Tiểu Sử Dũng Thanh Lâm

Tiểu Sử Dũng Thanh Lâm


    Nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm tên thật là Paul Robert Bùi Văn Tâm (mang hai dòng máu Việt - Pháp), sanh năm 1942 ( tuổi Nhâm Ngọ) tại xã Linh Đông, quận Thủ Đức tỉnh Gia Định, là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, có tên thánh là Francisco.
    Dũng Thanh Lâm học ở trường dòng Tabert Mossard ở Thủ Đức cho đến hết lớp 5, rồi được chuyễn về học ở trường Trung Học Tân Thanh ở Saigon.
    Dũng Thanh Lâm mê cải lương từ nhỏ nên anh theo một người bạn để học đờn ca tài tử, anh có chất giọng tốt nên dễ thành công trong việc học ca vọng cổ và các bài bản cổ nhạc. Sau đó, anh được hai vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Sương và Thu Vân dìu dắt vào học hát trong một đoàn hát cải lương ở tỉnh với nghệ danh là Minh Hùng. Hoàng Sương và Thu Vân chính là song thân của cô Thu Hồng, một nữ nghệ sị hữu danh hiện nay ở quận Cam Hoa Kỳ.
    
    Bước đường nghệ thuật
    
    
    Năm 1964, ông Bầu Ba Bản ký hợp đồng mời Minh Hùng về hát cho đoàn cải lương Thủ Đô và ông Bầu Ba Bản đổi nghệ danh của Minh Hùng thành ra nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm, tên dùng ba chữ chớ không hai chữ như tên của các nghệ sĩ thế hệ đàn anh với dụng ý là bảng hiệu đoàn cải lương Thủ Đô sẽ giới thiệu với khán giả một thế hệ nghệ sĩ trẻ thuộc đợt sóng mới.
    Đây là một cơ hội tốt cho Dũng Thanh Lâm vì hai nghệ sĩ cột trụ của đoàn cải lương Thủ Đô là Út Trà Ôn và Hoàng Giang rời đoàn Thủ Đô để ra thành lập gánh hát Thống Nhứt., nên ông Bầu Ba Bản mời nghệ sĩ Tấn Tài và Dũng Thanh Lâm về thế vai của Út Trà Ôn và tăng cường thực lực đào kép bằng một dàn diễn viên trẻ.
    Vở tuồng đầu tiên của Dũng Thanh Lâm hát trên sân khấu đoàn cải lương Thủ Đô là vở " Bóng Hồng Sa Mạc" của hai soạn giả Loan Thảo và Hoàng Việt, cùng thủ diễn có các nghệ sĩ Minh Phụng, Tấn Tài, Trương Ánh Loan, Kim Ngọc, Văn Hường.
    Trên sân khấu đoàn hát Thủ Đô, Dũng Thanh Lâm còn hát thêm các tuồng: Chiếc Áo Ân Tình, Sầu Quan Ải, Hoa Đào Trên Kiếm Thép, Cây Quạt Lụa Hồng.
    Cuối năm 1964, đoàn hát Thủ Đô Ba Bản rã gánh, nghệ sĩ Tấn Tài mua lại xác gánh hát Thủ Đô, cùng với vợ là nữ nghệ sĩ Như Ngọc lập ra gánh hát Thủ Đô - Tấn Tài. Dũng Thanh Lâm và nữ nghệ sĩ Trương Ánh Loan gia nhập đoàn hát Kim Chưởng - Thanh Hương của bà Bầu kiêm nghệ sĩ Kim Chưởng.
    Ở đoàn cải lương Kim Chưởng, Dũng Thanh Lâm được hát vai kép chánh, đóng tuồng cặp với nữ nghệ sĩ Phượng Liên. Dưới bàn tay đào luyện của nữ nghệ sĩ bậc thầy Kim Chưởng, Dũng Thanh Lâm và Phượng Liên là đôi nghệ sĩ "Thinh, Sắc Lưởng Toàn", đã chinh phục được cảm tình của đông đảo khán giả. Dũng Thanh Lâm nỗi tiếng là một kiếm sĩ đẹp trai trong các tuồng Quỷ Bão, Người Gọi Đò Trên Sông của soạn giả Mộc Linh và vở Thượng Phương Bảo Kiếm của soạn giả Viễn Hùng.
    Năm 1967, nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm về cộng tác với đoàn cải lương Dạ Lý Hương của ông Bầu Xuân. Vở hát đầu tiên của Dũng Thanh Lâm trên sân khấu Dạ Lý Hương là vở Kẻ Sợ Tình của soạn giả Nguyễn Phương và Thiếu Linh, hát chung với Hùng Cường, Bạch Tuyết, Hữu Phước, Phượng Liên, Dũng Thanh Lâm và Kim Ngọc. Hề có Thanh Việt , Tư Rọm và Văn Chung.
    
    Nghệ thuật ca diễn
    
    Về nghệ thuật ca diễn, Dũng Thanh Lâm có một làn hơi ca tươi mát, êm dịu như lối ca của nghệ sĩ Hữu Phước nhưng hơi kém hơn Hữu Phước về nghệ thuật sắp chữ ca, về cách nhồi chữ, cách luyến láy, cách chuốt mõng lời ca.
    Bù lại sự thiếu sót đó, nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm đẹp trai, phong cách diễn xuất mang dáng dấp của những người trong tầng lớp cao sang quyền quý, vì vậy Dũng Thanh Lâm được rất nhiều nữ khán giả ái mộ. Thời gian hát ở đoàn cải lương Dạ Lý Hương, Dũng Thanh Lâm nỗi tiếng trong các tuồng Anh Hùng Xạ Điêu, Tiền Rừng Bạc Biển, Lệnh Của Bà, Người Dừng Chân Đêm Mưa, Vạn Lý Trường Thành, Con Ma Nhà Họ Hứa, Gái Điếm Vợ Hiền, Đời Là Một Chữ T. . .
    Năm 1969 - 1970, Dũng Thanh Lâm gia nhập đoàn hát Hùng Cường - Bạch Tuyết, hát các vở Trăng Thề Vườn Thúy, Tuổi Hồng Cho Em, Cánh Hoa Chùm Gởi. Sau đó Dũng Thanh Lâm về hát cho đoàn hát Tiếng Hát Dân Tộc của bà Bầu Tiêu Thị Mai.
    Sau tháng 4 năm 1975, Dũng Thanh Lâm có quốc tịch Pháp nên anh đăng ký hồi hương trở về Pháp. Đến năm 1977, Dũng Thanh Lâm về Pháp, được định cư ở Marseilles. Dũng Thanh Lâm và các nghệ sĩ cải lương cư ngụ tại Paris như Hữu Phước, Hương Lan, Chí Tâm, Hương Thanh, Hoàng Long, Kiều Lệ Mai, Minh Đức, Hà Mỹ Liên, Phương Thanh, Thành Được . .. diễn lại các vở tuồng cải lương cũ trước năm 1975 như Mưa Rừng, Đôi Mắt Người Xưa, Đi Biển Một Mình, Cho Trọn Cuộc Tình. . .
    Sau đó Dũng Thanh Lâm và Chí Tâm di cư qua Hoa Kỳ, đến ở quận Cam, Dũng Thanh Lâm gặp lại nhiều bạn như Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Thành Được, Phượng Liên, Ngọc Đan Thanh, Chí Tâm, Linh Tuấn, Hương Huyền, Thanh Huyền và các nhạc sĩ cổ nhạc Văn Hoàng, Minh Phụng, Bích Thuận, Hoàng Nam. Dũng Thanh Lâm như cá kình được trở về biển khơi, anh có môi trường thuận tiện để sinh sống bằng nghề ca hát của mình.
    Dũng Thanh Lâm vẫn giữ được làn hơi truyền cảm, giọng ca và kỹ thuật ca điêu luyện nên thường hát đóng vai kép chánh cùng với đào mùi Phượng Liên, hợp thành một cặp đào kép thinh sắc lưỡng toàn.
    Dũng Thanh Lâm và Phượng Liên rất thành công trong việc thực hiện CD tuồng cải lương: Khi Người Điên Biết Yêu nhân dịp Phượng Liên làm lễ kỷ niệm 40 năm sân khấu.
    
    Lâm trọng bịnh
    
    Về bịnh gan của Dũng Thanh Lâm. . . tôi còn nhớ ngày 7 tháng 7 năm 2001, tôi có đến quận Cam dự lễ sinh nhật 80 tuổi và 60 năm sân khấu của anh Việt Hùng, tôi gặp Dũng Thanh Lâm và được biết là mới ba tháng trước đây, anh phải chịu một ca phẩu thuật ghép gan, thay lá gan hư của anh bằng lá gan của một em bé trai 11 tuổi tại bệnh viện UCI. Vừa bình phục, Dũng Thanh Lâm xuất hiện trên sân khấu Restaurant Paracell, ca chúc mừng Việt Hùng 80 tuổi với bài vọng cổ tựa là
    Trên Đường Lưu Diễn để cùng với Việt Hùng và các bạn cải lương hồi tưởng lại những chặn đường lưu diễn của gánh hát cải lương ở Việt Nam ngày trước. Dũng Thanh Lâm ca xong, có lẽ anh cảm giác là sức khỏe của anh khó mà hồi phục như xưa, anh chấm dứt bài ca bằng một ước muốn là làm sao mà anh có thể sống được như anh Việt Hùng đến 80 tuổi.
    Nhưng ước muốn đó khó thành đạt vì hai năm sau Dũng Thanh Lâm phải thay gan một lần nữa (2002), và năm 2004, anh không thể thay gan được nữa mà phải rời bỏ bạn bè và khán giả thân thương để về cõi vĩnh hằng.
    Dũng Thanh Lâm trong cuộc sống nghệ thuật, anh là một người biết tôn sư trọng đạo, sống có tình có nghĩa với các bạn đồng nghiệp trang lứa và lúc nào anh cũng sẳn sàng góp phần làm việc từ thiện mỗi khi có tổ chức hát hội, lạc quyên giúp đở đồng bào các nơi bị thiên tai bão lụt.
    Dũng Thanh Lâm là một nghệ sĩ có thực tài, thinh sắc vẹn toàn nhưng anh không gặp thời, phải lận đận lao đao trên đường sự nghiệp. Khi mà Dũng Thanh Lâm tìm lại được phong độ ngày huy hoàng cũ thì anh lâm trọng bịnh và mất đi trong niềm thương tiếc của gia đình, của bạn bè đồng nghiệp và của cả vạn khán giả ái mộ Dũng Thanh Lâm. Source: RFA

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được