Nghệ thuật Đờn ca tài tử: Ứng cử di sản nhân loại


NDĐT - Theo GS-TS Trần Văn Khê, hồ sơ quốc gia về “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ” (ĐCTT) để trình tổ chức UNESCO xét công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, hứa hẹn những tín hiệu lạc quan và nhiều khả năng thành công.
Cuộc hội thảo quốc tế về Nghệ thuật ĐCTT vừa được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh và 21 tỉnh, thành phố của vùng Nam bộ tổ chức từ ngày 9 đến 12-1 tại TP Hồ Chí Minh. Với chủ đề “Nghệ thuật Đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng”, hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nghệ nhân và các nhà nghiên cứu văn hóa của thế giới đóng góp ý kiến, nhằm hoàn thiện hồ sơ “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ” trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Tài tử” mới đờn và ca
Với tên loại hình nghệ thuật này, đến nay vẫn có khá nhiều ý kiến trái chiều, rằng lối chơi ĐCTT chỉ là ngẫu hứng, không chuyên nghiệp. Nhưng theo lý giải khoa học, “tài tử” có nghĩa là người có tài. Chữ “tài tử” còn để chỉ việc không dùng nghệ thuật của mình làm kế sinh nhai. Người ĐCTC khi nào thích thì cùng với bạn đồng điệu họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng hoà đàn để vui chơi và để cho người mộ điệu thưởng thức.
GS Trần Văn Khê cho hay, nhạc tài tử chơi ngẫu hứng, nhưng phải ghi nhớ trong đầu để chơi. Thí dụ như “xàng” trong ĐCTT không dùng ký âm của Phương Tây để diễn tả được. Không ký âm được, vì mỗi lần chơi đều khác nhau, nếu ký âm thì cũng chỉ ghi lại một giai đoạn thôi. Không thể nhìn vào ký âm để chơi, vì ĐCTT từ tĩnh sang động… Nói một cách nào đó, ĐCTT là một loại hình âm nhạc cần “tri thức thưởng thức”, người chơi phải thả hồn vào từng âm giai, người nghe phải hiểu tiếng long của ngón đờn. Càng nghe càng hiểu thì thấy càng hay và say mê là như thế. Nghe để buồn, để vui với một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo này đã gắn kết với những thân phận đi mở cõi…
Đến nay, chưa có tài liệu nào xác định được năm cụ thể ra đời của ĐCTT. Dựa theo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân thì ĐCTT hình thành vào cuối thể kỷ 19 đầu thế kỷ 20, xuất phát từ những nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đem theo truyền thống Ca Huế. Trên đường đi họ dừng chân ở các tỉnh duyên hải miền Trung, từ đó Ca Huế mang thêm chút âm hưởng xứ Quảng. Vào đến miền Nam, ĐCTT không còn giữ nguyên chất Ca Huế mà thay đổi rất nhiều để thích nghi theo thị hiếu, thẩm mỹ phù hợp với nếp sống mới.
GS Tô Ngọc Thanh khẳng định, tuổi đời của ĐCTT không ảnh hưởng đến lập hồ sơ, bởi UNESCO đã phân loại di sản thành di sản nghệ thuật đại diện và di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Quan trọng nhất là chúng ta khẳng định được giá trị của ĐCTT-một loại hình nghệ thuật cổ truyền có câu chuyện dân gian truyền thuyết, từ những người nghệ sĩ trong cung đình, mang về cho cộng đồng và phát huy nghệ thuật đó trong nhân dân. Được nhân dân đón nhận và mở rộng không gian trình diễn. Và ngày nay, nó đang có sức sống mãnh liệt trong dân. Bằng chứng là đi khắp vùng đất Nam Bộ, từ TP Hồ Chí Minh tới các miệt vườn Bạc Liêu, Mỹ Tho, Đồng Tháp, Cần Thơ…hay Cà Mau, mọi người có thể bắt gặp bất cứ ở đâu những “gánh” hát ĐCTT, những CLB ĐCTT chuyên nghiệp. Với sức sống lan rộng và bền vững như vậy, khó có loại hình nghệ thuật dân gian nào mà lại cớ tới gần 2.500 CLB như nghệ thuật ĐCTT.
Tiến tới UNESCO
Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam-ông Lê Toàn cho biết, theo kế hoạch, trước ngày 31-3-2011 hồ sơ ĐCTT phải trình tới UNESCO. Nhưng thời gian để chuẩn bị cho hồ sơ quá ngắn, cuối tháng 5-2010 Viện mới nhận được quyết định của Thủ tướng chính phủ. Trong khi đó, không gian của ĐCTT rộng khắp vùng Nam bộ: 21 tỉnh, thành phố. Con số tỉnh, thành phải điều tra, khảo sát lớn nhất từ trước đến nay.
Ngày 9-1 vừa qua, tức ngày tổ chức hội thảo quốc tế mới có 14 tỉnh, thành phố hoàn thành xong việc điều tra khảo sát về ĐCTT. Trong quá trình tiến hành khảo sát, kiểm kê, tổ chức tọa đàm ở các tỉnh, thành phố liên quan đến ĐCTT thì hầu hết là nảy sinh bất cập, vì ĐCTT có không gian “sống” lớn nên ở địa phương nào cũng cho mình là gốc của ĐCTT.
Ông Đặng Hoành Loan, nguyên Viện phó Viện Âm nhạc, người cùng tham gia vào việc điều tra khảo sát ĐCTT tại 14/21 tỉnh thành đã nêu những tín hiệu đáng mừng cho việc lập hồ sơ về ĐCTT. Qua điều tra điền dã, nhóm lập hồ sơ đã phát hiện có 24 CLB và 4 dàn nhạc chơi ĐCTT xuất sắc, trong đó dàn nhạc tài tử của Tòa Thánh Cao Đài (Tây Ninh) là chơi chuẩn nhất. Phỏng vấn nghệ thuật được 18 tay đờn, sưu tầm được 8 tập tài liệu của 8 danh cầm và tìm được bài Ngũ châu, bài Tứ bửu bằng chữ nhạc cổ truyền. Đó là những gì quý gía nhất của ĐCTT, vào những hạng mục quan trọng của việc lập hồ sơ.
Theo TS Lê Thị Minh Lý - Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, thời hạn cuối cùng để chúng ta trình hồ sơ này lên UNESCO là ngày 31-3-2011. Và nếu hồ sơ chúng ta đạt yêu cầu thì khoảng tháng 6 hoặc 7-2011 nghệ thuật đờn ca tài tử sẽ được công nhận và ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
TS Lê Thị Minh Lý cũng cho biết, dù thời gian chuẩn bị và hoàn tất hồ sơ quốc gia nghệ thuật đờn ca tài tử khá ngắn (từ tháng 8-2010 đến tháng 3-2011) nhưng do đã có kinh nghiệm từ năm lần lập hồ sơ quốc gia cho các di sản tiêu biểu ở miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên nên Cục Di sản văn hóa tin tưởng hồ sơ sẽ thỏa mãn các quy định của UNESCO và được chấp thuận. Nếu trong trường hợp tháng 3 hồ sơ vẫn chưa đầy đặn, đúng với yêu cầu của UNESCO thì Cục cũng không vội vàng mà nộp hồ sơ.
Nhiều ý kiến sau hội thảo đưa ra, rằng việc Việt Nam có được tiếp nhận hay không di sản văn hóa phi vật thể thứ sáu này (sau Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ, Hội Gióng) đã không còn quan trọng, mà cái cốt lõi là sự quan tâm, giáo dục và định hướng phát triển trong tương lai của loại hình nghệ thuật này sẽ được thực hiện như thế mới là điều quan trọng.
HÀ CHÂU

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương