Bảo tồn một cách không bảo thủ

Bảo tồn một cách không bảo thủ

Nghệ nhân chơi nhạc tài tử với giọng ca hay, ngón đờn giỏi phần nhiều tuổi đã cao. Một số nơi, trong các buổi tiệc, nhà hàng khách sạn, hay trình diễn cho khách du lịch nước ngoài, ĐCTT được mang ra như một hình thức ca nhạc “hướng về nguồn”, nhưng bị biến dạng...
Toạ đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử” tổ chức ngày 21.12 tại TPHCM là một trong những bước đầu tiên thu thập thông tin, ý kiến của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân về đờn ca tài tử (ĐCTT) để TPHCM sẽ cùng các tỉnh, thành Nam Bộ chuẩn bị cho bộ hồ sơ quốc gia mà Bộ VHTTDL dự kiến trình UNESCO ghi danh ĐCTT vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.


“Khi biết Bộ VHTTDL có chủ trương lập hồ sơ quốc gia đệ trình lên UNESCO ghi danh ĐCTT vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, người dân Nam Bộ nói chung và TPHCM nói riêng vô cùng phấn khởi!”. Chúng tôi đã lập ngay một ban tổ chức, một hội đồng cố vấn nghệ thuật, các nhóm khảo sát viên tiến hành cuộc khảo sát, điều tra về nghệ thuật ĐCTT từ tháng 8.2010. Đến nay, có thể tạm kết luận, nhạc tài tử, như cây dừa, cây bần, cây đước-những loại cây đặc chủng phương Nam có bộ rễ bám chặt lòng đất; sau nhiều biến cố thăng trầm của hơn 100 năm (tính từ ngày xuất hiện) ĐCTT đã tỏ rõ tính cách của chủ nhân - những người Nam Bộ, sinh ra nó: Phóng khoáng, hiếu khách, thân thiện, chân thành, nghĩa khí; cho đến nay nhạc tài tử vẫn có một sức sống kỳ diệu” - bà Vũ Kim Anh - Phó GĐ Sở VHTTDL TPHCM cho biết.
Theo khảo sát, hiện, TPHCM có 97 CLB và nhóm ĐCTT tại 24 quận, huyện với 1.133 người tham gia. GS Trần Văn Khê giới thiệu một CD, gồm nhiều tư liệu quý hiếm về ĐCTT mà ông sưu tầm được từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. “Nghệ thuật ĐCTT rất phong phú, đa dạng, sâu sắc, tế nhị. Khi hoà đờn, người ĐCTT không bao giờ lặp lại y khuôn lòng bản mà thầy dạy cho. Theo quan điểm thẩm mỹ gia đình tôi truyền lại cho con cháu, thì phải “Học chân phương, đờn hoa lá”. Quan điểm này giúp nghệ sĩ có phần sáng tạo khi biểu diễn, để nét nhạc thêm tươi, tiết tấu thêm sôi động” - GS Trần Văn Khê nói.
Bảo tồn, kế thừa, sáng tạo ĐCTT là một vấn đề được các nghệ nhân, nhà nghiên cứu quan tâm nhiều. Theo soạn giả Ngô Hồng Khanh: “Trong đời sống hối hả hiện nay, người ta khó lòng thả hồn vào một cuộc chơi với khúc nhạc, lời ca mà mỗi bản dài 3 - 4 lớp với lê thê hàng chục câu... với nhiều điệp khúc lặp lại. Vậy, nhạc tài tử, muốn tồn tại, cần cải tiến một cách hợp lý, cô đọng, hấp dẫn. Một bản vọng cổ phát triển, hấp dẫn cho đến hôm nay vì nó tập trung ba yếu tố: Đờn (cổ nhạc), lời ca (soạn giả), giọng ca (nghệ sĩ). Chúng ta bảo tồn ĐCTT trong sự vận động, phát triển, bảo tồn chứ không bảo thủ. Phát triển cách tân mà không đoạn lìa, mất gốc”.
Theo nhạc sĩ Tấn Nhì, “chữ “tài tử” ở đây phải hiểu là người chơi nhạc có biệt tài, giỏi về cổ nhạc, chứ không phải nghĩa nghiệp dư. Tranh, kìm, cò, độc huyền là những nhạc cụ sử dụng khi chơi nhạc tài tử. Cần khắc phục hội chứng xài giutare điện khi chơi nhạc tài tử. Bảo vệ tính cổ truyền ĐCTT, không nhất thiết ban nhạc tài tử mặc áo dài khăn đóng như ban nhạc lễ. Người mặc đồ tây hay đồ ta, miễn chỉnh tề, trang nhã, đều có thể chơi ĐCTT...”.
Có một thực trạng là hiện nay, 20 bản nhạc tổ - từng được xem là thước đo trình độ của người chơi nhạc tài tử đang dần bị mai một. Nghệ nhân chơi nhạc tài tử với giọng ca hay, ngón đờn giỏi phần nhiều tuổi đã cao. Một số nơi, trong các buổi tiệc, nhà hàng khách sạn, hay trình diễn cho khách du lịch nước ngoài, ĐCTT được mang ra như một hình thức ca nhạc “hướng về nguồn”, nhưng bị biến dạng theo lối bị trích đoạn, cắt lớp; tiết mục ĐCTT không còn giữ được tính chất giao lưu thoáng đạt, lý tưởng tìm bạn tri âm qua tiếng nhạc lời ca. Theo TS Mai Mỹ Duyên và tài tử ca Minh Đức, cần bảo tồn ĐCTT của cộng đồng dân cư Nam Bộ bằng nhiều cách: Tạo không gian văn hoá cho ĐCTT mà phải tính đến tính đặc thù của loại hình nghệ thuật này, nôm na vẫn được gọi là “nhạc thính phòng Nam Bộ”, đưa ĐCTT tới với lớp khán giả mới, đến các trường học - thế hệ trẻ, các soạn giả cần viết lời mới, gần với đời sống sôi động hiện nay...
Thuỳ Ân lược thuật

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương