ĐIỂM QUA MỘT SỐ NHẠC SƯ, NHẠC SĨ VANG BÓNG MỘT THỜI – PHẦN 3

ĐIỂM QUA MỘT SỐ NHẠC SƯ, NHẠC SĨ VANG BÓNG MỘT THỜI – PHẦN 3

Ông Lê Văn An (Năm An)
Ông An tư chức cảng Nhà rồng (Messageries Maritimes) Khánh Hội, chuyên về đàn Tranh, bài bản nhiều, tương tợ như ông Thinh. Khoảng năm 1960 ông có dạy năm tháng tại trường Quốc Gia Âm nhạc Sài gòn.
Ông Phạm Văn Nghi (Tư Nghi)
Ông Nghi, thư ký Quận Gò Vấp. Phu nhân là danh ca Hồ Thị Bửu (tục danh Bà Mười Ba, chị Bà Mười bốn, phu nhân Ô. Nguyễn văn Lượng, chủ nhà thuốc Nhành Mai sản xuất cao đơn huờn tán, nổi danh nhứt là thuốc dán con rắn và thuốc trị ghẻ ngứa). Ông Nghi sử dụng nhiều loại nhạc khí như: Tranh, Kìm, Cò, Gáo. Bài bản nhiều, và cơ bản.
Hai Ông Bà không con, nên ông bà nuôi lủ khủ 7, 8 trẻ khoảng 9, 10 tuổi, dạy cho chúng đàn ca múa hát, trong đó có cô Ngọc Dung, trước đây nằm trong nhóm Hoa Sim (Phạm thúy-Hoan, Ngọc Dung, Phương-Oanh). Cô Ngọc-Dung từ lâu dạy đàn Tranh tại California, Hoa Kỳ. Tại Trường nhạc, Ô. Tư Nghi dạy đàn Tranh và đàn Cò, còn Bà thì dạy ca. Ông bà qua đời khoảng 15 năm tại Định Quán.
Cụ Trần Văn Triều (Bảy Triều)
Sanh trưởng tại chợ giữa Mỹ Tho, Cụ là thân phụ của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê và nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Chính Cụ đã sáng chế ra dây Tố-Lan cho đàn Kìm (Nguyệt) – tương tợ như dây Hò nhì và Bắc Hò nhì – để diển tả bản Văn thiên Tường.
Cách lên dây Tố-Lan:
Dây trơn (open string): dây to (Tồn) (sol), dây nhỏ (công) (fa).
chủ âm: (fundamental note): dây nhỏ bấm phím 1, khảy chung với dây to trơn là đồng âm (unisson) (Hò-Liêu) (Sol-sol).
Dây Tố Lan cung bực tương tợ như dây Hò nhì, nhưng dây Hò nhì 2 dây to và nhỏ lên như sau:
Cách lên dây Hò nhì:
Dây trơn (open string): dây to (Xề) (Ré), dây nhỏ (công) (fa).
chủ âm: dây nhỏ bấm phím 1, khảy chung với dây to trơn là (xàng-liêu) (Do-sol).
Tại sao là tên Tố-Lan?
(nơi đây, xin bạn Trần Văn Khê cho tôi được tóm lược lời kể lại của Giáo sư Hồ Hữu Tường như sau): Cụ Bảy Triều và cụ Nguyễn An Ninh học cùng lớp tại trường Bổn Quốc (Chasseloup Laubat) (nay là Lê Quý Đôn). Ngày xưa tại Sài gòn có nhiều trường như: Huỳnh khương Ninh, Nguyển xích Hồng, Nguyển phan Long, Lê bá Cang, Chấn Thanh, Nguyển văn Khuê, Général De Gaulle, Lanzarotte, Lycéum Paul Doumer. Nhưng chỉ có hai trường khó xin cho con cái vào học là Trường Bổn Quốc và Trường Taberd. Trường Bổn Quốc thực chất là dành cho con Tây hay dân Tây học (chỉ có gia đình giàu, có vi cánh mới vận động cho con được vào). Học sinh Trường Bổn Quốc, ngày chủ nhựt nghỉ, học sinh đi dạo ngoài đường phố, bị bắt buộc phải đội kết và mang phù hiệu, nhìn trông vừa đẹp vừa oai, còn học sinh Trường Taberd thì áo dài đen. Phần đông nữ sinh Trường Áo tím (École des Jeunes Filles) (nay là Trường Gia Long) ưa nhìn và làm quen với học sinh Trường Bổn Quốc (bởi nghĩ rằng mấy cậu ấm nầy là con nhà giàu, gia đình danh giá) hơn là học sinh Trường Taberd mà họ gọi là “con Quạ”.
Hai Cụ Nguyển an Ninh và Bày Triều ai cũng có một bạn gái. Cụ Nguyễn An Ninh là cô Chín Phòng, học sinh Trường Áo trắng (Saint Paul ), Cụ Bảy Triều thì cô Tố Lan, học sinh Trường Áo tím. Cô Tố-Lan biết đàn lẫn ca, nên đối với cụ Bảy Triều, cô vừa là tri âm vừa là tri kỷ. Học tới năm thứ 4, chuẩn bị thi bằng Thành Chung (Diplôme d’Études Primaires Supérieures Indochinoises) – viết tắt là DEPSI -, thì thình lình Cụ Bảy Triều hay tin người yêu qua đời. Phải chăng vì buồn mà xao lãng việc học, nên năm ấy cụ thi rớt.
Về nhà, ví mình như Bá Nha bị mất đi Tử Kỳ, nên Cụ lấy đàn Kìm ra vừa đàn vừa đặt lời ca cho bài Tứ Đại Oán nói về người yêu. Bài ca đặt chưa xong thì vì có việc gấp phải đi, nên Cụ treo cây đàn trở lại trên vách. Vừa đi vừa sáng tác, nên khi về tới nhà, bởi sợ quên, nên cụ vói lấy cây đàn Kìm để viết tiếp lời ca. Nhưng không ngờ cây đàn bị tuột dây to (nốt Tồn), Cụ không buồn chỉnh lại, cứ để vậy mà đàn, nhưng không ngờ cái dây nầy nó tạo cho Cụ cái hào hứng lạ thường, nên Cụ giữ dây nầy luôn và đặt cho nó cái tên là Tố-Lan.
Ngón đàn Kìm của cụ Bảy Triều tươi mát ngọt ngào mùi mẫn, làm xoáy tim người nghe, nên có tiếng đồn rằng “ai mà chưa được dịp nghe Cụ Bày Triều đàn Kìm trên dây Tố-Lan thì kể như người ấy còn thiếu trong việc nghe nhạc Việt nam”.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương