Tiểu Sử Sáu Ngọc Sương

Tiểu Sử Sáu Ngọc Sương


    Tên thật: Sáu Ngọc Sương
    Ngày sinh: 1915
    Thể loại: Việt Nam, Cải Lương
    Quốc Gia: Việt Nam
    Làng Đức Nghĩa ven sông Cà Ty những năm 20 thế kỷ trước là xóm dân chài. Ở đó, có cô bé tên là Sáu mê xem hát. Không chỉ xem hát thôi mà cô còn sà vào chỗ người kéo đờn cò, đánh trống… xin đánh thử bằng được. Khi gánh hát có đào Phùng Há diễn tại Phan Thiết, nhà nghèo, không có tiền mua vé, nhưng bằng cách chui rào, năn nỉ người gác cửa, Sáu không bỏ đêm hát nào. Coi ban đêm, sáng ra tranh thủ lúc cha mẹ ra sông, Sáu một mình đóng lại một số vai, dĩ nhiên có vai của đào Phùng Há. Đó cũng là thời điểm trong tâm hồn cô gái vùng biển non trẻ, tiếng đàn, điệu phách, tiếng trống của sân khấu cải lương đã rung lên để sau này cô gái quyết tâm đi theo gánh hát.
    Vào khoảng năm 1932, mới 17 tuổi, Sáu quyết định vô Sài Gòn tìm thần tượng. Đến nơi, có người nói gánh hát Trần Đắc cùng với các nghệ sĩ: Phùng Há, Tư Chơi,Tư Út, Kim Thoa… đã diễn ngoài Bắc, Sáu quyết định ra Bắc. Trên đường cô ra thì gánh Trần Đắc đi vào, ấy là người con gái miền biển mê hát phải lộn vô tìm. Cuối cùng, cô cũng gặp gánh hát, được bầu gánh thương tình cho đóng vai tì nữ. Thời gian không lâu sau, gánh Trần Đắc rã, nghệ sĩ mỗi người mỗi nơi, Sáu bây giờ lấy nghệ danh là Sáu Ngọc Sương, gia nhập đoàn cải lương Tiếng Chuông Vàng năm 1935…
    Thế nhưng, đoàn Tiếng Chuông sau đó cũng rã, không thể quay về Phan Thiết vì chuyện bỏ nhà đi trước đó, Sáu Ngọc Sương gia nhập đoàn Đại Phước Cương của bầu Cương, nơi quy tụ những tài danh như: Ba Du, Ba Vân, Tám Vân, Năm Phỉ, Bảy Vĩnh Long, Bảy Nam và Mười Truyền… Tại đây, Sáu Ngọc Sương đóng chung với đào nhất Năm Phỉ (chị ruột NSND Bảy Nam sau này). Có bạn diễn giỏi, thầy giỏi, Sáu Ngọc Sương dần dà đảm nhận vai chính của nhiều vở diễn. Năm 1940, cô Sáu gia nhập đoàn Phụng Hảo, lại đóng chung với thần tượng của mình ngày nào. Năm 1941, lại đầu quân cho Việt Kịch Năm Châu, trở về Phan Thiết, diễn các vở: Thành Cát Tư Hãn, Tâm hồn thôn nữ, Bức màn Yên Bái...Lần trở về này cô đã là đào chánh khá tiếng tăm… vì vậy người Phan Thiết đi coi Sáu Ngọc Sương hát rất đông. Tại cửa rạp Hồng Lợi, ảnh Sáu Ngọc Sương treo nhiều ngày song vẫn có nhiều người đi qua đi lại nhìn ngó.
    Tháng 3 năm 1946, cô Sáu tiếp tục diễn bên cạnh cô Bảy Phùng Há, cô Ba Thanh Loan. Cô chỉ rời ánh đèn sân khấu vào năm 1956, khi các bài ca vọng cổ có sự cách tân đã làm ít nhiều nghệ sĩ lớp tiền phong của cô không thể theo kịp. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lớp nghệ sĩ tiền phong đến với nghề chỉ bằng lòng đam mê, và năng khiếu. Họ không được học hành như nhiều nghệ sĩ sau này.
    Vả lại, sau gần 30 năm đứng trên sân khấu, dầu giữ đến mấy, cô Sáu cũng đã qua thời xuân sắc, điều tối cần của nghệ thuật sân khấu. Cô Sáu lui về tính chuyện hôn nhân với một người không phải trong nghề. Cô mở tiệm uốn tóc tại Vũng Tàu kiếm sống. Những lúc biết ai là người Bình Thuận, cô thường hỏi về Phan Thiết, về phường Đức Nghĩa… Cuối đời, người đàn bà của sân khấu sống trong căn phòng 5m2 của Viện Dưỡng lão nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh cho đến lúc trở về với cát bụi, vào ngày 21/7/ 2000. Nhắc lại nghệ sĩ Sáu Ngọc Sương để thấy rằng đất Phan Thiết từng sản sinh ra những con người giỏi giang trên một số lĩnh vực. Source: zing

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Nghệ sĩ TP HCM cúng tổ nghề sân khấu

Tiểu Sử Nhơn Hậu

Tiểu Sử Tô Kiều Lan

Tiểu Sử Thành Được