Tiểu Sử Khánh Linh

Tiểu Sử Khánh Linh


    Cũng như Lê Công Tuấn Anh, nghệ sĩ Khánh Linh ra đi đúng vào lúc đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Năm ấy, anh mới 35 tuổi.
    
    Nghệ sĩ Khánh Linh tên thật là Huỳnh Phúc Thiệt sinh năm 1964 tại Châu Phú, An Giang. Theo ghi chép của soạn giả Nguyễn Phương, thân phụ của anh là ông Huỳnh Văn Động làm nghề buôn bán nhỏ.
    
    Còn mẹ là bà Trần Thị Cẩm Vân chủ một tiệm may áo dài.
    
    Nghệ sĩ Khánh Linh được cha dạy ca cổ nhạc và theo cha đi xem những buổi đờn ca tài tử trong xóm từ khi còn rất nhỏ.
    
    Năm 12 tuổi, cậu bé tên Thiệt trốn nhà theo đoàn cải lương của bầu Năm Nhánh. Không biết vì mê hát quá hay vì ông bầu cần người giúp việc mà dụ Thiệt.
    
    Ông bầu Năm Nhánh bảo Thiệt có giọng hát vừa giống Duy Khánh vừa giống Vũ Linh. Cái nghệ danh Khánh Linh cũng do ông bầu Năm Nhánh đặt cho anh từ đó.
    
    Lúc mới theo đoàn, ông bầu cho cậu bé làm tiểu đồng trong tuồng "Cô gái bán gươm", nhưng sau đó thì phân công giữ máy đèn, làm placeur chỉ ghế hay làm hậu đài, khuân vác phông cảnh.
    
    Vì trót trốn nhà đi nên cậu bé không dám trở về. Sau này, Khánh Linh còn gia nhập nhiều gánh hát khác nhưng cứ bị người ta chèn ép hoài. Thấy không có tương lai nên anh trở về quê cũ sống với nghề thợ may của mẹ.
    
    Trong một chuyến đi Châu Đốc, Khánh Linh thấy đoàn hát An Giang tổ chức thi tuyển diễn viên trẻ, anh đăng ký dự thi không ngờ trúng tuyển.
    
    Từ đoàn hát An Giang, Khánh Linh được tập từ vai hề, vai kép nhì, có khi được hát thế cả vai chánh. Ở đoàn được 3 năm thì Khánh Linh về đoàn Tiếng Ca Sông Cửu theo lời mời của ông trưởng đoàn Hai Néo.
    
    Thời kỳ đó, khán giả các tỉnh Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An rất mê nghệ sĩ Khánh Linh.
    
    Sau đó, anh lại thử sức ở đoàn Sông Hương, một đoàn chuyên hát tuồng phóng tác theo phim ảnh Ấn Độ, chuyên diễn ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
    
    Khánh Linh thử sức ở đoàn Sông Hương 1 năm thì về lại Hậu Giang, anh được giao chức Trưởng đoàn hát Cửu Long 2. Rồi anh đổi bảng hiệu thành đoàn hát Vĩnh Trà.
    
    Nhưng vì công việc quản lý khiến anh không có thời gian tôi luyện nghề ca hát nên anh giao lại đoàn cho Sở Văn hóa tỉnh và lên Sài Gòn xin gia nhập đoàn cải lương tuồng cổ của bầu Minh Tơ.
    
    Cũng trong thời gian này, anh cộng tác cả với đoàn Hương Mùa Thu, Trần Hữu Trang 2. Dù vậy, Khánh Linh vẫn chưa có được tên tuổi lẫy lừng như anh mong muốn.
    
    Mãi đến năm 1994, khi đứng hát trên sân khấu Thanh Nga, nghệ sĩ Khánh Linh mới được khán giả đặc biệt quan tâm.
    
    Mộ của nghệ sĩ Khánh Linh tại Chùa nghệ sĩ quận Gò Vấp.
    Mộ của nghệ sĩ Khánh Linh tại Chùa nghệ sĩ quận Gò Vấp.
    Anh gây được tiếng vang với các vở tuồng "Đèn đêm nhỏ lệ" (vai Phong) đóng cùng nghệ sĩ Thanh Ngân (vai Linh).
    
    Nhờ các vai diễn của anh với nghệ sĩ Thiên Nga và Thanh Ngân, sân khấu Thanh Nga có doanh thu kỷ lục trong khi các đoàn hát khác đang vắng khách thậm chí phải trả vé vì quá ít khán giả.
    
    Rồi Khánh Linh được hát trên đài truyền hình, thu băng video các tuồng "Chiêu quân cống Hồ", "Tần Thủy Hoàng", "Phùng Bửu Sơn", "Vương quyền bạo chúa"...
    
    Dù có tài nhưng Khánh Linh lại chưa từng được nhận bất cứ huy chương, giải thưởng nào từ các cuộc thi, dẫu so với những diễn viên được đào tạo chính quy, anh chẳng thua họ điều gì.
    
    Lúc sinh thời, nghệ sĩ Khánh Linh vẫn cho rằng, cái huy chương mà anh được hưởng chính là sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả mỗi khi xem anh hát.
    
    Nghệ sĩ Khánh Linh qua đời ở tuổi 35 trong một vụ tai nạn giao thông vào năm 1999.
     Source: soha.vn

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được