Chuyển đến nội dung chính

NGUYỄN TẤN NHÌ : Đờn kìm và dịch học Đông phương


ĐỜN KÌM VÀ DỊCH HỌC ĐÔNG PHƯƠNG

Đã từ lâu , Đờn Kìm còn có tên là Nguyệt Cầm , một nhạc cụ dân tộc , luôn luôn được giao nhiệm vụ chỉ huy dàn nhạc , nhưng chưa thấy có sách vở nào đề cập đến nó một cách chuyên sâu và khoa học . Hiện nay , nhạc cụ mang đậm nét quê hương này có nguy cơ bị thất truyền vì có nhiều người không hiểu rõ tính năng và nét độc đáo của nó trong nền âm nhạc ngũ cung đông phương cho là một nhạc cụ nhà quê quá thô thiển cần phải được cải tiến hoặc phải thay thế bằng một nhạc cụ khác dù là ngoại lai như ghi ta, đờn sến , v,v..

Thật ra , sự cấu trúc của Đờn Kìm rất hoàn chỉnh về phương diện kỹ thuật , toán học , âm học cũng như tượng số học đông phương . Do đó , tôi xin nêu lên một vài suy nghĩ và sự hiểu biết của tôi về cây Đờn Kìm hầu được đóng góp một phần tư liệu nhỏ trong việc bảo tồn và cải tiến nhạc cụ dân tộc .

I . Về Tên Gọi 

Có rất nhiều ý kiến về cách gọi tên Đờn Kìm . Tôi xin nêu ra sau đây những ý kiến có thể trái với cách gọi thông thường , mục đích để cho các bậc cao minh hơn kết luận hầu nâng cao nhạc lý truyền thống .

1 . Đờn Kìm , Nguyệt Cầm , Đờn Nguyệt 

Từ xưa đến nay , cây Đờn Kìm được gọi tên là Đờn Kìm hoặc Nguyệt Cầm hoặc Đờn Nguyệt . Cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thinh , một nhà sưu tầm nghiên cứu nhạc Tài Tử kể lại là có một số nhạc sĩ tiền bối trước kia cho rằng sở dĩ Nguyệt Cầm được gọi tên là Đờn Kìm vì các thầy đờn khi dạy học trò dù là dạy đờn tranh , đờn tỳ bà , hay đờn cò gì thì cũng lấy Đờn Kìm để đờn kèm học trò , và do cách phát âm , đọc trại chữ kèm thành kìm .

2 . Đờn Cầm Là Đờn Kìm 

Một số học giả khác cho chữ kìm là do chữ cầm mà ra . Trong Xã Hội Nguyệt San số 6 xuất bản tháng 4 - 1966 , ông Thạc Nhân cho rằng Cầm là Nguyệt Cầm còn gọi là Đờn Kìm . Số tác giả của thuyết này còn dẫn chứng bằng khoa ngôn ngữ học với luật hoán chuyển của phát âm học thì chữ hán việt đọc ra chữ nôm : cầm thành kìm cũng như càng , càn thành kiềng , kiền , cang thành cương , cảnh thành kiểng . v . v ...

Nhóm này còn cho rằng đờn Diêu Cầm của vua Phục Hy được cải tiến thành đờn Cầm và đờn Cầm được nghệ nhân Việt Nam mô phỏng sáng chế ra Đờn Kìm , hợp thành những đôi nhạc cụ âm dương sắt cầm như tranh kìm chẳng hạn, nên Đờn Cầm xưa và Đờn Kìm ngày nay của ta có cùng một tên gọi rất là hợp lý .

3 . Phải Gọi Đờn Kìm Là Nhựt Cầm 

Một nhóm khác trong đó có nhạc sĩ lão thành Hai Ngưu , tác giả quyển Cầm Ca Cải Tiến chủ trương phải gọi Đờn Kìm với cái tên là Nhựt Cầm . Hình tròn tượng trưng cho mặt trời chớ không phải là mặt trăng , lý do Đờn Kìm cũng như Đờn Cầm xưa kia gắn dây tơ đặc chế cho phái nam , hòa với Đờ n Sắt gắn dây đồng đặc chế cho phái nữ đàn . Hai nhạc cụ âm dương hòa nhau sắt cầm mới hảo hiệp . Đờn Đoản là một nhạc cụ nước ngoài được du nhập vào dàn nhạc ta đã có tên là Tứ Huyền Cầm ( đờn tứ ) không nên cho nó mang cái tên là Nhựt Cầm vì nó không hòa thuận cùng đờn Sắt hay đờn Tranh thành đôi nhạc cụ uyên ương trống mái được .

II - Đờn Kìm Được Chế Tác Vào Thời Nào ? 

Trên khắp thế giới kể cả Trung Quốc , một nước láng giềng , nền văn hóa có nhiều điểm tương đồng với ta , cũng không thấy có nhạc cụ nào cấu trúc giống như Đờn Kìm , nhứt là cách gắn phím tra dây . Do đó ta có thể khẳng định nhạc cụ này hoàn toàn do nghệ nhân Việt Nam sáng chế , có chăng là chỉ có mô phỏng theo đờn Diêu Cầm của vua Phục Hy về dịch lý âm dương , nhưng sáng chế hay cải tiến vào thời đại nào thì sách vở xưa nay chưa hề thấy nói đến , chỉ đến thời Hậu Lê ta mới thấy rải rác trên sách vở có đề cập đến tên Nguyệt Cầm .

Thật vậy , An Nam Chí Lược của Lê Tắc ( 1300 ) chỉ ghi : ...Vua Trần ngự trên điện Đoan Cung xem ca công vũ nữ múa hát . Khi nói về đờn khảy thì quyển này chỉ thấy đề cập đến đờn Cầm , đờn Tranh , đờn Tỳ Bà , đờn Thất Huyền , đờn Song Huyền ...

Sứ Giao Châu Tập của viên sứ giả nhà Nguyên viết về ca vũ đời Trần cũng chỉ ghi : khi dự yến ở điện Tập Hiền , có vài mươi người con trai , con gái ngồi dưới chiếu hát , có đờn Tranh đờn Tỳ Bà cùng hòa với nhau ( Văn Thanh , Tìm Hiểu Ca Huế và Dân Ca Bình Trị Thiên ) .

Đến tài liệu sau đây ta mới thấy đờn Nguyệt xuất hiện . Theo Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ , đời Lê Cảnh Hưng ( 1740 ) có ông Nguyễn Đình Địch và ông Vũ Chỉ Đồng cũng thích chơi đờn Nguyệt . Ông Vũ Chỉ Đồng học điệu Tàu biết đủ các cung bực rồi khảy ra tiếng ta và xen theo các bài đờn Đáy , đờn Nguyệt , tiếng cứng tiếng mền dịu dàng hợp nhau , bụng nghĩ thế nào thì khảy thế đó .

Theo Việt Nam Ca Trù của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề thì đờn Nguyệt có trước đờn Đáy . Về truyền thuyết Tổ cô đầu thì sách này ghi : Trong đời Lê có Đinh Lễ tự Nguyên Sinh quê làng Cổ Đạm ( Hà Tĩnh ) thường ôm Nguyệt Cầm đến bên suối khảy hòa với tiếng suối chảy chim kêu , một hôm vào vườn gặp hai ông tiên Lý Thiết Quài và Lữ Đại Tiên dạy cách sáng chế ra đờn Đáy .

III - Cấu Trúc Đờn Kìm 

Đờn Kìm của ta có hình thức không giống đờn Diêu Cầm của vua Phục Hy hay đờn Cầm thời vua Thuấn , nhưng thông số kỹ thuật và phương pháp tạo âm thanh có nhiều điểm tương đồng với hai nhạc cổ này .

Để dễ thấy điểm tương đồng giữa Đờn Kìm và Diêu Cầm , tôi xin ghi sự cấu trúc của Diêu Cầm theo quyển Hiếu Cổ Đặc San III của học giả Vương Hồng Sển : Diêu Cầm do vua Phục Hy sáng chế , dài đo được 3 thước 6 tấc 1 phân ( thước mộc ) án theo 361 độ châu thiên , mặt trước rộng 8 tấc án theo 8 tiết , mặt sau rộng 4 tấc án theo 4 mùa , bề dày 2 tấc án theo lưỡng nghi , có 12 phím tượng trưng 12 tháng trong 1 năm , lại có 1 phím lẻ ở giữa tượng trưng tháng nhuần , trên mắc 5 dây , ngoài tượng ngũ hành , trong tượng ngũ âm : Cung , Thương , Vốc , Vũ , Chũy .

Đờn Kìm có thùng cộng hưởng hình tròn , đường kính 36 cm , bề dày của thùng 6,4 cm , trên thùng gắn yếm chạm hình dơi , trên đầu cần có dá đờn dài 12 cm , toàn bộ Đờn Kìm dài 108 cm , trên đầu cần gắn con cóc bằng cây , khoảng cách dây đờn để phát ra âm thanh tính từ miệng dơi đến đầu cóc dài 72 cm , cần đờn gắn 4 trục , trước kia gắn 4 day ( 2 dây chập một ) , hiện nay 2 dây , gắn 8 phím phát 9 thanh âm .

So sánh , chúng ta thấy Đờn Kìm của ta có con số kích thước dù tính theo thước tây vẫn đúng theo tỷ lệ tượng số học đông phương . Chiều dài Diêu Cầm và Đờn Kìm bằng nhau ( 3 thước 6 tấc 1 phân tương đương 108 cm ) . Thùng Đờn Kìm mặt hình tròn án theo thái cực , trên mắc 2 dây án theo lưỡng nghi , dây Tồn trầm ( dương ) , dây Tang bổng ( âm ) , 4 trục án theo tứ tượng ( 4 mùa ) , gắn 8 phím án theo bát quái ( 8 tiết ) , khảy phát ra 9 âm thanh : Hò , Xự , Xang , Xê , Cống , Liu , Ú , Xáng , Xế tượng trưng cho một dòng biến hóa hở từ số 1 đến số 9 .

Mỗi âm thanh khi nhấn nhá tạo 4 âm thanh . Như vậy với 2 dây âm và dương , chúng ta biến ra được 36 + 36 = 72 âm thanh . Do đó trong giới nhạc Tài Tử thường cho rằng nhạc sĩ nào kết hợp nhuần nhuyễn 2 vòng biến hóa hở của âm và dương trên 2 dây đờn tạo được 72 âm thanh nghe hay và tuyệt thì đã đạt được trình độ thất thập nhị huyền công .

Đờn Kìm tuy số dây và số phím ít hơn đờn Diêu Cầm nhưng do nhấn nhá ta cũng đạt được một số lượng âm thanh rất dồi dào phong phú , đủ khả năng diễn đạt mọi lời nói và tình cảm con người .

Đờn Kìm đến nay vẫn hiện đại . Cấu trúc của nó đã đạt được tất cả thông số về kỹ thuật và các số này đều tương ứng với tượng số học đông phương 1 , 2 , 4 , 8 , 12 , 36 , 64 , 72 , 108 .

IV - Kết Luận 

Muốn bảo tồn và phát huy những vốn quí dân tộc trong đó có vấn đề giữ gìn và cải tiến nhạc cụ dân tộc , chúng ta đừng vội vàng căn cứ vào khoa học vật chất và triết học tây phương để kết luận , có như thế mới tránh khỏi những sai lầm . Quan niệm Đông và Tây khác nhau về nhiều điểm . Nhạc ta theo hệ thống nhạc ngũ cung đông phương . Nhạc tây phương theo bát độ ( octave ) . Người phương đông chuộng về phẩm không chuộng về lượng , bao giờ cũng dùng đến ôn nhu trong mọi cách xử thế nên trong lãnh vực âm nhạc , ta cũng dùng kỹ thuật mềm mại nhấn nhá để tạo âm thanh . Nhạc cụ không cần nhiều phím , nhiều dây như nhạc cụ tây phương , vì tăng con số càng nhiều càng đi xa nguồn cội : Viễn Viết Phản , và Sanh Giả Nhu Nhược , Kỳ Tử Giả Kiên Cường ( mền dẻo là hiện tượng của sự sống , cứng rắn là hiện tượng của cái chết ( Lão Tử ) ) .

Tóm lại , Đờn Kìm do nghệ nhân Việt Nam sáng chế , tạo được tính năng ôn nhu thích hợp với âm nhạc truyền thống dân tộc . Ta không cần thêm dây thêm phím vì nó vẫn còn trẻ trung và hiện đại đúng tinh thần dịch học đông phương . 


Nguyễn Tấn Nhì

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương