Tài nữ quân tử cầm Bạc Liêu

Tài nữ quân tử cầm Bạc Liêu

15:59 26/04/2014
pno
PN - Chín tuổi học đờn kìm với cha. 16 tuổi lên TP.HCM ngồi đờn 20 bản tổ suốt 45 phút trong hội thi đờn ca tài tử cải lương. Nghe ban tổ chức lần lượt xướng tên các thí sinh đoạt giải mà không thấy tên mình, Ngọc Cần mếu máo với cha: “Chắc con gớt gồi!”.
Nhưng, ngay lúc đó, niềm vui òa vỡ khi Ngọc Cần rinh được giải đặc biệt của hội thi dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất. Hai cha con về Hộ Phòng, Giá Rai (Minh Hải) mở tiệc “liên hoan” mừng cái huy chương và cây quân tử cầm mới tinh vừa được nhạc sĩ Viễn Châu tặng...
Tai nu quan tu cam Bac Lieu
Nghe có khách phương xa chịu khó xuống tận vùng Láng Tròn - Giá Rai thăm, ông Sáu Trọng, cha chị Ngọc Cần, bày ngay một chiếu... nhậu. Đó là phong cách của người phương Nam hào phóng, rộng tình. Vui là chính. Ngọc Cần và cha, mỗi người một cây đờn kìm so dây, nắn phím. Những ngón tay nhấn nhá rung rung, khi cùng một phím lúc buông lợ, lúc buông lơi.
Ngọc Cần thật thà bảo “mấy chục năm rồi mà ngón đờn em giờ cũng chưa thấy hài lòng!”. Ngọc Cần đến với cây quân tử cầm khá tình cờ. Cha cô dạy đờn cho hai anh trai nhưng suốt mấy năm trời, tiếng đờn cứ lục khục chẳng ra gì. Trong khi đó, cô bé Cần chín tuổi đứng gần, khều khều mấy sợi dây đờn mà cha cô đã nghe ra là... con này học được!
Năm 1993, Ngọc Cần bước vào tuổi trăng tròn, nhưng trông không ra thiếu nữ mà cứ như... một chàng thanh niên vì khi ấy, cô không chỉ là kiện tướng cắt lúa mướn trên núi Ba Thê, Châu Đốc, An Giang mà còn là tay chèo chuyên nghiệp, chèo đường dài những chiếc ghe chở đầy củi thường xuyên đi từ Vàm Xáng (Lâm trường 84 Cà Mau) về Hộ Phòng, Giá Rai, khoảng cách gần 50 cây số, mà không cần người thay. “Chèo từ bảy tám giờ sáng đến năm sáu giờ chiều là tới nơi”, cô nhắc lại thời gian khổ đó, cười nhẹ như không. Nhẩm tính, từ lúc cha cô bắt ngồi trên bộ ván để tập đờn đến thời điểm đó, thâm niên ôm cây quân tử cầm của cô cũng được gần phân nửa tuổi đời của mình. Bảy năm ôm cây đờn hai dây, một loại đờn vốn chỉ dành cho đàn ông, bị cha cú đầu không biết bao nhiêu lần vì lo ra mà không thuộc chữ đờn, bù lại, vốn liếng của cô gái mười sáu tuổi ấy cũng gần đầy 20 bản tổ.
Tai nu quan tu cam Bac Lieu
Ngọc Cần cùng ba trong "buổi diễn "
Trước mặt tôi giờ là tài nữ Ngọc Cần duyên dáng trong chiếc áo bà ba truyền thống, chân giữ nhịp song lang, tay nhấn nhá hai sợi “tơ đồng” khi cho anh trai hát vọng cổ, lúc cho anh rể hát Phụng hoàng, khi cho cha và cậu ca ra bộ mấy lớp Xuân tình (trong sáu bản Bắc). Giọng hát của hai ông già khề khà mà cương quyết phách nhịp khuông đều theo nhịp song lang. Tiếng réo rắt của cây đờn kìm như vừa vuốt vừa đưa, chẳng nghe vướng víu. Đôi khi không thể lý giải cho một niềm đam mê. Chỉ biết đó như là thứ có sẵn trong máu, ẩn náu trong người. Đam mê là động lực khiến cô gái quê 16 tuổi đủ quyết tâm đón xe từ TP.HCM về Hộ Phòng cậy nhờ thầy Hai Hon dạy cấp tốc cho bằng được sáu câu Tứ đại oán lớp Hồi thủ ngay trong đêm, để khuya hôm sau, đón xe tài nhứt trở lên thành phố cho kịp dự khai mạc hội thi trong buổi tối cùng ngày. “Học từ tám giờ đêm đến ba giờ sáng, rồi quày quả trở lên. Các đơn vị dự thi mỗi người thay nhau đàn một bản trong 20 bản tổ, còn Ngọc Cần thi cá nhân, nên ngồi đờn “mình ên” đủ sáu Bắc, ba Nam, Tứ oán, bảy bài... trong gần một tiếng đồng hồ!”. Nhắc lại chuyện đi thi ngày trước, ông Sáu Trọng vẫn còn nguyên sự nể phục đứa con gái rượu của mình - đệ tử truyền nghề của thầy Hai Hon. Thầy Hai Hon thương Ngọc Cần như con. Truyền hết ngón đờn trong 20 bản tổ cho Ngọc Cần, thầy cũng qua đời. Ngày mất, thầy Hai nghèo đến không có đất chôn. Ông Sáu Trọng đã nhổ một tầm đất lúa đang lúc trổ đòng để làm nơi an nghỉ cho người thầy của con mình. “Tài tử mà, đờn ca là chỉ để chơi cho sướng cái thú đam mê của mình. Hát đình, hát chùa, hát đám, hát thí công... cốt chỉ để người đờn, người ca, người nghe cảm thấy thăng hoa là được rồi...”.
Ngọc Cần giờ đã được nhiều người gọi tài nữ Bạc Liêu. Khách đến Bạc Liêu muốn nghe đờn ca tài tử chính thống, nhất định phải tìm nghe cho bằng được ngón đờn của tài nữ Ngọc Cần. Hai mươi năm nay, cô vừa là nữ nhạc công duy nhất của đoàn cải lương Cao Văn Lầu, vừa là nhà tài trợ duy nhất cho tám đứa cháu học hành thành tài. Cô khoe mình sắp kết thúc chương trình cử nhân quản lý văn hóa và tâm sự, trong cô lúc nào cũng nồng nàn một tình yêu dành cho cây đờn hai dây của người quân tử. Tình yêu ấy mạnh đến mức cô “không dám lấy chồng vì sợ... rủi chồng ghen, không cho đi đờn nữa chắc em... chết!”.
 Nguyễn Thiện

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương