Tiếng đờn của thầy Út Bí

Tiếng đờn của thầy Út Bí

(CMO) Mấy lần về huyện Trần Văn Thời, tôi được nghe nói về "thầy Út" (Trần Văn Út, nhiều người gọi là thầy Út Bí), thầy đờn và dạy hát có tiếng của vùng đất rẫy. Rất muốn được gặp ông nhưng vì công việc nên nhiều lần gác lại.
Nghĩ cũng cái duyên, không hẹn mà gặp. Một lần về huyện Trần Văn Thời công tác, tôi may mắn được gặp ông. Ông đang đờn cho Câu lạc bộ đờn ca tài tử Sông Quê. Tôi giới thiệu và ngỏ ý muốn xin phỏng vấn để viết chân dung về ông, ông cười nồng hậu và chân chất cũng như cái tình của thầy dành cho đờn ca tài tử.
Dù tuổi đã cao nhưng niềm đam mê đờn ca tài tử của ông Trần Văn Út vẫn rất mãnh liệt.
Thầy Út nói: “Tụi bây để hôm nào về nhà chú, ở đó chú có mở riêng lớp dạy ca miễn phí cho những người yêu thích đờn ca tài tử, muốn tìm hiểu về chú thì phải biết cái lớp trước”.
Nghe thầy Út nói, không hiểu sao tôi càng muốn tìm hiểu ngay, vậy là tôi quyết định phải làm ngay một chuyến về "lớp" dạy hát của thầy Út. Lúc chạy xe, trong đầu hình dung ra bao nhiêu chuyện về thầy. Thầy Út dặn: “Khi nào xuống tới thị trấn thì gọi điện thầy ra đón, nhà thầy khó tìm lắm”. Đúng như lời hứa, 3 giờ chiều hôm đó tôi lái xe một mạch và có mặt tại thị trấn Trần Văn Thời. Thầy Út dáng gầy, nước da ngăm nhẵn đứng đón tôi.
Khác với hình dung của tôi trước đó, thầy sống trong ngôi nhà nhỏ cũ kỹ, vật dụng trong nhà cũng chẳng có gì giá trị ngoài cái dàn đồ để đờn ca. Hỏi ra càng xúc động hơn khi biết ngôi nhà thầy đang ở là trụ sở sinh hoạt văn hoá cũ, thầy mướn lại đã 4 năm nay. Thầy Út năm nay 77 tuổi, quê gốc ở ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc. Thầy có đến 8 người con, trước cũng có đất đai, sau khi mấy người con khôn lớn thầy giao đất lại hết rồi vợ chồng già dắt nhau ra thị trấn sống đã 4 năm nay.
Nghe thầy Út kể lại thì cuộc đời của thầy may mắn vì còn sống sót trở về sau khói lửa chiến tranh. Ngày trước thầy từng tham gia du kích rồi bị bắt đi tù một năm, sau thầy được công nhận là tù chính trị và đi đờn cho đội ca kịch ở ấp Kinh Tư (nay là ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc). Những năm chống Mỹ, thầy Út làm Trưởng đoàn Văn công xã Trần Hợi. Vì là người hậu bối và sống trong thời hoà bình nên tôi cũng không dám nói nhiều về cái gian khó trong thời chiến, chỉ nghe thầy Út kể lại: “Ngày đó đoàn văn công đi phục vụ bà con nguy hiểm không kém, một phần lại khó khăn và thiếu thốn trăm bề, sân khấu không có, có đêm phải đốt đuốc biểu diễn. Vậy mà máu văn nghệ đã thấm vào tận xương nên đi đâu, phục vụ vùng nào anh em cũng nhiệt tình hết cỡ, còn dân người ta mừng lắm, đâu cũng đón tiếp nồng hậu và chân thành”.
