƯT Phạm Ngọc Doanh cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành làm dự án tổng thể xây dựng lại nhạc viện và song song đó, đề xuất các cấp quy hoạch một khu đất ở làng đại học Thủ Đức để có thể xây dựng cơ sở 2 với nhiều dãy nhà ký túc xá dành cho sinh viên”. Rõ ràng, trong việc tìm người kế tục của nghệ thuật truyền thống, đòi hỏi phải có nhiều thay đổi thích nghi với thực tế. Nếu tình trạng này day dưa mãi, liệu mai này còn ai kế tục? Niềm tin và suy ngẫm! Trong một lần trò chuyện, GS-TS Trần Văn Khê chia sẻ rằng, nếu muốn giới trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống thì cần phải thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống để diễn giải cho người xem hiểu được ý nghĩa thì họ mới thích, có thích thì mới yêu nghệ thuật truyền thống của mình. Có lẽ, từ suy nghĩ này mà thời gian qua, tại nhà GS-TS Trần Văn Khê (quận Bình Thạnh, TPHCM) thường xuyên biểu diễn nghệ thuật truyền thống của ông và con trai - GS Trần Quang Hải. Vừa qua, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật của TPHCM đã tổ chức tuyển sinh trở lại theo hướng mở (miễn học phí trọn khóa và không bắt buộc phải tốt nghiệp THPT mới được dự thi) dành cho các bạn trẻ. Khóa tuyển sinh này có hơn 100 thí sinh dự thi và đã tuyển chọn được 22 thí sinh. Đội ngũ giảng viên quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND - đạo diễn Huỳnh Nga, NSND Thanh Tòng, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Hải… Hiện, cách làm này đang thắp lại những niềm tin về một thế hệ kế thừa cho cải lương tương lai. Theo NSƯT - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, hiện nay, có những nơi ít thí sinh dự thi học hát cải lương, một phần là do một số giảng viên ít có tên tuổi nổi bật. Thử hỏi, nếu một người chưa có vai diễn nào thật sự ấn tượng, lại là giảng viên thì khi dạy cho sinh viên sẽ lấy kinh nghiệm, dẫn chứng thế nào? Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm. Đỗ Hạnh

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương