Tiểu Sử Tám Vân

Tiểu Sử Tám Vân


    Nghệ sĩ Tám Vân và Nguyễn Phương cùng cộng tác trong đoàn hát Việt Kịch Năm Châu trong những năm từ 1954 đến 1956. Lúc đó tôi chỉ là một diễn viên phụ, còn anh Tám Vân là một kép trẻ đẹp trai, được đóng thế vai nghệ sĩ Năm Châu và vài lần hát vai kép chánh, đóng cặp với đôi nữ nghệ sĩ tài sắc Kim Cúc, Kim Lan.
    Nghệ sĩ Tám Vân tên thật là Lê Văn Tám, sanh năm 1924 tại quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 1939, anh Tám đậu bằng Tiểu Học CEPCI, rồi thi đậu vô học trường College De Mytho tức trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu sau này. Năm 1943, anh thi rớt bằng Brevet Élémentaire nên bỏ học, đi theo anh ruột của anh là nghệ sĩ quái Kiệt Ba Vân để học hát. Anh Ba Vân đặt nghệ danh cho Lê Văn Tám là Tám Vân và dẫn Tám Vân theo đoàn hát đi lưu diễn các tỉnh miền Bắc như Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng…
    Tám Vân nhờ có học vấn cao, vóc dáng trẻ đẹp, hơi ca khỏe khoắn, cách phát âm chuẩn mực nên chỉ trong sáu tháng học ca cổ nhạc và học diễn, nghệ sĩ Tám Vân đã có thể đóng được những vai kép nhì hoặc kép đẹp trong các tuồng xã hội của soạn giả Nguyễn Thành Châu.
    Lập nghiệp ở Lào và Thái Lan
    Năm 1944 đoàn hát trở về Saigon, nghệ sĩ Tám Vân được đoàn hát Quảng Lạc Hà Nội mời làm kép chánh. Anh ở lại hát cho đoàn Quảng Lạc, lúc đó mở một chuyến lưu diễn sang nước Lào. Sau đó, vì tình hình chiến tranh sôi động, quân đội Thiên Hoàng của Nhựt Bổn vào Đông Dương, phi cơ Đồng Minh liệng bôm Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Đoàn hát Quảng Lạc không trở về Hà Nội, lưu diễn các tỉnh ở Thái Lan, nơi có nhiều Việt Kiều ở. Nghệ sĩ Tám Vân thành hôn với nữ nghệ sĩ Bích Châu, đào chánh của đoàn hát và ở lại Thái Lan 12 năm, sanh được hai con. Năm 1954, chiến tranh Việt – Pháp chấm dứt, nghệ sĩ Tám Vân và Bích Châu trở về Việt Nam, gia nhập đoàn hát Việt Kịch Năm Châu.
    Nghệ sĩ Tám Vân sáng chói trong vai kép chánh, hát cặp với nữ nghệ sĩ Kim Cúc trong tuồng Người Mặt Cháy.
    Nghệ sĩ Tám Vân cũng rất thành công trong vai Hoàng Tử, đóng cặp với nữ nghệ sĩ Kim Lan vai Ô Phê Ly trong tuồng Hàm Lệ, hoàng tử nước Đan Mạch. Tám Vân cũng được khán giả và báo chí kịch trường ngợi khen khi anh thủ diễn những vai kép chánh trong các tuồng Tây Thi, Gái Nước Việt, Gió Ngược Chiều, Miếng Thịt Người, Áo Người Quân Tử, Cách Lan Phương Tử của soạn giả Nguyễn Thành Châu.
    Nghệ sĩ Tám Vân ở nước Lào và Thái Lan 12 năm, ở hai nước đó nghệ sĩ hút thuốc phiện và lá thuốc nẩu là một việc bình thường vì thuốc phiện rẻ và dễ mua. Khi anh Tám Vân về Việt Nam, lúc đó chánh phủ Cộng Hòa miền Nam đang bài trừ ma túy và thuốc phiện, do đó thuốc phiện bán lậu, giá mắc hơn vàng. Anh Tám Vân khổ sở vì phải cai thuốc. Đoàn hát Việt Kịch chỉ phát lương cà phê hay nửa cử lương, không đủ tiền mua son phấn, tiền đâu mà mua thuốc? Thêm nữa chị Bích Châu là người miền Bắc, khi ở đoàn hát Quảng Lạc, chị Bích Châu là đào chánh vì hát với những người cùng nói và hát giọng Bắc. Khi gia nhập đoàn Việt Kịch Năm Châu, nghệ sĩ Bích Châu phát âm giọng Bắc trong khi các diễn viên khác hát giọng Nam, đó là một sự lạc lõng mà đạo diễn Năm Châu không chấp nhận. Do đó nghệ sĩ Bích Châu không có vai để hát, số lương định cho chị cũng vì vậy mà ít hơn những nữ nghệ sĩ khác. Cuối cùng nghệ sĩ Tám Vân và Bích Châu rời đoàn Việt Kịch Năm Châu, gia nhập đoàn hát Kim Chưởng.
    Ở đoàn hát Kim Chưởng, nữ nghệ sĩ Bích Châu cũng không có vai tuồng nào để hát hợp với giọng Bắc của chị, chị bỏ Tám Vân, trở về Hà Nội để có thể diễn với các bạn nghệ sĩ cùng hát giọng Bắc. Nghệ sĩ Tám Vân không trở ra Hà Nội nữa nên đành chịu mất vợ.
    Diễn xuất đa dạng
    Nghệ sĩ Tám Vân có khả năng tiếp thu nhanh nghệ thuật biểu diễn các loại tuồng trên sân khấu với các phong cách khác nhau. Khi ở đoàn Việt Kịch Năm Châu, anh hát được các vai chánh trong các tuồng xã hội Tây Phương phóng tác của soạn giả Nguyễn Thành Châu. Khi gia nhập đoàn Kim Chưởng, anh hát những vai kép độc, lẵng, độc mùi trong các tuồng Lá Đào Rơi, Cô Gái Nữ Thần, Oan Hồn Trên Tháp Đá, Tiếng Hát Đền Bá Lạc, Hai Chiều Ly Biệt…
    Sau đó Tám Vân về hát cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga từ năm 1962, rồi đến những năm 1969, anh về cộng tác với đoàn hát Dạ Lý Hương, Phước Chung…
    Trên sân khấu các đoàn hát cải lương Kim Chưởng, Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Phước Chung…nghệ sĩ Tám Vân thủ diễn những vai lão mùi, lão độc, lão lẵng, vai hề. Không phải do các diễn viên kia diễn hay hơn hay sắc vóc đẹp hơn anh nhưng họ là những danh ca vọng cổ. Những danh ca vọng cổ đó nhờ có giọng ca vàng, êm dịu, quyến rủ, có nghệ thuật luyến láy hay hay có kỷ thuật ca vọng cổ dài hơi nên khán giả thích. Nếu kể về trình độ diễn xuất thì những danh ca vọng cổ trẻ đó chỉ đáng là học trò của Tám Vân nhưng vai tuồng của họ luôn luôn là vai kép chánh, có nhiều chỗ để ca vọng cổ, thu hút khán giả. Đây là một trào lưu mới trong nghệ thuật cải lương: trào lưu của những giọng ca vàng lấn át vai trò và vị trí sân khấu của những kép diễn.
    Nghệ sĩ Tám Vân từng đóng thế vai Gia Lử Tế của nghệ sĩ Bảy Nhiêu, vai Gia Lử Sanh của Năm Châu, vai Duy Bạt của Hoàng Kinh trong tuồng Gió Ngược Chiều. Đây là ba vai hát với ba tính cách khác nhau rất khó diễn xuất. Tám Vân là người duy nhứt đóng thay được cả ba vai đó một cách rất xuất sắc.
    Những vai hát để đời
    Tám Vân cũng đã đóng vai Phê trong tuồng Khi Người Điên Biết Yêu, vai tuồng để đời của nghệ sĩ quái kiệt Ba Vân.
    Tám Vân cũng có những vai hát để đời như Vương Tư Đồ trong tuồng Phụng Nghi Đình, vai cha của Hoa Mộc Lan trong tuồng Hoa Mộc Lan, vai Tống Nhơn Tôn trong Xử Án Bàng Quí Phi, vai An Lộc Sơn trong tuồng Trường Hận, vai Tám Hổ trong tuồng Hai Hình Ảnh Một Cuộc Đời, vai ông Đệ trong tuồng Tấm Lòng Của Biển…
    Về gia đình thì sau khi vợ anh, nữ nghệ sĩ Bích Châu về Hà Nội, năm 1961, nữ khán giả Quản Thị Minh Nguyện ái mộ anh qua các vai tuồng của anh đóng trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, đã cùng Tám Vân kết hôn.
    Chị Quản Thị Minh Nguyệt sanh năm 1921, tại làng An Thạnh, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre. Chị Minh Nguyệt lấy bút danh Nhị Kiều, có nghĩa là người kiều nữ thứ hai trong gia đình họ Quản, người chị là Quản Thị Trúc Mai, thi sĩ, vợ của một chủ bút của nhựt báo Tiếng Chuông và em là Quản Thị Minh Nguyệt, soạn giả cải lương với bút danh Nhị Kiều.
    Ở đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, nghệ sĩ Tám Vân phụ trách sân khấu, đứng tập tuồng và dạy hát cho các nghệ sĩ trẻ Thanh Nga, Bảo Quốc, Thanh Tú, Mộng Tuyền, Kim Hoa, Hương Huyền, Thanh Thanh Hoa, Trang Bích Liểu… Source: maxreading

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được