Tiểu Sử Thanh Bạch

Tiểu Sử Thanh Bạch


    Thanh Bạch tên thật là Lê Thanh Bạch, sinh ngày 1 tháng 12 năm 1959 tại xã An Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, là một người dẫn chương trình của Việt Nam, anh được biết đến với phong cách dẫn hài hước, sôi nổi và khả năng hoạt náo trên sân khấu. Là người dẫn chương trình đầu tiên của Việt Nam được đào tạo chính quy sau năm 1975, Thanh Bạch nhanh chóng khẳng định được tên tuổi và tài năng của mình với loạt chương trình Tuổi thần tiên (Nhà hát Hòa Bình) và sau đó là những chương trình sân khấu lớn trong nước như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam của báo Tiền phong, Duyên dáng Việt Nam, Một thoáng Sài Gòn,... Với việc thực hiện hàng trăm chương trình truyền hình và sân khấu trong suốt sự nghiệp của mình, Thanh Bạch được coi là một trong những người dẫn chương trình đắt giá và thành công nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
    Ngoài dẫn chương trình, Thanh Bạch còn tạo được ấn tượng với vai trò diễn viên khi thủ vai Tám Cù Móc trong nhóm "Tuổi Trẻ Cười Sống", một nhóm hài do báo Tuổi Trẻ Cười thành lập năm 1987. Bên cạnh đó là những vai diễn trong loạt tiểu phẩm hài gây xôn xao dư luận một thời mang tên Những người thích đùa do anh và Xuân Hương dàn dựng và là diễn viên chính
    Thanh Bạch là con trai cả trong một gia đình có bốn người con. Từ khi còn nhỏ, anh đã bộc lộ niềm yêu thích và năng khiếu đối với các hoạt động văn nghệ, nhất là lĩnh vực dẫn chương trình và ca hát trong nhà trường. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường Tống Phước Hiệp (nay là Lưu Văn Liệt, tỉnh Vĩnh Long), Thanh Bạch đăng ký thi cùng lúc hai trường: Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long và trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh), mặc dù gia đình mong muốn anh thi vào Đại học Bách khoa để nối nghiệp nhà. Sau khi trúng tuyển cả hai trường, Thanh Bạch đã chọn con đường nghệ thuật khi quyết định theo học Khoa Đạo diễn Kịch nói của trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Trong thời gian học tập tại đây, cùng với các bạn học của mình như Nguyễn Minh Chung, Hoa Hạ, Xuân Hương, Thanh Bạch là gương mặt không thể thiếu trong nhiều phong trào Đoàn hội, giao lưu văn nghệ giữa các trường trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm thứ hai, anh chuyển sang trường dự bị Đại học Ngoại ngữ để học tiếng Nga sau khi trúng tuyển khóa đào tạo đạo diễn tại trường Đại học Sân khấu Lunatsaxki - GHITIS (Matxcơva) do Việt Nam và Liên Xô (Nga) hợp tác tổ chức. Một năm sau, Thanh Bạch tiếp tục theo học tiếng Nga tại Nhạc viện Traicopxki. Năm 1979, khi đã hoàn thành xong khóa học ngoại ngữ của mình, anh mới chính thức là sinh viên của trường Đại học Sân khấu Lunatsaxki. Tuy nhiên, khi đang học khoa đạo diễn, Thanh Bạch đã làm đơn xin chuyển sang học tại khoa tạp kĩ sân khấu cũng của trường Lunatsaxki. Sau khi trúng tuyển vào khoa này, anh được đào tạo bài bản về lịch sử nghệ thuật, lịch sử âm nhạc, kĩ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, dẫn chương trình cho đến biên kịch, múa ba lê,...
    Năm 1985, sau khi tốt nghiệp đại học tại Liên Xô, Thanh Bạch trở về Việt Nam và được bổ nhiệm vào vị trí trợ giảng bộ môn kỹ thuật biểu diễn của lớp diễn viên kịch nói - trường Nghệ thuật Sân khấu 2, trong số những sinh viên của lớp có nhiều người đã thành danh sau này như Huỳnh Phúc Điền, Phước Sang,... Năm 1987, anh tham gia nhóm "Tuổi Trẻ Cười Sống" do báo Tuổi Trẻ Cười thành lập, Thanh bạch vào vai Tám Cù Móc trong tiệm tạp hóa Hai Cù Nèo, đây cũng là nhân vật dẫn chương trình xuyên suốt các tiểu phẩm của nhóm. Cùng với các diễn viên như Tất My Loan, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Xuân Hương, Bích Thủy, Quang Minh, Đoàn Khoa, và sau này có thêm Thành Lộc, Hữu Châu,... nhóm thường xuyên biểu diễn những tiểu phẩm hài nhằm phản ánh dưới góc nhìn châm biếm và hài hước nhiều vấn đề thời sự của xã hội. Năm 1989, sau những tiết mục thành công và rất được khán giả yêu thích, nhóm "Tuổi Trẻ Cười Sống" không còn tiếp tục duy trì hoạt động biểu diễn. Tuy nhiên, vì những dư âm về sự thành công của nhóm, Thanh Bạch và Xuân Hương có chuyến lưu diễn kéo dài nửa năm nhằm phục vụ cho kiều bào người Việt tại các nước Đông Âu, những tiểu phẩm họ biểu diễn đều là những tiết mục ăn khách của "Tuổi Trẻ Cười Sống". Năm 1988, anh và Xuân Hương - người bạn học cùng tại Đại học Sân khấu Lunatsaxki là hai thành viên duy nhất đại diện cho Việt Nam tham dự "Liên hoan các trường nghệ thuật sân khấu thế giới" được tổ chức tại Tiệp Khắc cũ. Đây là một liên hoan quy tụ nhiều trường sân khấu của các nước trên thế giới. Trong tiết mục dự thi của đoàn, Thanh Bạch và Xuân Hương biểu diễn trích đoạn chèo vở Quan Âm Thị Kính, anh là nam diễn viên đóng vai Thị Kính giả trai còn Xuân Hương thủ vai Thị Mầu, tiết mục này sau đó được tặng bằng khen của ban tổ chức. Về phần mình, Thanh Bạch hóa trang thành nhân vật Khuất Nguyên để biểu diễn bài độc thoại về nhân vật này, tiết mục sau đó đã đoạt giải đặc biệt dành cho bộ môn độc thoại.
    Ít lâu sau, Thanh Bạch đảm nhiệm vai trò ca sĩ chuyên hát tiếng Nga với nghệ danh Lê Bắc trong đoàn văn nghệ Hương Miền Nam, một trong số những đoàn ca kịch - tạp kỹ hoạt động sôi nổi nhất thời gian đó[9]. Làm ca sĩ được một thời gian, anh được nhạc sĩ Dương Thụ mời về làm người dẫn chương trình cho phòng trà Cửu Long (nay là khách sạn Majestic). Tháng 6 năm 1989, qua sự giới thiệu của soạn giả Lê Duy Hạnh, Thanh Bạch được đảm nhiệm vị trí người dẫn chương trình trong cuộc thi hoa hậu do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Kết thúc cuộc thi, anh được Nhà hát Hòa Bình mời về dẫn trong chương trình ca nhạc kịch dành cho thiếu nhi Tuổi thần tiên 1 đến 6. Được đào tạo khá bài bản về tạp kĩ sân khấu nên Thanh Bạch nhanh chóng gây được chú ý với hình tượng một người dẫn chương trình vui tính, hoạt bát và có khả năng ứng biến linh hoạt. Sau thành công của loạt chương trình Tuổi thần tiên, Thanh Bạch dần khẳng định được tài năng của mình với việc tham gia hàng hoạt chương trình sân khấu lớn trong cả nước như cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong, Duyên dáng Việt Nam của Báo Thanh niên, Một thoáng Sài Gòn,... Với Duyên dáng Việt Nam, loạt chương trình được thưc hiện liên tục kể từ năm 1994 cho đến nay, Thanh Bạch là một trong những người đầu tiên đảm nhận vai trò người dẫn chương trình. Với chương trình này, không chỉ đơn thuần là người dẫn chương trình, anh còn có những tiết mục trình diễn riêng của mình với những bài hát thuộc đủ thể loại được trình bày theo dạng liên khúc và phần biểu diễn tạp kỹ vui nhộn Source: wikipedia

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương