ĐIỂM QUA MỘT SỐ NHẠC SƯ, NHẠC SĨ VANG BÓNG MỘT THỜI – PHẦN 1

ĐIỂM QUA MỘT SỐ NHẠC SƯ, NHẠC SĨ VANG BÓNG MỘT THỜI – PHẦN 1

  • Ông Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ), vợ là bà Hai Quạ, một danh ca vào thập niên 1935 cùng thời với một số danh ca khác như:
  • Bà Tám Song, (phu nhân ông giáo Lý văn Đồ),
  • Bà Hồ thị Bửu (Bà Mười Ba), phu nhân nhạc sư Phạm văn Nghi, Giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài gòn,
  • Bà Tư Cầu Mồng gà, ái nữ nhạc sư Năm Tịnh (Cần đước),
  • Bà Ba Vàm Lẻo, (Bạc liêu),
  • Bà Hồ thuyết Loan, (Mười Tân châu),
  • Cô Ngọc Ánh….
Ông Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ)
Sở trường của ông Chín Kỳ là cây đàn Tranh. Nắm vững nhiều bài bản, với phong cách đàn là Tài tử Nam bộ. Môn sinh của ông phần đông thuộc thượng lưu trí thức như:
  • Cố Bác sĩ Nguyễn Văn Nhã, (thân phụ của nữ luật sư Nguyễn Phước Đại),
  • Cố Bác sĩ Nguyễn Văn Bửu, Giàm đốc Bịnh viện Nhi đồng Sàigòn,
  • Cố tham tá (Commis) Bùi Văn Hai, tùng sự tại Bộ Ngoại giao,
  • những ái nữ của Cố bác sĩ Phan Văn Đệ, Giám đốc Bịnh viện Chợ Rẫy (Hôpital Lalung Bonnaire) Chợ lớn.
Là con người bình dị, vui tính, dễ mến, nhưng đôi khi cũng hóm hỉnh, không bí hiểm dấu nghề, lúc nào cũng sẵn sàng xan xẻ sự hiểu biết của minh với mọi người, ai cần bản gi chạy đến hỏi thì ông đọc miệng cho chép để mang về học và sau đó trở lại đàn cho ông nghe để góp ý.
Xin mở dấu ngoặc tại đây để nói lên cái hóm hỉnh của ông.
Thập niên 1954, hằng tháng ít nhứt cũng là hai tối thứ bảy, Bác sĩ Nguyễn văn Bửu tổ chức đàn ca tại tư gia.
Giàn đờn gồm có Nhạc sư Nguyển văn Kỳ (Chín Kỳ) (Tranh), Cao hoài Sang (Tỳ bà), Nguyển văn Thinh (Kìm), Lê văn An (Tranh), Bảy Phuông (Cò), Bùi văn Hai (Tỳ bà), và tôi là Vĩnh Bảo (Kìm, Tranh, Gáo).
Ca: Bà Hai Quạ (phu nhân ông Chín Kỳ), Bà Hồ thị Bửu (Bà Mười Ba), Hồ tuyết Loan (Mười Tân châu).
Thính giả phần đông là bạn bè của ông, có địa vị cao trong xã hội.
Một hôm, Bác sỉ Bửu căn dặn ông Chín Kỳ chọn giùm cô ca sĩ nào ca hay nhứt. Thế là ông Chín Kỳ mời cô Ngọc Đáng. Cô nầy ca hay, nhưng không đẹp gái, da ngâm, và ốm như con khô hố.
Theo thông lệ, cơm tối xong mới tới cái màn đàn ca.
Hôm ấy, tại bàn ăn, Bác sỉ Bửu vói nói với ông Chín Kỳ: “Bộ hết người ca rồi sao mà anh lại chọn cô ca si nầy không có ngực”.
Ông Chín Kỳ nhanh miệng phản phé “Bác sĩ dặn tôi kiếm ca chớ nào có dặn kiếm vú”. Mọi người trong bàn ăn cười rộ lên.
Năm 1956, tôi mời Nhạc sư Nguyễn văn Kỳ (Chín Kỳ) vào dạy môn đàn Tranh. Dạy được khoảng 4 tháng, thì ông bị cảm nặng. Vì là Thầy dạy đàn Tranh cho các con gái mình, nên khi hay tin, Bác sĩ Phan Văn Đệ, Giám độc Bịnh viện Chợ rẩy, liền cho xe rước ông về nhà riêng ở đường Trần Hoàng Quân, Chợ lớn săn sóc và chữa trị. Ông Chín Kỳ vốn là người tế nhị, cảm thấy ngại làm rộn người khác, nên qua ngày thứ thấy kha khá trong người, lúc 4 giờ sáng thừa lúc mọi trong nhà đang ngon giấc, ông lén mở cửa ra kêu xe cyclo chở thẳng vê nhà ở Hòa Hưng. Đêm khuya sương gió, ông bị trúng lạnh, nên khi về đến nhà thì năm vùi. Tôi có đến thăm và hỏi sao không ở nhà Bác sĩ Đệ cho dứt bịnh hay về, thì ông nói hai ông Bà Đệ rất là tử tế, ông đâm ra ngại. Về nhà đuợc 5 ngày thì ông qua đời, để lại đứa con gái 7 tuổi, về sau ông bà Phạm Văn Nghi (Giáo sư đàn Tranh và đàn Cò) ôm về nuôi, dạy cho ca hát múa. Cái buồn khó quên của tôi là ông chết trong khi chưa kịp lãnh một xu lương tiền dạy đàn của nhà trường.
Bà Hai Quạ, phu nhân Ô. Chín Kỳ.
Kể về Ô. Chín Kỳ thiết nghĩ cũng nên nói sơ qua về Bà Hai Quạ để các bạn nghe chơi cho vui, đồng thời giúp cho các bạn khi đàn, chẳng nên xem thường những thính giả lãng hay nặng tai..
Một sáng của năm 1938, ở Xóm gà tại nhà Ô. Hai Én (tư chức hãng Descours & Cabaud). Ô. Hai Én đàn Guitare, anh Ba Cân (làm việc Phòng Thông tin Pháp AFP) đàn Kìm, và tôi đàn Gáo. Bà Hai Quạ ca. Bà hỏi tôi đàn bản gì cho Bà ca.
Tôi nói là đàn Bản Phụng cầu hoàng.
Bà hỏi tới hỏi lui “bản gì, bản gì” mãi.
Tôi nói: Bà lãng tai quá mà ca cái nỗi gì?
Bà phất tay, ra hiệu “đàn đi, tôi ca”.
Ba chúng tôi bèn vào đàn, Bà ca rất hay, đúng giọng, đúng hơi, đúng nhịp. Tôi hỏi Bà: Tại sao lúc tôi nói, tai Bà không nghe, mà khi đàn thì Bà lại ca được. Bà trả lời: “Tiếng người nói không nghe, nhưng tiếng đàn thì nghe rất rõ”.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương