Tiểu Sử Kim Chưởng

Tiểu Sử Kim Chưởng


    Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến nhà nữ nghệ sĩ tài danh Kim Chưởng là trên hai bức tường của phòng khách, đầy những hình ảnh thời bà được phong làm “đệ nhất nữ nghệ sĩ sân khấu võ hiệp” trên sân khấu cải lương vào những thập niên 50 - 60, được trưng bày một cách rất trang trọng.
    Người giúp việc trở thành đào hát
    “Con có nghe nó ca mấy lần. Hơi con nhỏ này ngọt lắm. Để con gởi nó vô gánh hát…” - Anh Son (anh rể của Chưởng) đã nói như vậy với mẹ cô Kim Chưởng. Lúc đó gánh hát Tân Đồng Ban đang diễn ở Ô Môn. Do anh Son quen được với Tư Sum - làm nghề gác cửa gánh hát, đồng thời cũng là một tay anh chị, một võ sĩ có hạng được bầu gánh mướn gác cửa để ngăn ngừa đám du côn hay phá phách các đoàn hát khi về diễn tại địa phương - nên đã giới thiệu cho Chưởng vào gánh hát này. Công việc đầu tiên Chưởng làm là… buổi sáng nấu ăn, giặt đồ, buổi tối bán nước sâm cho khán giả ngồi xem hát. Nghệ sĩ mà Chưởng “thần tượng” nhất trong gánh hát này là cô đào Mỹ Giàu, và mơ ước sau này mình sẽ trở thành một cô đào hát duyên dáng giống như cô…
    Rồi cũng có một ngày Chưởng được bước lên sân khấu. Đêm ấy, bà Bê - vũ công trong đoàn - ngã bệnh bất ngờ, cho nên ông bầu sô đã chọn Chưởng thay vế vai cho Bê. Được mấy cô chú trong đoàn kẻ đánh phấn tô son, người chải tóc, người mặc áo… lòng Chưởng vui biết bao. Màn mở, Chưởng bạo dạn bước ra sân khấu, múa may theo tiếng nhạc một cách uyển chuyển, nhịp nhàng như một vũ công chuyên nghiệp, rất được khán giả và cô chú trong đoàn khen ngợi…
    Một năm sau, Chưởng lại được anh rể gửi cho gánh Tân Thiếu Niên. Theo đoàn này suốt mấy tháng trời, Chưởng vẫn chưa được ông bầu Ba Đô cho đóng một vai nào. Dịp may đã đến, do cô đào chánh Ba Quyên xin phép về quê nhưng không trở lại đoàn đúng như đã hẹn, bầu Ba Đô bèn tìm đến Chưởng (lúc ấy đang ngồi chẻ củi), hỏi có thuộc tuồng và thuộc hết lời ca trong vai diễn của đào Quyên từ đầu đến cuối không? Chưởng trả lời “có”, và thế là… từ buổi hát đêm mùng 1 Tết tối hôm đó, Chưởng đã trở thành một nghệ sĩ cải lương cho đến ngày hôm nay...
    Đào hát mê làm... "ông bầu"!
    Khi tên tuổi đã được nhiều người biết đến, cộng với nghề nghiệp cũng khá vững vàng, sau khi rời đoàn Tân Thiếu Niên, Kim Chưởng đã đi diễn cho các đoàn: Văn Hí Ban (Chín Nghĩa), Tân Xuân (Cô Tư Hélène), Tân Tiến (cô giáo Lựu) rồi đoàn hát Bầu Bòn, Tương Lai (Bầu Sinh), Phụng Hảo và cuối cùng là Thanh Minh (Năm Nghĩa). Bà kết hôn với con trai của ông bầu Bòn (được biết chồng bà đã qua đời cách đây 2 năm. Hiện tại, bà có 5 người con, nhưng đang sống cùng với người con gái tại căn nhà 1079 Trần Hưng Đạo, phường 5, quận 5, TP.HCM).
    Trò chuyện với chúng tôi, bà bồi hồi nhớ lại: "Năm 1955, tôi rời đoàn Thanh Minh để cùng với ba nghệ sĩ Thanh Tao, Út Trà Ôn và Thúy Nga thành lập đoàn Kim Thanh Út Trà Ôn. Đoàn gồm có “tứ vị giám đốc” hai nam hai nữ, đã diễn khai trương vào ngày 4/1/1955 tại rạp Aristo (Trung Ương hí viện) - ở đường Lê Lai - hết sức thành công, đêm nào cũng hết vé. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu tiên, chúng tôi đã trả dứt số tiền nợ và lãi. Do đi hát từ năm 8 - 9 tuổi, đã biết kha khá về nghề; vả lại tôi cũng đã từng được làm quen với khá nhiều các nghệ sĩ; do đó khả năng ca diễn của họ như thế nào tôi đều nắm được hết cả. Và thế là, mời họ về cộng tác với đoàn chúng tôi ngay mà không một chút chần chừ, do dự… Đến cuối năm 1957, chúng tôi mãn hợp đồng cộng tác với nhau và giải thể gánh hát. Sau đó tôi đứng ra lập một đoàn hát mới với bảng hiệu Kim Chưởng - Thanh Hương".
    Thấy chúng tôi băn khoăn vì thời bà từng làm bầu gánh không hề có đạo diễn giống như hiện nay, vậy mà bà đã giải quyết vấn đề kịch bản hết sức suôn sẻ, bà giải thích: "Hầu hết những tuồng tích của đoàn Kim Chưởng - Thanh Hương đều do tôi chọn, tôi đọc và kiêm luôn làm đạo diễn. Cũng như từng điệu bộ, từng lời đối thoại cho diễn viên tôi đều hướng dẫn tất, cả kể cả việc trông nom từ phục trang, âm thanh, ánh sáng cho đến quảng cáo, tân cổ nhạc… Hầu hết những kịch bản của những soạn giả các nơi đưa tới, tôi đều đọc rất kỹ. Thật ra văn chương chữ nghĩa của tôi có là bao, bởi lẽ, từ bé đến lớn chỉ lo phụ giúp gia đình nên tôi chỉ biết đọc biết viết qua loa mà thôi. Cũng may trời phú cho cái đầu không đến đổi đần độn, nên khi đã trở thành cô đào hát, tôi học tuồng rất chính chắn, hiểu rõ ý nghĩa từ lời văn và vai trò mình đang diễn. Tôi không bao giờ diễn sai lời, thậm chí trong những lúc xuất kỳ bất ý phải diễn “cương” cho ăn khớp với bạn diễn cũng đối đáp nhanh nhẹn và lưu loát. Làm bầu cũng thế. Tôi hay nghiền ngẫm các vở tuồng. Đoạn nào, lớp nào cần sửa đổi hoặc thêm bớt là tôi đề nghị với soạn giả đó sửa lại ngay cho dù phải mất thêm một thời gian dài (hoặc ngắn)".
    Tâm sự với nghề và hậu bối
    ..."Có nhiều vở tuồng văn chương thơ nhạc rất hay, vô cùng ướt át và trữ tình. Thế nhưng, tác giả hầu như chỉ mải mê làm văn mà quên mất mình đang viết tuồng cải lương. Tuồng cải lương đâu giống như tiểu thuyết, lại càng khác xa thoại kịch. Nếu không chú trọng đến phần diễn xuất cá nhân của từng nhân vật - tức từng diễn viên - cùng những mảng miếng mà sân khấu cải lương cần phải có thì không thể nào lôi cuốn được khán giả suốt hơn hai tiếng đồng hồ (hoặc ít hơn), nhất là trong thời buổi hiện nay - “thời giờ là vàng bạc” - tức phải nhanh, gọn..."
    ..."Tôi đã cống hiến hết sức mình cho nghệ thuật. Bằng chứng là công việc làm bầu gánh, tôi đã phải bám sân khấu 24/24, không dám rời xa nó dù chỉ là nửa bước. Chỉ tiếc duy nhất một điều, thời gian đối với tôi giờ đây không còn là bao, tuổi trẻ lại không còn, già rồi không thể làm nổi được. Tôi thật sự muốn cho sân khấu cải lương bay lên phơi phới giống như “diều gặp gió” vậy. Tôi là người rất cầu mong và hy vọng cho sân khấu cải lương được “sống” trở lại như thời vàng son, nhưng phải “sống” cho thật lành mạnh".
    ..."Kinh tế là một lẽ, xã hội cũng vậy, cái quan trọng và vui vẻ là ở trong lòng của mỗi khán giả. Để giải quyết cho nhu cầu giải trí, tôi nghĩ là họ sẽ không bao giờ bỏ sân khấu cải lương. Còn vấn đề cải lương liệu có cơ hội lên ngôi hay không, tôi nghĩ nên cần có nhiều bàn tay của nhiều người hơn - đó là những người có trách nhiệm, có tấm lòng yêu thương nghề cũng như muốn cho sân khấu cải lương sống lại vững vàng . Một mình ư, bảo đảm sẽ không làm xuể…".
    ..."Giải Triển vọng Trần Hữu Trang thật sự là một khuyến khích rất lớn để các em vượt lên. Từ khi có giải cho đến nay, tôi thấy các em trẻ thật sự có tài năng cũng như hăng say luyện tập để đi thi cử. Quả là một cuộc thi… “đãi cát tìm vàng”.
    ..."Thật sự tôi không có hy vọng trở lại làm bầu. Tôi chỉ hy vọng có một ai đó biết vững về nghề thì nên đứng ra làm bầu; mà nếu khi cần dùng đến tôi, tôi sẵn sàng đem những sức lực nhỏ mọn còn lại này để đóng góp thêm vào đó, hòng đáp ứng cho con tim tôi, cho dòng máu tôi lúc nào cũng luôn thổn thức với nghề".
    Một số vở tuồng đã đóng:
    Người anh khác mẹ,
    Chưa tắt lửa lòng,
    Lá đào rơi,
    Con gái nữ thần,
    Oan hồn trên tháp đá,
    Tiếng hát đền Bá Lạc,
    Trăng nửa đêm,
    Hai chiều ly biệt,
    Áo trắng nàng Mộng Trinh,
    Lá huyết thơ,
    Thần điêu đại hiệp,
    Song long thần chưởng,
    Nước mắt kẻ sang Tần,
    Kiếm mộng phù tang,
    Nhặt cánh mai vàng,
    Thuyền ra cửa biển,
    Nửa bản tình ca,
    Mùa trăng nhiều nước mắt,
    Tỉnh mộng,
    Trăng nước Lam Giang,
    Người đi chẳng hẹn về,
    Mặt trời đêm,
    Người đẹp Kinh Bắc,
    Bên đồi trăng cũ,
    Theo chân đao phủ thủ…
    cùng hàng chục các vở diễn khác của hầu hết các soạn giả tên tuổi gồm: Thu An, Phong Anh, Mộc Linh, Hoài Linh, Hoài Sơn, Yên Trang, Trần Hà, Thanh Cao - Mai Quân, Quy Sắc… Source: maxreading

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được