Sau những năm tháng khói lửa chiến tranh, thầy Út về quê và sống cuộc đời của người nông dân, cũng dãi nắng dầm mưa trên ruộng đồng, đất rẫy nhiều năm, rồi thầy Út quyết định dạy đờn ca tài tử cho đến ngày nay. Thầy Út khẳng khái: “Ngày đó ăn của dân rồi ở cũng dân lo, tất cả đều của dân. Chiến tranh ác liệt, tôi tự nói với lòng, nếu còn sống trở về nhất định phải làm gì đó để đáp lại cho bà con. Mấy năm đi đồng, đi rẫy, thấy bà con hay đem tiếng hát ra đồng để quên đi cái nhọc nhằn lao động, mà ít ai biết nhịp điệu của bài ca. Đó là lý do vì sao có lớp dạy đờn ca tài tử miễn phí này, coi như góp một chút sức già cho đời để truyền lửa lại cho mai sau, giữ gìn giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương”.
Hôm đến thăm, thấy trước nhà có mấy món đồ nghề hớt tóc và treo bảng may dép, tôi nghĩ thầm chắc thầy cho mướn hoặc cũng là nghề mưu sinh của con thầy Út. Ai ngờ, hỏi ra mới vỡ lẽ, đó là nghề tay trái của thầy. Vợ chồng già sống đơn giản, cái nghề tay trái của thầy cũng lắm bạc bẽo vậy mà đam mê ca hát vẫn làm thầy muốn cống hiến hết mình. Thầy Út trầm ngâm ngẫm về sự đời: “Ca hát là một đam mê, cũng giống như một cái nghiệp, mấy chục năm đờn hát vậy mà về già cái máu nó vẫn thôi thúc mình phải làm gì đó, nên còn sống được ngày nào thì phát huy ngày đó thôi”.
Thầy nói chuyện rồi đem mấy tấm giấy khen đã cũ ra khoe. Trong ánh mắt người đàn ông già nua bỗng ánh lên một niềm vui và tự hào đến lạ. Chỉ lên bức hình chụp chung với cô học trò nhỏ, thầy Út nói: “Mấy mươi năm đi hát thì có hơn mười lăm năm tôi dạy đờn ca, ngần ấy năm có nhiều học trò theo cái nghiệp ca hát này, một số thì học cho biết ca hát để thoả chí đam mê. Thấy thầy già, tụi nó thương lắm, lâu lâu có dịp là về thăm. Nghề này vui nhất là khi thấy học trò mình trưởng thành như vậy đó”.
Đặc biệt nhất trong số những học trò của thầy có cô Lâm Thanh Quyên (Khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời) - một trong những học trò lớn tuổi và học lâu năm nhất. Buổi chiều đến thăm thầy Út, cô Quyên cũng có mặt và tâm sự: “Ngày trước mê đờn ca tài tử lắm mà mình có biết bài bản gì đâu, nghe có thầy Út Bí về đây sống và dạy đờn hát, mừng lắm, chiều chiều tranh thủ nấu cơm rồi chạy qua nhà thầy học hát. Bây giờ hát được rồi, nhịp nhàng cũng vững nhưng vẫn theo thầy học suốt”.
Trời ngã bóng, nắng bắt đầu dịu lại, thầy Út lấy cây đờn kìm rồi ngồi bắt chân dạo đờn, vô luôn câu 5, câu 6 của bài "Nữ kiện tướng Đầm Dơi"… Tiếng đờn chắc nịch, ngọt ngào, giọng hát vừa khoẻ, vừa chân chất, hào sảng của thầy Út Bí làm cho người đối diện hiểu thêm niềm đam mê mãnh liệt của ông đối với loại hình đờn ca tài tử.
Từ giã ra về, thầy Út với nụ cười thật tươi, ánh mắt nồng hậu còn căn dặn: “Con về trển lâu lâu nhớ gọi điện xuống hỏi thăm chú nghen, cuộc đời ngược xuôi nên sống với nhau bằng cái nghĩa, cái tình vậy mà bền chặt”.
Kim Chi

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương