Phạm Tân - Tuấn Anh: Ước mơ một sân khấu riêng

Một trong năm giải C dành cho kịch bản sân khấu (SK) xuất sắc (giải thưởng cho các tác phẩm SK, các cá nhân xuất sắc năm 2012 khu vực phía Nam của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) thuộc về hai tác giả trẻ Phạm Tân - Tuấn Anh với kịch bản Gió hoàng cung. Ra mắt khán giả trong đợt Liên hoan Tài năng trẻ đạo diễn SK 2012, Gió hoàng cung không chỉ gây nhiều tranh luận về cách làm mới cải lương của những người trẻ mà còn để lại sự ngạc nhiên thú vị khi những người trẻ mạnh dạn lao vào đề tài lịch sử với góc nhìn, quan điểm riêng của thế hệ mình.

Thật ra, với khán giả SK, Phạm Tân - Tuấn Anh không phải là cái tên quá xa lạ. Năm 2007, bộ đôi này từng tạo được sự chú ý với vở Giếng lạ ở SK kịch Hồng Vân; tiếp theo là Cuộc chơi nghiệt ngã trên SK Idecaf và Bao Công kỳ án trong liveshow Hoài Linh. Tại Liên hoan Tài năng trẻ đạo diễn SK 2012, ngoài Gió hoàng cung, vở Xin một cái tên của bộ đôi tác giả này cũng đã góp phần mang về chiếc huy chương vàng cho tác giả Phan Nhật Phi Long.

Tốt nghiệp diễn viên cải lương, từng có thời gian đầu quân về đoàn cải lương Kim Thoa, nhưng chàng trai quê Tây Ninh - Phạm Tân nhận ra diễn viên không phải niềm đam mê thật sự của mình. Anh tiếp tục thi tuyển vào lớp đạo diễn của Trường CĐ SK-ĐA TP.HCM. Con đường đến với SK của Huỳnh Tuấn Anh còn bất ngờ hơn, bởi anh vốn tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng lại phát hiện mình không yêu lắm nghề “gõ đầu trẻ”. Rời quê hương Kiên Giang lên TP.HCM, Tuấn Anh chạm ngõ SK từ lớp đạo diễn, sau Phạm Tân hai khóa. Họ gặp nhau ở căng tin của trường khi Phạm Tân - anh SV năm cuối đang ăm ắp nỗi lo vì ngày tốt nghiệp cận kề mà vẫn chưa thể tìm được kịch bản tốt nghiệp. Người ngoài bao giờ cũng sáng suốt hơn, đã gợi ý cho kẻ đang rối bằng một ý tưởng có thể hình thành kịch bản. Sự tình cờ đó đã kết hợp họ thành bộ đôi tác giả ăn ý. Từ năm 2006 đến nay, không chỉ có khoảng 10 kịch bản đã được các SK hoặc SV thi tốt nghiệp chọn dàn dựng, Phạm Tân - Tuấn Anh còn là tác giả của khá nhiều bộ phim truyền hình: Huyền thoại tình yêu, Sống trên đời phải yêu nhau, Thảo nguyên ngọt ngào, Ông Tơ bà Nguyệt… và mới nhất là Chuyện tình nơi mắt bão - bộ phim truyền hình về thiên tai, lũ lụt đang phát sóng lúc 9g30 hàng ngày trên HTV7.

Hình ảnh
Phạm Tân (trái) và Tuấn Anh


Đau đáu với nghề và luôn khát khao tìm kiếm những điều mới mẻ từ ngôn ngữ đến cách dẫn dắt và nội dung câu chuyện kịch là những điều dễ nhận ra ở Phạm Tân - Tuấn Anh. Có lẽ họ là hai trong số hiếm hoi những tác giả trẻ dám chạm đến những kịch bản đề tài lịch sử, dã sử. Có thể lấy cảm hứng sáng tác từ một chi tiết trong lịch sử hay một truyền thuyết, một bộ phim rất quen thuộc, nhưng thay vì máy móc viết theo những gì đã có sẵn, Phạm Tân - Tuấn Anh luôn tìm hiểu thật sâu từ chi tiết đến bối cảnh, tính cách, tâm trạng... nhân vật để “biến hóa” kịch bản theo sự sáng tạo riêng. Hai anh cho biết: “Chúng tôi là những người rất mê lịch sử nhưng khi đặt bút viết về đề tài lịch sử, chúng tôi cũng không mơ ước làm được điều gì quá lớn lao. Chúng tôi chỉ mong được nhìn lịch sử bằng góc nhìn của những người trẻ và lý giải một số chi tiết, biến cố lịch sử bằng suy nghĩ của lớp trẻ thời hiện đại. Cách lý giải của chúng tôi có thể được chấp nhận, có thể bị phản biện. Đó cũng là cách để chúng tôi “kiểm định” lại suy nghĩ, quan điểm của mình, để biết mình nên tiếp tục với đề tài lịch sử ra sao, đứng ở góc độ nào. Chúng tôi biết, chạm đến đề tài lịch sử không dễ, nhưng có làm mới biết mình đúng sai chỗ nào để sửa. Nếu cứ lo sợ, e dè chắc chẳng bao giờ làm được”.

Đang giữ trong tay khoảng 15 kịch bản SK và vừa hoàn tất kịch bản lịch sử Hồ Quý Ly, nhưng con đường để đưa những đứa con tinh thần của mình ra diện kiến khán giả lại quá khúc khuỷu. Đó là trăn trở lớn nhất của Phạm Tân - Tuấn Anh hiện nay. Để trình làng Gió hoàng cung, ê kíp tác giả và đạo diễn Phan Ngọc Thức đã phải bỏ khoảng 180 triệu tiền túi đầu tư, nhưng cơ hội thu lại gần như bằng không. Nhưng, điều đó có vẻ như không làm nản lòng hai chàng trai đã trót đam mê SK. “Chúng tôi vẫn đang làm việc cật lực để tích lũy vốn liếng, chờ đến ngày có đủ điều kiện để được làm những gì mình thích. Không dám mơ một SK lớn, chúng tôi chỉ ước một ngày có thể đủ sức gầy dựng một điểm diễn nhỏ, một sân chơi cho chính mình” Phạm Tân chia sẻ.

Thảo Vân - Theo PNO

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương