Đờn ca tài tử một giá trị văn hóa truyền thống

QĐND - Hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, quản lý văn hóa, nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ, nghệ nhân đờn ca tài tử (ĐCTT)... trong nước cùng các đại biểu quốc tế đến từ Pháp, Síp, Đức, Nhật, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc và Xin-ga-po đã tham dự hội thảo quốc tế “Nghệ thuật đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Âm nhạc Việt Nam, Cục Di sản văn hóa và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh các vấn đề về lịch sử hình thành, phát triển của nghệ thuật ĐCTT; những phát hiện về giá trị nghệ thuật; những quan niệm, khái niệm, thuật ngữ; những phát hiện mới, những so sánh, đối chiếu trong phạm vi âm thanh học, âm nhạc học... thì vấn đề thực trạng, sức sống cũng như những đề xuất về kế hoạch hành động nhằm bảo tồn, phát huy, phát triển nghệ thuật ĐCTT trong cuộc sống đương đại cũng được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.
Quân đội nhân dân Cuối tuần xin trích một số ý kiến được trình bày tại hội thảo. GS.TS Trần Văn Khê: Phần đông khi nhắc đến ĐCTT thì cho rằng lối nhạc đó không sâu sắc, chuyên nghiệp mà mang tính giản dị của dân gian, hay là “a ma tơ”, nghiệp dư. Theo tôi, tài tử có nghĩa là người có tài (như trong “Dập dìu tài tử giai nhân” hay “Tài tử giai nhân tế ngộ nan”...). Người đàn tài tử không dùng nhạc tài tử làm kế sinh nhai. Khi nào thích đàn thì họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng nhau đàn chơi, ai biết đàn ca cũng có thể tham gia được. Dù vậy, nhưng trình độ nghệ thuật của ĐCTT không thấp. Ngược lại, họ thường luyện tập rất công phu, phải theo thầy học từ chữ nhấn, chữ chuyền, rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp và tạo cho mình một phong cách riêng. Theo truyền thống ĐCTT, ít khi nhạc công độc tấu mà thường thì song tấu đàn kìm (đàn nguyệt) và đàn tranh, hay tam tấu đàn kìm, đàn tranh, đàn cò (đàn nhị). Đôi khi có ống sáo ngang hay ống tiêu thổi dọc. Từ những năm 30 thế kỷ trước, ĐCTT có thêm những cây đàn phương tây như vi-ô-lông, măng-đô-lin, ghi-ta được nhạc công Việt Nam sửa lại bằng cách khoét sâu khoảng giữa hai phím đàn (phím lõm). Khác với ca trù miền Bắc hay ca Huế miền Trung là tiếng ca quan trọng hơn tiếng đàn, trong ĐCTT, tiếng đàn quan trọng hơn tiếng ca. Nghệ thuật ĐCTT gắn liền với nếp sống của nhiều tầng lớp trong xã hội ngày xưa. Rất nhiều nghệ sĩ tài tử là thợ hớt tóc, lái đò, công chức và một số bác sĩ, luật sư. Nếu mỗi nghệ sĩ viết lại những kinh nghiệm bản thân của mình trong nghề nghiệp, ghi lại tiểu sử của những người thầy, người bạn mà mình biết rõ, thì chúng ta sẽ có được một số tư liệu chính xác và đầy đủ hơn về lịch sử, ngôn ngữ, quy luật trong ĐCTT. Truyền thống ĐCTT không phải bất di, bất dịch, mà có thể thay đổi theo niên đại, môi trường và quan điểm thẩm mỹ. Nhưng phải nhìn nhận rằng, nghệ thuật ĐCTT ngày nay không còn chất tài tử “không chuyên nghiệp” như ngày xưa mà có nhiều nhóm đã trở thành “bán chuyên nghiệp” hoặc “chuyên nghiệp” khi đàn thường trực cho các cơ quan du lịch hay các đài truyền thanh, truyền hình. PGS.TS Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc: Nghệ thuật ĐCTT tuy có lịch sử hình thành muộn hơn so với nghệ thuật tuồng, chèo, quan họ hay ca trù... nhưng điều đáng quan tâm là loại hình nghệ thuật này đã chứa đựng đầy đủ, đậm đặc các giá trị văn hóa Việt với những đặc trưng đa dạng riêng. Nghệ thuật ĐCTT vừa mang tính chuyên nghiệp vừa có tính chất dân dã, tài tử. Những đặc điểm đó được thể hiện đậm nét từ hình thức tổ chức, sinh hoạt đến ngôn ngữ nghệ thuật, từ không gian văn hóa trình tấu đến bài bản, tập tục, thói quen, ngón đờn, giọng ca, từ sự giao tiếp, ứng xử, đến sự giao hòa, tâm tình, nỗi niềm vui buồn, tri âm, tri kỷ giữa những người tham gia hòa đàn, hòa ca... GS.TS Sheen Dae Cheol (Hàn Quốc): ĐCTT của Việt Nam, cũng như Gagok của Hàn Quốc và Nanyin của Trung Quốc, đều được bắt đầu như là một thể loại âm nhạc không chuyên. Hai trong số 3 thể loại vừa nêu đều trở thành những loại hình âm nhạc rất tinh tế, riêng ĐCTT vẫn giữ được tính chất “tài tử” của nó. ĐCTT đã tạo ra một thể loại mới cho âm nhạc truyền thống Việt Nam mà ở đó ta có thể tìm thấy hương vị, sức sống và nghệ thuật thẩm mỹ điển hình của Việt Nam. Nhạc cụ đệm cho ĐCTT rất độc đáo và linh hoạt. Đặc biệt, âm thanh tuyệt đẹp của đàn bầu và đàn nguyệt đã đưa thêm vào cho nhạc tài tử các ý nghĩa về văn hóa và âm nhạc. ĐCTT là một loại hình của âm nhạc nghiệp dư, nhưng nó lại là một loại của một hình thức âm nhạc nghiệp dư cao quý. Bởi không dễ dàng để trở thành một nhạc công chơi ĐCTT. Bất kỳ ai muốn trở thành nhạc công của thể loại này đều phải thực hành rất vất vả trong một thời gian dài. Vì thế, nhạc công của ĐCTT có thể được coi là nhạc công chuyên nghiệp cho dù họ trình diễn không phải để kiếm sống. Từ cái nhìn về văn hóa và âm nhạc, tôi có thể kết luận rằng, ĐCTT là một loại hình âm nhạc truyền thống có giá trị cần được bảo tồn, truyền bá và thưởng thức. Thực sự, ĐCTT có giá trị lớn thu hút công chúng từ châu Á và thế giới. Chính vì vậy, nó cần được ghi nhận như là một kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền miệng của nhân loại. Ông Nguyễn Huỳnh Anh - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang: Có một thực trạng không mấy tốt đẹp hiện nay là các ban ĐCTT phục vụ du lịch không nhằm vào mục đích cao quý là quảng bá một di sản văn hóa của dân tộc mà lại hướng vào mục đích chính là kiếm tiền. Từ đó dẫn đến các hiện tượng ca dở, đàn sai, không đúng với chuẩn mực của loại hình này. Thực tế, các ban ĐCTT không được trả thù lao, trái lại phải đóng tiền cho chủ cơ sở kinh doanh du lịch mà mình biểu diễn để được hành nghề. Vì thế, nạn thương mại hóa đã nảy sinh, dẫn đến tính chất cơ bản và cao quý của ĐCTT là “Tri âm, tri kỷ, không vụ lợi” không còn hiện diện ở những ban ĐCTT này. Rõ ràng, nếu kéo dài tình trạng này thì ĐCTT sẽ bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Theo chúng tôi, việc thông qua du lịch để quảng bá di sản văn hóa dân tộc bằng hình thức này cần được các cơ quan chức năng, cụ thể là ngành văn hóa, thể thao, du lịch, chấn chỉnh gấp. Bước đầu, cần thực hiện tập huấn nghề nghiệp, chọn lọc nghệ nhân có trình độ tương đối khá cho các ban ĐCTT phục vụ du lịch. Dàn dựng, góp ý chương trình, đồng thời tổ chức biểu diễn trong không gian nghệ thuật phù hợp, nghiêm túc. Việc giải quyết đời sống cho anh em tài tử phải có sự chỉ đạo thống nhất từ các cơ quan chức năng. Nên chăng đưa hẳn thù lao của các ban ĐCTT vào chi phí các tua du lịch, qua đó để anh em yên tâm làm nghề, gửi trọn tâm tư, tình cảm của mình vào tiếng đàn, câu hát. Tài tử ca Minh Đức (Thành phố Hồ Chí Minh): Những trăn trở của tôi, một nghệ sĩ trẻ, về câu hỏi liệu khoảng lặng âm nhạc của vùng Nam bộ trong thời buổi kinh tế hội nhập luôn sôi sục này bao giờ được xóa? Vị trí của ĐCTT trong đời sống tinh thần người dân Nam bộ bao giờ được trả về đúng chỗ? Ai và ai sẽ là người kế thừa di sản văn hóa của cha ông, của những bậc thầy cô đáng kính, mà cả cuộc đời họ sống chết với ngón đờn tri âm, tri kỷ. Trước nguy cơ mai một hoặc chí ít là biến dạng của nghệ thuật ĐCTT truyền thống, chúng ta hãy làm sao để giữ gìn và bảo tồn được vốn cổ truyền thống của cha ông để lại, làm sao để ĐCTT đi vào cuộc sống, xã hội hiện đại. Điều đó phải đồng nghĩa với việc làm thế nào để ĐCTT thật sự hấp dẫn. Mà muốn hấp dẫn thì phải nâng cao trình độ chuyên môn về đờn, về ca cho tài tử, với định hướng nghệ thuật đúng đắn. Cũng cần tạo cơ hội cho ĐCTT tiếp cận lớp khán giả mới, nỗ lực tạo không gian biểu diễn, giao lưu, học hỏi và cả giới thiệu với du khách gần xa, đưa nghệ thuật ĐCTT đến các trường học để tiếp cận thế hệ trẻ. Các soạn giả cũng cần tiếp sức viết thêm thật nhiều lời mới để gần gũi với đời sống sôi động hiện nay hơn. Có như vậy thì ĐCTT mới tìm lại được vị thế xứng đáng, sức hấp dẫn như vốn có của nó. Vẫn biết con đường phía trước thật lắm chông gai, nhưng tôi vẫn tràn trề hy vọng một ngày mai tươi sáng cho âm nhạc tài tử khi mà UNESCO công nhận nghệ thuật ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông Nguyễn Văn Khoai, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long: Theo chúng tôi, trước mắt cần phải có các giải pháp tình thế để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT. Đầu tiên là cải tiến mô hình sinh hoạt ĐCTT Nam bộ. Hiện tại, mô hình câu lạc bộ (CLB) ĐCTT đang tồn tại ở các nhà văn hóa trung tâm tỉnh, huyện, thành phố và có những CLB hình thành theo các đoàn thể, hội nghề nghiệp hay theo ấp, xã, phường... Để các CLB này ngày càng phát triển tốt hơn, chúng ta cần phải chú ý cả về nội dung lẫn hình thức hoạt động. Về chuyên môn cần phải chú ý tận dụng, khai thác hết các bài bản trong dòng âm nhạc tài tử Nam bộ. Trong hoạt động phải hết sức chú ý đến đối tượng và bối cảnh phục vụ để chọn bài, chương trình phù hợp. Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên tổ chức giao lưu, liên hoan, hội thi ĐCTT, qua đó kích thích thi đua, phát triển nghề nghiệp. Một vấn đề nữa là hình thành chế độ, chính sách đối với những người hoạt động ĐCTT. Hiện nay, các nghệ nhân, cá nhân, các nhóm, CLB ĐCTT tại Vĩnh Long cơ bản là tự thân vận động, chưa có chế độ đãi ngộ nào của ngành văn hóa hay của chính quyền các cấp, ngoại trừ tiền bồi dưỡng khi được tham gia phục vụ. Chế độ đãi ngộ ở đây chủ yếu là nhằm vào đối tượng nghệ nhân, nhất là ở lớp trẻ và ở cơ sở. Có thể là nhà nước đảm bảo kinh phí để các nghệ nhân truyền nghề lại cho thế hệ sau, đào tạo các tài năng trẻ được phát hiện, tổ chức các cuộc giao lưu... Ngoài ra, ngành văn hóa thông tin có thể hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm nhạc cụ, trang thiết bị âm thanh cho các nhóm, CLB ĐCTT. Cuối cùng, đây là những giải pháp mang tính cấp thời, nhưng cần được cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch, có địa chỉ thực hiện rõ ràng. Xuân Cường lược ghi

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương