Ngày giỗ lần thứ 30 cố NSƯT Thanh Nga

Ngày giỗ lần thứ 30 cố NSƯT Thanh Nga: Trang trọng, cảm động, ấm tình nghệ sĩ
23.11.2008 17:15

Hình ảnh
Hình: ngocanh

10 giờ Chủ nhật (23-11), tại sân khấu Đại Đồng đã diễn ra “Lễ kỷ niệm 30 năm - NS Thanh Nga qua đời”, một không khí đầm ấm, trang trọng, thân thương mà con, cháu, bạn bè, đồng nghiệp của NS Thanh Nga đã cùng về đây tưởng nhớ về cô – NS Thanh Nga tài hoa - bạc mệnh. Rất đông nghệ sỹ cải lương, diễn viên điện ảnh, kịch nói ...cùng đến tham dự.

Đứng trước cửa rạp từ rất sớm, khi mà ngay cả người thân trong gia đình của NS Thanh Nga còn chưa tới, cốt yếu chỉ để “gặp ai bắt nấy” – 30 năm biết bao giờ có dịp ghi lại hình ảnh như thế này nữa, kia là Tô Định – NS Văn Ngà – là nghệ sĩ đến đầu tiên, một bà cụ trông rất quen vừa nhờ xe ôm chở đến, thì ra đó là cô 8 Trống (làm đồ hội cho đoàn Thanh Minh) – cô bảo: “Cô đi xe ôm tới, để đốt nhang cho Thanh Nga. Đầu mùa Thanh Nga - cuối mùa cũng Thanh Nga”, một năm rồi nay mới gặp lại, cô vừa lãng tai và bị bệnh thận nặng, vậy mà Cô cũng tới, rồi lần lượt DV điện ảnh Trần Quang, NS Lệ Thuỷ bưng giỏ trái cây đến rồi đi vội. Nàng công chúa Bích Vân được ông xã đưa đến – NS Xuân Lan & Tấn An, tác giả của vở tuồng “Người vợ không bao giờ cưới” – SG Kiên Giang cũng lần lượt đến…

Bên trong sân khấu lúc này đã rất đông NS cải lương và diễn viên kịch, điện ảnh…Tiếng nói, tiếng cười rộn rã, tay bắt mặt mừng thi nhau chụp hình lưu niệm, hoặc chuyền tay nhau xem các tấm hình rất xưa của cố NS Thanh Nga mà ký giả Huỳnh Công Minh đem đến…

Đèn khán phòng tắt, âm thanh du dương, chương trình kỷ niệm 30 năm ngày mất của NSƯT Thanh Nga bắt đầu. 2 tiếng trống vang lên, màn nhung từ từ mở ra, trên sân khấu là hình ảnh bàn thờ NS Thanh Nga, 2 bên là hình Thanh Nga với mẹ, Thanh Nga với chồng. Khung quay tơ tự động, tái hiện lại Thanh Nga với tiếng hát của Bên Cầu Dệt Lụa. “Juliet Nga, Cháu Nga, Chị Nga, em Nga, cô Nga, má Nga…tất cả danh xưng ấy dành cho một người – NS Thanh Nga đã quá cố của chúng ta, một NS ưu tú không chỉ đối với công chúng mà đối với NS cải lương miền Nam nói riêng và của sân khấu Việt Nam nói chung. Tôi gọi Thanh Nga là chị và bây giờ cho phép tôi gọi chị như thế…thay mặt cho những ai đã từng biết, đã từng xem, đã từng ngắm, từng ngưỡng mộ. Xin nghiêng mình trước di ảnh của chị, nhân dịp 30 năm ngày chị ra đi” (MC), tất cả nghệ sĩ, khản giả đồng đứng dậy 1 phút mặc niệm tưởng nhớ về Chị. Thanh Nga vốn đã đẹp, lại càng đẹp và sang trọng hơn, lung linh hơn khi phía sau bàn thờ của chị là cảnh mây trời trôi đi nhè nhẹ. Con trai, con dâu, cháu nội, NS Hữu Châu, NS Hữu Lộc, diễn viên Gia Bảo lên sân khấu niệm hương cho nghệ sĩ quá cố…

“NS Thanh Nga sinh năm Nhâm Ngọ, năm 1942. Vai diễn đầu tiên của chị vào năm 8 tuổi, là vai một cậu bé con, đóng thay cho một cậu bé con khác, rồi sau đó chị ra sân khấu trong những vai đào nho nhỏ. Má Năm (mẹ NS Thanh Nga) cũng chưa hình dung được dáng dấp của một cô đào hát, rồi “Sơn Nữ Phà Ca “ xuất hiện, một soạn phẩm của SG Kiên Giang đã đưa Thanh Nga thành một ngôi sao sáng, giải thưởng Thanh Tâm năm ấy mở ra dường như để dành cho chị”. Trong không khí trang trọng này, giọng ca của Thanh Nga nghe hay và có hồn hơn mọi khi, khi cô cất lên “Mưa rừng”, “Xác pháo nhà ai”, “Gió ngược chiều”, “Hai cánh màn nhung”…oai phong, hùng hồn nhất là “Thái hậu Dương Vân Nga” với chiếc áo lông bào được rũ xuống, và khi tiếng trống đồng vang lên với Trưng Trắc – Thi Sách (Tiếng trống mê Linh) cùng nhau hoà quyện thì từng hàng khán giả, nghệ sĩ lần lượt lên mỗi người một đoá hoa hồng thay cho nhang khói cùng tạo nên hình tượng chử Thanh Nga toàn hoa hồng rất đẹp.


Hình ảnh

28 năm trên sân khấu, với 36 tuổi đời, NS Thanh Nga đã có mặt trên 230 vở diễn. Đến hôm nay khán giả, bạn bè, đồng nghiệp vẫn còn nhớ đến. Ở đằng xa đó, tôi nhìn thấy NS Hữu Châu đang khóc khi được nghe SG Lê Duy Hạnh, NS Bạch Tuyết, NS Kim Cương, NS Xuân Lan kể lại những kỷ niệm xa xưa về cố NS Thanh Nga.

“Kính thưa ông bà cô bác và các chị…chúng con gồm Hà Linh - Hữu Châu - Hữu Lộc và con dâu, cháu nội. Tổ chức buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày giỗ của mẹ, má Ba chúng con – NS Thanh Nga…Suốt 30 năm qua, dù biết bao biến cố xảy ra đã làm thay đổi trong gia đình Thanh Nga. Nhưng tấm lòng và tình yêu của tất cả mọi người dành cho NS Thanh Nga vẫn không thay đổi. Không những đối với NS Thanh Nga mà ngay cả đối với những người con trong gia đình Thanh Nga đi đến đâu cũng được mọi người mở lòng yêu thương, giúp đỡ. 30 năm qua, vào những ngày giỗ mẹ và má Ba chúng con luôn có những đoá hoa tươi do những người khán giả gửi đến gia đình và đặt trên mộ phần mà chúng con chưa lần nào được gặp mặt cũng như chưa biết được tên, chúng con chỉ biết cuối đầu lặng lẽ, trân trọng. 30 năm qua có những vai diễn ngày xưa mà mẹ, má Ba chúng con đóng thì luôn được nhiều thế hệ NS thể hiện lại và có những lời tâm sự với tất cả lòng trân trọng và kính phục…30 năm qua, dù mẹ và má Ba chúng con đã ra đi nhưng vẫn có những bài báo, quyển sách viết về mẹ, má Ba chúng con bằng tất cả tấm lòng mà một vài vị khán giả, tác giả bài báo đó…gia đình chúng con cũng không biết mặt, biết tên. Chúng con đã đọc và đã khóc, một lần nữa chỉ biết lặng lẽ cuối đầu tri ân những tình cảm ấy. Còn nhiều và rất nhiều những tình cảm trên khắp mọi miền và cả ở hải ngoại. Chúng con xin được cảm ơn tất cả các ông bà, cô chú, các anh chị đã dành thời gian, ngày nghỉ hôm nay đến đây để cùng nhớ về mẹ, má Ba. Xin cảm ơn những người bạn của Châu…”, phát biểu của NS Hữu Châu cũng kết thúc cho buổi lễ kỷ niệm “30 năm ngày giỗ NS Thanh Nga”.

NS Thanh Nga tài hoa bạc mệnh, mất đi khi tuổi đời còn rất trẻ, biết bao khán giả đã tiếc thương. Khán giả đau buồn 1, thì gia đình, người thân của NS Thanh Nga lại đau buồn 10. Giờ đây, trong buổi lễ tưởng niệm này, không khí trang trọng này, con của NS Thanh Nga – Cúc Cu ngày ấy nay là NS Hà Linh, đứa bé ngày xưa Thanh Nga đã giành giật lại từ tay bọn bắt cóc bằng mạng sống của mình, nay cũng đã trưởng thành, đứng bên di ảnh Thanh Nga cùng với vợ và 2 cháu nội gái. Ở nơi xa, cố NS Thanh Nga cũng nở nụ cười mãn nguyện.

Trong buổi lễ có sự tham dự của: Ông Dương Đình Thảo, SG Kiên Giang, NS Xuân Lan, NS Kim Ngọc - Trần Lang, NS Thanh Điền – Thanh Kim Huệ, NS Kim Hương, NS Nam Hùng, ông Trần Minh Ngọc, NS Hùng Minh, vợ chồng NS Diệp Lang, NS Thanh Lệ, bà 8 Trống, vợ chồng bầu Thuý Uyển, NS Thanh Thanh Tâm, NS Thoại Mỹ, NS Ánh Hồng - Hữu Lộc, cô 6 Liên (hãng dĩa VN), ông Lê Duy Hạnh, NS Văn Ngà, NS Ngọc Đáng, NS Trường Sơn – Thanh Loan, ông Hồ Quang, ký giả Huỳnh Công Minh, Thanh Tú – Trang Bích Liễu, đạo diễn Thế Ngữ, đạo diễn Hồng Dung, NS Thanh Vy, Thanh Nguyệt - Quốc Nhĩ, NS Xuân Hương, NS Bạch Tuyết, NS Kim Cương…NS Kim Xuân, Hồng Vân, Thành Hội, Thanh Thuỷ, Lưu Phước Sang, cô Diệu Đức, …DV điện ảnh Trần Quang…và rất nhiều diễn viên mà người viết bài không thể nhớ tên.

Toàn bộ hình ảnh xin xem tại mục “Nghệ sĩ tài danh” trong “Sân chơi cho khản giả”

ngocanh

http://cailuongvietnam.com/modules.php? ... t&sid=4758Thanh Nga

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương