Nỗi niềm sau trăm năm…

Nỗi niềm sau trăm năm…

Cập nhật lúc 17:01, Thứ Năm, 24/01/2019 (GMT+7)
Năm 2018 cả nước đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương (1918-2018). Thế nhưng, sau những hoạt động ấy, sân khấu cải lương vẫn còn đó những nỗi niềm.
Vở cải lương Chiếc áo thiên nga
Vở cải lương Chiếc áo thiên nga

* Bài toán chưa có giải đáp

Người làm cải lương giỏi nghề thì bắt đầu già. Lớp soạn giả có thể viết được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có những người lớn tuổi hoặc không đủ sức khỏe để viết, hoặc không cập nhật kịp thời đại. Người viết trẻ thì thiếu kinh nghiệm, mà tìm được người tâm huyết cũng không nhiều. Như soạn giả Hoàng Song Việt từng chia sẻ: Viết một vở cải lương trọn vẹn tốn nhiều công sức, viết rồi không biết nơi nào sử dụng vì thiếu sàn diễn, thiếu suất diễn. Mà nếu may mắn được sử dụng thì diễn cao lắm là 2-3 suất. Công sức bỏ ra như thế mà không được đền bù xứng đáng nên không ít bạn trẻ thà viết cho gameshow, truyền hình, đỡ nhọc công mà cát sê cũng cao hơn.
Các giọng ca cải lương trẻ, triển vọng thật ra cũng không thiếu. Rất nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng về đờn ca tài tử, cải lương hiện nay như: Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ, Đường đến danh ca vọng cổ… đã trình làng với khán giả một thế hệ mới có giọng ca hay, sắc vóc đẹp như: Thu Vân, Võ Minh Lâm, Bùi Trung Đẳng, Nguyễn Văn Khởi, Lâm Ngọc Hoa, Ngọc Đợi, Hồ Ngọc Trinh, Trịnh Thị Ngọc Huyền, Võ Thành Phê, Kim Luận, Minh Trường, Nhã Thi… Ông Hoàng Song Việt nhớ lại, có lần mời NSND.Lệ Thủy tham gia chương trình kỷ niệm sinh nhật lần thứ 9 nhóm Thắp sáng niềm tin cùng các bạn trẻ, khi ông gửi phong bì sau đêm diễn, bà đã từ chối và nói: “Chị không lấy để lần sau em còn mời chị hát chung với mấy đứa nhỏ nữa”. Rồi bà kéo ông lại nói: “Chị thấy mấy đứa nhỏ giờ có những đứa giỏi, triển vọng nhưng thương cái sanh ra không đúng thời”. Với kinh nghiệm của người đã trải qua những giai đoạn được xem là hoàng kim của sân khấu cải lương, NSND.Lệ Thủy hiểu rằng các bạn trẻ bây giờ còn non nghề mà phải đối đầu với nhiều “thế lực” giải trí hùng mạnh, đương đại khác. Các suất diễn cải lương thưa thớt, mỗi vở chỉ diễn chừng 1-2 suất là đã không còn khán giả, vì vậy cơ hội rèn nghề cho các diễn viên trẻ cực kỳ ít. Thiếu suất diễn, thiếu sự cọ xát với những vở diễn dài hơi để có thể sống trọn vẹn với nhân vật khiến các diễn viên trẻ thật khó để trưởng thành trong nghiệp diễn. Vì vậy, không ít người chán nản. Rồi vì mưu sinh họ cũng phải xoay xở trong những show hát đám tiệc, cái nghề vì thế cũng “giậm chân tại chỗ”...
Vở cải lương Ngày đó họ đều còn trẻ
Vở cải lương Ngày đó họ đều còn trẻ

Trong vài cuộc liên hoan, hội diễn gần đây đã xuất hiện một số đạo diễn trẻ gây được chú ý như: Hoàng Quỳnh Mai, Triệu Trung Kiên, Lê Nguyên Đạt, Lê Trung Thảo, Quốc Kiệt… Thế nhưng cơ hội cho họ thể hiện mình thật sự không nhiều. Ông Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường đại học sân khấu - Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh cho rằng, gần đây các đoàn tỉnh và thành phố gửi nghệ sĩ cải lương đi học đạo diễn ở trường rất nhiều. Tính sơ sơ có thể lên tới trên dưới 30 người. Có thể kể ra, cả học xong và đang học như: Hồ Ngọc Trinh, Mỹ Hằng, Minh Trường, Lê Hồng Thắm, Hoài Nam, Kim Oanh, Lịch Sử, Ngọc Quyền, Thanh Nhường, Đào Vũ Thanh, Hải Yến…  “Tôi cho rằng lực lượng đạo diễn trẻ không thiếu. Nhưng có lẽ họ chưa tạo niềm tin đủ sức làm những tác phẩm lớn, vì vậy chỉ giới hạn được giao dàn dựng những trích đoạn, tác phẩm nhỏ nên khó mà trưởng thành. Đâm ra có những người mang tâm lý chán nản, hoặc để kiếm sống họ đi dựng kịch cà phê, kịch quần chúng, phụ làm gameshow… Ở những mùa hội diễn, không ít đoàn tỉnh không dám giao “đạo diễn nhà” mà cố gắng mời cho được các đạo diễn thương hiệu, cây đa cây đề. Có những người chỉ tranh thủ thời gian chuốt vài buổi trên bản dựng của những người trẻ. Thế rồi thành quả lao động của đạo diễn trẻ cũng không được nhìn nhận, đó cũng là một trong những thiệt thòi của họ” - ông Đạt trăn trở về thế hệ đạo diễn trẻ.
Ngoài những nhân tố kể trên, sân khấu cải lương còn yếu, thiếu rất nhiều mặt. Thiếu nhân lực giỏi phụ trách lĩnh vực âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu, nhạc sĩ sáng tác nhạc, thậm chí ngay cả phục trang, hóa trang đôi khi cũng rất tùy tiện… Mỗi khâu, mỗi bộ phận đều có những vấn đề riêng. Tất cả đều góp phần làm cho sức sống của sàn diễn cải lương đáng báo động khi bước qua cột mốc trăm năm tồn tại.

* Phải giữ cho được sân khấu cải lương

Trong một cuộc hội thảo gần đây, đạo diễn - NSƯT. Ca Lê Hồng cho rằng sân khấu cải lương sống được phải nhờ sức mạnh tổng lực, sức mạnh tập thể. Chúng ta cần phải có một chiến lược đầu tư đồng bộ chứ không thể manh mún, chắp vá. Rồi bà chốt lại: “Sân khấu cải lương là loại hình nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa của đất Nam bộ, sau cột mốc 100 năm nếu chúng ta không giữ được sẽ thật có tội với tổ tiên”.
Vở cải lương Hồn của đá
Vở cải lương Hồn của đá
Có rất nhiều ý kiến bàn về giải pháp, trong đó phần đông đồng tình đưa đờn ca tài tử, cải lương vào học đường. Thực tế là nhiều bạn trẻ ngày nay chưa quan tâm, chưa yêu mến sân khấu cải lương, ngoài rất nhiều lý do thì một trong những yếu tố là có bạn chưa hiểu về cải lương, vì vậy họ khó lòng cảm, yêu mến bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
Ông Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường đại học sân khấu - điện ảnh chia sẻ, khoa của ông hiện đang có lực lượng sinh viên đang được đào tạo. Ông đang làm kế hoạch trình thành phố mỗi năm khoảng 40-50 sinh viên của khoa (từ năm 2 trở đi) có thể đến các trường học ở 24 quận, huyện trong thành phố. Mỗi một tuần chỉ cần khoảng 1 giờ, các em học sinh được các anh chị Khoa Kịch hát hướng dẫn tập hát những bài lý, bài bản nhỏ, khoảng vài tháng có buổi giao lưu văn nghệ giữa các trường. “Với dự án này, ban đầu nếu chưa có kinh phí thầy trò tôi có thể làm không. Thời gian sau chúng ta có thể xin kinh phí hỗ trợ từ các doanh nghiệp sản xuất dụng cụ học tập hỗ trợ tiền đổ xăng cho các sinh viên đi dạy, tiền dàn dựng các tiết mục giao lưu, nếu khả quan có thể có quà nho nhỏ như tập, viết… cho các em học sinh. Nếu dự án này được thực hiện dài hơi, khoảng 10 năm sau tôi tin sân khấu cải lương sẽ có ít nhất thêm 2-3 ngàn khán giả trẻ. Thêm nữa, việc tiếp cận và lan truyền tình yêu nghệ thuật dân tộc từ rất sớm, biết đâu chúng ta có thể phát hiện ra những tài năng nhí để bồi dưỡng trở thành nghệ sĩ tiềm năng cho sân khấu cải lương sau này” - ông Nguyên Đạt tính toán, và bày tỏ nếu ở những giờ ra chơi giữa buổi nhà trường phát một bản hòa tấu hoặc một bài lý thì càng tuyệt vời hơn. Học sinh được nghe sẽ từ từ thấm và yêu mến âm nhạc dân tộc.
Ngoài ra, ông Đạt cũng đề xuất thành lập Hiệp hội Sân khấu xã hội hóa. Ông cho rằng các đơn vị xã hội hóa hiện nay đang hoạt động khá khó khăn và còn nhiều bất cập. Vì vậy, sự kết nối lại giúp họ hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm đề tài, tổ chức dàn dựng, biểu diễn. Hiệp hội sẽ được Nhà nước cấp giấy phép và giám sát, tuy nhiên với sự năng động của mình Hiệp hội có thể tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ từ bên ngoài, phi chính phủ chứ không bám víu bầu ngân sách nhà nước. Tính tự chủ được nâng cao.
Vở cải lương Ảo mộng đế vương
Vở cải lương Ảo mộng đế vương
NSƯT.Kim Tử Long mong Nhà nước hỗ trợ cho một rạp hát đủ điều kiện biểu diễn cải lương với giá thuê thật ưu đãi. Khi đó anh mong muốn mỗi năm dựng chừng 2 vở cải lương, mỗi vở diễn khoảng 6 tháng với ít nhất 30 suất. Nếu có được những ưu đãi đó anh tin rằng mình có thể tập hợp anh em nghệ sĩ, chịu đồng lòng, chia sẻ cát sê ở mức chấp nhận được để chỉ mong sân khấu cải lương được sáng đèn thường xuyên, một vở diễn được kéo dài sức sống. Và khi đó giá vé xem hát cũng có thể tính toán chỉ tương đương giá vé của sân khấu kịch, vừa với túi tiền người xem hơn. NSƯT.Lê Tứ mạnh dạn đề nghị Nhà nước cho hẳn sân khấu cải lương một rạp hát nào đó khoảng chừng 400 ghế. Có một cái rạp như thế anh tin anh em nghệ sĩ tâm huyết có thể tụ họp lại diễn vào các ngày cuối tuần. “So với đi show bên ngoài thì chắc chắn cát sê một đêm hát trọn vở không thể sánh bằng. Nhưng là nghệ sĩ ai cũng muốn mình được khóc cười với nhân vật, được tương tác trực tiếp với khán giả bằng những vai diễn đầy đặn. Thời gian đầu, lương mỗi suất có khi chỉ cỡ tiền đổ xăng thôi nhưng được hát thường xuyên là niềm vui. Chúng tôi sẽ được tự do chọn đề tài vở diễn để có thể đáp ứng nhu cầu khán giả, bán được vé, miễn làm đàng hoàng không gây phản cảm” - Lê Tứ chia sẻ suy nghĩ của mình.
Nghệ sĩ trẻ Võ Minh Lâm bày tỏ suy nghĩ: “Có một thực tế, với những bạn có giọng ca hay, chỉ cần bỏ một ngày chạy show hát 1-2 bài cũng có thể nhiều hơn tiền lương một suất diễn. Quay hình vở diễn cũng vậy, phát lên lượng người xem cũng rất hạn chế. Đôi khi có người hỏi vì một lượng người xem ít ỏi như thế mình có cần phải tiếp tục cực khổ tập luyện không? Xin thưa rằng khán giả ít như thế mình phải càng trân trọng, phải nghiêm túc để giữ họ lại, mong lâu dài có thể phát triển thêm lượng khán giả mới. Càng khó khăn, nghệ sĩ càng phải gắn kết mới tạo được hiệu ứng tốt. Đừng so đo tới từng cái tên trên băng-rôn, đừng chỉ biết làm đẹp cho bản thân mình trên sân khấu mà quên đi làm đẹp cho nhân vật. Khi đã nhận một vở diễn có đảm bảo theo đến cùng, hay chỉ diễn 1-2 suất lấy lý do đi show bỏ vai, rồi nhà tổ chức phải thế vai khiến chất lượng vở diễn đi xuống...”.
Vậy đó, sàn diễn khó khăn không thể cứ đổ thừa lẫn nhau. Mỗi cá nhân, mỗi bộ phận hãy cố gắng trong khả năng của mình giữ trọn đạo làm nghề, chăm chút cho nghề. Từ những nỗ lực nhỏ từ từ sẽ tạo nên sức mạnh lớn. Có một thể trạng khỏe mạnh, sân khấu cải lương mới có đủ sức để đi tiếp, để nối dài một loại hình nghệ thuật độc đáo cho thế hệ mai sau…
TRÍ TRỌNG

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương