“Khám phá nghệ thuật Tuồng”-Triển vọng từ một cách nhìn khác...

“Khám phá nghệ thuật Tuồng”-Triển vọng từ một cách nhìn khác...
Lê Anh Hoài (Báo Tiền phong) Phỏng vấn Nguyên Hưng – tác giả Chương trình nghệ thuật cộng đồng “Khám phá nghệ thuật Tuồng”

+ Lâu nay, Tuồng bị coi là văn hoá truyền thống tiêu bản, nghĩa là tồn tại khô cứng, như một tư liệu hơn là một hình thái văn hoá của đời sống hôm nay. Liệu chương trình “Khám phá nghệ thuật Tuồng” có làm nổi việc tươi mới trở lại một loại hình nghệ thuật như thế? Cách làm ra sao?

Tại sao Tuồng bị coi là “văn hoá truyền thống tiêu bản”? Đơn giản, vì nó đang bị mất dần quan hệ với công chúng. Ai cũng biết, không có công chúng, không có thứ nghệ thuật nào thực sự tồn tại. Nhưng, công chúng nghệ thuật từ đâu ra? Thực tế, công chúng nghệ thuật không tự nhiên mà có. Đó là sản phẩm của văn hóa-giáo dục. Chí ít là của truyền thông. Lâu nay, chúng ta hầu như chẳng làm gì để tạo ra công chúng cho tuồng. Chương trình này của chúng tôi là một cố gắng đóng góp ở khía cạnh này. Nội dung chương trình khá phong phú với nhiều hoạt động khác nhau, nhưng căn bản vẫn là khai thác các ưu thế về mặt truyền thông của các hình thức nghệ thuật thị giác và các sự kiện quan hệ công chúng, để quảng bá cho Tuồng, để phổ cập kiến thức về nghệ thuật Tuồng, để lôi kéo mọi người đến với nhà hát Tuồng v.v...

+ Kinh nghiệm của những quốc gia Á đông phát triển trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong những công việc tương tự thế nào? Các anh có học được gì, rút được kinh nghiệm gì từ họ?

Với từ khóa “china opera”, hay “beijing opera” thử dò tìm trên google hay flickr anh sẽ thấy có hàng vạn đơn vị thông tin và hình ảnh đủ loại về Kinh Kịch. Chỉ riêng chuyện này, đã có thể nói ở Trung Quốc người ta làm công việc truyền thông về Kinh Kịch tốt như thế nào. Còn bây giờ, anh hãy dò tìm theo từ khóa “tuồng” hay “vietnam opera” xem! Chán quá phải không? Ở đây, tôi chưa đề cập đến chuyện sự đa dạng của thông tin và hình ảnh như vậy đã nói lên điều gì...

Tôi có tiếp xúc với một số người am hiểu về Tuồng và đã từng đến nhà hát Kinh Kịch Bắc Kinh. Họ vẫn cho rằng người Trung Quốc bảo tồn Kinh Kịch cũng khó khăn như mình bảo tồn Tuồng. Nhà hát Kinh Kịch Bắc Kinh cũng chẳng mấy khi đỏ đèn. Hoạt động Kinh Kịch rầm rộ chì là ở một số trung tâm du lịch v.v... Thực tế thì từ lâu rồi, nhà hát Kinh Kịch Bắc Kinh đã không sống nhờ vào diễn Kinh Kịch. Họ sống nhờ vào việc bán hình ảnh Kinh Kịch. Họ không cố gắng “hiện đại hóa” Kinh Kịch như mình đã và đang cố gắng “hiện đại hóa” Tuồng. Họ chỉ “hiện đại hóa” cách nhìn, cách quảng bá, cách tổ chức chương trình hoạt động của nhà hát Kinh Kịch mà thôi. Chính sự thay đổi này đã giúp cho họ có điều kiện chắt lọc tinh hoa nghệ thuật Kinh Kịch. Người ta có thể xem vô số các trích đoạn, các biến thể của Kinh Kịch ở bất cứ đâu, nhưng muốn xem một thứ Kinh Kịch tinh tuý thì phải đến nhà hát Kinh Kịch Bắc Kinh. Tôi cho rằng đây là một bài học đáng chú ý.

Còn việc họ đã bán hình ảnh như thế nào, để dễ hình dung, tôi xin “lạc đề” chút xíu. Chẳng hạn về olympic Bắc Kinh, báo chí mình chỉ quan tâm đề cập đến chuyện người Trung Quốc đã đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng thật tốn kém; sân vận động tổ chim thật độc đáo, chương trình khai mạc và bế mạc do Trương Nghệ Mưu đạo diễn thật hoành tráng và mới lạ... và, sau đó, chỉ là thông tin về các cuộc thi đấu... Hầu như chẳng có ai quan tâm đến chuyện chỉ qua mẫu logo và bộ năm biểu tượng “Cát tường”, từ trước khi olympic khai mạc vài ba năm người Trung Quốc đã thu lời rất nhiều qua vô số hình thức ứng dụng... Với Kinh Kịch cũng vậy. Bất cứ cái gì có thể chuyển tải được hình ảnh Kinh Kịch họ đều đưa vào. Không chỉ có các vật phẩm lưu niệm vốn thiên hình vạn trạng, thậm chí họ còn đưa cả hình ảnh Kinh Kịch vào việc thiết kế tạo mẫu giày thể thao... Dễ thấy, lợi ích nhiều mặt của việc làm này. Tôi đã áp dụng rất nhiều bài học rút ra từ đây để xây dựng chương trình nghệ thuật cộng đồng “Khám phá nghệ thuật Tuồng”

+ Có lẽ công việc này phải kéo dài, thậm chí rất dài, vậy các anh có được đảm bảo về năng lực điều hành và sự nhất quán từ cấp quản lý nhà nước, bởi nhiều chương trình đã lâm vào cảnh đầu voi đuôi chuột, khoá này quyết, khoá khác lại bỏ lơ?

Hai năm qua, cầm dự án chương trình này, tôi đã gõ cửa nhiều nơi ở Đà Nẵng. Ai cũng khen hay, độc đáo, khả thi... nhưng cũng chẳng có ai nhúc nhích gì. Cuối cùng, chỉ có Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tại miền Trung-Tây Nguyên tiếp nhận và đồng tình triển khai. Nhưng khổ, là thực chất cơ quan này, đã không có tiền lại cũng chẳng có quyền, nên mọi chuyện, từng chút, từng chút một đều phải tự xoay xuở. Hiện tại, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, của Ủy ban Nhân dân và Sở Văn hóa Thể thao Du lịch thành phố Đà Nẵng, của nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, và của một số cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, hầu hết, cũng chỉ dừng lại ở mức ủng hộ về mặt “chủ trương”, về “tinh thần”, và chủ yếu, là do uy tín cá nhân của nhà văn Hoàng Minh Nhân, giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tại miền Trung-Tây Nguyên chứ không hẳn vì do thông hiểu hay do trách nhiệm. Do đó, đối với chúng tôi, để chương trình này có thể thực hiện được đã là cả “một cuộc chiến đấu”. Trước mắt, tôi chưa thể nói được về một sự “đảm bảo” nào hết.

Dĩ nhiên, nếu không tin chương trình này thực hiện được sẽ mang lại lợi ích và ý nghĩa rất lớn thì chúng tôi đã chẳng bỏ ra quá nhiều công sức như vậy.

+ Có nhận định rằng “Tuồng là một tài nguyên văn hoá – du lịch cần được tận dụng, khai thác”, xin anh nói rõ hơn ý tưởng này, phải chăng Chương trình nghệ thuật cộng đồng “Khám phá nghệ thuật Tuồng” do các anh đề xướng cũng nằm trong việc hàm dưỡng, thúc đẩy tài nguyên văn hoá này?

Di sản văn hóa nào cũng có thể là một tài nguyên văn hóa-du lịch. Vấn đề chỉ là cách khai thác tận dụng như thế nào mà thôi. Với tôi, du lịch phát triển, là một cơ hội cho Tuồng-mở rộng không gian giao tiếp, mở ra những khả năng thực tế mang lại hiệu quả tốt hơn cho họat động bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng... Và, ngược lại, với giá trị độc đáo của nó, với hệ thống hình ảnh có thể ứng dụng đa dạng trong rất nhiều vật phẩm lưu niệm, và, đặc biệt, khi biết cách tổ chức các sự kiện truyền thông..., Tuồng có thể là tác nhân tốt thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển...

+ Về tài chính, liệu chương trình có tiến tới “tự nó nuôi nó” được không? Hay nó vẫn phải chung thân nhờ vào các nhà tài trợ?

Chương trình nghệ thuật cộng đồng “Khám phá nghệ thuật Tuồng” được tổ chức là để: một, tạo ra một sự kiện với nhiều hoạt động hấp dẫn gối đầu lên nhau, đan xen vào nhau, nhằm thu hút sự chú ý của mọi người đến sự độc đáo của nghệ thuật Tuồng, đến sự có mặt của nhà hát Tuồng ở địa phương...; hai, tạo ra một hệ thống hình ảnh và vật phẩm truyền thông tiêu chuẩn về nghệ thuật Tuồng (các series postcard, poster, brochure, sách bỏ túi, các văn bản truyền thông-đa phương tiện…) nhằm phục vụ cho các hoạt động tiếp thị, lôi kéo du khách, công chúng đến với Nhà hát Tuồng…; ba, tạo ra một hệ thống các loại vật phẩm lưu niệm về nghệ thuật Tuồng nhằm bán cho du khách, những người yêu thích nghệ thuật Tuồng (các series mặt nạ nhân vật Tuồng, áo thun in hình ảnh cách điệu khái quát về nghệ thuật Tuồng, sách bỏ túi giới thiệu sơ lược về đặc trưng nghệ thuật Tuồng và các Tuồng-Tích tiêu biểu…)…; bốn, thiết kế một không gian "truyền thống" về nghệ thuật Tuồng, một mặt, nhằm giới thiệu tương đối đầy đủ các giá trị đặc sắc của nghệ thuật Tuồng (đáp ứng nhu cầu hiểu biết của du khách…), mặt khác, nhằm tạo ra một phối cảnh đặc trưng để du khách có thể chụp hình lưu niệm v.v…

Nói chung, nó chỉ kéo dài trong vòng một tháng, và nó, thực sự chỉ là cú hích tạo gia tốc ban đầu. Phần còn lại, Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch địa phương và Nhà hát Tuồng cần phải chuẩn bị một chương trình phối hợp như thế nào đó để khai thác tốt nhất thành quả của chương trình. Tôi nghĩ, đoạn sau này, sẽ không phải nhờ vào các nhà tài trợ nữa.

+ Lâu nay, nghệ sĩ đương đại của chúng ta thường chạy theo những chủ đề tạm gọi là “hiện đại”, nhiều khi không gắn gì với quá khứ văn hoá của dân tộc. Mặt khác, vẫn còn nhiều nghệ sĩ nghĩ rằng sáng tác nghệ thuật phải là “sang trọng” – theo nghĩa “cô đơn”, không gắn với những hoạt động cụ thể từ cộng đồng. Anh nghĩ sao về vấn đề này? Liệu chương trình đủ sức lôi kéo nghệ sĩ khỏi “tháp ngà” hoặc các xu hướng “hiện đại” để đến với nó ?

Tiếp cận nghệ thuật, xưa nay, chúng ta ít ai quan tâm đầy đủ đến yếu tố môi trường. Trong một môi trường, mà công chúng, chưa bao giờ được giáo dục một cách đàng hoàng về nghệ thuật như ở Việt Nam, thì tất cả những thứ như “hiện đại”, “đương đại” với “sang trọng”, “cô đơn” v.v... đều chỉ là những ảo ảnh, ảo giác. Nghe nhiều “nghệ sĩ đương đại” nói, tôi tưởng nghệ thuật đương đại là “một cục gì đó, ở đâu đó” mình chỉ du nhập, ứng dụng là xong. Thực ra không phải như vậy. Và bởi không phải như vậy, nên hầu hết “nghệ sĩ đương đại” Việt Nam cứ lóng ngóng tận đâu đâu. Là người viết phê bình, tôi quan tâm đến tất cả các vấn đề này. Nhưng đây, là câu chuyện dài, rất dài, tôi sẽ đề cập vào dịp khác. Tôi không nghĩ sẽ lôi kéo những nghệ sĩ như anh nói ra khỏi “tháp ngà” hoặc các xu hướng “hiện đại” để đến chương trình của mình. Đến với tôi, lâu nay, vẫn là những nghệ sĩ kiểu khác...

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương