Sinh năm 1968
+ Bằng khen tại Hội diễn Sân khấu kịch nói toàn quốc 1995
+ Giải Nam diễn viên xuất sắc nhất cho vai Dương Thắng (phim Của rơi) và Hà (phim Hàng xóm) tại Liên hoan Phim lần thứ 14.
Khởi nghiệp từ... chân soát vé
Không mấy ai ngờ được, người đoạt giải Nam diễn viên chính xuất
sắc nhất tại Liên hoan Phim lần thứ 14, một gương mặt khá quen thuộc với
sân khấu, điện ảnh và truyền hình vốn là một anh soát vé. Tốt nghiệp ĐH
Thương mại đúng vào lúc đất nước vừa chuyển đổi cơ chế, cơ hội việc làm
đối với chàng trai trẻ củ mỉ cù mì rất ít ỏi. Đang lúc thất nghiệp, có
người quen giới thiệu làm chân soát vé ở Nhà hát Tuổi Trẻ, Đức Khuê nhận
lời ngay. Những lúc rảnh việc, anh chàng lại mon men đến bên cánh gà,
say sưa xem các anh chị diễn viên diễn kịch. Xem vậy thôi, chứ chẳng dám
mơ ước gì hơn... Cuối năm 1990, Nhà hát Tuổi Trẻ mở một khóa đào tạo
diễn viên, mọi người xúi anh thi thử. Ừ, thì thử một phen xem sao, Đức
Khuê nghĩ vậy, không ngờ đỗ thật. Bốn năm sau, làng sân khấu có thêm cái
tên Đức Khuê...
Có những diễn viên vừa bước vào nghề đã tỏa sáng. Đức Khuê không
là trường hợp như thế. Dáng người hơi lọ mọ, gương mặt không lấy gì làm
đẹp trai, anh thường được giao những vai hiền, nghèo, thật thà, khổ sở.
Rất nhiều vai anh đã đóng là phụ, đôi khi chỉ xuất hiện dăm ba phút,
không kịp ghi lại trong trí nhớ của người xem. Nhưng Đức Khuê không kén
chọn, cũng chẳng có cơ hội để kén chọn. Cứ được giao vai là anh nhận, dù
chỉ để làm nền cho người khác, ở điện ảnh, truyền hình hay sân khấu.
“Không tài năng, cũng chẳng lợi thế về hình thức, thôi thì mình
bù đắp bằng sự cần cù” - Đức Khuê nói. Vai diễn nào cũng vậy, anh luôn
cố gắng hết mình. Nhận kịch bản, anh đọc rất kỹ, kể cả những phần không
phải đất của mình. Để nhuyễn lời thoại – đương nhiên, nhưng còn là để
hiểu thật sâu những điều mà tác phẩm muốn thể hiện, để ăn khớp với cả
ê-kíp sáng tạo. Câu hỏi “Nhân vật này là ai, tại sao lại có mặt, sự xuất
hiện của nhân vật ấy đòi hỏi mình phải thể hiện như thế nào” luôn
thường trực trong Đức Khuê. Không sĩ diện, không ngần ngại, anh nhờ tất
cả những người xung quanh, từ tác giả đến đạo diễn, diễn viên, quay
phim... giải đáp điều mình còn thắc mắc. Sự chỉn chu, nghiêm túc của anh
rồi cũng được đền bù xứng đáng: SAU 10 NĂM LặNG Lẽ, ÂM THầM TRÊN CON
ĐƯờNG NGHệ THUậT, CÁI TÊN ĐứC Khuê bắt đầu trở thành một “thương hiệu”
mà Liên hoan Phim lần thứ 14 vừa qua là một cái mốc quan trọng.
Nhìn lại thời gian đã qua của mình, Đức Khuê bảo, anh không có
cảm giác “nóng ruột” khi nhìn bạn bè cùng khóa như Nguyệt Hằng, Xuân
Tùng... gặt hái thành công. Anh luôn tâm niệm, nghề diễn cũng như một
đứa trẻ, phải trải qua những bước chập chững đầu tiên trong đời, phải
học bò, rồi mới tập đi, biết chạy. Bởi vậy, anh cứ như một con chim ri
tha lâu đầy tổ, biết rất rõ trên đời này làm gì có sẵn “của rơi” để
nhặt, mà tất cả đều phải do mình tạo ra.
Hạnh phúc giản dị
Dung dị trong nghệ thuật, Đức Khuê cũng là một con người rất
phẳng lặng trong cuộc sống. Tự nhận là người chân chất, cổ điển, anh
không bao giờ gồng mình lên, khoác cho mình lớp vỏ nghệ sĩ lập dị, khác
người. Quan niệm về hạnh phúc của anh thật giản dị: một công việc yêu
thích, một người vợ hiền, những đứa con ngoan... “Bà xã” của anh ở cùng
cơ quan, làm công việc hành chính. Căn hộ 35m2 trên tầng bốn một khu
chung cư của đôi vợ chồng Đức Khuê - Ngọc Lan và hai đứa con nhỏ tuy nhỏ
bé, đơn sơ nhưng luôn ngập tràn ấm cúng. “Tôi hài lòng về cuộc sống của
mình” - Đức Khuê khẳng định. Dù người vợ không sắc nước hương trời như
nhiều bạn diễn, nhưng chưa bao giờ Đức Khuê nảy ý so sánh hay có những
phút xao lòng. Hạnh phúc, với anh, là những bữa cơm ngon chị nấu, là
những buổi chiều cùng đón con tan học, là những lần chị nhắc thoại cho
anh tập kịch, là những đêm chị chong đèn thức đợi anh đi diễn về
khuya... Chỉ vậy thôi, nhưng không phải dễ tìm ở những ai trót đa mang
với nghệ thuật. Tổ ấm không sóng gió, biến động ấy chính là nơi giúp Đức
Khuê có được sự tĩnh lặng cần thiết để cần mẫn hơn với những vai diễn
của mình.
Đôi chút trăn trở...
Khán giả cả nước biết Đức Khuê chủ yếu qua các vai hài trong
chương trình Gala Cười. Dư luận gần đây lên tiếng khá nhiều về sự dung
tục hóa trong hài kịch, không đánh giá cao những người làm hài. Đức
Khuê, với sự tĩnh tại vốn có, không sợ mình sẽ làm mất đi ấn tượng tốt
đẹp trong lòng khán giả. Theo anh, công việc phải đặt trên hết, dù là
hài kịch hay chính kịch thì người nghệ sĩ cũng phải cố gắng hết mình.
Điều áy náy nhất của anh là, hễ anh bước ra sân khấu, khán giả lại cười ồ
lên, dù vai diễn của anh lúc đó chẳng có gì đáng cười cả: Một cụ đồ suy
tư, một ông bố đầy nỗi niềm... Những lúc như vậy, Đức Khuê phải tự nhắc
mình biết chấp nhận phản xạ tự nhiên của khán giả và cố gắng dắt họ dần
dần trở lại vở kịch...
Một cái khổ nữa của Đức Khuê: đôi mắt cận 8 đi-ốp khiến anh bao
lần khóc dở, mếu dở. Chuyện đi trên đường không nhìn thấy hố cứ lao sầm
xuống, dẫm chân lên con chó để chú ta quay lại đớp trả... là thường
xuyên. Nhiều lúc trên sân khấu, anh cứ sán lại gần bạn diễn, khiến bạn
diễn phải tìm cách ra hiệu để anh giữ khoảng cách. Mỗi khi chuyển cảnh,
đèn tắt là anh cứ phải tay khua khoắng đi trước, người mò mẫm theo sau.
Đóng phim, nếu phải bỏ kính còn khó khăn hơn. Điều này khiến cơ hội nhận
vai của anh bị hạn chế khá nhiều. “Giá như không bị cận thì vẫn tốt
hơn” - Đức Khuê nói.
Source: nld
|
Nhận xét
Đăng nhận xét