Người sáng chế những chiếc đờn độc chạy bằng pin

Ở cái tuổi lục tuần, dù sức đã yếu, tóc đã bạc, nhưng những ngón đàn của ông Chín Quý (còn gọi là ông Chín đờn cò ở phường Hiệp Thành, TX.Ngã Bảy, Hậu Giang) vẫn rất mượt mà, bay bổng làm say đắm lòng người. Chưa thỏa mãn niềm đam mê, ông còn sáng chế ra rất nhiều loại đờn mới.

Không chỉ giỏi về ngón đàn, ông Chín còn sáng chế ra nhiều nhạc cụ phục vụ sự nghiệp lưu diễn của mình.

Cả nhà tài tử

Sinh ra và lớn lên tại phường Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa trong một gia đình có truyền thống đờn ca. Dù có tay nghề với các ngón đờn, nhưng ba mẹ ông sinh sống bằng nghề tráng bánh tráng.

Năm 1962, ông bắt đầu theo thầy Nguyễn Như Đăng học đờn bầu. Sau khi thành thạo, ông tiếp tục học chơi các loại nhạc cụ khác như violon, kìm, tranh,...

Tới năm 17 tuổi, ông đã biết kiếm tiền với sở trường chơi đờn ca tài tử, lưu diễn khắp nơi và trải qua cả chục đoàn hát.

Ông cho biết: “Lúc mới vào nghề khó khăn lắm, hết theo gánh hát này đến gánh khác, nhưng tôi trụ lâu nhất là đoàn hát Kim Chung 1 và 5. Trong những chuyến phiêu lưu đó, tôi gặp và kết nghĩa vợ chồng với vợ tôi, cũng là một người đam mê ca hát”.

Theo lời ông Chín, năm 1971, hai người gặp nhau tại đoàn hát Kim Chung, vì mê tiếng đàn và giọng hát mà tìm đến với nhau.

Bà Trang Kim Tuyến kể: “Chúng tôi theo đoàn hát lưu diễn nhiều tỉnh, nhiều lúc không đủ sống vì phải lo cho 2 đứa con nhưng vợ chồng vẫn bám trụ. Đến năm 1993, ghe đoàn hát bị cháy, đồ dùng cùng tiền bạc đều rụi hết, nhờ sự chỉ dẫn của Hoàng Thắm làm ở Phòng Văn hóa Ngã Bảy, chúng tôi về Ngã Bảy hoạt động văn hóa nghệ thuật đến nay”.

Tiếp nối đời ông, đời cha, hai người con của ông tiếp tục theo nghiệp đờn ca và nổi nhất là cậu con trai út, anh Nguyễn Thanh Nhân. 10 tuổi anh đã được cha truyền cho ngón đàn organ hiện đại. Từ ngón đờn organ, anh lại lái qua organ phục vụ đờn ca tài tử và cùng gia đình đoạt huy chương vàng tại Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ trong Festival Lúa gạo lần thứ I năm 2009 tại Hậu Giang.

Ngoài ra, anh có thể chơi các loại nhạc cụ khác như guitar, đờn cò. Hiện vợ chồng anh đã có dàn nhạc phục vụ đờn ca góp vui cho các đám cưới hay cúng đình, lễ hội... và đó cũng là nguồn kiếm sống của gia đình anh.

Cô con gái thứ hai của ông là Lê Thị Thanh Tâm cũng từng theo nghiệp của cha, chồng cô là anh Phạm Hoàng Phúc cũng thường theo gia đình diễn ở các lễ hội. Cả nhà ông đã từng đoạt giải nhì trong cuộc thi gia đình tài năng, giải nhất trong cuộc thi ứng xử lần I năm 2011.

Vào những dịp họp mặt cuối năm, tất cả các thành viên trong gia đình tập hợp lại để ôn luyện ngón đàn hay tập dợt bài mới. Dù là những lúc ngẫu hứng nhưng tiếng đàn, lời ca của dàn nhạc gia đình này lại có sức giữ chân, quyến rũ những ai vô tình đi ngang qua.

Sáng tạo đờn “độc”

Chưa thỏa mãn niềm đam mê với 2 cây đờn (guitar, bầu), ông sáng chế ra rất nhiều loại đờn mới. Hiện gia đình ông có 7 loại đờn, trong đó 5 loại là do ông tạo ra, như: “Tam huyền di” là sự kết hợp giữa đờn hạ uy và độc huyền cầm hay ngũ âm huyền, lục huyền cầm, kìm, cò... tất cả đều sử dụng bằng pin.

Lần lượt cho chúng tôi xem từng loại đờn, trong đó có cây tam huyền di lạ mắt, ông cho biết: “Tam” lấy ý tưởng từ cây đờn tam thập lục vì cây tam huyền di cũng được gõ bằng que, “huyền” vì đờn có hơi của độc huyền cầm (đờn bầu) và “di” vì đờn sử dụng cái block (thanh inox để chặn dây thay vì bấm phím khi gảy) giống cây hạ uy di. Khi đờn lên, cây tam huyền di vừa phát ra tiếng của cây hạ uy di lại vừa có tiếng của đờn bầu.

Ông còn cho chúng tôi xem cây đờn kìm, đờn sến được làm từ cây măng-đô-lin và chiếc trống của dàn nhạc lễ. Bên cạnh đó là những cây đàn guitar, hạ uy di do tự ông cải tiến, ông nói: “Chế tạo đờn mới là do mình muốn thay đổi âm sắc, làm mới tiếng đờn, mỗi giai điệu đều có tâm tình mình gửi vào đó và nó là đặc trưng của riêng mình”.

Hình ảnh
Ông Chín thích sáng chế ra đờn độc.


Không chỉ mê đờn, ông còn sáng tác các bài ca cổ thể hiện tình yêu quê hương của mình. Những ca khúc “Ngã Bảy quê tôi”, “Về Hậu Giang thăm căn cứ”, “Nhớ Nha Trang” do bà Kim Tuyến thể hiện đều do ông sáng tác. Bằng những cây đờn độc, kết hợp chất giọng ngọt ngào, truyền cảm, ông bà Chín đã đem đến cho quê hương nhiều giải thưởng trong những lần đại diện thị xã đi thi cùng tỉnh bạn.

Theo http://laodong.com.vn/

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương