ĐIỂM QUA MỘT SỐ NHẠC SƯ, NHẠC SĨ VANG BÓNG MỘT THỜI – PHẦN 4

ĐIỂM QUA MỘT SỐ NHẠC SƯ, NHẠC SĨ VANG BÓNG MỘT THỜI – PHẦN 4

Ông Hồng Tấn Phát (Hai Phát)
Người gốc Trà Vinh, nghiện á-phiện, điêu luyện trên 3 nhạc khí như Đàn Tam, đàn Cò, và đàn Violon. Chẳng những giỏi bên tài tử Nam Bộ, ông còn giỏi về nhạc lễ, nhứt là đường roi (đánh trống). Ngoài tính cách giòn tan, lại còn thêm cao siêu về tiết tấu (rythme). Môn đệ của ông là hai danh cầm Hai Thơm (Violon) và Văn Vĩ (Guitare).
Đàn tam là loại đàn ba dây nylon. Thùng đàn hình chữ nhật dài 18 phân, ngang 14 phân, dày 10 phân. Một bên bịt bằng da trăn hay da con kỳ đà, một bên để trống, cần đàn dài nhưng lại không có phím. Âm thanh của đàn Tam tương tợ âm thanh đàn Banjo; nhưng khác hơn Banjo, âm thanh của đàn tam đã cứng ngắc, lại kém dư âm. Giá dùng nó để tả tiếng nấc của người Chinh Phu trong phòng the gối chiếc thì không gì đúng hơn.
Những ai từng nghe bản Lưu thủy trường – Hai Phát đàn Tam – Vỉnh Bảo đàn Tranh 21 dây trong băng Nam Bình hai (*) thì sẽ ngạc nhiên thấy dưới đầu 4 ngón tay thần dịu của ông, cung bậc trở thành phân minh chững chạc, âm vang tròn trịa phong phú như bất cứ loại đàn dây nào có phím. Đó là những đoạn chuyển biến khoan thai; nhưng khi chạy chữ nhanh (vélocité) thì âm thanh dồn dập như thác đổ, nhịp điệu gút mắc, chứng tỏ một tài năng và sự điêu luyện đã đến mức tột đỉnh. Nếu chạy chữ trên cây đàn Vĩ cầm (Violon) đòi hỏi phải có thính giác mẫn tiếp, ngón đàn chính xác thế nào, thì chạy chữ trên đàn Tam cũng như vậy, mà còn cao hơn thế nữa, vì Vĩ cầm với 4 dây âm hưởng hơn, âm thanh phát ra dễ hơn, nghe rõ hơn. Đàn cò: lối đàn của ông Hai Phát là kéo cung dài; đàn mực thước đạo mạo thật là sâu sắc theo thế hệ cổ.
Một buổi sáng vào hạ tuần tháng 11 năm 1972, từ Tòa Thánh Tây Ninh về, ông cùng nhạc sĩ Bảy Hàm đến thăm tôi (Vĩnh Bảo). Lần này gặp lại, tôi thấy ông yếu đi nhiều, hai chân sưng to lên, lở loét, bên ngoài băng vải. Sau nửa giờ thăm hỏi, tôi mang đàn ra để cùng đàn và thâu thanh chơi. Ông đàn Cò, Bảy Hàm đàn Kìm, tôi đàn Tranh, hòa tấu bản Tây Thi Vắn. Lúc nầy ông lên dây đàn không còn chính xác như xưa, khiến tôi phải điều chỉnh giúp ông. Hòa tấu tới câu 8 thì ông Hai Phát đàn lộn câu lẫn sai nhịp. Ông Bảy Hàm yêu cầu tôi xóa đi để đàn lại. Nhưng ông Hai Phát và tôi không đồng ý. Ông Hai Phát nói: “Mặc kệ, đàn trúng trật hay dở không là vấn đề. Lần nầy đến thăm Vĩnh Bảo để nói chuyện và hòa đàn chơi và xem như gặp nhau lần chót để rồi về Trà Vinh chết. Trước khi nhắm mắt, điều mà tôi mãn nguyện là được Vĩnh Bảo mời đàn cho 2 cuốn băng Nam Bình I và II, lưu lại cho hậu thế tiếng đàn của một nhạc sĩ nhiều truân chuyên và bất hạnh. Đây là lời trối trăn, mười ngày sau đó, tôi được báo cho biết là Ông đã qua đời. Vì hay tin trễ, tôi không dự đuợc đám tang Ông. Tuy nhiên nhóm Duy Lân cùng một số nhạc sĩ đã xuống Trà Vinh lo ma chay cho ông và tiễn ông đến phần mộ.
(*) Băng Nam Bình 1 và 2 mang tên “Tiếng Đàn Tranh” do Nguyễn công Bình và Vĩnh Bảo thực hiện, phát hành vào năm 1969).

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương