Gian nan đào tạo diễn viên tuồng


Cảnh trong "Nữ tướng Ðào Tam Xuân" - vở diễn tốt nghiệp của khóa đào tạo diễn viên tuồng 2014 - 2018.
Cùng với nỗi lo nghệ thuật tuồng truyền thống mai một theo thời gian là sự khan hiếm nguồn lực diễn viên trẻ tài năng. Từ lâu lắm rồi, Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội không thể tuyển sinh được lớp diễn viên tuồng.
"Tre" già chăm "măng" non
Tốt nghiệp trung học phổ thông, may mắn thi đỗ vào lớp diễn viên tuồng, Tạ Văn Phương rời quê Hà Tây đến Thủ đô ở trong căn hộ tập thể của Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng 10 bạn trong lớp. Phòng ở rộng rãi, thoáng mát có ti-vi, điều hòa không khí. Bốn năm học, Phương và các bạn chỉ mất tiền ăn uống, thi thoảng lại được nhà hát bố trí đi biểu diễn phục vụ các lễ hội để thêm trải nghiệm và thu nhập. Phương tự nhận, mình đang có được điều kiện khá tốt cho việc khởi đầu sự nghiệp diễn viên. Tuy nhiên, "tôi không dám chắc mình có theo được nghề hay không vì hoạt động nghệ thuật rất khắc nghiệt, trong khi cuộc sống luôn có quá nhiều thử thách", nam diễn viên trẻ thổ lộ. Theo Tạ Văn Phương, bốn năm vừa học vừa thực hành đã đủ để hiểu con đường nghệ thuật trước mắt gian nan thế nào.
Thực tế, không có chuyện bạn trẻ nào đó ôm mộng trở thành diễn viên tuồng, chờ đến mùa tuyển sinh để khăn gói đến khoa Kịch hát dân tộc (Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội) dự thi mong toại nguyện ước mơ được tỏa sáng trên sàn diễn. Nhà hát Tuồng Việt Nam, đơn vị hiếm hoi của làng tuồng miền bắc trong tình cảnh "tre" đang già đã phải cất công đi tìm "măng" để giữ gìn một trong những loại hình sân khấu dân tộc lâu đời nhất. Ðề án liên kết đào tạo diễn viên, nhạc công tuồng niên khóa 2014 - 2018 do Nhà hát Tuồng Việt Nam và Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) đã mang lại niềm hy vọng cho môn nghệ thuật này. Năm 2014, Bộ giao chỉ tiêu 30 diễn viên, nhạc công nhưng Nhà hát yêu cầu thêm cho đạt con số 40. Sau khi tuyển đủ con số mong ước cũng chỉ có 36 người nhập học; tốt nghiệp xong còn lại 32, trong đó 10 nhạc công, 22 diễn viên. Trong quá trình làm nghề, số này chắc chắn sẽ bị rơi rụng. Ðây là điều người làm nghề đang cố gắng khắc phục.
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn nhận định, trong tình hình hiện nay, kết quả của đề án trên là đáng hài lòng. Theo đề án, Nhà hát Tuồng Việt Nam trực tiếp đi chín tỉnh, thành phố, 26 huyện để tuyển lựa từng giọng ca tốt. Nhà hát Tuồng Việt Nam chịu toàn bộ trách nhiệm vấn đề đào tạo chuyên môn, vì thế tuy học ở Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội nhưng các em học sinh được các nghệ sĩ, nghệ nhân lão làng của Nhà hát trực tiếp giảng dạy, kèm cặp từng ly từng tý; vì chính Nhà hát Tuồng Việt Nam là nơi tiếp nhận và hưởng thành quả của loại hình đào tạo này. Song được biết, ở Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội, những người thầy có tay nghề cao cũng đã nghỉ chế độ từ lâu, hầu như không còn ai có thể đứng lớp. Không chỉ tận tâm chu đáo trong giảng dạy chuyên môn, Nhà hát Tuồng Việt Nam còn thành lập cả Ban chủ nhiệm chịu trách nhiệm nơi ăn, ở cho các nghệ sĩ tương lai mà không cần đến ký túc xá của trường.
Ước mơ về diễn viên kịch hát thời 4.0
Theo TS Phạm Trí Thành, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội, chất lượng lớp đào tạo theo đề án này khá tốt, thuộc hàng đầu của khoa trong thời gian gần đây với nhiều sinh viên đạt loại giỏi; bởi Nhà hát Tuồng Việt Nam là đơn vị sử dụng lao động đã tự tay tuyển sinh, đào tạo, lại tạo điều kiện hết mức về đời sống cũng như việc làm. Tuy nhiên, cũng có chút thiệt thòi là nhiều em còn nhỏ, mới tốt nghiệp trung học cơ sở cho nên khả năng nhận thức nói chung chưa được hoàn thiện. Ông Thành cũng cho biết, sinh viên kịch hát dân tộc hiện nay khá "sướng" vì không những được giảm 70% học phí, mà còn có tiền bồi dưỡng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, học bổng cho đối tượng này cũng cao, vì thế nếu chăm học thì coi như cũng đã có thêm khoản thu nhập nhỏ. Thế nhưng việc tuyển diễn viên kịch hát, nhất là tuồng, vẫn rất vất vả do thế hệ trẻ không quan tâm.
Cùng với việc khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao thì một thực tế là các diễn viên mới tốt nghiệp ít khi được phân vai chính ngay, vì thế họ không có cơ hội để trưởng thành hay tâm huyết với nghề. Nhiều sinh viên thành tích học tập cao, các đơn vị tranh nhau mời gọi, song khi đi làm chỉ được phân vai phụ chạy qua, chạy lại. Lửa nghề vì thế cũng nhanh nguội. Ông Phạm Trí Thành cho biết thường phải can thiệp để sinh viên của mình sớm được giao vai. "Tôi từng "mặc cả" với một nhà hát, nếu nhận sinh viên giỏi về, trong vòng sáu tháng phải giao vai chính". Theo ông, từ 5 đến 7 năm đầu tiên của nghề là vô cùng quan trọng đối với một tài năng măng non. Hiểu được điều này, Nhà hát Tuồng Việt Nam thành lập luôn một đoàn trẻ từ những sinh viên vừa tốt nghiệp của đề án liên kết đào tạo và đã có kế hoạch cho các em đi biểu diễn trên phố cổ, các địa điểm du lịch. Dù quan tâm chu đáo song có lẽ các nghệ sĩ lớp trên cũng hiểu rằng, có quá nhiều cám dỗ với các diễn viên trẻ ngoài đời. Ngay cả với diễn viên trẻ, bốn năm học tập hệ trung cấp, giai đoạn thử việc ngày ba buổi tập luyện miệt mài vẫn chưa đủ để đứng trên sân khấu chuyên nghiệp khiến họ cảm thấy hoang mang. Ðấy là chưa kể nỗi lo về tấm bằng hệ trung cấp thì mức lương cũng thấp, lại phải lo học để nâng cao. Ðáng buồn nữa, là khán giả trẻ hầu như chẳng ai biết đến tuồng dễ khiến họ cảm thấy mình lạc lõng, lạc thời. Vì vậy, TS Phạm Trí Thành mong muốn đào tạo những sinh viên nghệ thuật dân tộc với tư duy mở, ngoài những kiến thức cơ bản, khả năng làm nghề còn là tri thức vững vàng để đón nhận sự thay đổi ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; bởi "không thể đoán được từ 5 đến 10 năm nữa tuồng, chèo, cải lương sẽ thay đổi thế nào".
THU HUYỀN

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương